CHẠM ĐẾN VỚI BÀN TAY CỦA “LÒNG THƯƠNG XÓT”

Views: 61

(CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – Năm C 2019)

Tông Đồ Tôma ngày xưa đã thách thức : “Làm sao tôi có thể tin được Người sống lại nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh…”.

          Một sự thách thức rất “thực” và cũng đầy “nhân văn” !

          Kể từ sau cái “buổi sáng tinh mơ Ngày Thứ Nhất trong tuần” với cái tin động trời của Bà Maria Mađalêna : “Tôi đã thấy Chúa”, thế giới luôn đầy dẫy những con người, những luận thuyết, những triết lý, những cuốn tiểu thuyết “best seller” hay bao loại phương tiện truyền thông khác…hoặc giơ tay phủ nhận cách thẳng thừng, hoặc hoài nghi sự kiện Đức Kitô phục sinh từ trong cõi chết.

          Quả thật, nếu câu chuyện “Chúa sống lại” chỉ là một “bản tin giật gân của mấy mụ đàn bà hoang tưởng”, để rồi sau đó khép lại như bao câu chuyện của đời thường, tuyệt nhiên không có gì xảy ra sau đó, thì thử hỏi trên thế giới nầy liệu có được mấy  người tin Chúa Giêsu ?  Mà dẫu cho thế giới có sai lầm và mù quáng suốt 2000 năm nay chăng nữa, thì ở giữa thời đại văn minh như hôm nay, liệu có tồn tại không một tôn giáo dựa trên một lời bịa đặt dối trá ?

 

          Vâng, đằng sau bản tin “Mộ trống” của các trang Tin Mừng, đằng sau câu chuyện nhát gừng “Chúa đã sống lại” của các phụ nữ, đằng sau lời đoan quyết “Tôi đã thấy Chúa” chẳng ai làm chứng của bà Maria Mađalêna, và cả những lời xác nhận “chúng tôi đã thấy Chúa” không mấy xác tín của đám đông Tông Đồ trong “căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái” …phải có một “sự thật vĩ đại”, một “ấn chứng thần linh” chắc chắn, một sự “hiện diện đích thực của Đấng Phục Sinh”…mới làm cho “chân lý Phục Sinh”, “Tin mừng Phục Sinh” được thuyết phục, tin yêu, đầy sức sống và hy vọng suốt 2000 năm.

          Chìa khóa để mở cánh cửa của niềm tin là ở đó : Khi lý trí con người “giơ tay đầu hàng” thì Thiên Chúa đã đến. Liền sau những lời có vẻ nhát gừng của các tông đồ : “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”, thì lập tức Chúa hiện ra giữa các ông với lời chúc : “Bình an cho anh em”. Kế tiếp bản tin giật gân của các bà phụ nữ là một loạt những lần hiện ra của Đấng phục sinh để ấn chứng. Chính sự hiện diện tỏ tường nầy đã xoay hẳn 180 độ niềm tin của các tông đồ. Từ những con người hoang mang lo sợ trốn chui trốn nhủi như những tội nhân đang bị truy nã các ông đã mở tung cửa ra khỏi nhà mạnh dạn đi khắp nơi công bố về Tin Mừng Chúa sống lại. Cho dù bì cấm đoán, bị đòn vọt và sau nầy bị bắt, bị kết án nhục hình cở nào mặc ý, các ông vẫn hiên ngang “lấy mạng sống để làm chứng cho sự thật phục sinh”.

          Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ có sức tác động của Chúa Thánh Linh, chỉ có “Bàn tay quyền năng của Đấng Phục sinh chạm tới” mới làm nên việc kỳ diệu như thế, như lời chứng của Thánh Gioan Tông Đồ trong thị kiến tại đảo Pátmô được thuật lại trong BĐ 2 hôm nay : “Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói : “Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ. Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau nầy.”.

          Chính vì thế, chúng ta có thể phát biểu một cách xác tín rằng : mầu nhiệm phục sinh đó là “mầu nhiệm Đức Kitô đang hiện diện” :

– một sự hiện diện làm nên Kitô giáo, một sự hiện diện làm nên lâu đài đức tin,

– một sự hiện diện làm nền tảng của giáo lý, tâm điểm của mọi cử hành phụng vụ,

– một sự hiện diện làm kim chỉ nam cho mọi qui luật luân lý và tu đức,

– một sự hiện diện làm nên chính lương thực trường sinh và sức mạnh thiêng liêng cho cuộc đời tại thế,

– một sự hiện diện có sức mạnh lôi kéo con người tiến bước trong niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng,

– một sự hiện diện làm bật rễ những tâm hồn tăm tối tội lỗi để vươn mình chỗi dậy bước vào ánh sáng tình yêu và ân sủng…

          Chính vì thế, niềm tin của người kitô hữu, cuộc sống đích thực của người Kitô hữu chính là sống “sự hiện diện nầy”, như lời định nghĩa của Thánh Phaolô: “Tôi sống đây không phải là tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.

 

          Nhưng chúng ta cũng biết rằng : sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô chỉ hiện diện cách hữu hình vỏn vẹn có 40 ngày. Sau đó “Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa”, nhường chỗ cho một sự “hiện diện mới”, một Đức Kitô phục sinh vô hình nối dài trong lịch sừ, mà theo ngôn ngữ thần học của Thánh Phaolô, đó chính là “Thân Thể huyền nhiệm của Ngài”, là Hội Thánh.

          Quả thật ngôn ngữ phụng vụ hôm nay cho dù âm vang những tên gọi khác nhau như “cộng đoàn”, “tông đồ”, “tín hữu, “nhóm Mười Hai”…thì tất cả đều qui chiếu về một điều duy nhất : “một cộng đoàn đang làm chứng về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”, một cộng đoàn đang nỗ lực làm chứng rằng : tất cả những ai “đồng tâm nhất trí” dưới “bóng mát Phêrô” đều sẽ được phục hồi trong Vương quốc sự sống. (Bđ 2).

– Đó là cộng đoàn quây quần chúng quanh các tông đồ để của cải làm của chung, hiệp nhất một lòng một ý trong tình bác ái huynh đệ.

– Đó là cộng đoàn qui tụ với nhau trong bí tích Thánh Thể để “chạm đến thương tích của Đấng Phục sinh đang hiện diện” và trở thành những đôi tay nối dài của Ngài để xoa dịu những vết thương đau giữa cuộc đời.

– Đó là cộng đoàn sống mầu nhiệm thánh tẩy bằng thái độ dấn thân lên đường để hoàn toàn phó thác vận mệnh cho “lòng xót thương của Thiên Chúa”

          Một cộng đoàn Hội Thánh nào không phản ảnh hay phản lại những giá trị trên, những đặc tính nền tảng trên sẽ không bao giờ có Đức Kitô phục sinh hiện diện. Chính vì thế, những bài học căn bản mà Hội Thánh phải học triền miên đó chính là hiệp nhất, yêu thương, sẻ chia, Thánh Thể, phục vụ, truyền giáo…

          Khi nào người kitô hữu lìa xa Hội Thánh, tách rời cộng đoàn để “xé lẽ ăn riêng” sẽ rơi vào nguy cơ “cứng lòng, vô tín như Tôma”.

          Khi nào cộng đoàn hội Thánh vẫn còn sống trong sự nhát sợ, cục bộ, ích kỷ  “đóng cửa kín bưng” để xa rời anh em đồng loại, sẽ có nguy cơ làm xơ cứng cũ mòn lời chứng về sự phục sinh và sẽ không thuyết phục được con người hôm nay tin vào việc Chúa sống lại.

          Sau hết, chúng ta đừng quên, Đức Kitô không hề che giấu những “vết sẹo thương khó” trên thân thể phục sinh của Ngài; đó chính là dấu chỉ sống động cụ thể của “lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa”.

          Trên “Thân Mình Hội Thánh” và trong nhân loại hôm nay, còn có biết bao nhiêu phận người mang hình ảnh của “Đức Kitô loang lổ vết sẹo” của đói nghèo, bị áp bức, bệnh tật, tù đày…đang cần được “chạm đến” với bàn tay của “Lòng Thương Xót”.

Giuse Trương Đình Hiền