Views: 94
(Cung Hiến Thánh Đường Latêranô – 9.11.2020)
Sau “chặng đường thánh giá” gần 300 năm sống chui nhủi như “những con chuột dưới các hang toại đạo”, những người Kitô hữu Rôma chính thức “đường hoàng ngẩng mặt lên trời” mà tuyên xưng Đạo Chúa vào ngày 9.11.324, ngày “Cung Hiến Thánh Đường đầu tiên của Kitô giáo” trong đế quốc Rôma.
Và hôm nay, Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ cử hành “Lễ Kỷ Niệm Ngày Cung Hiến Thánh đường “Mẹ và Đầu” (Mater et Caput) nầy của mọi thánh đường trên thế giới[1].
Trước hết, ngày lễ nầy nhắc lại một thời điểm quan trọng trong lịch sử Hội Thánh mà đền thờ Latêranô là một chứng tích hùng hồn, rõ nét. Thật vậy, sau hơn 3 thế kỷ bị bách hại, cộng đoàn Giáo Hội mẹ Rôma phải âm thầm sống đức tin dưới các hang toại đạo, ẩn khuất nơi tư gia hoặc các chốn thâm sơn cùng cốc. Mãi cho đến thời hoàng đế Constantino trở lại đạo và ký sắc lệnh Milan(năm 313), các Kitô hữu mới được tự do và công khai biểu lộ niềm tin của mình. Cũng trong thời gian nầy, chính hoàng đế Constantino đã trao tặng một cung điện lộng lẫy trên đồi Coelius tên là Laterano cho Đức Giáo Hoàng Miltiad. Sau đó chính vị Giáo Hoàng nầy đã xây một Đại Thánh đường bên cạnh cũng mang tên Laterano, để rồi, vào ngày 9.11.324, Đức Giáo Hoàng Sylvester 1 đã khánh thành và cung hiến với tước hiệu Chúa Cứu Thế (CHRISTO SALVATORI).
Và cũng kể từ đó, Laterano đã trở thành nhà thờ Chánh tòa của Giám Mục Rôma – hay của Đức Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo La mã, là nơi cư ngụ thường xuyên suốt hơn 1.000 năm của các Đức Giáo Hoàng, (Cho đến thế kỷ 14, Đức Giáo Hoàng Nicolas V mới dời đô về Vatican, cạnh đền thờ Thánh Phêrô cho tới hôm nay). Đây cũng là nơi có giếng rửa tội lâu đời nhất tại Rôma, là địa điểm diễn ra nhiều cuộc họp Công Đồng, trong đó có 5 Công Đồng Chung…
Kể từ ngày được xây dựng và cung hiến tới hơn 16 thế kỷ nối tiếp sau đó, đền thờ Laterano đã bị tàn phá và tái dựng trải qua nhiều biến cố: hỏa hoạn, động đất, các cuộc chiến tranh tàn phá giữa các quốc gia Ý, Anh, Pháp, Đức… Mãi cho đến Ngày 28.4.1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9.11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô, và được giữ mãi cho tới hôm nay.
Ngày hôm nay, khi cử hành lễ kỷ niệm Cung Hiến Đền Thờ nầy, chắc chắn Phụng Vụ không chỉ nhằm đến một ý nghĩa lịch sử hoặc “vóc dáng đồ sộ” của ngôi Thánh đường. Bởi chưng, cho dầu đền thờ có to lớn đến đâu, lộng lẫy dường nào, thì cũng chỉ là ngôi nhà bằng đá gạch, ngôi nhà vật chất. Điều Phụng Vụ muốn chuyển tải đến chúng ta chính là ý nghĩa thâm sâu được ẩn chứa nơi tước hiệu của đền thờ: CHÚA CỨU THẾ. Vâng, chính Chúa Giêu-Kitô mới là đền thờ đích thật, như ngài đã ám chỉ trong câu trả lời cho nhóm biệt phái mà chúng ta vừa nghe trong trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này cũng đã được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.
Quả vậy, chính Đức Kitô đã chấp nhận bị “tiêu hủy” trên đồi Canvê bằng cuộc tử nạn để nhờ đó đã mọc lên bao nhiêu ngôi đền thờ của Thiên Chúa làm nên cộng đoàn Hội Thánh to lớn, lộng lẫy hôm nay. Qua mầu nhiệm nầy, Phụng Vụ cũng gọi mời chúng ta chấp nhận hy sinh, thanh tẩy cuộc đời, mà cuộc thanh tẩy đền thờ Giê-ru-sa-lem của Chúa Giêsu trong Tin Mừng là một nhắc bảo, để mỗi ngôi đền thờ là cuộc đời mình sẽ là những viên đá sống động làm nên Ngôi đền đẹp đẽ của Thiên Chúa, như lời của Thánh Phaolô Tông Đô dạy bảo trong thư gởi giáo đoàn Côrintô nơi bài đọc 2: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”.
Và cụ thể hơn, đó chính là chúng ta biết hằng ngày trân trọng hơn, trung thành hơn trong việc cùng quy tụ nhau trong thánh đường của chính địa phương mình để lắng nghe Lời Chúa, cử hành các bí tích, dâng lời cầu nguyện…, làm sao để nơi đây thật sự tuôn trào sự sống thần linh như chính ngôn sứ Êdêkien đã từng được mặc khải với hình ảnh dòng nước sự sống chảy ra từ đền thờ (BĐ 1).
Tóm lại, cử hành Phụng Vụ hôm nay, thật là cơ hội thuận tiện để chúng ta bắt tay xây dựng lại ngôi đền thờ của chính mình, và từ đó xây dựng ngôi đền thờ giáo xứ và Giáo Hội. Đây là công việc “dài hơi”, đòi hỏi từng giây phút nguyện cầu, từng hy sinh thầm lặng, từng nỗ lực chuyên chăm lắng nghe và thực hành Lời Chúa, từng nghĩa cử bác ái yêu thương phục vụ…
Đó cũng là ý tưởng trong lời cầu nguyện là một bài thơ sau đây của Charles Singer. Bài thơ có tên: “Ngôi thánh đường đời con” (La Cathédrale de ma vie). Xin trích dẫn đôi câu:
Lạy Chúa, Cuộc đời con là một ngôi Thánh Đường,
Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,
Con tự hào với tất cả niềm tin,
Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,
Để vươn lên thật cao quí tôn nghiêm (…)
Lạy Chúa,
Ngôi Thánh Đường của đời con,
Không thể xong trong một sớm một chiều,
Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng,
Cùng với nhiều biến dạng của thời gian….
Thế nhưng, con mãi mãi vững tin vào sức mạnh,
Chẳng phải từ nơi con để vượt thắng giòng đời,
Mà tâm nguyện: chỉ nơi Ngài, lạy Chúa,
Ngôi Thánh Đường con sẽ tựa trung kiên,
Để trụ vững giữa đảo điên nhân thế,
Để hiên ngang đứng giữa bể dâu đời.
Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,
Chính Ngài, con không quá lời đâu:
Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,
Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con[2].
Trương Đình Hiền
[1] Trên mặt tiền Đền Thờ Laterano có khắc hàng chữ: “Sacrosancta Lateranensis ecclesia omnium uthis et othis ecclesiarum mater et caput” (Mẹ và Đầu của tất cả nhà thờ ở Roma và trên thế giới). Nguồn: Trang mạng Tổng Giáo phận Hà Nội: https://www.tonggiaophanhanoi.org/van-hoa-nghe-thuat/6468-dai-vuong-cung-thanh-duong-laterano.html
[2] Trích trong “Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ”, trg 11-12.