RA ĐI VỚI MỘT LỜI CAM KẾT : TÌNH YÊU

Views: 48

(Chúa Nhật 24 Thường niên năm C, 2019)

Vào khoảng thập niên 70 (1973) của thế kỷ trước, ban nhạc Tony & Dawn ở Mỹ đã thu âm và phát hành một ca khúc mang tên “Tie a Yellow Ribbon Round the Old Oak Tree.” (Hãy buộc dãi ru băng lên cây sồi già)[1] và đã trở thành một khúc tình ca “hit” lúc bấy giờ. Thật ra, ca khúc trữ tình nầy chính là chuyện kể một câu chuyện tình có thật đã xảy ra cũng vào thời điểm đó tại làng White Oak thuộc tiểu bang Georgia…

“Vào năm 1972, tại một tỉnh vùng núi xa xôi, trong một thị trấn nhỏ vô danh, có một chàng trai bị kết án tù. Cảnh sát đã chứng minh được rằng anh phạm tội và 3 năm tù là thời gian vừa đủ để anh sửa chữa lại mọi chuyện. Nhưng Mary – người vợ sắp cưới của chàng trai- thì không thể tin điều đó. Ngày mở phiên tòa, mặc cho chàng trai không ngừng quay về phía sau tìm kiếm thì cô vẫn vắng mặt.

Trước khi lên chiếc xe dành riêng cho các tù nhân, chàng trai nhờ chuyển cho Mary một lá thư rồi bước đi ngay. Anh không kịp nhìn thấy Mary đang đứng khuất phía sau vừa khóc vừa nắm chặt tờ giấy với những dòng ngắn ngủi: “Anh biết rằng anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không dám hy vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh , hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường của thị trấn ngày anh trở về. Và nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa.”

            Ngày ra tù…, khi chiếc xe khách rẽ vào đường U.S.17 gần quê của chàng trai – làng White Oak, Georgia, chàng trai nhờ anh tài xế hãy chạy chậm lại để chàng có thể nhìn thấy giải ruy băng được treo trên cây sồi già. Thế nhưng thứ chàng cũng như cả chiếc xe khách hôm đó nhìn thấy không phải là một giải ruy băng vàng mà là hàng trăm giải ruy băng được buộc trên cây sồi đó. Những giọt nước mắt của chàng trào ra vì sung sướng, còn người lái xe nhanh chóng gọi điện cho đài phát thanh và kể cho họ điều này. Nhà viết nhạc Irwin Levine và L. Russell Brown đọc tin đó trên báo và viết nên bản tình ca bất hủ này…

            Vâng, tình yêu là như thế, là sự đợi chờ và tha thứ của của cô Maria được biểu hiện qua hàng trăm giải ruy băng vàng…, một thứ “ngôn ngữ của tình yêu” mà nhân loại đã viết cho nhau theo dọc dài lịch sử.

            Và hôm nay, Lời Chúa cũng muốn nói với cộng đoàn chúng ta về “thứ ngôn ngữ nầy”, về tình yêu thương, về lòng khoan dung từ ái của Thiên Chúa.

            Tình yêu ! Vâng, đó chính là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” để thuyên giải và định nghĩa “chân lý về Thiên Chúa”. Thật vậy, qua Thánh Kinh, Thiên Chúa đã mặc khải về chính mình là “Một Thiên Chúa yêu thương”, “Một Đấng Thượng Đế giàu lòng thương xót”.

Trích đoạn sách Xuất Hành của Bài Đọc I, Chúa Nhật 24 TN C, là một trong muôn vàn những cách mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước về chân dung đích thực của Ngài : Nhờ lời can gián và cầu khẩn của Mô-sê, Vị Lãnh đạo sát cánh cùng Dân Chúa trên từng cây số lữ hành về đất hứa, Thiên Chúa đã “nguôi giận” và tha thứ cho tội bất trung, mê tín của dân, dám đúc hình bò thờ lạy thay vì trung tín với Giao ước…Trình thuật của sách “Xuất Hành” về biến cố “Bò Vàng” nầy đã nêu bật “hình tượng Môsê một Vị Trung Gian đầy ấn tượng” như một tiên báo rõ nét vai trò của “Vị Trung Gian Giao Uớc Mới, Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ đứng ra lấy máu mình để chuộc tội cho “bàn dân thiên hạ”…

Lòng khoan dung tha thứ, “chậm bất bình và rất mực yêu thương” của Thiên Chúa còn được tái diễn hoài hoài không phải chỉ ở giữa lòng lịch sử của dân Ít-ra-en, không phải chỉ trong một thời gian nhất định…mà cho muôn thế hệ loài người ở khắp muôn nơi và mọi miền thế giới. Và đó phải chăng là một trong những lý do để Thiên Chúa “ban tặng Người Con Một” (Ga 3,16) và cũng là tiêu đích để Người Con đó “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

            Thật vậy, với Đức Giês-Kitô, con người từ đây có thể “rờ đụng” được một Thiên Chúa là Cha yêu thương, có thể cảm nhận được một Thượng Đế gần gũi biết “cảm thương” và giàu lòng lân tuất, có thể tiếp cận, ngỏ lời, van xin một “Ông Trời”, một Thượng Đế, một Đấng Tối Cao luôn biết lắng nghe và quan tâm đến từng hơi thở và nhịp đập của trái tim con người. Một Thiên Chúa không bao giờ “biết mệt mỏi để tha thứ” như xác quyết của ĐGH Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng :

“Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.”[2]

Nhập thể làm người để con người nhận ra Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa, đó chính là sứ vụ của Ngôi Hai, là trọng tâm của chương trình cứu rỗi, là tiêu đích của “Lời mặc khải. Kể từ khi có tiếng khóc oa oa của Em bé Giêsu nơi hang lừa máng cỏ ở giữa đám mục đồng cù bơ cù bất tại Bêlem, kể từ lúc có người tử tội Giêsu bị đóng đinh trên đồi Canvê vào chiều thứ sáu giữa hai người trộm cướp…Thượng Đế không còn là một “Ông Trời Già” xa tít trên các tầng mây để chỉ biết “hù dọa”, đe phạt hay “bắt” con “bắt” cháu ngang ngược dã man…(như một bài thơ nhỏ lưu lại trên huyệt mộ của một em bé :

“Ái ăn đâu, Ái ở đâu,

Để thương để nhớ để ưu sầu.

“Trời già” độc địa làm chi bấy,

Nở bắt con tôi bảy tuổi đầu” !…),

mà là một Thiên Chúa là Tình yêu, một Tình yêu khoan dung tha thứ, một tình yêu thông cảm quảng đại, một tình yêu rộng mở trao ban, một tình yêu cho đi và tận hiến…

Vâng, Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa “không nỡ lòng nhìn thằng vào đôi mắt thẹn thùng, hổ thẹn, mặc cảm của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” để rồi ân cần chia sẻ một tín thư hy vọng, yêu thương thay vì lời tuyên án : “Phần tôi, tôi cũng không kết án chị đâu…” (Ga 7,1-11). Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa sẵn sàng để cho người “đàn bà tội lỗi” nhỏ những giọt nước mắt hối cãi ăn năn trên chân mình mà làm lại cuộc đời…(Lc 7,46-38). Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa vẫn đưa mắt nhân từ “nhìn lại” để mở đường cho bao nhiêu Phêrô biết sám hối ăn năn sau những lần bội phản….(Lc 22,61-62), cho người thu thuế Gia-Kê hân hoan làm lại cuộc đời (Lc 19,1-10). Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là một Thiên Chúa biết thổn thức trước cái chết của người bạn Ladarô (Lc 11,35), biết cảm thông nỗi xót xa đau đớn của người mẹ góa Naim khi mất đứa con một (Lc 7,11-17), nỗi khốn khổ của người đàn bà Canaan bị loạn huyết chỉ dám ước mơ rờ đụng tới cái gấu áo của Thầy để được khỏi….(Lc 8,43-48)…

Và hôm nay, liên tiếp mấy dụ ngôn của Tin Mừng Luca, Đức Giêsu muốn tuyên cáo một cách cách dõng dạc : Thiên Chúa một người cha rất mực yêu thương sẵn sàng mở rộng vòng tay tha thứ chờ đón những đứa con hư trở về, sẵn sàng mở tiệc hoan vui để tội nhân được khoác áo mới làm lại cuộc đời trong tin yêu hy vọng…(Lc 15,1-32).[3]

Chính Thánh Phaolô vói trích đoạn thư thứ nhất gởi đồ đệ Timôthê trong BĐ 2 hôm nay, đã chia sẻ kinh nghiệm được yêu thương như một chứng từ sống động :

“Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người xót thương, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người…Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi…”.

Và cũng từ ý nghĩa đó làm tôi chợt nhớ tới câu chuyện “Những tấm hình của Mẹ”, một câu chuyện về bà mẹ Maria và cô con gái Christiana ở Brasil :….Bà mẹ đi tìm con bằng cách dán khắp nơi tấm hình của mình với dòng chữ phía sau : “Dù con đã làm gì đi nữa, hay con đã trở thành gì, không thành vấn đề. Hãy trở về với mẹ”. Nhờ nhận ra tấm hình của mẹ với dòng chữ khoan nhân như thế, Christiana đã hồi tâm trở về với mẹ sau một cuộc đời phóng túng…

Sống niềm tin kitô hữu là luôn trở thành “bài thuyết minh sinh động” về chân lý nền tảng đó : Thiên Chúa là tình yêu. Và như thế, lời cầu xin hôm nay, trong thánh lễ nầy, cho chính chúng ta cũng như cho mọi người là hãy xin cho được “trở nên khí cụ tình yêu của Chúa” như lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô khó khăn; hay mạnh mẽ hơn, xác tín hơn, như cam kết của Á Thánh Anrê Phú Yên “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy đem mạng sống đáp đền mạng sống”; hay của một vị thánh trẻ khác, Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu : “Ở giữa lòng Hội Thánh, em sẽ là tình yêu”.

Vâng, ước gì lời cam kết của mỗi người chúng ta khi bước ra khỏi thánh đường chiều hôm nay sẽ là : “Ở GIỮA LÒNG GIÁO XỨ, Ở GIỮA GIA ĐÌNH…TÔI SẼ LÀ TÌNH YÊU”. Amen.

 

LM. Giuse Trương Đình Hiền.

[1] Hoàng Lâm : ‘Hãy buộc dải ruy băng lên cây sồi già’ – Bản tình ca lay động hàng triệu trái tim.

 Nguồn : https://www.dkn.tv/nghe-thuat/hay-buoc-dai-ruy-bang-len-cay-soi-gia-ban-tinh-ca-lay-dong-hang-trieu-trai-tim.html

[2] SĐD (Tông huấn “NIỀM VUI TIN MỪNG” (EVANGELII GAUDIUM) Số 3, tr. 8.

[3] ĐGH Phanxicô tóm tắt ý nghĩa 3 dụ ngôn nầy trong Tông sắc “Dung mạo của lòng thương xót” (Misericordiae Vultus) : “Trong những dụ ngôn nói về Lòng Thương Xót, Chúa Giê-su đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như là bản tính của một người Cha, mà người Cha này sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên trên sự khước từ với sự cảm thông và Lòng Thương Xót. Chúng ta biết về những hình ảnh này từ ba dụ ngôn hoàn toàn đặc biệt: Dụ ngôn về con chiệc lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tái tìm thấy, và dụ ngôn về người cha với hai đứa con trai của ông (xc. Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn ấy, niềm vui của người cha trong phút giây tha thứ được nhấn mạnh một cách đặc biệt. Trong những dụ ngôn này, chúng ta thấy được điều cốt lõi của Tin Mừng và của Đức Tin chúng ta, vì Lòng Thương Xót được giới thiệu như là sức mạnh vượt thắng tất cả, sức mạnh ấy lấp đầy con tim với niềm vui và sự ủi an thông qua sự tha thứ.“ (MV 9)