THÂN PHẬN CON NGƯỜI VÀ “GIẤC MỘNG ĐẾ VƯƠNG”

Views: 236

LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ (NĂM A 2020)

Đời người ai cũng có những ước mơ; và khi cố nuôi giữ giấc mơ đó sao cho thành hiện thực thì thường được gọi là “ôm giấc mộng”. Có một loại “giấc mộng” mà người ta hay nói đến đó là “mộng đế vương”; nôm na, đó là mộng làm vua, làm hoàng đế, mộng được ngồi trên ngai vàng cai trị muôn dân

Cho dù hệ thống chính trị Hoa Kỳ không theo thể chế “quân chủ lập hiến”, nhưng được làm Tổng thống Hoa Kỳ với nhiệm kỳ vỏn vẹn 4 năm cũng là một “giấc mộng” to lớn của nhiều chính khách, chẳng khác nào “mộng đế vương”. Chính vì thế, người ta sẽ không lấy làm lạ về những cạnh tranh khốc liệt và tốn kém to lớn trong cuộc “chạy đua vào Nhà Trắng”, điển hình như cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2020 nầy của hai ứng viên D. Trump và J. Biden. Trong khi đó, người ta cũng “râm ran” về ý đồ “ôm mộng Hoàng đế Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, khi ông ta dùng Hiến Pháp mới để được làm “chủ tịch vĩnh viễn”, cai trị một đất nước với hơn một tỉ tư thần dân. Miền Nam Việt Nam với hai “triều đại” Đệ nhất và Đệ nhị Cọng Hòa đã nổi lên hiện tượng “Ông Đạo Dừa” Nguyễn Thành Nam, một nhân vật có thật, cũng “ôm mộng làm vua”, mà nhà văn Nguyễn Trường đã chọn làm “nhân vật chính” cho cuốn tiểu thuyết mang tên “Mộng Đế Vương” (1992)…

Sở dĩ nhắc đến chuyện “làm vua”, chuyện “đế vương” vì hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, Hội Thánh Công Giáo long trọng mừng lễ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ, một lễ trọng được chính Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập vào ngày 11.12.1929, sau khi kết thúc thế giới đại chiến lần thứ nhất 11 năm (11.11.1918).

Trước hết, như Tin Mừng minh chứng, Chúa Giêsu không là kẻ “ôm mộng đế vương”, Ngài không muốn người ta tôn Ngài lên làm vua (Ga 6,15), cho dù điều đó “nằm trong tầm tay” ! Tuy nhiên, khi tới “Giờ” quyết định phải “đăng quang”, phải “tỏ mình là vua đích thực”, thì Ngài không ngần ngại xác quyết: Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?”. Chúa Giêsu đáp: “Đúng như ông nói: Tôi là vua…” (Ga 18,37). Thế nhưng, cũng chính trong lúc xác nhận “vương quyền” cũng là lúc Đức Kitô mạc khải chân dung của “Vương quốc” mà Ngài hiển trị (Ga 18,36.37), đó là “vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua).

          Và vì thế, để dấn thân vào Vương quốc đó, để thuộc về thần dân của Vua Kitô, chúng ta lại phải mang một “căn cước khác”, một “hộ chiếu khác”; phải có con mắt mới tinh trong sáng, phải có cõi lòng thanh thản bao dung, phải có con tim hiền lành và khiêm hạ, phải có cả hy sinh và sám hối…mới có thể nhìn ra Đức Kitô, Vị Vua quyền năng đang hiện diện ở đó trong những người nghèo, trong những người anh em chung quanh, trong một xã hội nhầy nhụa và phức tạp, trong mọi cơ chế tưởng chừng như đã vắng bóng Thiên Chúa tự thuở nào.

          Vì đã không có “con mắt như thế, cái nhìn như thế, niềm tin như thế” nên những kẻ dữ trong dụ ngôn “Ngày Phán xử” (trong trích đoạn Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe) đã ngạc nhiên: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?”. Vâng Vua Kitô đang ở đó, trong những con người nhỏ bé, bất hạnh đó. Cho dù có một đôi lúc, chúng ta tưởng rằng Thiên Chúa đã vắng bóng, Thiên Chúa đã chết, Đức Kitô Mục tử đã đi khỏi thế giới…khi chứng kiến bao tai nạn dữ dằn xảy đến, bao cảnh lầm than khốn khổ cứ diễn ra, bao cuộc chiến đẫm máu, bao cái chết thương đau, bao oan ức chất chồng ập xuống trên bao con người nghèo bất hạnh… Không, chúng ta hãy nghe Chúa phán: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”…

Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 11/11/1918, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất chấm dứt và để lại một thế giới, đặc biệt là Âu Châu, một cảnh tang thương và hoang tàn về tinh thần cũng như vật chất (hơn 10 triệu người chết, hàng chục triệu bị thương tật, hàng trăm làng mạc, thành phố bị tiêu hủy, hàng trăm tỷ đôla chiến phí, làm nên mảnh đất màu mở sinh ra chủ nghĩa phát-xít Đức, Cọng sản Nga và dẫn đường cho đại chiến thứ 2…). Chính trong bối cảnh xã hội phức tạp và đen tối ấy, Giáo Hội lúc bấy giờ thấy cần phải một lần nữa giới thiệu cho nhân loại một giải pháp tối hậu, một con đường duy nhất để hiệp nhất nhân loại trên nền tảng của chân lý và tình yêu. Giải pháp duy nhất, con đường độc đạo ấy chính là Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành được Chúa Cha sai xuống để thể hiện lòng thương xót và chăm sóc đoàn chiên của Thiên Chúa với tấm lòng của người mục tử, như chính Thiên Chúa đã từng mạc khải qua miệng ngôn sứ Êdêkiel mà chúng ta được nghe công bố nơi Bài đọc 1: “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính…”.

Chủ đích của ngày lễ Chúa Kitô được Đức Pio XI thiết lập cách đây gần 100 năm đã không chỉ dừng lại trên ý nghĩa “mục vụ hậu chiến tranh lần thứ nhất” mà còn trải rộng đến mọi biên giới và ngõ ngách của đời sống đức tin của Dân Chúa trong thế giới nầy, nhất là trong việc loan báo và làm chứng về sự hiện diện chăm sócquyền năng biến đổi của Đấng là “đường, sự thật, sự sống”.

Nếu thế giới nầy vẫn còn diễn ra bao nhiêu “ngày thứ Sáu” của thương đau và chết chóc, của ác tâm và hận thù, của rẽ chia và thất vọng… thì hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần trao cho thế giới những Maximilien Kolbe, những Osca Romero, những Têrêsa Calcutta…, những con người sống hiện thực từng mối phúc thật của Tin Mừng; bởi vì, chỉ với những con người như thế, Nước Cha mới hiển trị, ý Cha mới thể hiện dưới đất cũng như trên trời; Vương quốc Nước Trời mà Đức Kitô là Đấng thiết lập và hoàn tất bằng con đường Vượt Qua mới thành tựu như xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Corintô: “Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

Với những người không có niềm tin thì quả thật, câu chuyện “Vương quốc của Vua Kitô” xem ra hão huyền và xa vời; nhất là phải đối diện, phải bước đi trên con đường thập giá, như những người Do Thái ngày xưa vào buổi chiều thứ Sáu trên đồi Sọ. Tuy nhiên, với con tim khiêm nhường và hoán cải, người trộm bên hữu đã làm nên điều kỳ diệu cho chính cuộc đời đang bế tắc của mình, và mở ra chân trời hy vọng cho bao nhiêu con người đang dẫy chết: “Giêsu ơi,khi nào vào Vương quốc của Ngài xin nhớ đến tôi….Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi” (Lc 23,41-43).

Thật vậy, không phải Nga, Tàu hay Mỹ… là điểm đến, là “vương quốc đáng sống” và sống mãi đời đời; và cũng không phải Putin, D. Trump, Assad, Tập Cận Bình… có đủ khả năng lèo lái và quy tụ nhân loại trong hòa bình và hiệp nhất. Chỉ có một địa chỉ duy nhất: Vương quốc của tình yêu; và chỉ khi nào con người suy phục Vua Kitô, Đấng là Mục tử nhân lành, chấp nhận đi vào đoàn chiên để Ngài chăm sóc…, thì thế giới nầy sẽ trở thành “mái nhà chung của hòa bình và huynh đệ”, nhân loại nầy sẽ được dẫn vào “đồng xanh và suối mát” nơi “Vương quốc vĩnh hằng”. Amen.

 

Trương Đình Hiền (Kitô Vua 2020)