ĐỪNG ĐỂ CHÚA BUỒN VÌ “CHẢ THẤY GÌ”

Views: 33

CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A 2020 – KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Lễ Tạ Ơn  hay Hy Tế Thánh Thể (Eucharistia) hôm nay được cử hành với chủ đích: cầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà truyền thống của Giáo Hội gọi là “Khánh Nhật Truyền Giáo”; và trọng tâm nầy, một cách nào đó, được khai triển và quy hướng về chính đối tượng: Thiên Chúa và con người mà lời phát biểu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu như một câu tục ngữ đã tóm gọn: “của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, … của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

            Thật vậy, ý nghĩa cuối cùng của sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh nào chẳng phải là “làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa trần gian”, là làm cho muôn dân nhận biết và trở lại tôn thờ Ngài: “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”; đồng thời chu toàn nghĩa vụ trần thế qua nẻo yêu thương và phục vụ con người: “Của Cêsarê hãy trả lại cho Cêsarê”.

            Tuy nhiên, để rọi sáng cho ý nghĩa và nội dung sứ điệp trên, Bàn Tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật 29 Thường niên chu kỳ Năm A hôm nay lại được lồng trong khung cảnh lịch sử cứu độ qua những nhân vật, những con người rất cụ thể: vua Cyro của đế quốc Ba Tư, Hoàng đế Cesare của đế quốc La mã hay những nhà truyền giáo thuở ban đầu của Kitô giáo: Phaolô, Silvanô và Timôthê

            Trước hết, qua bài đọc 1 và bài Tin Mừng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay được đặt trong một bối cảnh lịch sử thật dài của dân Do Thái mà điểm nhấn ở 2 đầu lịch sử đó lại là hai nhân vật trọng yếu của 2 đế quốc hùng mạnh: Cyrô và Cesare.

– Bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia kể lại một biến cố quan trọng trong lịch sử dân Do Thái: Khoảng năm 538 trước Công nguyên, vua Cyrô của đế quốc Ba Tư, một ông hoàng ngoại giáo lại được ngôn sứ Isaia gọi là “Đấng được xức dầu” (Mêsia) và được “Thiên Chúa cầm tay dẫn dắt” để dạy cho biết “chẳng có ai là Thiên Chúa ngoại trừ Ta”; và ông đã nhất nhất vâng lệnh Chúa truyền khi đem Dân Chúa trở về quê cũ và tái lập việc phượng thờ Giavê sau cuộc lưu đày lần thứ 1 ở Babylon. Cyrô đã trở nên dấu chỉ của quyền lực và thánh ý Thiên Chúa để muôn dân thiên hạ ngoan nguỳ vâng phục, muôn dân tộc được quy tụ về trong một mái nhà chung, như cách diễn tả mang tính tượng hình cụ thể của Isaia: “bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại”.

            Qua sự kiện “ơn gọi và sứ mệnh của Cyro” chúng ta bỗng nhận ra ý nghĩa của “mầu nhiệm ơn gọi và sứ mệnh “ra đi loan báo Tin Mừng trong Hội Thánh”. Vâng, mỗi người Kitô hữu, qua Bí tích Rửa Tội, được xức dầu thánh hiến và được cầm tay sai đi thi hành sứ mệnh của Chúa là chăm sóc dẫn dắt “đoàn người lưu lạc trở về quê thật”. Đây chính là một ân huệ nhưng không, một cái nhìn đến từ lòng ưu ái của Thiên Chúa chứ không phải là “sự lựa chọn chủ quan của con người”: “Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta …Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác…”. Cũng như thời vua Cyro, thế giới hôm nay còn biết bao đoàn người đang “bơ vơ lầm lạc trong cảnh nô lệ lưu đày”; họ phải đang cần những người “được chọn như Cyro” dẫn lối đưa đường về “quê thật”.

– Từ “câu chuyện Cyro”, Lời Chúa lại đưa chúng ta đến với Tin mừng Matthêô qua câu chuyện “nộp thuế”, một cái bẫy tinh vi của nhóm “liên minh ma quỷ Biệt Phái-Hêrôđê”, nhằm đặt nhà tiên tri Giê-su-Na-da-rét vào “tử lộ của một vụ án chính trị – xã hội”: nộp thuế: Có hoặc không? Có nộp là phản quốc; không nộp là phản động. Đàng nào cũng dẫn tới “cửa tử”. Trước hết, sự kiện nầy lại cho thấy: đây là thời đại đất nước Ít-ra-en đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, tượng trưng cho sức mạnh của trần tục, thế gian mà biểu tượng hoàng đế Cesare trên đồng bạc đang lưu hành chính là dấu chứng.           Thế nhưng, cũng qua biểu tượng đồng bạc có in hình Cesare đó, Chúa Giêsu lại mở ra một chân trời bao la khác, một viễn tượng huyền nhiệm khác liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa và phần rỗi đời đời của con người: “Trả lại cho Cesare, trả về cho Thiên Chúa”. Nói cách khác, Tin mừng của Chúa, Giáo Hội của Chúa cần được sai đến với một thế giới mênh mông mà đế quốc ngoại giáo và trần tục Rôma là đại diện…; và các môn sinh của Chúa Kitô được sai vào thế giới như một phương dược chữa lành, như men trong bột, như ánh sáng soi đường, như một cuộc “đi ra” theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium): “tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (EG 20).

            Vâng, “tất cả chúng ta, không trừ ai, được kêu gọi tham gia vào cuộc đi ra”, đến với mọi biên cương “Cesare” để trả lại cho “địa chỉ” đó những điều nó đang cần: Tin mừng và chân lý cứu độ, sự phục vụ và yêu thương…. Trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo nầy, chúng ta tiếp tục cầu nguyện để Giáo Hội luôn có nhiều tông đồ nhiệt thành và đầy “lửa truyền giáo”, đầy nhiệt tình “đi ra”, một sự “đi ra dứt khoát khỏi cái tôi của mình” để đến với những “vùng ngoại vi” đang cần những đôi tay yêu thương phục vụ. Vâng, “Trả lại cho Cesare và trả về cho Thiên Chúa” chính là cuộc “đi ra” dài dài như thế trong cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của mọi người Kitô hữu!

– Ở giữa hai câu chuyện lịch sử xoay quanh hai cái tên “Cyrô” và “Cesare” đó cùng với sứ điệp “trả lại Cêsare trả về Thiên Chúa”, bức thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi giáo đoàn Thêxalônica lại khắc hoạ gương mặt những nhà truyền giáo đầu tiên, cũng là những Giám Mục, Linh mục của thời kỳ khai nguyên Kitô giáo: Phaolô, Silvanô, Timôthêô. Qua chứng từ của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư nầy, đặc biệt, qua những gương mặt tông đồ tiền bối đó, chúng ta thấy được hoa trái diệu kỳ của công cuộc loan báo Tin Mừng chính là công trình của Chúa Thánh Thần; và đó chính là một gợi hứng, một điểm tựa, một niềm trông cậy vững vàng của Hội Thánh trong sứ mệnh truyền giáo muôn nơi muôn thuở: “Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô…. Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em….bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.”.

            Suốt 2000 năm nay, và trên muôn nẻo đường thế giới, đã có không biết bao nhiêu những Phaolô, Silvanô và Timôthê đã sẵn sàng đáp lại tiếng gọi mời để dấn thân cho công cuộc xây dựng Vương quốc Nước Trời và loan báo Tin Mừng cho thế giới. Chính trong ý nghĩa đó mà Đức Thánh Cha Phaxicô đã chọn lời của ngôn sứ Isaia “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8) làm chủ đề cho sứ điệp Truyền Giáo 2020; và ngài đã quảng diễn: Trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay”.

            Và như thế, kính thưa cộng đoàn, ước gì qua sứ điệp Lời Chúa được vang lên trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta sẽ không làm cho Chúa buồn vì “chả thấy gì” trước câu hỏi mà Ngài một lần nữa ân cần lặp lại; và riêng chúng ta thì “chỉ thấy già” với cuộc sống đầy những vết hằn của lười biếng, đam mê, dục vọng trần tục. Không, chúng ta hãy làm cho Chúa thật vui khi mỗi người chúng ta lại ngẩng đầu lên, hân hoan lặp lại một lời đáp trả đầy nhiệt huyết trẻ trung: “Dạ con đây, xin sai con đi”.

            Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều ý thức rằng: với thân phận yếu đuối mỏng dòn, rất nhiều khi “lời đáp trả” của chúng ta sẽ không thành hiện thực hoặc chẳng “tới nơi tới chốn”; vì thế, chúng ta hãy đặt “lời đáp lên đường”, hay công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay, trong sự bảo bọc của Mẹ Maria, người Mẹ đã đi trọn con đường đáp trả tiếng gọi mời của Thiên Chúa bằng tiếng “Xin Vâng” trọn hảo. Amen.

 

Trương Đình Hiền (18.10.2020)