Views: 35
(LỄ HIỂN LINH 2021)
Nhiều nơi trên thế giới, năm 2020 vừa qua không có Giáng Sinh ! Nhiều con đường ở Luân Đôn, ở Paris, ở New York… chỉ có ánh sáng hắt hiu và lặng ngắt bóng người. Bóng tối Covid-19 quá lớn để phủ che thế giới trong hoang mang lo sợ, trong tối tăm sầu thảm.
Thật vậy, kể từ khi thành phố “Vũ Hán” phong toả và cách ly, thì liên tiếp biên giới các quốc gia đóng lại, các thành phố lần lượt giản cách…, người người mang lên chiếc mặt nạ và ai ai cũng bất đắc dĩ trở thành những kẻ xa lạ, cho dù “cùng một giọt máu đào” ! Người yêu không dám hôn nhau, ngươi thân gặp nhau không thèm tay bắt mặt mừng…! Và cho đến những ngày đầu năm 2021 nầy, niềm hy vọng cứ lập lờ trôi dạt, cho dù đó đây đã tìm ra vaccine, cũng không làm vơi đi nỗi lắng lo sợ hãi trước làn sóng dịch lần thứ tư với con virus SARS-CoV-2 biến thể...
Có lẽ nào “Chúa đã không con đến nữa”, hay đến mà đã “đi qua trong âm thầm lặng lẽ”… và không bao giờ “trở lại” ?
Không ! Sứ điệp Giáng Sinh một lần nữa khẳng định rằng: Chúa đã đến, Chúa đang đến và Chúa sẽ đến vì “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, Một Người Con đã được tặng ban cho chúng ta”. Và “chúng ta” mà ngôn sứ Isaia nói tới đó chỉ là một “nhóm nhỏ”, “số còn sót lại” của dân tộc Israel, những “kẻ nghèo khó của Gia-vê”, “những người công chính”… mà đại diện tiêu biểu chính là những nhân vật được “các tin mừng thời thơ ấu” nêu bật: Giacaria, Isave, Simeon, Anna, Giuse, Maria, các mục đồng thành Bêlem…, những con người mà con đường đi tới “gặp gỡ Đấng Thiên Chúa làm người”, con đường “diện kiến Đấng Emmanuel”, con đường “bái lạy Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ”, con đường “làm cha nuôi hay mẹ ruột Đấng Cứu Thế”, hay con đường “bồng ẵm Đấng Cứu Độ trên tay”… đều rực sáng lên, thứ ánh sáng siêu linh tuyệt diệu mà chỉ cần “được nhìn thấy một lần là có thể ra đi bình an” (Lc 2,29-32).
Nhưng nếu “Chúa đến”, “Chúa Hiển Linh”, mà chỉ gói gọn, hạn chế cho một số ít người như thế thì “ai mà coi được”. Thì ra, sứ điệp Giáng Sinh muốn chúng ta chiêm ngưỡng chiều kích sâu xa và lạ lùng của huyền nhiệm Nhập Thể trong cái nhỏ bé tầm thường; chiêm ngưỡng cung cách “vào đời” đầy bất ngờ của Thiên Chúa Toàn Năng trước những âm mưu và dự đoán sai bét của đầu óc hợm hĩnh kiêu căng; chiêm ngưỡng con đường “mang lấy xác phàm và cắm lều ở giữa nhân loại” đầy khiêm hạ, giản đơn của Đấng là Ngôi Lời toàn năng đã ở trong cung lòng Chúa Cha từ muôn thuở (Ga 1,1-14) ngoài âm mưu và toan tính của những đầu óc khôn ngoan thông thái… Và từ thái độ “chiêm ngưỡng những điều lạ lùng của Thiên Chúa đó” sẽ mở ra tấm lòng bé nhỏ đơn sơ, khó nghèo khiêm hạ, như một mảnh đất tâm hồn sẵn sàng để Chúa đến, để Chúa vào đời, để Chúa lớn lên trong ta và cho toàn thế giới.
Tiếp tục “khai thác chủ đề Giáng Sinh”, nhưng sứ điệp phụng vụ lễ Hiển Linh lại “đẩy lên một chiều kích mới”: Chúa đến, Chúa vào đời, Chúa Giáng Sinh…, nói chung, đó là một cuộc “Hiển Linh” theo đúng nghĩa của từ Epyphaneia của Hy Lạp: Sự tỏ hiện. Chính vì thế, trong truyền thống xa xưa của Hội Thánh, Phụng vụ Hiển Linh kính nhớ 3 mầu nhiệm về “sự tỏ hiện hay hiển linh” của Ngôi Hai Thiên Chúa: Hiển Linh qua “vì sao lạ dẫn đường Ba Vua Phương đông đến thờ lạy”, Hiển linh qua biến cố chịu phép rửa bên dòng sông Gio-đan và hiển linh qua phép lạhóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.
Dụng ý của Phụng vụ Hiển Linh còn muốn nhấn mạnh rằng: việc Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đi vào trần gian, Thiên Chúa “đến cắm lều ở giữa nhân loại” không phải là chuyên riêng tư của một gia đình bé nhỏ: Giu-se, Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su, hay chỉ liên quan đến “một số ít người”; nhưng là công cuộc cứu độ có liên quan đến toàn thể nhân loại, ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử loài người và cả vũ trụ, trải dài trên mọi chiều kích không gian và thời gian mà ngôn sứ Isaia đã từng tiên báo: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem ! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân; nhưng trên mình ngươi, Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi …”. Quả thật, vị sứ ngôn đã thoáng thấy vẽ huy hoàng tráng lệ và tràn ngập ánh sáng của một “Giêrusalem” đầy mộng ước mà công trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ chính thức được khai mào trong đêm “rực sáng ở Bê-Lem” và sẽ viên thành với một “Giêrusalem mới” trong vương quốc Thiên Chúa.
Và, dự báo của Isaia đã trở thành hiện thực như chúng ta vừa long trọng cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh ngập tràn ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), để nhờ đó, như lời xác tín của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô (BĐ 2): “các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần với lới hứa của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 3,6). Vâng, “dân ngoại” mà Thánh Phaolo nói tới đó được minh họa đầy ấn tượng và rõ nét qua chân dung ba nhà đạo sĩ phương đông với những lễ vật cũng mang đầy ý nghĩa Cứu độ: vàng (vương đế), nhũ hương (tư tế), mộc dược (khổ nạn hay mầu nhiệm Vượt Qua); hay “dân ngoại” cũng chính là đoàn dân ô hợp mang đầy tội lỗi oan khiên mà ở giữa họ có chàng thanh niên đến từ Nadaret đang sắp hàng xuống dòng sông Giođanô để ông Gioan là phép thanh tẩy; và “dân ngoại” cũng chính là muôn vạn ức triệu gia đình nhân loại đang “bẽ mặt vì thiếu rượu” nhưng lại được sự can thiệp kịp thời của vị Rabbi Giêsu khi biến hàng trăm lít nước lã thành rượu ngon để tiệc cưới mãi vang lên tiếng cười…
Và nếu hiểu, nếu xác tín huyền nhiệm Hiển Linh là như thế, thì những con đường thế giới hôm nay cho dù có “tối đen như mực” vì bóng tối của dịch covid-19 vẫn sẽ bừng lên “ánh sáng của niềm hy vọng sự sống”, ánh sáng đến từ những “ngôi sao hiển linh” không là những ánh sao vật chất vụt sáng trên bầu trời để rồi lịm tắt, mà là những con người bằng xương bằng thịt, những y bác sĩ, những người thiện nguyện… ngày đêm phục vụ đến quên thân mình; ánh sáng đến từ những “ngôi sao hiển linh” không phải là những tay tài phiệt tham lam và chính trị độc tài vị kỷ, nhưng là những người cha, người mẹ hiền hậu hy sinh, những đôi vợ chồng son sắt chung thuỷ, những người công nhân, nông dân thiện lương công chính, những bậc chân tu quảng đại quên mình….Vâng, chính “ngôi sao hiển linh” đó sẽ làm cho “Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97).
Và như thế, “mầu nhiệm Hiển Linh” của Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn còn đang ở phía trước, vẫn là một “gọi mời” để nhân loại cất bước lên đường tìm kiếm “ánh sao lạ Bê Lem” như ba nhà đạo sĩ thuở nào; và nhất là để những ai đã một lần “được ánh sao Bêlem dẫn đường soi chiếu”, phải “tránh xa con đường của Hêrôđê, con đường của tham sân si, của bạo tàn khát máu, của vật dục kiêu căng… và “tìm đường khác trở về xứ sở mình”, quê hương mình, để loan Tin Mừng Cứu Độ và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhiều người đang còn “ngồi trong bóng tối tăm sự chết”.
Và như thế, Giáng Sinh, Hiển Linh không là câu chuyện cổ tích để mỗi năm chúng ta đọc lại một lần, diễn lại như một “đoạn phim của quá khứ”, mà, phải là một khởi đầu mới, như cách cảm nhận của một bài thơ:
Khi ngôi sao trên bầu trời biến mất
Khi các vua chúa và hoàng tử đã ở nhà
Khi các mục đồng và đoàn súc vật đã trở về
Thì công việc Giáng Sinh mới bắt đầu:
Để tìm lại những gì đã mất
Để hàn gắn những gì đã gãy đổ
Để người đói được ăn no
Để tù nhân được giải phóng
Để các nước xây dựng lại
Để đem an bình cho mọi người
Và để hòa nhạc bằng trái tim.
Và, chẳng phải đợi chờ hay tìm kiếm đâu xa, một chút nữa đây thôi, chính Chúa Giêsu sẽ “hiển linh” cho mỗi người chúng ta cách trầm lắng, khiêm lạ, giản đơn qua “Tấm Bánh, Ly Rượu” là chính Máu Thịt của Ngài được trao ban. Chắc chắn những con người mà thế giới cho là to lớn quan trọng như Tập Cận Bình, Donald Trump, Kim Dông ủn…, những nhà tài phiệt nắm trong tay hàng trăm tỷ đôla…, sẽ không nhận ra “sự hiển linh diệu kỳ” nầy đâu ! Vâng, chỉ có những ai “khao khát mới được toại lòng” và chỉ những ai “trong sạch trong lòng mới được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,6.8), chẳng khác nào, như ba nhà đạo sĩ khi xưa, chỉ khi ra khỏi cái “đô thành Giêrusalem trần tục của Hêrôđê”, mới tìm lại được “… ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” !
Thì ra, “Chúa đang lại hiển linh bây giờ”. Amen.Trương Đình Hiền