Views: 71
(Gợi ý suy niệm sứ điệp Phụng vụ Chúa Nhật Chúa Kitô Vua 2019)
Sau những tàn phá khủng khiếp về vật chất cũng như tinh thần của cuộc thế giới đại chiến lần thứ nhất (1914-1918), thế giới, đặc biệt là Âu Châu, một lục địa gần như có chung cội nguồn và văn hoá Kitô giáo, gần như đang rơi vào một toàn cảnh xã hội đầy rạn nứt, phân rẽ, hận thù, mất niềm hy vọng…
Trước một thế giới đầy ảm đạm đó, ĐGH Piô XI, qua Thư luân lưu QUAS PRIMAS ngày 11.12.1925, đã quyết định thiết lập lễ Đức Kitô Vua vũ trụ và năm 1970 được xác định cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ với chủ ý: qui hướng toàn nhân loại trong Vương quốc tình yêu của Đức Kitô và Chúa Giê-su Ki-tô làm Vua chính là đĩnh cao, là điểm đến của một chặng đường sống đức tin của Dân Chúa.
Chúng ta cùng dừng lại suy niệm đôi điều về sứ điệp của ngày đại lễ đặc biệt nầy.
Đó là chuyện của 2000 năm trước….
Theo lịch sử của dân tộc Ít-ra-en, nhất là qua các “chuyện kể” của 4 cuốn sách đặc biệt mang tên “Tin Mừng” xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ thứ nhất, trong một đất nước Do Thái đang bị xâu xé dưới gót giày của đế quốc Rôma cùng với một bạo vương Hêrôđê bù nhìn và thất đức, đã dậy sóng tưng bừng từ bắc chí nam với sự xuất hiện đầy quyền năng “từ lời nói đến hành động” của một anh chàng thợ mộc đến từ làng quê Na-da-rét: Đức Giêsu.
Với phong cách mã thượng đượm chút phong trần của một “anh hùng áo vải” đến từ giới “bần dân” vô danh tiểu tốt, cùng với những thành công vang dội qua những dấu lạ chiến thắng lẫy lừng trên quỉ ma và bệnh tật…, phần nào sự xuất hiện của Giêsu Nadarét gần như tương đồng với sự xuất hiện của một vị đế vương lừng danh của dân tộc Ít-ra-en trước đó 10 thế kỷ: Thánh vương Đavit; đến đổi có nhiều người đã gọi tên Người bằng danh hiệu “Con Vua Đavít”!
Vâng, Đavit, một chàng trai chăn cừu, đã chiến thắng ngoạn mục trước người hùng Goliat chỉ bằng vai viên đá cuội, trở thành tướng quân dưới trướng vua Saolê và rồi bị săn đuổi như một tên tướng cướp. Đứng trước một It-ra-en rệu rã, yếu hèn trước các thế lực lân bang hùng mạnh, trước một vua Saolê đang hồi mất uy tín, dân It-ra-en đã nhìn thấy bóng dáng oai hùng của một Đavít, một vị vua xứng đáng chấp chính vương triều It-ra-en để quy tụ lòng dân và xây dựng một It-ra-en hùng cường vĩ đại… Và họ đã tập trung tại Hébron để tôn nhận tân vương Đavít sau khi các kỳ mục của dân đã hoàn tất nghi thức xức dầu tấn phong và tân vương ký kết giao ước, như chúng ta vừa nghe sách Samuel thuật lại trong Bài đọc 1.
Thế nhưng, nếu niềm hy vọng vào “vương triều Đavít” của dân Ít-ra-en đã thực sự được đáp ứng với tài kinh bang tế thế của Đavít cùng với độ cường thịnh ngút ngàn của vương quốc Ít-ra-en (1 Sb 18,1-14; 2 Sm 8,15-18), thì trái lại, niềm hy vọng “vương quốc của của Giêsu”, của Con người được mệnh danh là “Con Vua Đavít”, một niềm hy vọng được đồng hoá với “niềm hy vọng vào một Đấng Đước Xức Dầu – Kitô” vẫn hằng cháy bỏng suốt cả ngàn năm trong lịch sử, gần như đã bị sụp đổ hoàn toàn sau cái “bản tin động trời” của ngày Thứ Sáu trước lễ Vượt Qua”: Giêsu đã bị môn đồ phản bội, bị bắt trong vườn cây Dầu, bị Hội đồng cộng tọa kết án, bị trao cho tổng trấn Philatô tuyên án tử hình thập giá và bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp !
Phải chăng cũng vì thế, mà đã có không ít người trước đó mấy hôm, tay còn quay tít cành lá ô-liu miệng hô vang lời “vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô Con vua Đa-vít”, trong khí thế của những thần dân tháp tùng một đấng Quân vương hiển hách, thì vào “ngày thứ Sáu định mệnh” nầy, đã hậm hực trở cờ: “đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”! Và cho dù “bản án trên thập giá có được viết bằng 3 thứ tiếng Hy lạp, Do Thái, La Tinh với hàng chữ lớn “GIÊ-SU NA-DA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI”, thì cũng chẳng thuyết phục được ai còn chút hy vọng cỏn con rằng đằng sau cái thân xác bê bết máu, cái thân hình tàn tạ rách nát bị treo trên thập giá kia là một Vua Giêsu uy quyền và chiến thắng ! Quả thật, với không gian thê thảm của Đồi Sọ chiều hôm ấy, không ai có đủ tầm nhìn xa hơn nữa để nhớ lại và hiểu chính lời của Đức Giêsu đã tuyên cáo trước tòa Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian nầy…Chính Ngài nói rằng tôi là vua. Tôi sinh ra và đã đến thế gian nầy vì điều nầy: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía của sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 19,36-37).
Nhưng lạ lùng thay ! Chính trong lúc tưởng như cả rừng người trên Đồi Sọ hôm ấy đã thất vọng hoàn toàn về “tên tử tội Giêsu cứ lặng thinh trên thập giá”, mặc bao lời thách thức và lăng nhục: “Nếu ông là vua dân Do thái, thì hãy cứu lấy mình đi”, thì vẫn còn có, ít là một người, hướng về phía “Người tử tội đáng thương” kia để nhận ra “đó chính là Vị Vua đích thật và Vương Quốc của Ngài đang thực sự mở ra”. Vâng, người trộm bên hữu, sau khi trách mắng “tên đồng đảng xấc xược”, anh ta đã quay về phía Người tử tội đang hấp hối Giêsu và thưa lên những lời mà có lẽ đức tin của chúng ta hôm nay cũng chỉ là cuộc phấn đấu để được hiện thực chính lời thân thưa đó: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và anh đã không thất vọng khi nhận được hồi đáp: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.
Quả thật, nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu trong tư thế của một đấng làm câm miệng tiếng thét gào của cuồng phong bão tố, hay khi khuất phục cả thần chết để phục sinh thân xác của một Lazarô đã 4 ngày trong huyệt mộ, hoặc đường hoàng làm chắc bụng cả mấy ngàn người chỉ bằng 5 chiếc bánh và 2 con cá…thì quả thật không khó; cũng vậy, với một Giêsu vinh quang sáng láng trong sự kiện “Biến hình trên núi Tabo” thì quá dễ để thuyết phục Phêrô tin Thầy mình là Đấng Mêsia ; và chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ có cuộc quay đầu trở lại “tâm phục vua Giêsu và Vương quốc của Ngài” của một Phaolô thù địch cứng đầu nếu anh ta không bị khuất phục bởi quyền năng của một Giêsu vô hình đánh cho “ngã ngựa và mù mắt” trên đường Đa-mat; một sự “tin phục” mà hôm nay chúng ta có thể nhận ra cách tỏ tường trong bài “tuyên tín Côlôsê” của ngài vừa được công bố qua Bài đọc II: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi…”.
Nhưng ở đây, trong trường hợp của một tên trộm bị đóng đinh như Tin Mừng Luca vừa tường thuật, dám liều mình để tin vào một “Vương Quốc” đến từ một tội đồ thân tàn ma dại, sắp lìa đời trong cái chết thảm thương tủi nhục thì quả là một đức tin phi thường mà nếu không có ân sủng chắc chắn sức tự nhiên con người không thể vươn tới!
Cùng với hồng ân của Thiên Chúa, phải chăng chính lòng khiêm hạ của trái tim ăn năn sám hối đã làm cho đôi mắt tâm hồn của tên trộm mở ra để nhìn thấy một điều kỳ diệu mà biết bao người không thể thấy được, để tin vào một nhiệm mầu mà không phải ai cũng có thể tin! Và đó chính là cách thế, là con đường, là sự chọn lựa căn bản để con người có thể đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, để khám phá được Vương quyền của Đức Kitô, và để được đi vào Vương quốc thần linh của Ngài: phải ăn năn sám hối, phải khó nghèo khiêm hạ, phải trở nên bé nhỏ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
Và hôm nay, với Phụng vụ lễ Chúa Kitô làm Vua, Hội Thánh còn muốn nói với chúng ta rằng: Vua Kitô vẫn còn đang tiếp tục đăng quang trong thế giới và Vương Quốc của Ngài đang từng ngày mở rộng đến mọi biên cương.
Nếu ngày xưa, Đức Kitô đã lựa chọn khoảnh khắc của “cái giờ” bi đát trước tòa án Philatô để long trọng tuyên cáo “Ông nói đúng. Tôi là Vua” trong tấm thân thảm thương rách nát của một tên tội đồ bị xử án ; thì hôm nay Ngài cũng đăng quang như thế trong thân phận của bao nhiêu những người công chính bị bách hại vì Tin Mừng, những thừa sai truyền giáo và phục vụ yêu thương, những ngôn sứ của tự do, dân chủ, công bằng xã hội… bị kết án bất công, bị đọa đầy bách hại đang cần sự liên đới, hỗ trợ, cảm thông để có thể đương đầu và trụ vững.
Và nếu ngày xưa, Đức Kitô đã lựa chọn khoảnh khắc cô đơn sầu thảm khi bị đóng đinh trên cây khổ giá để mở mắt tâm hồn và đón nhận niềm tin của tên tử tội khi ngước mắt van xin: “Khi Ngài vào Nước Ngài xin nhớ đến tôi” ; thì hôm nay, Ngài cũng đăng quang như thế khi tái diễn Hy tế Thập Giá trên bàn thờ để những ai chấp nhận thuộc về Ngài dám hy sinh tất cả, dám chết đi cho chính mình để thuyết phục nhiều người gia nhập vào Vương quốc của Đấng Phục Sinh, Vương quốc của tình yêu và sự sống.
Vâng , trong thế giới nầy đang hiện hữu một Vị Vua và Vương Quốc như thế. Cho dù có một đôi lúc, chúng ta bị cám dỗ rằng Thiên Chúa đã vắng bóng, Vua Kitô đã thua cuộc.
Vua Kitô và Vương quốc của Ngài ở đâu khi một đất nước Syria, và còn nhiều nơi trên địa cầu đang ngập tràn bom đạn, máu đổ, đầu rơi…?
Vua Kitô và Vương quốc của Ngài ở đâu khi các bạn trẻ, học sinh và sinh viên Hồng Kông bị chính những người cùng dân tộc, quê hương đối xử bạo tàn bằng lựu đạn cay, dùi cui, bạo lực, hảm hiếp…?
Ngài vẫn ở đó và Vương quốc của Ngài vẫn đang hiện diện; đang hiện diện trong cô bé Malala Yousafzai tại vùng thung lũng Swat tại Tây Bắc Pakistan mới 15 tuổi đã can đảm lên tiếng cho quyền tự do được học hành để trả giá bằng viên đạn thù ghét của Taliban, nhưng vẫn được cứu thoát để năm 2014, được lãnh giải Nobel Hoà Bình khi mới vừa 17 tuổi.[1]
Ngài vẫn ở đó và Vương quốc của Ngài vẫn đang hiện diện trong một người trẻ khác, cô Sophie Scholl mà khi toà án của chế độ Phát xít Đức kết án tử hình năm 1943 cũng chỉ mới vừa tròn 20 tuổi, với tội danh tham gia nhóm “Hoa Hồng Trắng” chống lại chế độc độc tài của Hitler. Cô đã rời phiên toà để bị chém đầu với mấy lời nhắn lại: “Và mặt trời vẫn sẽ tỏa nắng”[2]
Ngài vẫn ở đó trong những bạn trẻ tiêu biểu của Hồng Kông hôm nay như Joshua Wong, Agnes Chow “đang đi khắp các nước tiến bộ để diễn thuyết, nói về đất nước mình để tìm kiếm sự hậu thuẫn, ủng hộ về chính trị cho một nền dân chủ đang bị đe dọa, hủy hoại bởi mẫu quốc. Họ sẵn sàng từ bỏ quốc tịch mà hàng triệu người mơ ước ở các nước tư bản có đầy đủ sự tự do dân chủ để ở lại với Hk, để đấu tranh và cháy hết mình cho tuổi trẻ dù cái giá là những lần vào tù sau song sắt.”[3]
Vâng, Vua Kitô và Vương quốc của Ngài vẫn ở đó trong hàng vạn mái nhà ấm cúng thân thương đang vang lên bao tiếng khóc oa oa chào đời của bao nhiêu em bé trong vòng tay yêu thương của những người cha, người mẹ đạo đức thánh thiện ; ở giữa trăm ngàn công xưởng trên thế giới có hàng triệu bàn tay những người công nhân liêm chính, tốt lành, ở giữa hàng hàng lớp lớp thanh niên nam nữ với bao nhiêu tâm hồn quảng đại anh hùng hiến thân cho lý tưởng phục vụ anh chị em trong cuộc sống tu trì hay trong những tổ chức thiện nguyện… Vâng, vương quốc của tình yêu và sự sống, của ân sủng và bình an vẫn đang từng ngày lớn lên như “hạt cải”, như mầm non giữa lòng đất để chờ ngày kết trái đâm bông, như vừa đơm bông dạt dào trên sân vận động quốc gia thủ đô Bangkok của Thái Lan trong Thánh lễ đại trào chiều thứ Năm ngày 21.11.2019 vừa qua, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành cùng với hàng trăm ngàn tín hữu Thái Lan và Châu Á…
Tóm lại, lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, vừa mời gọi chúng ta tái khẳng định niềm tin vào Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ, là Đấng qui tụ chúng ta và đang dẫn chúng ta vào Vương quốc tình yêu và sự sống của Ngài. Đồng thời cũng gọi mời chúng ta kiểm tra cuộc sống theo Chúa Ki-tô mỗi ngày, biết nhìn thấy Chúa Kitô nơi những người khổ đau bất hạnh để yêu thương và phục vụ, biết can đảm dấn thân đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, tự do, dân chủ, sự thật, biết không ngừng hoán cải để trở nên bé nhỏ khiêm nhu, biết ăn năn sám hối và vững lòng trông cậy hầu khi kết thúc thời gian, chúng ta sẽ được Vua Kitô nói với ta bằng chính lời khi xưa Ngài đã dành cho người kẻ trộm bên hữu: “Hôm nay con sẽ trên thiên đàng với Ta”. Amen.
Giuse Trương Đình Hiền
[1] Nguồn: trang facebook Nguyen Thuy Tien với bài viết: TUỔI TRẺ KHÔNG PHẢI LÀ CÁI CỚ CHO SỰ THỜ Ơ (Le Nguyen Duy Hau).
[2] Ibid.
[3] Ibid. Bài viết không đề với câu mở đầu: Một người mù hỏi thánh Anthony: