NÉT ĐẸP CỦA MỘT CUỘC ĐỜI

,

Views: 37

(Tang lễ lm. Phêrô Hoàng Kym-  Bài giảng trong Thánh lễ sau nghi thức Nhập Quan – 13.5.2020)

Cộng đoàn chúng ta vừa cử hành một nghi thức đặc biệt trong tiến trình nghi lễ An táng dành cho cha cố Phêrô, nghi thức “Nhập Liệm” tức Khâm liệm và Nhập Quan, một nghi thức mà hầu như bất cứ nền văn hoá nào, phong tục nào, cũng đều trân trọng thực hiện.

          Cách riêng, đối với những người tin vào Chúa Kitô, chúng ta lại được cả bốn Tin Mừng đồng thanh tường thuật nghi thức “Nhập Liệm” của chính Chúa Giêsu. Riêng Tin Mừng thánh Gioan thì tường thuật khá chi tiết: “…Vậy ông Giuse đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicêđêmô cũng đến… Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái…”.

          Và có lẽ, đây cũng là phút giây cảm động và bi thương nhất của những người thân còn ở lại khi được nhìn thấy lần cuối cùng, và cũng để nói lời chia biệt sau hết, dành cho một người thân vừa nằm xuống. Không biết có phải vì đã cảm nhận sâu sắc cái tâm cảnh bi ai “kẻ ở người đi” của giây phút “nhập quan” nầy, mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc hoạ hai từ “bỏ mặc” cùng với giai điệu buồn tênh qua ca khúc “EM ĐI BỎ LẠI CON ĐƯỜNG”: “Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi. Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người. Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa. Bỏ mặc tôi là tôi là ai…”.

          Thế nhưng, toàn dân Kitô giáo chúng ta, trong suốt gần 5 tuần lễ vừa qua, những hình ảnh “tấm vải liệm”, “ngôi mộ đá”…đã không còn là vết hằn của sầu khổ bi ai mà tất cả đã trở thành những “chứng tích” của một niềm hy vọng ắp đầy, một niềm vui oà vỡ, như lời chứng sống động của cô Maria Mađalêna mà Hội Thánh còn lưu giữ nơi bài ca “Tiếp Liên” trong đại lễ Phục Sinh: Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe bà đã thấy gì trên quãng đường đi? Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống và vinh quang của Đấng Phục Sinh, thấy các thiên thần làm chứng, thấy khăn liệm và y phục. Đức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh…”.

          Và từ cái “bản Tin Vui đầu tiên” của người phụ nữ đó, sách Công Vụ Tông Đồ trong những ngày nầy, đã lần lượt làm sống lại cả một “làn sóng lên đường”, với một khí thế hừng hực của những người môn đệ Đức Kitô, xông pha trên khắp nẻo đường thế giới để làm chứng cho Tin mừng Phục Sinh, làm chứng cho Đấng là “thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết”, như chứng từ của thánh Phêrô mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 1: “Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng Người đã được Thiên Chúa đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết…”.

          Lời chứng Phục Sinh đó như một ngọn lửa được chuyền tay nhau, thế hệ nầy đến hệ khác; nhất là được Chúa Kitô ưu ái trao gởi cho những ai được Ngài chọn gọi để trở nên “linh mục đời đời theo phẩm hàm Menkisêđê”. Cha cố Phêrô của chúng ta đây là một trong những người đặc biệt đó. Suốt hơn nửa thế kỷ, từ khi chịu chức linh mục (1965), cho đến khi về an dưỡng tại Làng Sông (2016), ngài đã dành trọn 51 năm cuộc đời linh mục để rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh qua những trách nhiệm mục vụ được bản quyền giáo phận phối trí. Là một học trò, một người cọng tác và kế thừa ngài trong chức vụ Tổng Đại Diện, nếu được nhận xét về ngài, một cách phiến diện thôi, tôi chỉ có thể tóm tắt trong ba cụm từ nầy: UYÊN BÁC, CHÍN CHẮN, ĐẬM CHẤT QUI NHƠN.

          Thật vậy, nếu ai đã từng được học hỏi với ngài, dù chỉ là những lớp “căn bản La tinh”, hay được tiếp cận ngài qua giáo lý, thần học, triết học…sẽ thấy được sự uyên bác và thông thái mà không phải linh mục nào cũng có được. Ngài đã vận dụng sự uyên bác nầy trong độ chín chắn, kỷ lưỡng cùng với tinh thần dung dị đậm chất Qui Nhơn, quả thật, cuộc đời ngài là một gia tài cao quý trong kho tàng đức tin và văn hoá của giáo phận Qui Nhơn chúng ta, một mẫu gương sống động để các thế hệ linh mục hôm nay và mai sau học đòi bắt chước.

          Như vậy, cho dù Thánh lễ giờ nầy, với nghi thức “nhập liệm”, có mang một màu sắc bi thương của cảnh chia biệt, thì trong ánh sáng đức tin, đặc biệt với lời an ủi của chính Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe lại trong trích đoạn Tin Mừng thánh Gioan, cuộc “lên đường” của cha Phêrô lại là một tín thư của niềm hy vọng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở…Thầy đi và dọn chỗ cho các con, Thầy lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó…”.

          Mà không chỉ là một “dấu chỉ của hy vọng” thôi đâu; cái chết của một linh mục, một linh mục vừa hoàn tất trách nhiệm của mình, như cha cố Phêrô của chúng ta đây, còn là một nét đẹp tuyệt vời, như một giai thoại về linh mục thánh Gioan Maria Vianney:

Một ngày kia, sau nhiều giờ miệt mài với hối nhân nơi tòa giải tội, cha thánh Vianney trở về với những bước chân kiệt sức và té ngã trên cầu thang. Giáo dân hay được chạy đến và hô hoán lên: “Cha bị bệnh, đi kêu bác sĩ gấp!”. Ngài chỉ khoác tay, ôn tồn bảo: “Kêu linh mục chứ không kêu bác sĩ”…Và sau khi được lãnh các bí tích sau hết, ngài đã ôn tồn nói với vị linh mục trẻ: “Đẹp làm sao cái chết của một linh mục hoàn tất trách nhiệm của mình”.

          Chúng ta tin rằng, ở gữa chúng ta hôm nay, hình như cũng đang có một “Vianney của giáo phận” đã hoàn tất trách nhiệm mục tử cách hoàn hảo và đã chết một cái chết đẹp tuyệt vời. Và giả như “bức tranh cuộc đời của ngài” còn một chút gì chưa hoàn hảo, thì trong Thánh lễ nầy, Hy lễ cứu độ của chính Chúa Kitô, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện, để hôm nay, ngài thật sự về bên Chúa Cha, theo như lời của chính Chúa Kitô đã phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống ; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

          Chúng ta cũng không quên, hôm nay, 13.5, ngày Giáo Hội kính nhớ Đức Mẹ Fatima, cách đây đúng 103 năm (13.5.1917), Đức mẹ hiện ra lần đầu tại làng Fatima, mang theo sứ điệp “giải thoát các linh hồn và thế giới”. Chúng ta xin phó thác linh hồn cha Phêrô trong tay Mẹ nhân lành, để Mẹ dẫn đưa cha về hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

 

Trương Đình Hiền