Cảm nhận đức tin, Giáo luận, Khảo luận tổng hợp

NÉT ĐẸP “CÁNH CHUNG” THEO NHÃN QUAN KITÔ GIÁO

Xin giới thiệu bài suy tư về “mầu nhiệm Cánh Chung” của một nữ tu Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất như những gợi ý suy niệm trong những ngày cuối Năm Phụng vụ.

I. Dẫn nhập

Trong cuộc sống của con người chúng ta, ai cũng thao thức tìm về cái đẹp, tìm về với giá trị  Chân- Thiện- Mỹ. Thao thức nhưng không phải ai cũng tìm được và nhất là với cái đẹp, một phạm trù khó nắm bắt, khó diễn tả và cũng khó tìm được mẫu số chung nơi mỗi người. Nhưng tác giả Steven Guthier đã nhận định: Cánh chung luận và cái đẹp thuộc về nhau. Mỹ học thấy rằng nhãn quan Kitô giáo nhìn nhận cái đẹp. Cánh chung Kitô giáo khẳng định rằng toàn bộ lịch sử, nhân loại và vũ trụ đều hướng về sự hoàn tất và viên mãn. Mong đợi Nước Thiên Chúa hoàn tất là mong chờ cái đẹp[1]Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về cái đẹp của cánh chung theo nhãn quan Kitô giáo để thấy rõ hơn nét đẹp mà chúng ta mong chờ

II. Nội dung

  1. Nhận định về câu nói của tác giả

Nhận định của tác giả rất khách quan và đánh giá cao về vẻ đẹp của cánh chung trong nhãn quan Kitô giáo. Tôi đồng ý với nhận định này, không phải vì bản thân là người Công Giáo mà tôi có đánh giá như vậy. Nhưng  nhìn về viễn tượng cách chung của Kitô giáo có nét đặc biệt hơn các tôn giáo khác. Vì khám phá ra được nét đẹp trong cánh chung Kitô giáo, tác giả đã nhận ra được ở nơi ấy một vẻ đẹp toàn thiện, vẻ đẹp tối hậu của cuộc đời, điều mà ít ai để ý hay có chăng cũng chỉ là nhìn nhận nó như điều tất yếu phải đến với đời người. Nhưng ở đây, tác giả lại nhận định rằng cánh chung Kitô giáo và cái đẹp thuộc về nhau, có nghĩa là 2 yếu tố này luôn đan quyện vào nhau. Có cánh chung Kitô giáo là có cái đẹp và có cái đẹp thì không thể không nhắc tới cánh chung Kitô giáo. Và như thế, ta có thể nói rằng cánh chung Kitô giáo là một viễn tượng đẹp. Nhưng làm sao ta có thể biết được viễn tượng cánh chung ấy như thế nào khi mà bản thân mỗi chúng ta, chưa ai trải qua cái chết để đến với thực tại cánh chung? Và để  có thể biết được về nó, chúng ta chỉ có thể biết qua những gì mà Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh.

  1. Nguồn gốc của cái đẹp trong nhãn quan Kitô giáo

2.1   Kinh Thánh với cái đẹp

Đọc trong Kinh Thánh, chúng ta không thấy những cảm hứng trực tiếp về cái đẹp, nhưng lại hàm chứa những nguyên tắc huấn luyện rất cao thượng. Như thế, Kinh Thánh dẫn đưa đến chính nguồn gốc của cái đẹp, mà vượt qua những giới hạn của con người và thế giới do Thiên Chúa tạo dựng[2]. Trong sách Huấn Ca đã ca ngợi vẻ đẹp của Thiên Chúa và cả hoàn vũ trong trật tự tạo dựng của Thiên Chúa. Nhưng công trình ấy lại là biểu lộ vinh quang của chính Thiên Chúa. Vì thế, chúng có vai trò như động lực để chúc tụng Ngài trên hết muôn vật[3]. Đọc trong sách Sáng thế, với trình thuật về tạo dựng, chúng ta thấy vẻ đẹp được nhìn nhận như là một sự hài hòa, êm đềm. Nhưng trung tâm của vẻ đẹp ấy chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Vì là khởi điểm của mọi vẻ đẹp nên dù cho chúng ta không được nhìn ngắm dung nhan Thiên Chúa, nhưng qua công trình tạo dựng của Người, qua vũ trụ nhân sinh quan, ta lại được ngắm nhìn một vẻ đẹp tiềm ẩn của Thiên Chúa, Thiên Chúa hiện diện trong đó.

Cái đẹp đầu tiên mà chúng ta được nhận ra trong Kinh Thánh là nét đẹp của công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Sau khi sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Và ở đây, đẹp được gắn liền với tốt. Tốt để chỉ vẻ đẹp ẩn chứa dưới hình dáng bên ngoài. Tốt đẹp là chỉ sự bao gồm cái đẹp cả bên trong và bên ngoài. Quan hệ giữa tốt và đẹp bắt ta phải suy nghĩ thế nào cho đúng. Theo một nghĩa nào đó, đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp[4]. Nhưng nhìn trong công trình tạo dựng, chúng ta thấy có một trật tự hài hòa nguyên thủy. Chính trật tự hài hòa này cũng là cái đẹp ẩn chứa, đẹp vì nó hài hòa và sự hài hòa làm nó đẹp hơn. Nhưng bên cạnh một vũ trụ xinh đẹp lộng lẫy ấy, lại có một thụ tạo với vẻ đẹp nổi bật hơn. Đó chính là con người. Vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phản ánh vẻ rạng ngời, vinh quang và cả sự cao cả của Thiên Chúa[5]. Như thế, ngay từ trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, đã luôn ẩn chứa vẻ đẹp hoàn hảo, vẻ đẹp trong trật tự và vẻ đẹp của sự hài hòa. Và đến thời các triết gia Hy Lạp đã dày công tìm hiểu về vẻ đẹp thật sự là gì.

2.2  Cái đẹp trong quan niệm cổ xưa

Từ thời các triết gia Hy lạp cổ đại, bộ ba chân- thiện- mỹ đã được liên kết để làm thành tiêu chuẩn để đo lường các giá trị tôn giáo và nghệ thuật[6]. Và theo quan niệm của Platon, cái đẹp và cái tốt đồng nhất với nhau. Cái đẹp là một “cái nhìn tuyệt vời” không thể diễn tả bằng lời mà chỉ có thể nếm hưởng. Cái đẹp trong quan niệm này là cái đẹp thần linh, mang tính bền bỉ, thúc đẩy lòng ao ước bất tử. Hay rõ hơn, cái đẹp này được diễn tả hữu hình qua việc truyền sinh, qua các công việc tốt lành và thu hút người ta đến sự thông dự thần linh[7].

Aristote, một triết gia khác, đã nhìn vào công trình tạo dựng để khẳng định rằng nghệ thuật là sự bắt chước Thượng Đế. Và do đó, ông đưa ra hai đặc trưng của cái đẹp là: trật tự và cân đối[8]. Và rõ ràng là chính chúng ta, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra trật tự hài hòa và cân đối của vũ trụ này trong thế giới hiện sinh, thế giới mà ta đang trực tiếp cảm nghiệm và chiêm ngắm. Và còn một số triết gia Hy Lạp khác đã có những suy tư về cái đẹp. Ta có thể gom những suy tư ấy là, những chiều kích khác nhau của cái đẹp, đẹp thì đi liền với tốt và chân thật. Yếu tố cấu thành cái đẹp là tương quan, sự cân đối và hài hòa[9].

Sang đến thời Trung cổ, một nhân vật mà chúng ta nên quan tâm nhiều hơn trong quan niệm về cái đẹp của người, đó là thánh Toma Aquino. Thánh nhân đã cho thấy, cái đẹp không chỉ là cái đẹp vật chất nhưng còn là cái đẹp thiêng liêng, hiện hữu trong thế giới thiêng liêng. Bởi vì muôn vật nhận sự hiện hữu từ Thiên Chúa và sự hiện hữu này là thiêng liêng[10]. Tiếp nối những tư tương thời trung cổ, sang đến thời cận đại đã cho ra đời khoa Thẩm mỹ học với cái nhìn mới về cái đẹp. Và đến đây, cái đẹp được tách khỏi cái chân và cái thiện, nó mang tính chủ quan và tương đối[11]. Thế nhưng xét cho cùng, mặc dù có nhiều quan điểm về cái đẹp, mỗi người, mỗi thời lại có những quan điểm khác nhau về chủ đề này. Nhưng bộ ba Chân- Thiện- Mỹ, tuy khác nhau nhưng lại không thể tách rời. Và bộ ba này hội tụ đầy đủ và trọn vẹn nơi Đức Giêsu, là vẻ đẹp trọn hảo.

  1. Vẻ đẹp hoàn hảo nơi Đức Giêsu trong cuộc đời trần thế và trong viễn tượng cánh chung

Chúng ta đọc thấy tựa đề bài viết Đức Giêsu, Người đẹp tuyệt trần, của hồng y Joseph Ratzinger. Mới nghe có vẻ lạ lẫm vì ta thường nghe vẻ đẹp tuyệt trần là dành để nói những mỹ nữ, đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Thế mà, vị hồng y này lại dùng để chỉ về Đức Giêsu, một nam nhi Do Thái. Vậy thì ở đây, định nghĩa về cái đẹp đã có sự chuyển đổi. Không chỉ đẹp ở mức độ cảm nhận theo giác quan bên ngoài nhưng nét đẹp ở đây là nét đẹp của sự toàn hảo và hội tụ Chân- Thiện- Mỹ, là những điều sâu kín ẩn chứa bên trong của Người. Theo hồng y, chúng ta được nhìn ngắm 2 bức chân dung đẹp của Đức Giêsu được trích dẫn trong Phụng vụ các giờ kinh. 

Giữa thế nhân, ngài vô song tuyệt mỹ,

nét duyên tươi thắm nở môi ngài,

nên ngài được Thiên Chúa ban phúc lành mãi mãi. (Tv 45, 3)

Vẻ đẹp  ở đây là vẻ đẹp tuyết thế. Và phụng vụ nhìn nhận Đức Giêsu như con người đẹp với nét duyên tươi thắm nở môi Ngài. Điều này chỉ dẫn đến một nét đẹp nằm trong lời nói, sự vinh quang mà Người đem đến cho nhân loại. Như vậy, phụng vụ không nhắm đến vẻ đẹp bên ngoài của con người Giêsu, nhưng cái đẹp mà Phụng vụ muốn nhắm đến lại chính là vẻ đẹp của Chân Lý, là vẻ đẹp của chính Thiên Chúa.

Một bức chân dung đẹp nữa mà chúng ta được chiêm ngắm là Is 53, 2: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn,dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích”. Vậy thì đẹp ở đây là gì, khi mà dáng vẻ chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích[12]. Mới đọc nghe như tiêu chuẩn của vẻ đẹp bị đảo lộn. Như vậy, đến đây chúng ta lại thấy một quan niệm khác về cái đẹp, khác nhiều so với cái đẹp của giác quan. Khi mà hình dáng bên ngoài của Đức Giêsu không còn gì đáng để ta ưa thích. Khi mà người đẹp tuyệt mỹ bị treo trần trụi với thân xác nát tan trên thánh giá, nhưng cái đẹp vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó, Người vẫn là người đẹp vô song tuyệt mỹ. Và như thế, Chúa Giêsu Kitô đã cho chúng ta thấy sự thật về tình yêu có thể biến đổi cả bí ẩn về sự chết thành ánh sáng rạng ngời của sự sống lại. Và vẻ đẹp rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa vượt quá mọi vẻ đẹp trần gian, đó mới là vẻ đẹp đích thực nhất của Thiên Chúa, đã được mặc khải trọn vẹn cho chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua[13]. Qua hai dung mạo này của Đức Giêsu, Người vẫn là người đẹp hoàn hảo, cái đẹp ẩn chứa của Người không hề thay đổi. Đẹp tự bản chất thì dù sao vẫn đẹp, dù thân xác có ra sao thì đẹp vẫn là đẹp.

Trong dân gian Việt Nam có câu: “Hồng nhan bạc mệnh”. Và khi suy gẫm về Chúa Giêsu, làm cho người viết có suy nghĩ về sự “hồng nhan” và “bạc mệnh” của Chúa. Chúa Giêsu có vẻ đẹp tuyệt trần. Người đẹp nhất trong những vẻ đẹp. Vẻ đẹp của Người không chie dừng lại ở hình thức bên ngoài, nhưng cái đẹp mà chúng ta nhận thấy là vẻ đẹp thần thiêng, vẻ đẹp của một tình yêu hy sinh và hiến tế. nhưng rồi Người cũng chịu đau khổ nhất trong cõi nhân sinh. Không ai có thể đảm bảo rằng họ chịu đau khổ hơn Chúa. Những nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh, Chúa đều mang lấy để cảm thông với con người. Nơi Đức Kitô chịu khổ nạn đó, người ta đã nhận ra được chân lý rằng: vẻ đẹp của chân lý bao gồm cả sự sỉ nhục, chịu đau khổ và cả mầu nhiệm tối tăm của sự chết. Do đó, vẻ đẹp và chân lý gặp nhau khi chấp nhận đau khổ trong tình yêu đến tận cùng[14]. Trong đau khổ, ta vẫn nhận ra được cái đẹp và trong đau khổ, cái đẹp như đẹp hơn vì được thanh lọc nhờ sự gian nan. “Ngọc càng mài càng sáng[15]”, là định đề khẳng định bản chất đẹp của con người, dù qua gian nan làm cho bản chất đó được đẹp hơn. Và nơi Đức Giêsu cũng vậy, chúng ta được nhận ra vẻ đẹp tình yêu của Người với đỉnh cao là trên thập giá. Thập giá đó là nổi bật lên một tình yêu hiến mình, tình yêu cho đi, tình yêu đi đến tận cùng và tình yêu ấy đẹp vô cùng. Vì thế, trong Phụng vụ, vẻ đẹp của phụng vụ là một phần của mầu nhiệm này, nó là sự diễn tả cao siêu nhất về vinh quang Thiên Chúa, và theo một nghĩa nào đó, là cái nhìn thoáng về Nước Trời ngay trên trần gian [16].

Vậy, chúng ta lại thấy vẻ đẹp tuyệt trần được hiện diện trong viễn tượng cánh chung. Đức Giêsu là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, Người cũng là Chúa của sự sống vĩnh cửu[17]. Và khi ấy, vinh quang Người rực rỡ chói sáng. Trong thân thể phục sinh của Người, tràn đầy quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang, như người từ thiên giới[18]. Như vậy, ta có thể hiểu với biến cố phục sinh, Đức Giêsu lại mang lấy một vẻ đẹp hơn nữa, vẻ đẹp vinh hiển của Thiên Chúa. Và nơi Người, vẻ đẹp ấy là mô mẫu cho thực tại cánh chung mà các Kitô hữu tin và mong ước mình được như vậy. Nhưng khi suy gẫm về vẻ đẹp và thực tại cánh chung này, ta nhận ra được rằng định nghĩa vẻ đẹp đã thay đổi. Cái đẹp giờ đây không đơn thuần là vẻ đẹp nhìn thấy được nhưng là vẻ đẹp thiêng liêng, vẻ đẹp thần linh, vẻ đẹp khi có Chúa hiện diện, vẻ đẹp của cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Như vậy, khi xét qua những nét tiêu biểu về cái đẹp được thể hiện nơi Đức Giêsu, chúng ta dễ dàng đồng ý nhận định của hồng y Joseph Ratzinger rằng: Đức Giêsu, Người đẹp tuyệt trần. Vẻ đẹp của Người trải suốt trong cuộc đời trần thế và mãi tới tương lai. Và mỗi giai đoạn, chúng ta lại khám phá được chiều kích nội tại trong vẻ đẹp của Người. Với thân xác phục sinh, vẻ đẹp của Người không còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, nên trở thành vẻ đẹp vĩnh cửu. Ta có thể hiểu được rõ hơn nhận định của tác giả khi nói rằng, cánh chung luận và cái đẹp thuộc về nhau. Một thực tại cánh chung với vẻ đẹp thần thiêng, vẻ đẹp nội tại và không còn bị ảnh hưởng bởi thế giới vật chất. Vẻ đẹp của cánh chung luận Kitô giáo đẹp hơn, hoàn hảo hơn, bền vững hơn là nhờ Người đẹp tuyệt trần đã hiện diện và là mô mẫu ở đó. Và chúng ta sẽ tiếp tục nhìn nhận cái đẹp trong cánh chung Kitô giáo.

  1. Vẻ đẹp trong Cánh chung Kitô giáo

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là khởi điểm cho sự phục sinh cánh chung của toàn thể nhân loại. Nền linh đạo Đông Phương, mô tả Đức Kitô là “người đẹp vô cùng, người có một vẻ đẹp vượt xa mọi người trên trần gian”[19]. Thêm vào đó, Macariô Cả nói tới vẻ đẹp của Chúa Phục Sinh, một vẻ đẹp có sức biến đổi và giải thoát, như sau : “Linh hồn nào được chiếu sáng trọn vẹn bởi vẻ đẹp khôn tả và sáng láng của Đức Kitô cũng đầy tràn Thánh Thần…”. Thực tại cánh chung biến đổi thực sự thân phận con người, khiến con người có khả năng dấn thân cho một thế giới mới, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên tạo vật mới trong Chúa Kitô (2 Cr 5,17 ; Gl 6,15)[20].Cánh chung luận trong Kitô giáo nhìn về những thực tại sau cùng của đời sống con người: Chết- Phán Xét- Thiên Đàng/ Hỏa ngục. Hay đây là tứ chung mà người ta hay nhắc tới. Và như thế, cái chết trong Kitô giáo được nhìn nhận cách tích cực và khách quan hơn. Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi…ngày mai trong Chúa chẳng có chia lìa, chẳng có hợp tan. Đây là một cuộc sống vĩnh cửu, hạnh phúc bền lâu. Và Cánh Chung Kitô Giáo có những chiều hướng liên hệ sau đây:

   – Phải được ngưỡng vọng bởi niềm tin các thánh hiệp thông

   – Phải được bắt đầu từ ơn thứ tha tội lỗi

   – Phải được nuôi dưỡng bằng niềm tin thân xác sẽ phục sinh

   – Phải được bảo trì bằng niềm hy vọng sống vinh phúc đời sau

Như thế, viễn tượng cánh chung Kitô giáo không mang vẻ ảm đạm, u sầu của cõi chết, nhưng là một niềm hy vọng hướng đến phục sinh. Viễn tượng cánh chung này đẹp vì nó mang lại niềm hy vọng về một sự sống mới, sự sống thiêng liêng trong Đức Giêsu. Và chính Đức Giêsu hiện diện nên làm cho cánh chung thêm ý nghĩa, thêm đẹp và thêm giá trị. Vì chính Người là vẻ đẹp mà thánh Phanxicô Assisi đã thốt lên trên núi La Verna : “Ôi Ngài là vẻ đẹp! Ôi Ngài là vẻ đẹp !”. Thánh Bonaventura đã chú giải tư tưởng của thánh Phanxico như sau : “Trong tất cả các vật đẹp đẽ, thánh nhân chiêm ngắm thấy Đấng đẹp vô cùng, và theo dấu chân của Đấng ấy để lại nơi các thụ tạo, thánh nhân đã đi theo Người Yêu ấy khắp mọi nơi”[21]

Nếu như trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ngưỡng vọng về một thế giới sau cái chết, là điều rất mờ nhạt. Và dù có được đoàn tụ cùng gia đình, nhưng nơi đoàn tụ đó là dưới suối vàng, là cõi âm. Hay trong Phật giáo là quan niệm về cõi niết bàn hay kiếp luân hồi. Con người ở kiếp này là một sự nối tiếp của kiếp trước và nếu ăn ngay  ở lành thì kiếp sau lại được làm người, được sung sướng. Nhưng nếu không ngay lành thì sẽ đầu thai ở một kiếp khác để làm thân trâu ngựa hay cây cỏ…Như vậy thì viễn tượng cánh chung không có điểm tựa rõ ràng. Và cũng không có gì là đảm bảo chắc chắn cho niềm hy vọng.

Như thế, chúng ta thấy được cánh chung luận của Kitô giáo đẹp vì ba lý do chính. Thứ nhất là vì có Chúa Giêsu hiện diện, nơi Người mang vẻ đẹp tuyệt trần. Và lý do thứ hai là vì viễn tượng cánh chung này dẫn đưa người ta đến vẻ đẹp bền vững, vẻ đẹp thần thiêng vì hàm chứa vẻ đẹp nội tại ẩn sâu. Và trong cánh chung Kitô giáo, chúng ta được thấy viễn tượng về một cuộc sống hạnh phúc đời sau thật đẹp và bền vững. Như vậy, chúng ta gặp được cái đẹp ẩn chứa trong cánh chung Kitô giáo. Vì thế mà cánh chung và cái đẹp thuộc về nhau, hòa hợp với nhau.

  1. Sự hòa hợp của cánh chung Kitô giáo và cái đẹp

Sự hòa hợp của cánh chung Kitô giáo và cái đẹp đã được nói đến trong Kinh Thánh. Chúng ta thấy có sự tương đồng giữa hai khung cảnh của tạo dựng và cánh chung. Từ thuở tạo dựng, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ với sự hài hòa trật tự. Con người và muôn vật sống hài hòa với nhau theo vai trò mà Chúa đã đặt để. Nhưng quan trọng nhất là mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Một hạnh phúc đích thực, một viễn tượng đẹp là ở nơi ấy, con người được sống tương quan thân tình với Thiên Chúa. Nếu trong trình thuật Sáng Thế nói tới sự hiện diện của Thiên Chúa với con người, thì đến nơi thiên đàng cũng vậy, viễn tượng mở ra là người ta được hạnh phúc để ngày ngày ca hát chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Con người được gần gũi, được tiếp cận với nguồn mạch của cái đẹp là chính Thiên Chúa. Cái đẹp thì mang giá trị bền vững, và thực tại cánh chung trong Kitô giáo cũng là một thực tại bền vững. Đức Gioan Phaolo II đã nhận định: Một cái đẹp chân thật, cũng tựa như tia sáng của Thánh Thần Thiên Chúa, sẽ làm biến đổi vật chất, mở linh hồn con người cho cảm nhận được cõi đời đời[22]. Và như vậy, giữa tư tưởng của tác giả và của vị Giáo Hoàng này đã có điểm chung. Cả hai đều nhìn nhận và qui hướng cánh chung hòa hợp với cái đẹp hay cái đẹp chứa đựng trong cánh chung. Và chính cái đẹp cũng hướng người ta đến với sự sống đời đời. Cái đẹp là chìa khoá mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Hay có ý kiến đã nhận xét: cái đẹp sẽ cứu thoát thế giới. Vậy nên hiểu sự cứu thoát ở đây không phải là đưa con người vào một cuộc sống ảo để nhìn nhận mọi sự đều đẹp như mơ. Nhưng sự cứu thoát được nói đến chính là việc hướng tâm hồn người ta đến Cái Đẹp đích thực chứa đựng Chân- Thiện- Mỹ. Và chính sự hướng dẫn này sẽ gây ý thức cho con người để biết đặt để cùng đích tối hậu đời mình là gì. Nơi mà người Kitô giáo mong ước không gì khác là được về hưởng nhan thánh Chúa.

Điều mà người Kitô hữu mong chờ là Nước Thiên Chúa, là nơi đẹp trường tồn. Họ đang mong chờ chính Cái Đẹp nguồn, cái đẹp của mọi vẻ đẹp là chính Thiên Chúa. Vũ trụ này sẽ mãi xoay vần từ tạo dựng cho đến ngày cánh chung. Và chỉ khi toàn bộ lịch sử, nhân loại và vũ trụ đều hướng về sự hoàn tất và viên mãn nơi Đức Kitô. Chính vì thế, cái đẹp của thụ tạo, dù có đẹp đến mức nào, cũng không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nhưng chính nó khơi dậy trong ta nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau : “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới ; con yêu Chúa quá muộn màng[23].

III.  Kết luận

Như vậy, trong đời sống con người từ xưa đến nay, cái đẹp vẫn luôn được để ý đến nhiều và là đối tượng của nhiều cuộc tìm kiếm. Người ta có thể dễ tìm được cái đẹp vật chất, còn cái đẹp tinh thần, cái đẹp thiêng liêng thì không phải ai cũng có thể nhận thấy. Và nhiều khi thế giới vật chất làm lu mờ đi cái đẹp, cái giá trị đích thực của đời người. Và Công Đồng Vaticano II đã nhận định, thế giới chúng ta đang sống rất cần cái đẹp để không rơi vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật, mang lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá có thể chịu được sự sói mòn của thời gian, nối kết các thế hệ và đưa họ đến với nhau trong cùng một tâm tình cảm phục và ngưỡng mộ ![24]“. Và thiết nghĩ, đời sống con người, dù là bậc sống nào cũng luôn lấy cái đẹp làm tiêu chuẩn để cho đời mình một ý nghĩa. Đẹp không chỉ đơn thuần là hình thức nhưng vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp ẩn chứa mới là yếu tố được đánh giá cao và đáng trân trọng hơn cả.

                                                                          Khấn sinh Maria Điệp Nguyễn

Nguồn: http://giadinhhiepnhat.com/s/95/160/Tim-hieu-ve-cai-dep-cua-canh-chung-theo-nhan-quan-Kito-giao.html