Views: 65
GỢI Ý SUY NIỆM SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA LỄ TRUYỀN DẦU TẠI QUI NHƠN 2020
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Đặc biệt, các anh em linh mục có mặt cũng như vắng mặt,
Đáng lý ra, đây là một Thánh lễ đại triều, bao gồm mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, đặc biệt, toàn thể linh mục đoàn, về quy tụ chung quanh vị Giám Mục chủ chăn của mình để cử hành một Thánh lễ mang một danh xưng đặc biệt: LỄ TRUYỀN DẦU hay, LỄ LÀM PHÉP DẦU. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của mùa đại dịch Covid-19, cộng đoàn chúng ta đành chấp nhận một “Thánh Lễ Dầu” trong thầm lặng, đơn sơ, ít ỏi. Nhưng cho dù được cử hành dưới hình thức nào, thì chiều kích phổ quát bao la và sâu thẳm tròn đầy của PHỤNG VỤ BÍ TÍCH THÁNH THỂ không có gì giảm thiểu hay đổi thay.
Ý nghĩa đầu tiên mang tính “quy chiếu” của cử hành Phụng vụ chiều hôm nay đó là việc Đức Giám Mục sẽ hiến thánh 3 loại Dầu được sử dụng thường xuyên trong nhịp sống đức tin của Hội Thánh Công Giáo Tông truyền:
Trước hết là Dầu Bệnh nhân (OI: Oleum Infirmorum), giúp nâng đỡ và tăng cường sức khoẻ tinh thần lẫn thể xác cho những bệnh nhân, người già cả, cao niên lướt thắng đau khổ mà đón nhận ơn tha thứ của Chúa. … Thứ đến là Dầu Dự tòng (OS: Oleum Sanctum hay Oleum Catechumenorum) dùng để xức cho những người muốn gia nhập vào đại gia đình Hội thánh, có tác dụng xua trừ ma quỉ và ban sức mạnh thiêng liêng mà trung thành giữ đạo Chúa. Cuối cùng, Dầu Thánh còn được gọi là Dầu Chrisma (SC: Sanctum Chrisma), được dùng để xức trên đầu người chịu Phép Rửa tội, và xức trên trán người chịu Phép Thêm sức để được “thánh hiến” cho Thiên Chúa và sai đi loan báo Tin Mừng. Trong ngày lễ Truyền chức, Linh mục được xức dầu thánh trong lòng bàn tay, để đôi tay được hiến thánh mà xứng đáng dâng của lễ, và trở thành những cánh tay nối dài cho sứ vụ tông đồ của Giám mục. Đức Giám mục được xức dầu thánh ở trên đầu trong ngày lễ tấn phong, nhận Thần Khí thủ lãnh, để có thể lãnh đạo và dẫn dắt Dân Chúa trên Hành trình lữ thứ trần gian. Dầu thánh còn được xức trên bàn thờ và các tường nhà thờ trong ngày lễ cung hiến.[1]
Tuy nhiên, để phần nào nắm bắt được ý nghĩa của huyền nhiệm “Dầu” và “được xức dầu”, chúng ta cần lắng nghe sứ điệp Lời Chúa đang nói với chúng ta trong Thánh lễ nầy.
Điều đầu tiên mà chúng ta dễ dàng nhận ra đó là: các Bài Đọc và Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đều tập chú “vẽ chân dung” của “Người được xức dầu”.
– Thật vậy, Bài đọc 1 với trích đoạn sách ngôn sứ Isaia phần III, đã khắc hoạ chân dung của “Người Tôi Tớ Thiên Chúa” được “Xức Dầu”, đang trở về mang theo niềm hy vọng và an ủi trong bối cảnh của một Giêrusalem hoang tàn mà đoàn dân hồi hương từ chốn lưu đầy Babylon đang chứng kiến: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa…”.
– Trong khi đó, Thánh Vịnh 88, lại chỉ đích danh Đa-vít, người được chính Thiên Chúa xức dầu tấn phong để chăm sóc dân của Ngài: “Ta đã gặp Đavit, tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh Người…”
– Riêng thánh sử Luca, với tài “vẽ chân dung tuyệt vời”, gần như đã “tích hợp” hình ảnh của “người tôi tớ Thiên Chúa” nơi Isaia và “Đa-vít” của Thánh vịnh 88, để tập chú vào một “Đấng Kitô (Đấng Được xức dầu) của Tân ước” đó là chàng thợ mộc Giêsu, hậu duệ Đa-vít, đến từ Na-da-rét: Chúa Giêsu trở về Nadarét, .. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, .. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong bài giảng Thánh lễ Dầu đầu tiên trên ngai toà Phêrô năm 2013, đã cắt nghĩa “huyền nhiệm Xức Dầu trong chiều kích “sứ mệnh phục vụ”: “Cả ba bài có điểm chung là những người này được xức dầu là để xức cho dân của Chúa mà họ là những tôi tớ của dân. Họ được xức dầu là để phục vụ người nghèo, tù nhân, người bị áp bức… Một hình ảnh rất đẹp nói lên sứ vụ của Dấu Thánh là ‘để phục vụ’, đó là hình ảnh mà Thánh vịnh 133 trình bày cho chúng ta: ‘Như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ, xuống áo chầu Aharon” (c.2). Hình ảnh dầu được đổ tràn – dầu chảy xuống Aharon cho tới những đường viền của những phẩm phục thánh của ông là hình ảnh xức dầu trong Bí Tích Truyền Chức Thánh, qua người được xức dầu, sự xức dầu này sẽ đến tận những ‘biên thùy’ của vũ trụ được đại diện bằng phẩm phục.”[2]
Và Đức Phanxicô cũng chú giải thêm rằng: Chiếc áo chầu của Aharon hay chiếc áo Êphốt của hàng Tư tế trong Đạo Cũ có đính 12 viên mã não trên hai bờ vai ghi tên 12 chi tộc Ít-ra-en cùng với một túi nhỏ đeo trước ngực cũng được ghi như thế. Đó là dấu chỉ các vị “tư tế cử hành hy lễ mang trên vai dân được trao phó cho mình và cùng lúc mang lấy những cái tên được ghi khắc trong tim”.[3]
Như vậy, vào thời Tân Ước, khi mang lấy phẩm phục của hàng tư tế thừa tác qua bí tích Truyền Chức, các linh mục-Giám mục cũng mang trên đôi vai và trong trái tim mình sứ mệnh phục vụ đoàn chiên. Nói cách khác, nơi “Nhiệm Cục Tân ước”, “Dầu” đó chính là “Chúa Thánh Thần”; “Đấng được xức dầu” đó chính là Chúa Giêsu và những kẻ được Ngài tuyển chọn qua bí tích Truyền Chức; và từ những con người đó, với cuộc sống và sứ vụ, “Dầu được lan toả” trên những ai đón nhận ơn cứu độ để làm nên một Vương quốc, một Dân tư tế, như cách cảm nhận của Thánh Gioan trong sách Khải huyền nơi Bài đọc 2: “Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Đấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa…”.
Phải chăng, từ chính nội dung ý nghĩa nầy, mà trong Thánh lễ Truyền Dầu hôm nay, có một nghi thức truyền thống đi liền sau phần Phụng vụ Lời Chúa đó là việc “lặp lại lời tuyên hứa của các linh mục”: tuyên hứa trung thành với lời cam kết gắn bó mật thiết với Đức Kitô, trung thành phục vụ cộng đoàn trong tác vụ Lời Chúa và bí tích.
Hơn lúc nào hết, Dân Chúa ngày hôm nay, trước bao nhiêu đe doạ của dịch bệnh tinh thần cũng như thể chất, những nạn “băng huyết” đáng sợ của nền văn hoá hưởng thụ và vô cảm, đang cần chạm đến những “chiếc áo chầu của Aaron chảy tràn dầu Thánh Thần”, như chiếc áo của Thầy Giêsu mà người phụ nữ bị bệnh băng huyết ngày xưa tin tuyệt đối rằng chỉ cần chạm nhẹ vào gấu áo thôi sẽ được khỏi bệnh (Lc 8,43-48).
Mặc dù “tấm áo không làm nên thầy tu”; nhưng “phẩm phục linh mục” của Tân ước phải tràn ngập hương thơm “Dầu Thánh Thần” của Đức Kitô. Bởi vì, người tín hữu hôm nay đang khao khát nhận được “hương thơm của dầu Thánh Thần” đó từ nơi bàn tiệc Thánh Thể, từ bài giảng Lời Chúa, từ thái độ bao dung tha thứ nơi Toà Giải tội, từ sự tiếp đón và phục vụ ân cần, từ thái độ khiêm nhường và dấn thân chịu khó, chịu khổ…của các linh mục, những mục tử mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu là hãy sẵn sàng “mang lấy mùi chiên”: “tôi yêu cầu anh em điều đó: hãy là những mục tử mang lấy ‘mùi của đàn chiên mình’, ước gì mùi này được cảm nghiệm thấy – hãy là những mục tử ở giữa đàn chiên mình và những ngư phủ đánh lưới người”.[4]
Các anh em linh mục thân mến, mặc cho thế giới đó đây hay muôn nơi, muôn thuở đòi hạ bệ chức linh mục xuống bùn đen, xem thường hay nghi ngờ định chế độc thân trinh khiết của linh mục Công Giáo, mặc cho những yếu đuối, biến chất và sa ngã của nhiều anh em trong hàng ngũ chúng ta, hay mặc cho, hàng năm, trên thế giới có mấy chục linh mục bị giết vì sứ vụ, hay chỉ trong vòng có 3 tháng vừa qua, Giáo Hội Ý đã mất trên 60 linh mục vì dịch bệnh Covid-19…thì xin anh em hãy nhớ lời của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến chúng ta nhân dịp kỷ niệm 160 năm qua đời của thánh linh mục Gioan Maria Vianney (1859-2019): “Lịch sử loài người không kết thúc trước một tấm bia mộ, vì hôm nay nó gặp được “viên đá sống”, Đức Giêsu phục sinh. Là Hội Thánh, chúng ta được xây dựng trên Người, và cả khi chúng ta trở nên ngã lòng và bị cám dỗ phán đoán tất cả dựa theo các thất bại của chúng ta, Người vẫn đến để làm mới mọi sự”.[5]
Riêng với anh chị em tín hữu, tôi cũng xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013 để thưa với anh chị em rằng: “Anh chị em tín hữu thân mến, hãy luôn ở gần những linh mục của anh chị em bằng tâm tình trìu mến và bằng lời cầu nguyện để các vị luôn là những mục tử theo lòng Chúa mong ước”. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] Tài liệu Dẫn Lễ Thánh lễ Truyền Dầu năm 2017 tại giáo xứ Vinh Đức, Ban Mê Thuột.
[2] ĐGH PHANXICÔ, Bài giảng Thánh lễ Làm Phép Dầu 2013. Giuse Nguyễn Xuân Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.
[3] Ibid.
[4] Ibid.
[5] ĐGH PHANXICÔ, Thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục nhân kỷ niệm 160 năm Thánh Gioan Vianney, cha xứ Ars, qua đời. Bản dịch tiếng việt: Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, Thư ký UB.LBTM. Trang 59.