Views: 24
Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật CHÚA BA NGÔI
Vừa kết thúc Mùa Phục Sinh và bước qua mùa Phụng Vụ Thường Niên, Hội Thánh cử hành liên tiếp 3 lễ trọng: CHÚA BA NGÔI, MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU.
Qua 3 lễ trọng nầy, hình như Hội Thánh muốn nói lên rằng: dư âm của mầu nhiệm TỬ NẠN-PHỤC SINH vẫn còn vang vọng kéo dài chứ không phải kết thúc với đại lễ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.
Riêng lễ CHÚA BA NGÔI được cử hành hôm nay, có thể nói được, là một cách “cắt nghĩa tổng hợp” về ý nghĩa trọn vẹn và sâu xa của mầu nhiệm TỬ NẠN-PHỤC SINH, mầu nhiệm Cứu Độ.
Thật vậy, nào chẳng phải Lời Chúa đã dạy chúng ta rằng:
– Chúa Cha chính là cội nguồn ơn cứu độ khi trao ban Người Con Một và đón nhận Hy lễ Thập giá của Ngài: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32); “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3,16-17).
– Chúa Con đã thực hiện chương trình cứu độ qua cuộc tử nạn-phục sinh của Ngài: “Phần con, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4); “Nầy con xin đến để thực thi Thánh ý Cha” (Dt 10,7); “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5).
– Chúa Thánh Thần làm cho ơn cứu độ của Chúa Con trổ sinh hoa trái và nên nguồn sống mới: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.” (Cv 2,33); Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8,11); “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,26)…
Phải chăng, chính từ những ý nghĩa trên mà Đức Thượng Phụ Filaret đã cắt nghĩa mầu nhiệm Ba Ngôi trong viễn tượng thập giá đầy thâm thuý:
– Cha là tình yêu đóng đinh= Amour crucifiant
– Con là tình yêu chịu đóng đinh =Amour crucifié
– Thánh Thần là sức mạnh vô địch của Thập Giá (force invincible de la croix)[1]
Giáo lý dạy rằng: chân lý “Một Chúa Ba Ngôi” được Lời Chúa vén mở từ từ cho tới khi được sáng tỏ trọn vẹn qua Đức Kitô, như khẳng định của thư Do Thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).
Thật vậy, công thức Ba Ngôi: “CHA, CON, THÁNH THẦN” do chính Đức Kitô mặc khải được ghi lại qua trích đoạn duy nhất và rất ngắn của Tin Mừng Matthêu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Và như thế, rõ ràng mầu nhiệm Ba Ngôi là “cánh cửa đức tin” đầu tiên của đời sống Kitô hữu đi liền với cuộc tái sinh của nhiệm tích Rửa Tội. Và chúng ta cũng biết rằng, trước khi được dìm xuống nước nhân Danh Ba Ngôi, người được gia nhập đạo” còn phải trả lời dứt khoát tin vào Cha, Con, Thánh Thần: “Con có tin… Thưa Tin…”
Từ nền tảng Phụng vụ bí tích Rửa tội, công thức tuyên xưng Ba Ngôi còn được Hội Thánh ban đầu cô đọng thành một lời chào chúc như ta gặp trong thư thứ 2 của Thánh Phaolô gởi cộng đoàn Corintô và được Phụng vụ của Hội Thánh lấy lại làm lời chào đầu lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13). Cũng trên cái nền “Ba Ngôi” đó, kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể là một lời vinh tụng Ba Ngôi long trọng: “Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Không dừng lại ở phạm vi “Lex orandi”, niềm tin vào chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi Vị đã được Hội Thánh diễn dịch và đúc kết (Lex credendi) qua hai bản Tuyên Xưng đức tin được gọi là Hai Kinh Tin Kính: Kinh Tin Kính Các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinopoli.
Chính những lời tuyên xưng đầy đủ về Ba Ngôi trong hai “tín biểu” đặc trưng nầy, khi được diễn dịch và biểu hiện trong nhịp sống đạo đời thường của người Kitô hữu, đã trở thành những lời kinh cầu nguyện quen thuộc: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, “Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng, con lại tin thật có một Đức Chúa Trời mà Người có Ba Ngôi…” ; hay một lời tuyên xưng kèm với hình Thánh Giá được vẽ trên người mà bất cử người Kitô hữu lớn bé trẻ già nào cùng có thể làm thành thạo, đôi khi trở nên công thức, thói quen: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: cho đến mãi hôm nay, “tờ lý lịch của Thiên Chúa” vẫn còn “dang dở” để con người lần mò tiếp cận trong “băn khoăn thao thức tới khi nào được an nghỉ trong Chúa” (St. Augustinô). Giờ đây, chúng ta thử chiêm ngưỡng lại dung mạo của Thiên Chúa Ba Ngôi được chuyển tải qua sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.
Trước hết, sách Xuất Hành trong Bài đọc 1 đã vén mở cho chúng ta dung mạo của một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và luôn đồng hành với con người: Chúa đi qua trước mặt ông (Môsê) và hô: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành”. Và không chỉ một lần, trong suốt chiều dài Cựu ước, qua các Tổ phụ, các ngôn sứ, dung mạo một “Thiên Chúa là tình yêu” đã được khắc hoạ thường xuyên, như cách diễn tả của ngôn sứ Isaia: “Có người mẹ nào không thương con dạ nó mang ? Nhưng nếu có người mẹ nào như thế đi nữa, thì riêng Ta, Ta không bao giờ quên ngươi. Thiên Chúa toàn năng đã phán như thế.” (Isaia).
Và chính Đức Kitô, Vị Thiên Chúa nhập thể làm người, cũng không nói gì hơn khi trình bày “dung mạo tình yêu của Thiên Chúa”. Hơn chăng, khi dung mạo đó hiện thực nơi chính Ngài, như Tin Mừng Gioan xác quyết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.”
Và như thế, khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta một lần nữa tuyên xưng vào mầu nhiệm cao cả và trung tâm của đức tin Kitô giáo, như sách Giáo Lý Hội Thánh đã khẳng định[2]; và không chỉ dừng lại ở lời tuyên xưng suông, chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi cách sinh động và cụ thể theo những lời nhắn gởi của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, những giáo huấn chưa bao giờ lỗi thời: “anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em.”.
Và nếu phải học sống với Thiên Chúa làm sao, ứng xử với Thiên Chúa thế nào, thì lời thoại thân mật với Thiên Chúa của Môsê năm nào trên núi Sinai luôn là một gợi ý đầy thâm thúy và hiện sinh: “Xin Ngài đi với chúng con…Xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi chúng con…”
Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống; tin vào một Đấng có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ; tin vào một Đấng sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương. Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là tin một Thiên Chúa “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng. Thiên Chúa Ba Ngôi, đó cũng là “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi, là Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc. Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”…là “Đấng bảo Trợ sẽ dạy chúng ta mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi lời của Đức Kitô”…
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được niềm tin như thế. Rất nhiều khi, chúng ta bị cám dỗ rơi vào một khoảng hồ nghi mà ở đó, Chúa như trốn biệt đâu mất. Thiên Chúa không “trốn đi đâu cả”. (Như tiếng Ngài thỏ thẻ trong câu chuyện “dấu chân trên cát”: “Nếu trên bờ cát phẳng chỉ còn lại một đôi dấu chân, thì đó không phải là của con đâu, mà là của chính Ta đó. Dễ hiểu thôi, vì con đang được ta bồng ẳm” !)
Nói cách khác, sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là luôn cảm nhận từng phút giây trong cuộc đời luôn nhận được không phải là một lời chào chúc mà là một “hiện thực ắp đầy Ba Ngôi”, đó là: ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Amen
Trương Đình Hiền
[1] ĐGM. PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM, Bài giảng “XUỐNG NÚI” trong lễ tạ ơn 10 năm Giám Mục của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, 20.5.2009. Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/xuong-nui-mc-9-2-10–%E2%80%93-nhan-ky-niem-10-nam-giam-muc-cua-duc-cha-phaolo-bui-van-doc-giam-muc-giao-phan-my-tho-26008
[2] GLHTCG, số 234: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu…Đây là chân lý căn bản nhất và chủ yếu nhát trong “phẩm trật các chân lý” đức tin.