HỌ SẼ THẤY ĐẤNG EMMANUEL TRONG CON

Views: 70

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG (A 2019)

Hôm nay, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm vĩ đại của ơn cứu độ, mầu nhiệm “Con Chúa Giáng Trần”, mầu nhiệm “Emmanuel”, Lời Chúa lại một lần nữa trình bày với chúng ta những con người giản đơn, nhỏ bé, khiêm hạ, thuộc “nhóm nhỏ còn lại của Gia-vê” (Anawim), được gọi mời để cọng tác với Thiên Chúa trong chương trình tình yêu vĩ đại của Ngài, chương trình cứu độ.

            Nói cách khác: để có “Thiên chúa ở cùng chúng ta”, thì cần phải có những con người “ở cùng Thiên Chúa”, nghĩa là những con người sẵn sàng trải rộng cõi lòng để đón nhận ý định nhiệm mầu và yêu thương của Thiên Chúa.

– I-sa-ia, vị ngôn sứ xuất hiện khoảng 600 năm trước Chúa Kitô đã mạnh dạn loan báo “ngày xuất hiện của một Đấng Em-ma-nu-en và người cọng tác đó lại là một trinh nữ: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Nầy đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en”

– Trong khi đó, trích đoạn Tin mừng Matthêô tường thuật cho chúng ta “cuộc mặc khải cho Thánh Giuse để Ngài đón nhận Đức Đức Maria làm vợ”: Phải chăng Maria, Giuse, những người công chính, đó là những “đại diện cho giai đoạn của “thời gian viên mãn”, “thời của thực hiện dứt khoát, thời của Giao Uớc Mới, thời của Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Như vậy chúng ta có thể nói được rằng: trọng tâm của sứ điệp phụng vụ hôm nay đó là nhắc lại cho chúng ta chân lý nền tảng nầy: Thiên Chúa đang hiện diện, đang hoạt động trong trần gian nầy, đang thực hiện “giao ước mà Ngài đã ký kết vì yêu thương” ; và Ngài thực hiện qua những biến cố, con người, dụng cụ bé nhỏ khiêm hạ. Và chúng ta chỉ có thể cảm nhận, đón lấy hoạt động đó, hồng ân đó, giao ước đó khi hoán cải trở nên bé nhỏ khiêm hạ, hoán cải nên giống Đức Maria, nên giống Thánh Giuse như những mô hình gương mẫu.

Nhưng, để đi sâu vào những giáo huấn nầy, chúng ta thử tìm hiểu các chỉ dẫn của Lời Chúa được công bố hôm nay.

            Từ ngay những trang đầu của Thánh Kinh, mặc khải của Thiên Chúa đã chỉ cho thấy rằng: cái thảm trạng to lớn nhất, kinh khủng nhất của vũ trụ, của thế giới, của loài người là “vắng bóng Thiên Chúa”. Sách Sáng thế đã ngụ ngôn rằng: Sau khi Tổ Tông con người chối từ Thiên Chúa, thì từ độ ấy, không còn nữa những buổi chiều nắng nhạt, Chúa và Người thả bộ hàn huyên nhau trong thân mật ngọt ngào; cánh cửa địa đàng khép lại, con người lủi thủi cô độc dắt nhau “cày sâu cuốc bẫm” trên những luống đất góc gai. Rồi sau đó là anh Cain giết em ruột Abel, là sa đọa và lụt đại hồng thủy, là tháp Baben chia rẽ và kiêu ngạo…

            Tiếp theo những trang Thánh Kinh “mang dáng đứng huyền thoại và cổ tích đó”, Cựu ước lại tiếp nối những trang dài kinh nghiệm lịch sử của dân được chọn, Ít-ra-en: khi nào dân chọn Chúa, tin Chúa, có Chúa ở giữa dân, thì lập tức còn an vui sung túc; trái lại khi dân khước từ, chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa để chạy theo những thần tượng ngoại lai ảo ảnh, thì rơi vào những nỗi khốn cùng: nô lệ, lưu đầy, tai ương, hoạn nạn. Nhưng điều mà Lời Chúa khẳng định cách rõ nét nhất đó là: mỗi khi con người sám hối ăn năn, quay đầu trở lại, tìm đến với Thiên Chúa…lập tức Chúa lại xuất hiện, lại trở về cư ngụ giữa dân để gia ân giáng phúc. Đúng như lời Chúa nói với Mai-sen trong hoang mạc Ma-di-an: “Ta đã thấy nỗi khổ của Dân Ta” (Xh 3,5). Kinh nghiệm của 40 năm hành trình về đất hứa là “kinh nghiệm xương máu” của chọn lựa nầy, của đức tin vào sự hiện diện nầy.

            Quả thật, Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa sẵn sàng đồng hành hôm sớm như áng mây, như cột lửa dẫn đường, là Thiên Chúa chịu thương chịu khó cư ngụ trong lều tạm, là Thiên Chúa hiện diện nơi “hòm bia giao ước” luôn đi sát và hiện diện cùng dân. Cũng chính với niềm tin vào sự hiện diện oai hùng và thân thương đó mà, khi Đa-Vít, Vị Vua anh minh của thời định cư Đất Hứa, sau khi an định cõi bờ, đã long trọng cung nghinh Hòm Bia Giao ước về đặt tai trung tâm thủ đô Giê-ru-sa-lem để dân sớm hôm phụng thờ và lễ bái.

            Tuy nhiên, những gì đã được loan báo trong Cựu ước chỉ là bóng hình và chuẩn bị. Sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa phải đợi cho đến biến cố mà chúng ta sắp sửa cử hành và hôm nay được nhắc tới: Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Vâng, Thiên Chúa không còn hiện hữu một cách tượng trưng qua áng mây cột lửa, qua hai Bia đá ghi Mười điều Răn, hay là qua “ngọn gió hiu hiu trên đĩnh Ho-reb …Đã đến thời viên mãn. “Một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đức Mẹ Maria chính là “Hòm Bia Giao ước mới” cưu mang Con Thiên Chúa làm người.

            Quả thật, bài Tin mừng Matthêô hôm nay, mô tả “cuộc thị kiến của Giuse về sự mang thai lạ lùng của Đức Maria là một bản tuyên cáo hùng hồn của Thiên Chúa về lòng yêu thương miên viễn của Ngài ; đồng thời cũng nói lên thái độ ngoan ngùy của những tâm hồn công chính khát mong ơn cứu độ. Từ đây Giao ước đã trở thành hiện thực. Tất cả mọi sự đời nầy cho dù quan trọng đến mấy, cũng phải nhường bước cho ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, cho Tin Mừng vĩ đại Con Chúa Giáng Trần. Giuse không còn phải trốn chạy, trăn trở trước một Maria đồng trinh mà bụng mang dạ chữa ; nhưng kể từ đây hân hoan đón nhận Tin Mừng để cùng nhau sát cánh cọng tác để Tin Mừng sớm được vang xa và trở thành hiện thực.

            Quả thật Đấng Emmanuel trong cung lòng Trinh Nữ Maria đã làm cho tất cả những ước mơ, hy vọng của con người từ đây được đáp ứng: sự hiện diện của Ngôi Lời Thiên Chúa đã chuyển từ không tới có, từ mất lại được: có ơn cứu độ, có sự tha thứ, có hồng ân tái tạo, có ánh sáng và chân lý dẫn đưa ta vào hạnh phúc vĩnh hằng. Cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã diễn tả tư tưởng của Thánh Gioan về sự hiện diện của Ngôi Lời bằng những câu thơ đẹp:

            Lời hằng sống từ muôn ngàn thế kỷ

            Đã vang lên khắp trời đất núi sông

            Không có Lời, muôn vật chỉ là không

            Không chi hết, toàn mênh mông trống rỗng…

            Lời ban xuống trần gian như ngọn lửa

            Quét sương mù cho rạng nước non xanh,

            Thiêu cây hoang cỏ dại cho đất lành

            Tỏa ánh sáng soi đường người muôn thuở… [1]

 

            Vâng, mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể chính là bài thuyết minh rõ nhất về sự hiện diện của Chúa Trời trên dương thế, một sự hiện diện cần thiết, thẳm sâu mà chính Chúa Trời đã khắc ghi trong sâu thẳm cõi lòng mỗi nhân loại, đến nỗi, trước những hoàn cảnh bi đát nhất, tối tăm nhất, thất vọng nhất, đau thương nhất, con người đều thốt lên “Trời ơi”, như một lời kêu cứu, một điểm tựa cuối cùng (như tiếng kêu não nùng của đôi vợ chồng Thức Lạc khi bị chìm ghe trong đêm vớt củi trên sông Hồng mùa nước lũ qua truyện ngắn “ANH PHẢI SỐNG” của Nhất Linh-Khái Hưng).

            Đã biết bao nhiêu lần lịch sử của nhân loại đã rơi vào thảm kịch kinh hoàng khi cả gan chối từ Thiên Chúa, muốn gạt phét Ngài ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới. Thừa hưởng chủ trương “giết chết thượng đế” của Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa phát-xít Đức đã tiêu diệt bao nhiêu triệu con người trong thế chiến thứ II. Cũng thế, chính chủ nghĩa vô thần, phủ nhận Thượng Đế của Karl Marx-Engel và các “môn đồ kế tục” như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pônpốt… đã xô đẩy bao nhiêu sinh linh vào nỗi oan khiên chết chóc !

            Mùa Giáng Sinh Kitô giáo chính là một nhắc nhở sống động cho toàn nhân loại về sự hiện diện của Thiên Chúa; và đặc biệt nhắc cho mỗi người tìm lại sự hiện diện của Thiên Chúa cho chính cuộc đời mình, dành một góc cho Thiên Chúa đến viếng thăm mình.

            Thế nhưng, chắc cũng không ít người đưa ra vấn nạn: Thiên Chúa hiện diện nơi đâu để tôi tìm thấy?

            Tạm bỏ qua những lần “hiển linh” của Thiên Chúa trong thời Cựu ước, chúng ta thử tìm gặp những cách thế hiện diện của Thiên Chúa qua Con Một Ngài nơi Tin Mừng.

            Vâng, qua các trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm gặp một sự hiện diện lạ lùng của Thiên Chúa mà ngay giây phút bước vào đời Ngôi Hai đã cương quyết chọn lựa: không phải hiện diện oai nghiêm rườm rà của nnững cuộc tế lễ toàn thiêu, tạ tội nơi cung thánh, mà là hiện diện bằng chính một cuộc đời, một thân xác như khẳng định của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đa-vít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần…” (Bđ 2). Thân xác đó, cuộc đời đó đã chấp nhận có mặt, hiện diện trong vũ trụ này, trên trái đất nầy; đó là sự hiện diện thật sự

– Của một bào thai trong cung lòng của một thôn nữ nơi ngôi làng bé nhỏ ở Bê-lem,

– Của một em bé vô gia cư sinh ra trong hang súc vật giá lanh ban đêm,

– Của một chàng thợ mộc nghèo lao công vất vả nơi xưởng thợ Na-da-rét,

– Của một phó thường dân sắp hàng với những người tội lỗi để ông Gioan làm phép rửa.

– Cả một người dạt dào nước mắt trước huyệt mộ của một người bạn mới qua đời,

– Của một thánh nhân sẵn sàng nhận những nụ hôn sám hối của một gái làng chơi,

– Của một khách mời tiệc cưới, hay sẵn sàng với nhóm phần thu chén thù chén tạc,

– Của một tôn sư khố rách áo ôm ở Ga-li-lê, ngủ mê mệt trên chiếc thuyền giữa cơn bão táp,

– Của một tên tội phạm trong nỗi khổ nhục ê chề trước tòa án Phi-la-tô,

– Của một tử tội trần trụi, máu me chết nhục nhã giữa hai tên tội đồ…

            Và ngày nay, Đấng là Emmanuel đó đang tiếp tục hiện diện trong tấm bánh đơn trên bàn thờ, trong nhà tạm, trong muôn cõi lòng khi chia sẻ chút máu thịt để làm của ăn cho dương thế…!

            Bài học về những “hiện diện của Đấng là Đường, Sự Thật Sự Sống”, bài học của mái trường “Emmanuel” mãi mãi không bao giờ “quá đát” hay vô giá trị đối với những ai đã chọn bước theo Ngài. Và cách riêng, với chúng ta những người Kitô hữu, những người mang tước phẩm cao cả là “con cái Thiên Chúa”, thì liệu trong những ngày đặc biệt nầy, những ngày cuối cùng của Mùa Đợi chờ Chúa đến, Chúa có thật là một “Emmanuel” không, hay như những câu hỏi của một bài thơ mang tên “Có lẽ nào”, xin trích:

Có lẽ nào ta đang vắng Chúa ?

Nên thấy hồn hiu quạnh hoang liêu.

Thấy chung quanh trống vắng tiêu điều,

Và trong lòng “bỗng dưng muốn khóc”…!

 

Chúa không về hay ta bội bạc ?

Khép kín lòng trong góc tối riêng.

Ta xuyến xao trăn trở triền miên,

Và buông mất bàn tay của Chúa…!

 

Có lẽ nào lòng ta tắt lửa ?

Chút tro tàn lạnh ngắt tình thân.

Còn đâu tình Chúa lẫn tha nhân,

Hồn câm nín và trái tim cô độc…!

 

Chúa không còn hay ta khô khốc ?

Mảnh đất hồn gai góc rong rêu.

Sợi chỉ đời ngang dọc sân si,

Che phủ hết mọi đường ánh sáng…!

 

            Như thế, sống mầu nhiệm “Emmanuel” để chuẩn bị cho ngày Đại lễ sắp tới chính là sống “sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa”, đón nhận sự hiện diện của Đấng Emmanuel vào tâm hồn và cuộc sống, và từ đó biểu lộ sự “có mặt của Thiên Chúa” nơi chính cuộc sống và cách ứng xử của đời mình:

– như người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy, và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng.

– như con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ.

– như  bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ…

– như mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha…hầu biến Lễ Giáng Sinh không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh…

            Sông được như thế, phải chăng đó cũng chính là con đường đúng và ngắn nhất để “quy phục muôn dân tộc về đức tin”, như Thánh Phaolô đã đoan quyết với cộng đoàn Rôma từ 2000 năm trước (BBĐ 2).

            Và để sống trọn vẹn mầu nhiệm Emmanuel trong cuộc đời hôm nay, có lẽ lời cầu nguyện sau đây của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta là thích hợp nhất:

Lạy Chúa Giê-su của con,

xin hãy giúp con biểu lộ được

sự hiện diện của Chúa khắp nơi con đi qua…

Xuyên qua con xin hãy làm cho

Ánh sáng của Chúa được lan tỏa

và hãy hết sức ở trong con

đến nổi mọi người con gặp gỡ

đều có thể cảm thấy

sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.

Họ cứ ngước mắt lên đi

họ chẳng còn thấy con đâu,

mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con….

 

Trương Đình Hiền

[1] Trích đoạn mở đầu trong tác phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” của Nguyễn Xuân Văn