CHÙM THƠ “30.4”

Views: 140

Cảm nhận “Tháng 4 đen”

1. XIN LỖI EM ANH KHÔNG VỀ ĐÚNG HẸN

 

Anh đã hẹn em xuân nầy sẽ gặp,

Để trọn lời nguyền đính ước trăm năm.

Để bên nhau cùng ngắm ánh trăng rằm,

Và hái tặng em đóa hồng tươi ân ái !

 

Nhưng bước hành quân nối dài trở lại,

Hết Bình Giã, Đồng Xoài, tới Đỗ Xá, Pleime.

Xuân Mậu Thân hay “đỏ lửa mùa hè”,

Không phải dối em nhưng anh đành lỡ hẹn !

 

Có những bình minh anh nhờ cánh én,

Mang dùm anh lời nhắn gởi cho em.

Một bài thơ anh vừa viết trong đêm,

Dưới ánh hỏa châu vang rền đạn lửa !

 

Anh cứ tưởng hòa bình không xa nữa.

Đã qua rồi Char-li hay máu đổ Khe Sanh.

Nhưng đường hành quân cứ biền biệt trôi nhanh,

Mà chẳng thấy mùa xuân sang biển lặng !

 

Bước chân anh càng dày thêm cay đắng,

Mỗi ngày qua bạn bè chết trước mất sau.

Thượng Đức, Ban Mê, Quảng Trị…đổi màu,

Đường số 7 Phú Yên ngập tràn máu đổ !

 

Cuộc hẹn cùng em nhạt nhòa vụn vỡ,

Mảnh quê hương giờ rách nát thảm thương.

Cả lũ bọn anh xơ xác trên đường,

Thương tích đầy mình, con tim rách nát…

 

Chiều tháng 4, trong hơi tàn phờ phạc,

Anh nguyện đôi lời xin Trời chứng dùm anh.

Lỗi hẹn cùng em, dù chẳng muốn, thôi đành.

Xin lỗi em, đừng chờ, anh xin vĩnh biệt !

 

Sơn Ca Linh (Tháng 4/2017)

 

2. MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY

 

Quê hương nào mà vắng những dòng sông,

Lịch sử nào

lại thiếu trang chuyện “chiếc cầu đã gãy” ?

 

Đã có một thời,

Anh với em giữa đôi bờ ngăn xa thuở ấy,

Cứ tưởng rồi biền biệt đến thiên thu !

Nước lũ sông kia lên quằn quạy đục ngầu,

Mang rác rưới hận thù che khuất nẻo !

 

Đã có một thời,

Ta điếc lác, mù loài, ta vật vờ xiêu vẹo…

Quờ quạng tìm nhau trong bóng tối mông mênh.

Bắn giết nhau cho mặc kiếp điêu linh,

Xác phơi ruộng đồng, thân chôn rừng thẳm…

 

Rồi ta trở về,

Thương tích đầy mình cùng hai chiếc nạng,

Ngẫm chuyện bồ câu mang cành lá ô-liu !

Ta đốt nén hương trên mộ bạn đìu hiu,

Và ngâm khúc bài đồng dao mẹ dạy…

 

Nhưng trong lòng ta,

Vẫn gờn gợn chuyện “chiếc cầu đã gãy”,

Nhịp bắc qua rồi mà đôi bờ vẫn mãi cách xa.

Anh và em ngại ngùng chẳng chịu bước qua,

Dẫu muốn lắm,

tay bắt mặt mừng chén rượu nồng tao ngộ !

 

Thì có chi đâu,

Kẻ ôm sỹ diện hảo một bụng đầy ý thức hệ,

Người loay hoay mang chút tự hào dang dở tự do.

Thêm ngoại nhân ác tâm lắm kế nhiều trò…

Nên phần “người” đành để phần “con” vượt mặt !

 

Lằn ranh đó bao năm rồi chia cắt,

Biết bao giờ ta mới đến cùng nhau.

Bờ Bắc bờ Nam nối lại nhịp cầu,

Thay chiếc cầu xưa, “một chiếc cầu đã gãy” !

 

Sơn Ca Linh (28/4/2018)

 

3. KỂ TỪ SAU ĐÊM ẤY ?

 

Ta đã thấy gì sau đêm ấy,

Đêm hòa bình mà “mắt mẹ chưa vui”[1]

Thấy em thơ nước mắt sụt sùi,

Vầng khăn trắng phủ lên đời côi cút !

 

Ta đã thấy tương lai là ngõ cụt,

Kiếp phận đời xin phó mặc rủi may.

Của cải gia tài, trắng cả đôi tay,

Còn duy nhất chút nợ tình dang dở.

 

Ta đã thấy người vợ hiền nức nở,

Ôm xác chồng lạnh ngắt vết thương đau !

Làm sao qua giờ đứt đoạn cây cầu ?

Và cuối xóm mái nhà xưa tan nát ?

 

Ta nghe thấy con chìa vôi đang hát,

Tháp giáo đường tắt lịm tiếng chuông ngân.

Con sông quê ta hụp tắm bao lần,

Giờ hoang vắng nên bãi bờ xa lạ !

 

Ta đã thấy gánh gồng ai tất tả,

Dắt díu đi mà chẳng biết về đâu !

Tay ẵm tay bồng mắt mẹ lo âu,

Nắng tháng tư, bụi đường mờ chân bước…!

 

Ta đã thấy giữa núi rừng mạn ngược,

Những thân tàn ma dại đám tàn quân.

Rách nát xanh xao còm cỏi tấm thân,

Trường cải tạo của một bầy súc vật.

 

Ta đã thấy bao công trường tất bật,

Nước mắt em hòa nhại nhễ mồ hôi.

Mái tóc, làn da, dáng đứng hoa khôi,

Tay liềm cuốc, bút nghiên đành xếp lại.

 

Ta đã thấy những đêm dài tê tái,

Những con thuyền trôi dạt giữa mênh mông.

Ai đó trên bờ dõi mắt ngóng trông,

Người đi mãi giữa trùng dương cổ mộ…

 

Sau đêm ấy, tiếng đàn ta đứt đổ,

Mối duyên đầu lịm tắt khúc tình ca.

Lê lết đường đời mờ mịt trôi xa…

Ta hoá dại khờ kể từ sau đêm ấy !

 

Sơn ca Linh (Tháng 4/2017)

 

4. CHUYỆN NHỮNG CON ĐƯỜNG

 

20 năm,

Con đường dài của hận thù, của máu,

Hận thù ý thức hệ, máu của anh em.

Đại bác, tàu bay, đạn…mượn của mỗi bên,

Anh em xáp lại quần nhau cho tới chết !

 

Từ đó,

Thân mẹ Việt Nam cong cong chữ S,

Đông tây, nam, bắc chằng chịt những con đường.

Nào phải gấm hoa, mà là “đại lộ kinh hoàng”,

Đường Mậu Thân oan nghiệt, đường mùa hè đỏ lửa.

 

Rồi tháng 4,

Mùa xuân vọng về những con đường cuối,

Miền Trung tháo chạy, thất thủ Tây nguyên…

Ra biển, vượt đèo, đường nào cũng ngập máu triền miên,

Anh em rượt nhau quyết thư hùng hiệp kết.

 

Con đường cuối

Bắc Nam xuôi ngược, đậm màu bi thiết,

Đạn dược bao nhiêu chơi ráo máng cạn tàu.

Nợ máu dâng đầy, làm sao nhìn mặt nhau,

Chắc tại mẹ, sinh con sinh nhầm thế kỷ !

 

Biết bao giờ,

Những “Đại lộ kinh hoàng”, những “Tỉnh lộ Bảy”…

Những con đường xưa loang lổ vết hận thù.

Gai gốc nhập nhằng ý thực hệ âm u,…

Phát quang, dọn sạch, chỉ còn “Đường Việt nam” duy nhất !

 

Sơn Ca Linh

(Tháng 4.2019)

[1] Lời trong ca khúc “ĐÊM NAY HÒA BÌNH SAO MẮT MẸ CHƯA VUI” của có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.