Views: 38
Giới thiệu một địa điểm thực hành lòng đạo đức bình dân tại giáo phận Qui Nhơn
Thành phố Quy Nhơn được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt. Phía Đông và Bắc có biển Đông và đầm Thị Nại bao quanh ; phía Tây và Nam có núi Xuân Vân và Vũng Chua che chắn. Riêng ngọn núi Xuân Vân trải dài chạm mé biển Đông, phân ranh hai vùng Ghềnh Ráng và Qui Hòa, tạo nên một bãi tắm lừng danh mà chân quê gọi là “bãi Trứng” và văn vẻ đượm hơi hướng lịch sử thì gọi là bãi Hoàng Hậu. Vì nghe đâu Hoàng Hậu Nam Phương đã từng tắm ở bãi Trứng nầy !
Nhưng điều muốn nói đến hôm nay đó là “đã có một buổi chiều cuối tuần đặc biệt trên đỉnh Xuân Văn”.
Đặc biệt ở đây hoàn toàn không phải đỉnh núi Xuân Văn cho ta thấy toàn thành phố Quy Nhơn như một chiếc trâm bạc cài lên mái tóc biển xanh ; cũng không là một đỉnh cao Xuân Vân với con đường dốc bực thang mà ai chinh phục được đỉnh nầy phải trả giá bằng những bước chân hụt hơi muốn chết !
Vâng, đặc biệt là mỗi chiều cuối tuần, trên đỉnh Xuân Vân luôn âm vang những lời kinh tiếng hát của một số đông giáo dân Công Giáo. Cứ đúng 3 giờ chiều, họ tập trung lên lễ đài Thánh Giá để đọc kinh “Lòng Thương xót”, sau đó xuống lần chuỗi Mân Côi trước tượng đài Đức Mẹ.
Cả hai công trình tôn giáo nầy ghi dấu mốc lịch sử năm 1961 được thiết đặt bởi các chị em nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, cộng đoàn Nữ Tu đã từng có mặt tại Qui Hòa từ năm 1932 để chăm sóc bà con nhiễm bệnh phong cùi ; và sau bao thăng trầm thế cuộc, nơi đây hôm nay đã trở thành địa điểm hành hương sùng kính Lòng Thương Xót Chúa và Đức Trinh Nữ Maria của anh chị giáo dân trong vùng Qui Nhơn-Bình Định.
Chiều nay, một chiều thứ Bảy đầu tháng và áp Chúa Nhật I Mùa Chay, trên đỉnh Xuân Vân lại âm vang những lời kinh sốt sắng. Chắc chắn lời kinh dịu vợi đó sẽ bay lên tòa Chúa để từ đó mang về cho đời thường cuộc sống niềm an ủi vỗ về của Mẹ Maria dành cho biết bao cuộc đời hẩm hiu, bất hạnh, bệnh tật, đói nghèo. Ước mong sao những buổi chiều cuối tuần như thế còn mãi, còn mãi trên đĩnh núi Xuân Vân !
Trương Đình Hiền