Views: 253
(CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B 2020)
Chúng ta đang họp nhau cử hành phụng vụ Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, mùa “Trông Đợi, Dọn Đường” để sẵn sàng bước vào cử hành Mầu Nhiệm Giáng Sinh.
Để nêu bật ý nghĩa đặc biệt nầy, Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng ta luôn biết mở lòng đáp trả thánh ý Thiên Chúa và kế hoạch tình yêu của Ngài trong mọi biến cố cuộc sống như thái độ “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố truyền Tin, như tấm lòng hiếu thảo trân trọng của Đa-vít khi muốn xây nhà cho Thiên Chúa.
Ước gì, không phải những lo toan bên ngoài, những trang trí mang tính khoe khoang hình thức, những hang đá máng cỏ lộng lẫy, những ánh điện huy hoàng…đang choán chỗ trong tâm hồn chúng ta, nhưng chính là sự hiện diện của Đấng “Thiên Chúa làm người”, Đấng là Lời Mạc khải tối hậu “mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời của Thiên Chúa” đang đến, đang có mặt, đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.
Để đi sâu vào các nội dung ý nghĩa trên, chúng ta dừng lại để lắng nghe thêm những gợi ý của sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.
Nếu “Bản Gia phả của Đấng Cứu Thế” trong Tin Mừng Matthêô đã xác định rằng: “… từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời”, thì câu chuyện về “hai cột mốc thời gian của lịch sử cứu độ” mà Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh chính là “Đavít” và “Chúa Kitô”.
Thật vậy, cả Bài đọc I và Bài Tin Mừng đều nhắm tới “hai nhân vật trọng yếu nầy”.
– Bài đọc I với trích đoạn của sách Samuel quyển hai tường thuật việc thánh vương Đavít muốn “xây nhà cho Thiên Chúa” sau khi đã ổn định giang sơn và yên vị tại Giêrusalem. Tuy nhiên, qua ý định của Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa không muốn Đavít xây nhà cho mình, nhưng chính Ngài sẽ đích thân “xây nhà”, tức thiết lập và củng cố “Triều Đại của Đavít”: “Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
Có lẽ đây chính là một lời tiên báo rõ nét nhất, kể từ “tin mừng đầu tiên”: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15); và cũng là một Giao ước chính thức và cụ thể sau bao lần giao ước lần lượt từ Noe (St 9,26), tới Abraham, Giacop: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa…cho đến khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49: 10).…
Và sau “28 đời gia phả kể từ Đavít” với ngót nghét hơn 1.000 năm, lời Chúa mạc khải cho ngôn sứ Nathan về “Triều Đại Đavít” đã hiện thực cách diệu kỳ đầy khiêm tốn qua biến cố Truyền Tin tại Nadarét: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Thì ra hai nhân vật “Đavít”, “Maria” và câu chuyện “xây nhà cho Thiên Chúa” chỉ là tấm phông nền (background) mà Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng hôm nay “dựng lên” để “chiếu sáng” một nhân vật chính: Đức Kitô, hay như định nghĩa của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma (BĐ 2), là Tin Mừng của một mầu nhiệm vĩ đại “được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”.
Với ba tuần Mùa Vọng vừa trôi qua, Dân Chúa được gọi mời “dọn đường đón Chúa đến” qua những lời hiệu triệu của ngôn sứ Isaia, qua sứ điệp và con người của Gioan Tẩy Giả, qua thái độ công chính vâng phục của Thánh Giuse…, thì với Chúa Nhật cuối cùng nầy, Lời Chúa thông báo cách rõ ràng và đầy tính gấp rút: Chúa đã đến sát cửa đây rồi. Đây không còn là lúc phải bận tâm những câu chuyện thuộc cái tôi, chuyện mang tính trần tục thuộc loài người (như chuyện xây nhà của Đavít), mà là biết mau mắn mở lòng ra đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa như Đức Trinh Nữ Maria: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”.
Vâng, Đức Mẹ Maria cùng với huyền nhiệm Truyền Tin được Phụng vụ chọn như là chân dung đẹp nhất, sự kiện hoàn hảo nhất của Mùa Vọng, để qua đó, dân Chúa làm cuộc chuẩn bị cuối cùng, sắp sẵn, để đón mừng Con Chúa giáng trần. Bởi vì, không thể có Giáng Sinh nếu không có biến cố Truyền Tin. Hài Nhi Giêsu không thể sinh ra mà không đi ngang qua chín tháng trong bụng Mẹ; và giây phút khởi đầu của “chín tháng cưu mang trong dạ” đó chính là phút giây cô Trinh Nữ làng Nadarét đã đáp lại sứ thần Gabriel bằng hai tiếng “Xin vâng”.
Thật vậy, sau lời “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi. Con Thiên Chúa mang lấy thân phận và cuộc sống loài người. Và kể từ đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã bắt đầu chọn đi trên nẻo bấp bênh của kiếp phận con người: lớn lên chín tháng trong lòng mẹ như bao vạn triệu con người để rồi cất tiếng khóc oa oa chào đời giữa đêm đông giá rét. Ngài đã không chọn cách kiểu vào đời oai phong lẫm lẫm bước xuống từ trời như một thiên sứ giáng lâm, mà Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sữa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối…
Ngài không chọn gác tía lầu son (như dự định xây nhà của Đavít) để xa xôi cách biệt giữa Thiên Chúa Tối Cao với đớn hèn nhân loại, nhưng đã chọn cung lòng của một cô thôn nữ để sẻ chia trọn vẹn phận người như ta ngoại trừ tội lỗi. Cuộc sống của Ngôi Lời quyền năng từ đây sẽ là cuộc hành trình mang theo tất cả buồn vui, âu lo, trăn trở; sẽ đong đầy nước mắt đoạn trường, sẽ dập dìu những đau thương khổ lụy. Cuộc sống của Ngài phản ảnh chính cuộc đời của Mẹ mà sau đó chẳng bao lâu đã được ông già Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu cõi lòng bà” (Lc 2, 35). Và Người “Con Vua Đavít” đó, “Đấng Thánh” đó, Đấng được thiên sứ Gabriel xưng là “Con Thiên Chúa” đó, như Thánh Phaolô xác quyết và rao giảng ngay trong những ngày ngục tù ở Rôma, chính là Tin Mừng, một Tin Mừng “mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin”.
Chúng ta cũng đừng quên:ở Nadarét trong thời gian cách nhau chỉ 6 tháng nhưng đã có hai cuộc Truyền tin: Truyền tin cho Giacaria và truyền tin cho Đức Mẹ. Giacaria bị câm vì hồ nghi Tin vui của Thiên Chúa. Trong khi đó Đức Maria đã mở miệng xin vâng và sau đó là lời ca khen chúc tụng với bài Magnificat lừng danh và thiên thánh. Đến với Mẹ Maria, quả thật, thiên sứ Gabriel đã tìm đúng địa chỉ, như cách diễn tả qua lời nhạc trong ca khúc của Trầm Hương, “Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha, Mẹ thưa xin vâng với Tin Mừng của Con Chí Thánh. Mẹ thưa xin vâng với tác động của Chúa Thánh Linh…”, cho nên kể “từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời…kỷ nguyên mới đã đến trong đời…Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại…Huyền diệu quá muôn đời tiếng Xin Vâng” !
Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục “truyền tin” và Ngài vẫn luôn cần những địa chỉ như tấm lòng sắt son kính mến của Đavít, như trái tim thảo hiền thánh thiện khiêm nhu của Đức Mẹ Maria… để chương trình cứu độ của Thiên Chúa, để Lời Thiên Chúa được đón nhận và thực hiện. Mầu Nhiệm Nhập thể-Giáng Sinh đang trở về hôm nay phải được cử hành như một đón nhận đầy tin yêu lời mời gọi của Thiên Chúa, dự định và thánh ý Thiên Chúa trên chính cuộc đời mình.
Trong một thế giới mà nạn tàn phá môi trường đã trở nên báo động và nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà nạn chiến tranh, hận thù, vô cảm, rẽ chia… lan tràn khắp chốn, “sứ điệp Truyền Tin” hôm nay và “Giáng Sinh” vài ngày nữa quả thật cần thiết biết bao ! Bước theo Ngôi Lời nhập thể, chúng ta yêu cuộc sống, yêu trái đất và con người bằng thái độ XIN VÂNG của người thôn nữ Nadarét, Đức Maria, người mà chúng ta không ngừng mượn lời của thiên sứ Gabriel thân thưa hằng ngày: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”; và đặc biệt, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh nầy, cùng cầu nguyện cho chính mình và nhiều người trong nhân loại “nhận biết Đức Kitô và được sống vĩnh hằng”, như chính lời kinh Tổng Nguyện mà Hội Thánh ngỏ lời với Thiên Chúa hôm nay: “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh”. Amen.Trương Đình Hiền