Views: 58
(CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C 2019)
Cách đây hơn 3 năm (ngày Chúa Nhật 4/9/2016), ĐGH Phanxicô đã phong hiển thánh cho Chân phước Têrêxa Calcutta, vị Nữ tu đã từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1978…
Có một điều chẳng ai ngờ là tên của của Vị Nữ Tu Công Giáo nghèo nàn, khiêm hạ nầy nầy lại được đặt cho một đại lộ quan trọng nhất của thành phố Calcutta, thành phố của một nước Ấn Độ chỉ có 1,6% dân Công giáo. Đơn giản, chỉ vì Mẹ đã sống hết mình cái “lý của Tin Mừng”, Tin Mừng đuợc loan báo cho người nghèo khó. Mẹ đã trở thành vĩ đại, đã trở thành đại thánh, chỉ vì Mẹ đã thể hiện đúng mức “cái nghèo” của Phúc Âm, cái nghèo biết đặt mình khiêm hạ trước Thiên Chúa để cho đi hết mình, để liên đới với những kẻ cùng khổ, để sống cho và sống với những kẻ mang thân phận khốn khổ bần hàn.
Nhưng đó là câu chuyện của người Công Giáo chúng ta, câu chuyện của những vị thánh, những người nổi tiếng và là những người được nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, được thuộc về cái Đạo mang danh xưng là “Đạo tình thương” và được truyền giữ hai điều luật căn bản “mến Chúa yêu người”.
Có một câu chuyện khác rất đời thường. Mới hôm qua, tôi tình cờ đọc được trên facbook một câu chuyện khác cũng của những con người nghèo nhưng mang trái tim thật “giàu có”; đó là câu chuyện về đôi vợ chồng Nhật + Minh ở quận Bình Tân, Sài Gòn. Chồng lái xe cấp cứu cho bệnh viện. Trong một lần chở bệnh nhân về tận miền quê Miền Tây, khi chứng kiến cảnh một gia đình nghèo phải vay mượn khắp xóm mới đủ trả tiền xe với mức hơn 2 triệu, anh Nhật đã không lấy một đồng nào. Từ nỗi chạnh lòng thương đó, anh Nhật về chia sẻ với vợ, và rồi cả hai quyết định bán căn nhà, chấp nhận đi thuê nhà trọ ở, lấy tiền mua xe cứu thương để vừa chạy dịch vụ vừa hỗ trờ miển phí cho những bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Chẳng những làm tài xế, anh Nhật còn kiêm luôn chuyện giúp tẩn liệm các xác chết miển phí. Và từ năm 2017 đến nay, chuyến xe cứu thương Minh Tâm đã xuôi nược từ nam chí bắc đến Tây nguyên, bất kể đêm hôm, mưa bão…tận tình giúp đỡ bất cứ ai túng ngặt cần đến…
Trong thế giới nhầy nhụa những bon chen, tranh dành, những hơn thua tranh đoạt cùng với sự lên ngôi của chủ nghĩa “mackeno”, “trái tim vô cảm”…, thật là may mắn, thật là quý giá, thế giới vẫn còn bao nhiêu “lời chứng sống động” về sự yêu thương, chia sẻ, vẫn còn bao nhiêu những tấm lòng ẩn khuất đâu đó mang dáng đứng của Mẹ Têrêsa Calcutta hay của đôi vợ chồng Nhật + Minh”…!
Từ những mẫu gương của đời thường cuộc sống đó, chúng ta có thể đọc thấy phần nào nội dung ý nghĩa của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 26 Thường Niên được gởi đến cho tất cả chúng ta hôm nay, qua các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố. Sứ điệp đó chính là : sống cuộc đời hôm nay bằng sẻ chia bác ái để chuẩn bị cho cuộc đời mai sau được hạnh phúc vĩnh hằng.
Trước hết, chúng ta có thể đọc ra sứ điệp nầy nơi Trích sách ngôn sứ Amos (Am 6,1a.4-7) trong Bđ 1 :
Từ 8 thế ký trước Công nguyên, lớn lên và sinh sống tại vương quốc Ít-ra-en phía Bắc mà ảnh hưởng ngoại giáo đang chi phói nặng nề, cuộc sống xã hội bị cuốn hút bởi trào lưu vật chất, hưởng thụ…, ngôn sứ Amos mạnh miệng cảnh cáo : “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; … dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày…”
Lời cảnh báo nầy vẫn còn nguyên tính thời sự cho thế giới hôm nay, cho mỗi người chúng ta, một thế giới, một xã hội đang chìm ngập trong cái não trạng “làm giàu bất kể”, “hưởng thụ bất kể” và đang hình thành một lối sống, một tâm thức ích kỷ, dửng dưng, vô cảm, thượng tôn vật chất, hưởng thụ…
Trong khi lời ngôn sứ Amos vạch ra bức tranh khá đen tối về sự ích kỷ, vô cảm của con người như một lời cảnh báo, thì Thánh Vịnh (đáp ca) 145 lại vẽ lên chân dung của một Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc những kẻ nghèo hèn phận bạc, Đấng cầm cân nẩy mực” cho công lý đời nầy và đời sau :
“Chúa là Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội… Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục;… Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân….”.
Vị Thiên Chúa mà Amos nói đó lại không là Đấng vô hình, huyển tưởng, hiện hữu trên “chín tầng mây”, mà là một Thiên Chúa, sau Amos gần 800 năm, đã xuất hiện, đã cắm lều ở giữa nhân loại, đã đồng hành với con người, những con người khố rách áo ôm, trôi sông lạc chợ, bị xã hội loại trừ, kết án…. Vâng, đó là Vị Thiên Chúa làm người (Emmanuel) mà Tin mừng Luca hôm nay đã tường thuật một dụ ngôn đặc biệt của chính Ngài để giáo huấn về tình thương chia sẻ, về giá trị đích thực của cuộc sống đó. Ý nghĩa của dụ ngôn đó có thể tóm tắt: sống cuộc đời hôm nay bằng sẻ chia bác ái để chuẩn bị cho cuộc đời mai sau được hạnh phúc vĩnh hằng.
Vâng, bằng dụ ngôn “Người nghèo La-za-rô và ông phú hộ”, Chúa Giê-su đã khắc hoạ hai hình tượng người trong xã hội loài người muôn nơi, muôn thuở : Giàu và nghèo, để từ đó hướng tới sứ điệp : Nếu chỉ biết cậy dựa vào sự giàu sang để hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết xót thương, liên đới với anh em đồng loại, nhất là với những người nghèo nàn, cơ cực, bất hạnh, thì cánh cửa thiên đàng mai hậu sẽ khép lại, mọi quan hệ với Thiên Chúa sẽ bị cắt đứt. Chính vì thế, Thiên đàng, quê hương vĩnh cửu, hạnh phúc đời đời không phải là một thực tại ảo tưởng, xa vời, nhưng là đang bén rễ, hình thành, triển nở ngay từ cuộc sống hôm nay.
Nói cách khác, chiếc cầu bắt qua bến thiên đàng được xây dựng từ những nhịp đầu tiên của cuộc sống hôm nay.
Mà đâu chỉ với “dụ ngôn” thôi đâu, chính cuộc đời của Chúa Giêsu là một thuyết minh sống động cho ý nghĩa “yêu thương, chia sẻ”, nhất là con tim “chạnh lòng thương đối với những kẻ lầm than bất hạnh, nghèo nàn tội lỗi. Ngài đã sống trọn vẹn vì tình yêu và đã chết cho tình yêu giữa những tội nhân. Và từ đó, một Vương quốc Nước Trời đã mở ra để dành cho tất cả những ai dấn bước theo Ngài, trung tín thực thi Lời Ngài, như xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gởi cho môn sinh Timôthê mà chúng ta vừa nghe nơi Bđ 2 :
“con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến…”
Tóm lại, sứ điệp phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta luôn biết tỉnh thức để chiến thắng những cám dỗ của hưởng thụ vật chất và sự giàu có ích kỷ, vô đạo, đóng kín trái tim trước Thượng Đế và anh em đồng loại; và sẵn sàng dấn thân đi con đường hy sinh, phục vụ và yêu thương của Tin Mừng. Con đường đó, lựa chọn đó cũng chính là niềm xác tín, là hy vọng vững bền của chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa và cùng hát lên: Linh hồn tôi ơi hãy ngợi khen Chúa !.
Giuse Trương Đình Hiền