Views: 66
(CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM A 2020)
Khi đọc lại nhiều Thánh vịnh chúng ta mới cảm nhận được hết vẽ đẹp của đức tin sâu xa nơi Dân Cựu ước, một dân tộc nói được là say mê Thánh luật của Chúa, như cách diễn tả của Tv 118, thánh vịnh dài nhất với 176 câu, mà chúng ta vừa hát lên trong phần đáp vịnh ca:
Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người…
Nhưng để hiểu được tại sao dân Ít-ra-en yêu mến và trân trọng Lề luật như thế, chúng ta thử ngược dòng thời gian trở về thời họ còn là một bộ lạc lang thang trong hoang mạc …
Sau khi dân Ít-ra-en được Mô-sê dẫn ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi cuộc đời lầm than nô lệ, thì Thiên Chúa muốn họ hướng về tương lai trong một niềm hy vọng ngút ngàn để xây dựng cuộc đời mới trong tự do, tươi sáng.
Và để làm nền tảng cho cuộc sống mới của Đoàn Dân Được Tuyển Chọn, Chúa đã trao ban cho họ một “bảng hiến pháp” tuyệt vời, đó là MƯỜI ĐIỀU RĂN, mà Ngài đã long trọng khắc ghi vào bia đá, giao cho Mô-sê từ trên đỉnh núi Si-Nai trong khung cảnh uy hùng khói bốc, lửa dậy.
– Kể từ đây, họ sẽ được tự do thờ phượng một Thiên Chúa đích thực mà không còn phải nô lệ cho những thần tượng giả tạo hay những thứ mê tín dị đoan của người Ai Cập và dân ngoại. (Điều răn I)
– Kể từ đây, họ sẽ chọn Thiên Chúa là Cha đang đồng hành và hiện diện giữa họ, để họ có thể gặp gỡ và thân thưa cách thân tình, phụ tử, chứ không còn là một thần tượng xa vời, kết buộc con người bằng những lời thề thốt giả tạo. (Điều răn II).
– Kể từ nay, họ có một ngày nghĩ lễ Sabat tuyệt vời trong tuần để dành riêng thờ Chúa và sống đậm đà tình huynh đệ cộng đoàn, chứ không phải nơm nớp lo sợ cúi đầu để thờ phượng lung tung những thần tượng trống rỗng và bị trói buộc mỗi phút mỗi giây trước những quyền lực phù phiếm và trần tục. (Điều răn III)
– Kể từ nay giữa cộng đồng và giữa xã hội Do Thái không còn có thể xảy ra việc giết người, ngoại tình, trộm cướp, làm chứng gian, cáo tội đồng loại….(Các điều răn V, VI, VII, VIII)
– Kể từ nay trong cộng đồng và trong xã hội Do Thái không ai còn nghĩ đến chuyện ham muốn nhà cửa hay mê vợ của kẻ khác, hoặc muốn chiếm hữu tớ trai tớ gái hoặc bò lừa và bất cứ vật gì của người đồng loại….(Điều răn IX, X)
Đây quả thật là giấc mơ cho tương tai hoàn toàn được giải phóng và tự do, giải phóng khỏi sự sợ hãi của những tộc ác và tự do khỏi những cơn cám dỗ, khỏi những khuynh hướng làm ác.
Mục đích đó đã được Sách Huấn Ca hôm nay nhắc lại: “Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (Bđ 1)
Nhưng rồi, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, cho tới thời Chúa Giêsu, Bản Luật Mười Điều Răn đó, đã được người Do Thái chú giải, bày đặt, thêm thắt thành hàng trăm khoản luật nhỏ (613 khoản với 365 điều cấm và 248 điều phải làm), đến độ biến thành một “mớ bòng bong lề luật” truyền khẩu chi li, rườm rà, gần như che khuất hết vẽ đẹp rạng ngời và trong sáng thánh thiện của Mười Điều Răn. Thay vì Giới Luật của Chúa nhằm để giải thoát và cho con người được tự do trong tình yêu, lề luật đã trở thành những thứ giây chằng chịt trói buộc, biến mối tương quan giữa người và Thiên Chúa trở nên xa cách và người với người trở nên lạnh lùng.
– Vì luật họ để mặc những anh chị em bị phung cùi chết dần chết mòn trong hoang mạc với cuộc sống hoàn toàn bị cách ly, gạt bỏ.
– Vì luật, họ chẳng thèm giao tiếp với những anh chị em thu thuế, những người Samari, những bà con lương dân thấp cổ bé miệng.
– Vì luật họ khinh thường và loại trừ những hạng người như cô gái làng chơi Maria Mađalêna, hay chàng Gia-kê trưởng ty thuế vụ, hoặc người mù từ lúc mới sinh lê lết bên bờ cuộc sống…
Họ đã biến tôn giáo mặc khải trở thành tôn giáo của luật lệ, và biến lề luật trở thành những chữ viết vô hồn trong sách vở của họ hay trên những tua áo họ mang trên mình mà hoàn toàn không còn chút sức sống của tình yêu, của con tim để dành cho Thiên Chúa là Cha và cho mọi người là anh em. Chính Đức Ki-tô đã phê phán nặng nề thái độ nầy của đám biệt phái, luật sĩ đương thời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,3). Đức Ki-tô đã đến để đem lại sức sống và vẽ đẹp tuyệt vời cho lề luật. Hôm nay, Ngài chính thức tuyên bố với những tay biệt phái bảo thủ, từng theo dõi mọi lời rao giảng và mọi hành vi của Ngài (họ soi mói việc các môn sinh của Ngài bức lúa ăn trắc trong ngày Sabat, không rửa tay trước khi ăn, không ăn chay, chữa bệnh ngày Sabat, giao tiếp với người thu thuế, gái điếm, đụng chạm đến những kẻ phung cùi, bệnh tật…), những điều mà họ hoàn toàn dị ứng và không chấp nhận được.
Tuy nhiên, Đức Kitô đã long trọng xác quyết: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”. Và điều cốt yếu mà Đức Ki-tô muốn thiết lập để kiện toàn Lề Luật đó chính là Tình Yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tình Yêu đối với con người. Mọi luật lệ đều phải quy chiếu vào nội dung cơ bản nầy. Đức Ki-tô muốn những ai là môn sinh của Ngài phải chu toàn Lề Luật trong tinh thần đó: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”. Sự công chính mới mà Ngài muốn các môn sinh của Ngài thực hiện không được dừng lại trên việc tuân thủ cách hình thức và đúng mực theo quy định của Lề Luật ; nhưng tiên vàn đó là thái độ tinh thần và con tim làm nền tảng và định hướng cho mọi ứng xử.
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. …”
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi…”
Qua những lời tuyên bố cụ thể đó, Chúa Giê-su muốn nội tâm hóa lề luật, để con người không chỉ dừng lại trước việc thực thi và tuân thủ máy móc ; nhưng là phải có một trái tim, một tinh thần, một tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, một thứ luật “được ghi khắc trong trái tim” như ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33), một loại “điều răn mới” mà Ngài đặt tên là “Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Đó cũng chính là điều mà Thánh Phaolô tiếp tục khẳng định sau khi Tin Mừng của Chúa Giêsu đã vượt qua biên giới Ít-ra-en để đến với thế giới: “Ai yêu thương thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8), và Thánh Nhân đã gọi đó chính là “lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa” (Bđ 2) ; sau nầy thánh Giáo Phụ Augustinô cũng nhắc lại “quy luật nền tảng nầy” bằng một cách diễn tả khác: “Bạn hãy yêu thương đi rồi làm theo ý bạn muốn” (Ama et fac quod vis).
Trong những ngày này, cả thế giới đang hoang mang lo lắng; riêng thành phố Vũ Hán của Trung quốc đang chìm trong bóng tối của sự chết: sự chết do con virus Covid-19 nhưng cũng là sự chết do biết bao hành xử ích kỷ, đố kỵ, bất khoan dung và vô cảm của con người đối với nhau. Tuy nhiên, trong giữa cảnh đen tối đầy thất vọng đó, vẫn loé sáng lên những “thiên thần áo vàng” là các tín hữu Kitô, sẵn sàng lang thang không biết mệt mỏi trên những con đường phố chết, để phân phát khẩu trang và chia sẻ Tin Mừng cũng như niềm hy vọng và sự tín thác vào Chúa Giêsu; vẫn sáng lên mẫu gương anh hùng của bác sĩ Lý Văn Lượng, một chứng nhân của Tin Mừng giữa một Vũ Hán tối tăm, khi sẵn sàng dấn thân để phục vụ đến đổi hy sinh mạng sống.
Phải chăng, đó là những con người đã thấm nhuần và thực thi trọn hảo những lời của chính Đức Ki-tô dạy bảo: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”. Chính những mẫu gương rạng ngời đó đang gọi mời chúng ta phải là chứng nhân cho một thế giới mới, một thế giới được giải thoát khỏi những tội ác và hổn loạn vì thiếu tình thương, khỏi u mê lầm lạc của mê tín dị đoan và nô lệ cho những thần tượng giả mạo ; một thế giới đầy tình huynh đệ yêu thương, chia sẻ trong mái nhà của con cái cùng một Cha chung duy nhất ; và mái nhà đó, địa chỉ đó, không đâu xa lạ, chính là cộng đoàn của chúng ta đây…
Và con đường để thực thi đời sống chứng tá đó không gì khác là cùng nhau tuân giữ và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa trong tinh thần yêu thương mà Đức Ki-tô đã dạy. Khoản luật đó sẽ không bao giờ trở thành xưa cũ đối với chúng ta, với thế giới. Amen.
Trương Đình Hiền