HUYỀN THOẠI “THANH GƯƠM” VÀ “MẸ ĐỨNG”

Views: 33

(Lễ MẸ SẦU BI –2020)

Trong Ca nhập lễ của lễ Đức Mẹ Sầu bi Giáo Hội mượn lời của ông Simêon để nhấn mạnh cũng như gồm tóm những đau khổ mà Đức Mẹ phải trải qua rong cuộc đời “XIN VÂNG” của mình để góp phần vào công trình cứu độ của Chúa Con: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”.

            Hình ảnh “một lưỡi gươm đâm thấu con tim” đã vẽ lên một nỗi đau xé lòng, một vết thương đầy oan nghiệt.

            Tuy nhiên, “lưỡi gươm” trong trích đoạn Tin Mừng Luca trong sự kiện “Đức Mẹ dâng con” hình như muốn chuyển tải cho chúng ta một ý nghĩa khác đầy oai hùng, khí phách, mà quan niệm Á Đông-Việt Nam vẫn thường nhắc đến:

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày (Cảm hoài của Đặng Dung, Nguyễn Bính dịch sang quốc ngữ).

Chín lần gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh. (Chinh phụ ngâm – bản dịch Đặng Trần Côn)

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong. (Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. (Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ)…

Sống lãng mạn bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa. (Đi trên mảnh đất này của Huy Cận)[1]

            Thật vậy, lời tiên báo “đầy oan nghiệt” nầy về cuộc đời của Mẹ đã xảy ra trong một biến cố có thể nói được là một “cột mốc” quan trọng trong việc thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa: biến cố Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Vâng, chính trong sự kiện đặc biệt nầy, cùng với “lưỡi gươm đâm thấu” đã xuất hiện niềm hy vọng về “ánh sáng cứu độ”; niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã thắp lên trong lịch sử của Dân Chúa suốt bao ngàn năm, nay đã bắt đầu hiện thực: “Vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường ch dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2,30-32).

            Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng, đi liền với “lưỡi gươm đâm thâu”, đã bừng lên “ánh quang cứu độ”. Nói cách khác, trong “chân trời cuối độ của Thiên Chúa”, “cặp đôi” lưỡi gươm mang “dấu vết của Thập giá khổ nạn” và ánh sáng mang “niềm hy vọng cứu độ Phục sinh” luôn song hành hoặc “kẻ trước người sau” liền lạc, như câu tục ngữ truyền thống của Giáo Hội: PER CRUCEM AD LUCEM (NHỜ THẬP GIÁ ĐẾN CÙNG ÁNH SÁNG).

            Cho nên, ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm “Sầu Bi” của Đức Mẹ không là một dừng lại ở một thứ tình cảm sướt mướt, ẻo lả, nhưng luôn hướng đến sự kiên cường, mạnh mẽ của tín trung và vâng phục trọn hảo thánh ý Chúa như Hiến Chế Giáo Hội khẳng quyết: “Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến tận bên chân Thập giá, Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19,25), sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu…” (GH 58).

            Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ý nghĩa đó qua trích đoạn thư gởi tín hữu Do Thái (Bđ 1). Quả thật, Lời Chúa trong đoạn văn ngắn ngủi nầy đã một lần nữa cho chúng ta thấy mối tương quan giữa đau khổ và chiến thắng, giữa thập giá và phục sinh: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”.

            Những lời trên hoàn toàn có thể áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà ngày Truyền Tin, đã đánh cược cuộc đời mình trong hai tiếng “XIN VÂNG” khi trả lời cho thiên sứ Gabriel; và sau tiếng “Xin Vâng” đó là cả một cuộc đời “trải qua nhiều đau khổ để học biết thế nào là vâng phục”; và như thế, cũng như Người Con đã “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người”, thì Đức Mẹ xứng đáng nhận được lời chúc tụng là Đấng “Đầy ơn phúc” (như lời của sứ thần Gabriel) hay “Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ” của người chị họ Isave !

            Chắc chắn, vì cảm nhận được ý nghĩa thâm sâu đầy hy vọng nầy của mầu nhiệm “Sầu Bi” mà nhà điêu khắc vĩ đại của thời phục hưng – Michelangelo (1475-1564) đã thực hiện một kiệt tác là pho tượng mang tên PIETA (ĐỨC MẸ SẦU BI) được long trọng đặt tại Đại Thánh Đường Phêrô tại Rôma. Thật vậy, toàn thể thần thái của Đức Mẹ và Chúa Giêsu qua bức tượng mang chủ đề “Phần 6” trong “Bảy sự thương khó”: ĐỨC MẸ ĐÓN NHẬN XÁC CON, đều toát lên một sự thanh thản, dịu dàng, trong sáng, ẩn chứa niềm hy vọng phục sinh.

            Sứ điệp của ngày lễ “Mẹ Sầu Bi” còn muốn nói với chúng ta răng: qua những chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta không chỉ tìm thấy “1 lần Đức Mẹ sầu bi” mà là “7 lần Đức Mẹ đón nhận thương khó”: 3 sự thương khó xuất hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể (Giáng Sinh-Ẩn dật): Lời tiên báo của Simêon, trốn sang Ai Cập và Lạc mất Chúa trong đền thờ; 4 sự thương khó diễn ra trong mầu nhiệm Tử nạn: Theo chân Con trên đường khổ giá, đứng dưới chân thập giá, đón nhận xác Con và An táng Con trong mộ đá.

            Cho dù Tin mừng hôm nay chỉ nhắc tới “sự thứ 5”: Đức Mẹ dưới chân thánh giá, thì chúng ta cũng có thể qua đó để thấy Đức Mẹ thuộc trọn về Con mình, nhất là, thuộc trọn về Con trong mầu nhiệm Cứu độ, trong “Giờ Hiến Tế và Tôn Vinh của Con”, trong việc đón nhận, tin tưởng và thực thi Thánh ý Chúa, đón nhận “GIỜ” của Đức Kitô từ Nhập Thể tới Tử nạn-Phục sinh: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35).

            Phải chăng cũng trong ý nghĩa thâm sâu đó mà trong Tin Mừng Gioan, Đức Mẹ chỉ xuất hiện hai lần: Lần thứ nhất trong “Tiệc cưới Cana” (Ga 2,1-12) và lần thứ hai “dưới chân thập giá” (Ga 19,25-27); và cả “hai lần nầy”, đều liên quan tới cái “GIỜ” của Đức Kitô, “Giờ Con Người được tôn vinh”, Giờ hiến tế của thập giá. (x. HIỀN LÂM, Mẹ đứng – Stabat Mater)[2]

            Hơn nữa, khi trao Mẹ cho Thánh Gioan và trao Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu còn nói với chúng ta và ngàn muôn thế hệ Dân Chúa, Đức Mẹ mãi mãi giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu trên cuộc lữ hành của Dân Chúa tiến về quê hương vĩnh cửu, một cuộc lữ hành mà “thanh gươm của bách hại”, tử đạo, oán ghét, loại trừ…chưa bao giờ vắng bóng !

            Vì thế, “lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ” cùng với tiếng “Xin vâng” mãi mãi sẽ là hành trang cho tất cả những ai dấn thân vào sứ vụ tông đồ. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên, đằng sau thanh gươm đó luôn thấp thoáng vẽ đẹp rạng ngời lung linh của ánh lửa, lửa của Thánh Thần, lửa của “ánh sáng phục sinh”, lửa của tình yêu cứu độ chiến thắng trên bóng tối của nền văn minh sự chết, như cách diễn tả trong đoạn cuối của bài thơ “THANH GƯƠM VÀ ÁNH LỬA”:

Vâng, cuộc đời của chúng ta,
Của những ai đã một lần
Gặp gỡ Đức Kitô trên vạn nẻo đường xuôi ngược,
Nhất là của những con người,
đã quyết chọn sống (tu trì…tông đồ…) và dấn thân tiến bước,
Làm chứng tình yêu và thắp sáng u minh.
Thì mãi mãi mang theo hành trang bên mình,
thanh gươm báu chữ tình

để chịu đâm thâu và kiên trung chiến đấu,

với ngọn lửa Thánh Linh nóng bừng hồn hậu,

để rạng ngời soi dấu bước lên đường.

Vâng, thanh gươm và ánh lửa yêu thương,

Cho chị, cho anh và cho chúng ta hết thảy !

Simêon, Anna, Giuse, Maria…không trừ ai cả,

những con người,

đã một lần “thấy ánh quang cứu độ” bừng lên !

            Vâng, trong khi thế giới đang bị bao phủ bởi bóng tối của sự chết, đồi Canvê xưa hay hôm nay đang như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó, “sừng sững dưới chân thập giá” bóng hình của một Đấng được “rợp bóng Thánh Thần” để làm chứng cho tình yêu và sự chiến thắng của ơn cứu độ. Hình ảnh “Mẹ đứng – Stabat Mater” mãi mãi là hình ảnh của mỗi người môn đệ Chúa Giêsu hôm nay.

 

Trương Đình Hiền

[1] TRẦM NGƯ, Luận về đao kiếm trong thơ. Nguồn:

http://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/Luan-ve-dao-kiem-o-trong-tho-315059/

[2] HIỀN LÂM, Mẹ đứng – Stabat Mater. Nguồn: Trang mạng của Dòng Xito Thánh Gia: http://hoidongxitothanhgia.com/than-hoc/15-09-me-dung-stabat-mater-1915.html