ĐẸP THAY “CÁI THUỞ BAN ĐẦU”

Views: 108

(Một thoáng “Linh Đạo” theo sách Công Vụ Tông Đồ)

DẪN NHẬP

            Một cách khái quát, chúng ta đã có dịp “tham quan” những con đường dẫn dắt nhịp sống tâm linh cho Dân Chúa qua các sách Tin Mừng và các tín thư Phaolô; và chúng ta cũng biết rằng, những “tư liệu mạc khải của Tân ước đó” cũng là những tích cóp, những nội dung cốt lõi của kho tàng “Kerygma” mà Hội Thánh thuở ban sơ và cho đến mãi hôm nay luôn đào sâu, quy chiếu và chọn làm kim chỉ nam cho cuộc “lữ hành tâm linh” và loan báo Tin Mừng muôn nơi muôn thuở.

            Bên cạnh hai “kho tàng đồ sộ” của Tân Ước đó, Hội Thánh, ngay từ thuở thiết dựng những viên đá móng ban đầu, còn được “gia cố” và làm cho phong phú nhờ những “kinh nghiệm sống động dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần” để triển khai, làm chứng, áp dụng và thực hành Tin Mừng Cứu độ và Giáo lý đức tin mà chứng từ sống động được thể hiện nơi một số thư mục Tân Ước khác đó là sách CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ, THƯ DO THÁI, CÁC THƯ CHUNG VÀ SÁCH KHẢI HUYỀN.

            Trong phần “khảo luận đầu tiên” nầy, chúng ta sẽ tìm hiểu cách khái quát sách “Công Vụ Tông Đồ”; và qua đó, chắc lọc những “giá trị linh đạo” mà Hội Thánh sơ khai đã vận dụng thực hành như “mô hình mẫu để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội” và như “kim chỉ nam” để thực hành đức tin Kitô giáo.

I. TỔNG QUAN VỀ SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

1. Tầm quan trọng:

1.1: Sách Công vụ Tông đồ: “Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”: “Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giê-su, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Ki-tô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Ki-tô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và Rô-ma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng. Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rô-ma, phải đối diện với ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và triết học Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết học Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rô-ma. Chỉ với những người dân chài Ga-li-lê ít học, chỉ với một Phao-lô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại. Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh I-rê-nê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Ki-tô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”[1].

1.2: Sách Công vụ Tông đồ: câu chuyện nối kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội sơ khai: “Sách Công Vụ là cuốn sách duy nhất trong bộ Tân Ước đã nối kết câu truyện về Chúa Giêsu với câu truyện về Giáo Hội sơ khai. Nhờ đó không những chúng ta có thêm thông tin về Giáo Hội sơ khai mà còn hiểu thêm về những sách khác trong Tân Ước.”[2].

Lu-ca đã viết sách Công Vụ Tông Đồ như những tiếp diễn của sách Tin Mừng (Lc 1,1; Cv 1,1). Ý định của ngài là kể lại câu truyện những gì đã xảy ra trong vòng ba mươi năm sau khi Đức Giê-su lên trời. Ngài muốn sách này là câu truyện về Giáo Hội sơ khai. Trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8)[3].

            (Xem thêm về mối tương quan nầy nơi tài liệu đăng trên trang vietcatholicperth.org)[4].

1.3: Sách Công vụ Tông đồ: Câu chuyện mẫu mực cho đời sống Kitô hữu: “Tuy nhiên, tầm quan trọng của sách Công Vụ không chỉ ngừng lại ở đây. Chúng ta tin rằng những gì được ghi lại trong Sách Thánh không chỉ là những lời liên quan đến quá khứ nhưng còn là lời Chúa nói với ta ngày nay. Vì thế những câu truyện trong sách Công Vụ là những mẫu điển hình, qua đó ta hiểu được cách thế Thiên Chúa hướng dẫn Dân Ngài, ngày xưa cũng như ngày nay. Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, thánh Luca đã viết sách Công Vụ trong ý hướng này. Trong số rất nhiều câu truyện, ngài đã chắt lọc những gì quan trọng nhất để làm mẫu mực cho đời sống Kitô hữu. Ngài tập trung vào một số câu truyện và mô tả thật sâu. Ngài nối kết truyện kể với các diễn từ, nhờ đó làm nên tổng thể cho những vấn đề được trình bày. Khi viết như thế, thánh Luca không chỉ đóng vai một sử gia thuần tuý nhưng còn như một mục tử cung cấp mẫu sống đức tin cho cộng đoàn tín hữu. Vì thế sách Công Vụ không chỉ đơn thuần là một tư liệu lịch sử nhưng trước hết và trên hết, là bài tường thuật đức tin. Thật vậy, ta có thể coi sách Công Vụ là bản trình bày lối sống Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu, được thể hiện cách sinh động nơi các Kitô hữu thuở ban đầu.”[5].

2. Tác giả và hoàn cảnh biên soạn:

2.1: Luca: đồng tác giả của hai tác phẩm “Tin Mừng thứ ba” và “Công vụ Tông đồ” với các lý chứng sau:

– Xác nhận của “Thánh Truyền”: “Truyền thống Hội Thánh đồng ý nhận tác giả Sách Tin Mừng thứ ba cũng là tác giả sách Công Vụ Tông Ðồ. Chưa có ai đề xuất một tên tác giả khác. Thánh Irênê, thư quy Muratori, lời tựa chống Mácxiô đều công nhận sách Công Vụ Tông Ðồ là của thánh Luca.”[6].

– Xác nhận qua “Lời Tựa” và văn phong của hai tác phẩm: Lc 1,1-3 và Cv 1,1: “Ðối chiếu với sách Tin Mừng thứ ba: cả hai lời tựa Lc 1,1-3 và Cv 1,1 đều đề tặng ông Thêôphilô. Từ vựng, bút pháp, văn thể của hai sách giống nhau. Sách Công vụ Tông Ðồ tóm tắt hoặc nhắc lại “những việc Ðức Giêsu làm và những điều Người dạy” (Cv 1,1) đã được sách Tin Mừng Luca viết.” (Lc 1,3)[7].

Bản văn Lc 1,1-3: Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài”.

Bản văn Cv 1,1: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu.”.

– Xác nhận qua chính những “dấu chỉ” từ sách Công vụ Tông đồ: “Chính sách Công Vụ Tông Ðồ cũng cho ta những dấu hiệu để kết luận rằng tác giả là một bạn đồng hành của thánh Phaolô. Ðó là những đoạn tác giả kể trực tiếp ở ngôi thứ nhất số nhiều, người ta gọi là những đoạn “chúng tôi”: 16,10-17; 20,5-15; 21,1-18; 27,1-28,6.”[8].

– Xác nhận qua các đối chiếu với các Thư Phaolô: “Quả vậy, đối chiếu sách Công Vụ với các thư thánh Phaolô, chúng ta biết được: thánh Luca là người Xyria xứ Antiôkhia, làm nghề thầy thuốc, gốc dân ngoại Cl 4,10-14. Thánh Phaolô rất hài lòng, vì thánh Luca ở bên cạnh trong hai lần bị cầm tù ở Rôma Cl 4,14; Plm 24,2; 2Tm 4,11. Hơn nữa, thánh Luca còn là bạn đồng hành với thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo Cv 16,10; 20,6; x. 2Cr 8,18.”[9]

(Xem thêm nhận định tóm tắt về tác giả sách Công vụ Tông đồ của tài liệu từ vietcatholicperth.org)[10].

2.2: Hoàn cảnh biên soạn Công vụ Tông đồ (Thời gian và không gian): Mặc dù không có những chỉ dẫn chính xác về thời điểm và nơi chốn soạn tác, hầu hết đều thiên về khoảng thời gian từ sau năm 70 (70-80); và có lẽ địa chỉ Rôma là hợp lý nếu căn cứ vào Thư Côlôsê 4,14, khi Phaolô bị tù tại Rôma: “Anh Luca, thầy thuốc yêu quý, và anh Đêma gửi lời chào anh em”.

“Không có truyền thống ban đầu rõ ràng về thời gian và nơi chốn của cuốn sách khi được viết ra, do đó chúng ta phải dựa vào chính chứng cớ nội tại của cuốn sách. Công Vụ kết thúc với việc Phaolô bị giam giữ tại Rôma vào năm 61-63, và như thế sách phải được viết sau thời gian đó, và cũng phải được viết ra sau Phúc Âm Máccô. Nhiều nhà phê bình kinh thánh cho rằng sách được viết vào khoảng từ năm 80 đến năm 100 sau C.N, có thể là như vậy, nhưng trong sách Công Vụ và trong Phúc Âm Luca không có một biến cố nào được ghi nhận sau năm 70 sau C.N.”[11].

3. Chủ đích và giá trị:

3.1: Chủ đích: Công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng nền tảng Hội Thánh:

            Sách Công Vụ đã trình bày chủ đích trên qua các “điểm nhấn” sau:

– Sứ vụ của các Tông Đồ, đặc biệt hai Thánh Phêrô và Phaolô: “Tác giả dường như nhắm chủ đích viết tiểu sử của thánh Phêrô và thánh Phaolô. Thánh Phêrô khởi đầu hoạt động tập trung ở Giêrusalem, theo đúng lệnh truyền của Ðức Giêsu Lc 24,47[12]. Còn thánh Phaolô vượt ra khỏi giới hạn địa lý và đến tận Rôma, tức là tận cùng thế giới, cũng đúng lệnh truyền của Ðức Giêsu. Qua hai vị Tông Ðồ, tác giả cho thấy: Tin Mừng lan tràn khắp thế giới. Các Tông Ðồ tiếp tục sứ mệnh của Ðức Kitô, đã đi loan báo Tin Mừng trước hết cho người Do thái, rồi mới đến các dân ngoại. Các Tông Ðồ không phải chỉ gồm Nhóm Mười Hai, nhưng còn gồm những người khác nữa, như ông Banaba, ông Têphanô, ông Philípphê, hoặc ông Apôlô. Chính thánh Phaolô cũng chẳng thuộc Nhóm Mười Hai.”[13].

– Lịch sử cứu rỗi trong giai đoạn Hội Thánh và công cuộc của Chúa Thánh Thần: “Sách Công Vụ là sách lịch sử về Hội Thánh thời sơ khai. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, tác động các Tông Ðồ loan báo Tin Mừng. Mỗi biến cố làm cho Hội Thánh được lớn lên. Càng gặp khó khăn, thử thách, Hội Thánh càng có sức phát triển. Hội Thánh có một sức sống mãnh liệt nhờ Chúa Thánh Thần. Công Vụ đã ghi lại tất cả sinh hoạt của anh em tín hữu ở Giêrusalem, ở Antiôkhia, ở Tiểu Á, ở Hy lạp. Cuối cùng, Tin Mừng lan đến Rôma, trung tâm văn minh thời ấy. Hội Thánh bén rễ sâu vào dân ngoại.”[14] (Xem thêm: GS. ĐAMINH PHẠM XUÂN UYỂN, SDB. Công Vụ, Các Thư Do Thái & Công Giáo, Khải Huyền)[15].

– Tính “chính danh” của Tin Mừng (Chiều kích “Hộ Giáo”): “Ngoài ra, tác giả sách Công Vụ nhắm đến hộ giáo. Người cho thấy Kitô giáo không gây nguy hại cho đế quốc như người ta tuyên truyền. Chính các viên chức Rôma như Xécgiô Phaolô, Galion, Phêlích, Phéttô, Ácríppa II xác nhận rằng không thấy các hoạt động của thánh Phaolô có lý do để kết án. Tác giả muốn Rôma nhìn nhận Kitô giáo được tự do loan báo và bình đẳng với các tôn giáo khác trong đế quốc.”[16].

3.2: Giá trị:

            Ngoài giá trị cốt yếu của một “bản văn Kinh Thánh” (giá trị Linh hứng), sách Công Vụ mang giá trị độc đáo riêng đó là:

– Giá trị lịch sử nhưng là “Lịch sử cứu độ”: “Công Vụ không phải là lịch sử Hội Thánh, mà là lịch sử ơn cứu độ. Qua các diễn từ của thánh Phêrô, thánh Têphanô và thánh Phaolô, sách Công Vụ tường thuật lại một phần lịch sử ơn cứu độ, vào giai đoạn cuối cùng: thời đại của Chúa Thánh Thần.”[17].

– Khoa học và trung thực: “Với tư cách là sử gia, thánh Luca đã viết Công Vụ một cách khá khoa học. Những hoạt động truyền giáo người tham gia hay biến cố nào người chứng kiến tận mắt, người mô tả mạch lạc và sử dụng “chủ từ” ở ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi”: 16,10-17; 20,5-15; 21,1-18; 27,1-28,6. (…). Ðọc Công Vụ, người ta cũng có thể biết được lịch sử xã hội thời ấy. Hơn nữa, tác giả giúp độc giả xác định được địa lý, vị trí của biến cố xảy ra: 1,12; 13,13; 14,6; 27,5; 27,8; hoặc người giải thích các địa chỉ: 9,11; 10,6; 16,14-15; 17,5-7; 18,3.7; 21,8.16. (…). Ngoài ra, nhờ kinh nghiệm sống với thánh Phaolô, hoặc với các ông Xila, Timôthê, thánh Luca cũng có thể viết trung thực các bài giảng của các Tông Ðồ.”[18].

4. Bố cục và nội dung:

4.1: Bố cục: Có thể “phân tích bố cục” sách Công Vụ theo hai hướng:

– Hướng 1: Bố cục sách Công Vụ theo cách “phân tích truyền thống”: phân tích “tiến trình sự kiện” được mô tả, trình thuật qua các chương đoạn tiếp nhau. (x. Phần Dẫn Nhập sách Công Vụ Tông đồ trong Kinh Thánh Tân ước)[19].

– Hướng 2: Bố cục sách Công Vụ tập trung vào “hai nội dung trọng tâm“sáu điểm nhấn sự kiệntheo lược đồ sau (Lm. Thêôphilô Ngô Hoàn Cầu SVD)[20].

(I). Ba điều Đức Giêsu căn dặn: (Cv 1-2)

            (1) Nán lại Giêrusalem (1,12-26): Các Tông Đồ họp nhau cầu nguyện, chuẩn bị đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, chọn người làm chứng cho Đức Giêsu-Kitô

            (2) Đón nhận ơn sức mạnh Chúa Thánh Thần (2,1-12): Chúa Thánh Thần “Hiện Xuống” dịp lễ Ngũ Tuần.

            (3) Làm chứng cho Đức Giêsu Kitô (2,36-47): Lời chứng của Phêrô (2,36-41) và lời chứng của cộng đoàn Giáo Hội sơ khai (2,42-47).

(II). Ba đợt làm chứng cho Đức Giêsu Kitô (Cv 3-28)

            (4) Đợt I: Làm chứng cho Đức Giêsu tại Giêrusalem (3-7): Lời chứng của các Tông Đồ (4,1-22) và Lời chứng bằng mạng sống của ông Têphanô (7,55-60).

            (5) Đợt II: Làm chứng cho Đức Giêsu trên đất nước Do Thái (Cv 8-12): Saolô và lời chứng của “kẻ bách hại” (9,1-30); lời chứng của Phêrô ở Xêdarê, Samari (10,1-48); lời chứng vươn xa khỏi biên giới Do Thái và tập trung tại Antiokia (11,19-26). Phêrô đóng vai trò chính.

            (6) Đợt III: Làm chứng cho đến tận cùng trái đất (Cv 13-28): Với các biến cố chính: 3 cuộc truyền giáo của Thánh Phaolô (Lần 1: Cv 13-14; Lần 2: 15,36-18,22; Lần 3: 18,23-21,19); Công nghị Giêrusalem (15,1-35); chuyến đi không hẹn ngày về (27-28). Phaolô đóng vài trò chính[21].

4.2: Nội dung (Đạo lý): tập chú vào 4 nội dung cơ bản sau:

4.2.1 Chúa Thánh Thần:

-Chúa Thánh Thần trong biến cố “Ngũ Tuần”: hiện thực hoá lời hứa của Đức Kitô[22].

– Dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần[23].

– “Ngôi vị Thánh Thần” được vén mở[24].

4.2.2. Ðức Kitô:

– Tái xác nhận “Ngôi vị Kitô”, Ngôi Lời nhập thể mà Tin Mừng đã loan báo[25].

– Tái tuyên xưng và làm chứng Đức Kitô phục sinh[26].

– Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong “nhiệm cục cứu độ”[27].

4.2.3. Các Tông Ðồ:

– “Căn cước Tông đồ”: theo, được chọn và làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Đức Kitô”[28].

– Lời chứng của các Tông đồ qua các Bài Giảng và “Keryma”[29].

– Các Tông đồ rao giảng qua các đặc sủng và gương tử đạo[30].

– Các Tông đồ rao giảng và chăm sóc cộng đoàn[31].

4.2.4. Hội Thánh:

– Căn tính Hội Thánh (Xác định chính Danh): “Từ “Hội Thánh” xuất hiện lần đầu tiên trong Cv 5,11[32]. (x.Sách Công vụ Tông đồ. Phần Dẫn Nhập)[33].

– Hội Thánh hình thành và phát triển[34].

– Hội Thánh và danh xưng của tín hữu[35].

– Nhịp sống của Hội Thánh: Cộng đoàn của “Lời” – Nghe giảng dạy[36].

– Nhịp sống của Hội Thánh: Cộng đoàn hiệp thông huynh đệ[37].

– Hội Thánh: cộng đoàn Phụng vụ[38].

– Hội Thánh: cộng đoàn cầu nguyện[39].

            Ngoài cách “sắp đặt nội dung” trên, cũng có tác giả, (như GS Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB) lại “gom” nội dung sách Công Vụ thành 7 chủ đề:

– Việc hoàn thành chương rình cứu độ của Thiên Chúa.

– Đức Giêsu phục sinh hoạt động qua các môn đệ được đầy tràn Thánh Thần.

– Sự tiếp nối giữa đổi thay: Thiên Chúa giữa các lời hứa của Ngài cho dân Ngài.

– Việc chữa lành và hồi phục của dân Thiên Chúa.

– Chiến thắng của Kitô giáo bất chấp những trở ngại.

– Thiên Chúa hướng dẫn con đường của các Kitô hữu.

– Biện hộ cho Kitô giáo, cách iêng cho Phaolô.[40]

            Dựa vào những điểm cốt yếu mang giá trị đạo lý thần học trên, chúng ta có thể rút ra từ đó những điểm nhấn mang chiều kích linh đạo của sách Công vụ Tông đồ như sau:

II. CHIỀU KÍCH LINH ĐẠO TRONG CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

1. Trong sức mạnh và quyền lực của Chúa Thánh Thần: “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8)

            Không phải chỉ trong “Mùa Phục Sinh” chúng ta mới nhận ra vai trò quan trọng đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh như những chỉ dẫn của sách Công vụ Tông Đồ, mà suốt chiều dài của nhịp sống đức tin, mọi nơi và mọi lúc, Chúa Thánh Thần luôn nắm giữ vai trò cốt yếu trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, đặc biệt, trong nhịp sống tâm linh hay con đường thực thi linh đạo Kitô giáo.

            Và sau đây là những dấu chỉ của “sức mạnh và sự tác động của Chúa Thánh Thần”:

Sách Công Vụ tông đồ tường thuật, chính ngày Lễ Ngũ Tuần, giống như cuộc “Thần hiển uy hùng với “khói bùng lửa dậy” của Gia-vê trên núi Si-Nai”, nơi căn nhà Tiệc ly, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện bằng những “ngọn lưởi lửa tình yêu và ân sủng tuôn đổ dạt dào trên nhóm mười hai”, để từ đó một “Dân tộc mới”, một “Vương Quốc mới” chính thức được khai sinh, “Vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”[41].

Tất cả đó chính là công trình của Ngôi Ba Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa, mà qua cách gọi của chính Chúa Giêsu và được “Hiền Thê” của Ngài hiểu và quảng diễn, mang nhiều tên gọi gần gũi với cuộc sống đời thường:Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, Chim Câu dịu hiền, Dòng sông dạt dào sức sống, Hơi thở tác sinh, Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm, Cha kẻ cơ bần, Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, Đấng an ủi tuyệt vời, Khách trọ hiền lương, Đấng uỷ lạo dịu dàng…(Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần).

            Và cũng từ những tên gọi đó, chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngưỡng dung mạo và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần qua 3 chiều kích sau:

1.1. Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).

            Trong Kinh Tin Kính, Hội Thánh không ngừng tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Sự sống đó là kỳ công của chương trình Sáng Tạo và cũng là cùng đích của chương trình cứu độ. Thánh Kinh thường dùng 2 thực tại “khí” và “nước” để chỉ sự sống.

1.1.1. “HƠI THỞ SỰ SỐNG”: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (Cv 2,1-2).

            Ngay từ thở ban sơ khi mọi sự còn trong cảnh hổn mang, thì “Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước” và sự sống đã phát sinh từ độ ấy. Và còn hơn thế nữa, sự hiện hữu của con người đã khởi sự với bùn đất tầm thường, nhưng một khi nhận “Hơi thở thần linh” của Thiên Chúa đã trở nên “con người mang ảnh hình Thiên Chúa”, một Ađam bằng xương bằng thịt tuyệt vời (St 2,7). Sự tác động của Thần Khí để đem lại sự sống còn được ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả cách sống động qua thị kiến “những bộ xương khô nhờ sức tác động của Thần Khí đã trở nên một đạo binh người sống đông đảo” (Ed 37,1-14).

            Nhưng có lẽ cụ thể nhất chính là việc Đức Kitô Phục sinh trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ vào Ngày Thứ Nhất trong tuần tại nhà tiệc ly qua hành vi thổi hơi: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga  20,22).

            Vâng, bắt đầu từ phút giây nhận lãnh “Ngọn Gió Thánh Thần”, “hơi thở của sức sống phục sinh” đó, các cánh cửa của căn nhà tiệc ly “đóng im ỉm vì sợ người Do Thái” đã bắt đầu mở toang, và những “anh tông đồ” hoang mang sợ sệt trốn chui trốn nhủi hoặc tìm về chốn cũ nghề xưa, đã lấy lại niềm tin và sức sống để mạnh mẽ lên đường, “đưa thuyền ra chỗ nước sâu”, bất kể thương đau và hy sinh mạng sống…!

1.1.2. “DÒNG NƯỚC TÁI SINH”: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38).

            Nếu Chúa Thánh Thần được gọi là “Hơi thở sự sống”, thì Ngài cũng được mệnh danh là “Dòng nước tái sinh”.

            Chúng ta đừng quên: sự sống tốt lành thánh thiện trong công trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa tưởng đâu đã tiêu tan đi với cơn Đại Hồng Thủy – thanh tẩy địa cầu vì tội lỗi ngập tràn thế gian; thế nhưng “dòng sông ân sủng lại tuôn tràn” khi Nước sông Giođan đã dội lên Vị Cứu Thế từ trời cao nhập thể (Mc 1,9-11). Vâng, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế nơi dòng sông Giođan ấy, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống” (Ga 7,37-38). Nào chẳng phải “nguồn nước sống” đó chính là:

– Tiệc cưới Cana hôm nào suýt nữa bẽ mặt vì thiếu rượu, đã nhận được một lúc hàng ngàn lít “nước đã biến thành rượu ngon” để “nhân loại hôm ấy” ngập tràn hân hoan và hạnh phúc.

– Người phụ nữ Samaria đã nhận được “dòng nước hằng sống” bên bờ giếng Giacóp khi đối thoại chân tình với Đấng có thể ban dòng nước ấy để từ hôm ấy một cuộc đời mới, một con đường mới đã mở ra.

– Những con người như Giakê, Lêvi, Maria Mađalêna, Nicôđêmô, Người phụ nữ ngoại tình, người trộm bị đóng đinh… một khi đến và tin vào Đấng là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” lập tức một nguồn nước sống đã tuôn chảy dạt dào nơi trái tim họ, nơi cuộc sống họ, để từ đó, quả thật như sứ ngôn Êgiêkien: họ đã được tái tạo để có “một trái tim mới một tâm hồn mới”.

            Thế nhưng, tất cả đó cũng mới chỉ là “dấu chỉ”. Nguồn sống đích thực chỉ được chính thức trao ban cho nhân loại kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh” (Ga 19,34). Nhờ dòng nước vượt qua nầy mà một dòng tộc mới, một dân mới được khai sinh cùng với dòng nước tái sinh của nhiệm tích thánh tẩy.

   Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa (và đang hiện thực qua Phụng Vụ của Hội Thánh) trình bày cho chúng ta gương mặt của một Giáo Hội sống động vẹn toàn, trong đó Chúa Thánh Thần – Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn mạch trao ban sự sống, trao ban tự do vui tươi, phẩm giá, thăng tiến và hy vọng. Thảo nào, Chúa Thánh Thần đã chọn chính dịp lễ Ngũ Tuần để ngự xuống trên Hội Thánh buổi ban đầu, dịp lễ của Mùa gặt mới, dịp lễ của tạ ơn vì những hoa trái đầu mùa hái về để dâng tặng Thượng Đế.

Trong một thế giới, một xã hội mà “sự chết” đang hoành hành, hiện diện qua nhiều cách thế: tàn ác, vô cảm, hận thù, tham lam, mê tín, dục lạc…, sống huyền nhiệm Chúa Thánh Thần là tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của cõi lòng vị tha, quảng đại và hiệp nhất…

Và như thế, tuyên xưng “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” cũng có nghĩa là cuộc sống phải không ngừng chết đi cho tội lỗi để tái sinh một đời sống mới trong ân nghĩa Chúa, là không ngừng vươn lên bức phá khỏi cái tôi tầm thường nô lệ để “hướng theo Thánh Thần để tiến bước”, để kết trái đơm hoa công chính thánh thiện…, để trở thành những con người mới của một Đoàn Dân mới, như thuở khai sinh Giáo Hội: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.”. Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ”. Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo” (Cv 2,37-41).

1.2. Chúa Thánh Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới  (Lửa): Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần…” (Cv 2,3-4).

            Đức Kitô đã từng tuyên bố rằng: “Thầy mang lửa xuống trần gian và thầy muốn lửa ấy cháy lên…”. Điều ấy phải chăng đã ứng nghiệm vào dịp lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm. Thật vậy, sau khi ngọn lửa Thánh Thần được ban xuống trên các Thánh Tông Đồ, thì tiếp đó mấy ngàn người hành hương bất ngờ được lãnh nhận Phép Rửa sau khi đón nghe bài tuyên chứng của Tông Đồ Phêrô. Một cuộc “đại Thanh Tẩy” nhiệm mầu khơi mào cho bao nhiêu cuộc thanh tẩy khác muôn nơi muôn thuở trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại cho đến ngày tận thế.

            Cần thiết biết bao sự thanh tẩy của “lửa Thánh Thần” cho môi trường sống của xã hội hôm nay, môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề vì bao nhiêu thói hư tật xấu của con người: Môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại, ô nhiễm; môi trường xã hội đủ loại bị băng hoại, biến chất, ngập tràn đồi truỵ (y tế, giáo dục, chính trị, kinh doanh, thực phẩm…)

            Vì mang sứ mệnh là chứng nhân và tác nhân cho sự thanh tẩy nhiệm mầu trên toàn nhân loại, nên chính bản thân Giáo Hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần thiêu rụi mọi bất hòa chia rẽ, mọi tiêu cực biếng lười, mọi giả hình thối nát.

            Chúng ta đừng quên lời cảnh báo của chính Chúa Giêsu: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).

1.3. Chúa Thánh Thần Đấng qui tụ, hiệp nhất: “Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,5-11).

   Thảm cảnh của một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Babel ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối; nói và hiểu cùng một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa, ngôn ngữ Tin Mừng của Đức Kitô phục sinh.

Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư Cô-rin-tô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người…Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,4-13).

            Giáo lý của thánh Phaolô về sự tác động của Chúa Thánh Thần đặc biệt dành cho cộng đoàn Kitô hữu Côrintô ngày xưa đang gặp sự chia rẽ, bất hoà; và cũng rất thời sự đối với mọi cộng đoàn tín hữu chúng ta hôm nay. Có thể nói được, dấu chỉ rõ nét nhất của một cộng đoàn, một Giáo Hội đang có Chúa Thánh Thần, đó chính là sự hiệp nhất, yêu thương. Trái lại, là biểu hiện của “xác thịt, của ma quỷ, của sự vắng bóng Thần Khí” ! (Gl 5,16-24). Chắc chắn, khi tha thiết cầu nguyện cho “chúng được nên một” (Ga 17), Đức Kitô đã thấy trước một thách đố lớn lao cho Giáo Hội của Ngài đó chính là “sự hiệp nhất”; và Ngài cũng thấy rõ, chỉ khi nào Hội Thánh” đó ngoan nguỳ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, tác động mới tồn tại và phát triển.

            Như vậy, con đường linh đạo mang chiều kích Chúa Thánh Thần đó chính là không ngừng khiêm nhu đặt cuộc sống dưới sự tác động của Đấng Ban Sự sống; là không ngừng để Ngài “lại xuống” trên thân phận con người lầm than đang cần “chỗ nghỉ ngơi”, thân phận đầy nước mắt đang cần niềm an ủi, thân phận lạnh lùng cần sưởi nóng và thân phận tăm tối cần “sự sáng chứa chan hồng phúc”[42].

Một điều chắc chắn đó là: không ai có khả năng rao giảng và làm chứng nếu không được “Thần Khí Chúa ngự xuống”. Nói cách khác, Tin Mừng chỉ được vang xa khi Hội Thánh và mỗi người xác tín và cảm nhận được rằng: “Thần Khí Chúa đang ngự trên tôi” (Lc 4,18-19). Chính vì thế, lời cầu xin hằng ngày của Hội Thánh, của mỗi người, đó chính là: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến !”.

1.4. Những chỉ dẫn của sách Công Vụ Tông Đồ về hoạt động của Chúa Thánh Thần[43]:

– Đức Giêsu chọn các Tông Đồ theo tác động của Chúa Thánh Thần: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần” (Cv 1,1-2).

– Các Tông Đồ làm chứng cho Đức Kitô nhờ Thánh Thần: “nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).

– Các Tông Đồ là những kẻ “đầy ơn Thánh Thần”: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,4); Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (4,8-12).

– Trở nên mạnh mẽ nhờ Thánh Thần: “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” (Cv 4,31).

– Làm chứng cùng với Thánh Thần: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.” (Cv 5,32).

– Khôn ngoan vô địch nhờ Chúa Thánh Thần: “Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6,8-10).

– Đầy ơn Thánh Thần, con người đổi mới: “Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần.” (Cv 9,17).

– Thánh Thần hướng dẫn đi loan báo Lời Chúa: “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi. Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp” (Cv 13,2-4).

– Quyết định cùng với Thánh Thần: “Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.” (Cv 15,27-29).

– Thánh Thần thúc đẩy bước chân truyền giáo: “Sau khi những việc ấy xảy ra, ông Phao-lô được Thánh Thần thúc đẩy, quyết định đi ngang qua miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a mà về Giê-ru-sa-lem; ông nói: “Về đó rồi, tôi còn phải đi thăm Rô-ma nữa” (Cv 19,21).

2. Trong một “Giáo Hội là thế đó”: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

            Trong “viễn tượng linh đạo”, ngoài điểm nhấn quan trọng “CHÚA THÁNH THẦN” như vừa trình bày, sách Công Vụ Tông Đồ còn cho thấy một “dung mạo Giáo Hội” như là “mô hình mẫu” cho mọi cộng đoàn Hội Thánh từ thuở khai sinh cho tới thời viên mãn.

            Chúng ta cùng dừng lại để đào sâu ý nghĩa nầy qua hai nội dung:

– “Mô hình tiên khởi” để làm điểm quy chiếu.

– Những điểm then chốt làm nên sức sống của “mô hình tiên khởi” nầy.

2.1: Chân dung đích thực của Hội Thánh theo “mô hình tiên khởi”:

            Chúng ta đã học, đã biết, đã nghe nói rất nhiều về “mô hình Giáo Hội”; nhưng để cảm nhận được rõ ràng như “rờ đụng” cái “thực tại huyền nhiệm cao cả” và cũng là một trong những tín điều nền tảng của đức tin Công Giáo thì phải trở lại với trang tường thuật và mô tả của sách Công Vụ Tông Đồ mà trích đoạn sau đây là dẫn chứng cụ thể nhất: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” ( Cv 2,42-47).

            Vâng, Giáo Hội là thế đó ! Là cộng đoàn quy tụ chung quanh các đồ đệ của Chúa Giêsu để lắng nghe những lời chứng và giáo huấn về Ngài; là cuộc gặp gỡ của niềm vui và hiệp thông, là chung chia Tấm bánh của bàn Tiệc Thánh Thể, là trao đổi và sẻ chia những tâm tình, trăn trở và kinh nghiệm tông đồ; là cầu nguyện thiết tha và không ngừng trước những lắng lo, ước nguyện, trước bao nhiêu gánh nặng, hiểm nguy… với tất cả cõi lòng chân chất và đức tin chân thành.

            Phải chăng Giáo Hội muôn nơi, muôn thuở đều phải “quy chiếu” về với “mô hình Giáo Hội tiên khởi đó”. Không thể là Giáo Hội nếu là cuộc tập họp để “bàn chuyện con người” chứ không phải để lắng nghe Lời Chúa. Không thể là Giáo Hội nếu tập họp lại như là một “tổ hợp trần tục”, không liên hệ gì tới “Truyền Thống của Hội Thánh” được kết nối liền lạc bằng sợi chỉ đỏ là các Tông Đồ. Cũng không là Giáo Hội khi quy tụ lại trong hận thù, ghen ghét, bạo lực, bất nhân và hoàn toàn vắng bóng yêu thương, chia sẻ, phục vụ; và dĩ nhiên, càng là Giáo Hội khi mỗi một cuộc tập họp của người Kitô hữu đều có sự hiện diện đầy ắp của Đức Kitô Tử nạn-Phục Sinh, một sự “thực diện” của Ngài qua bánh Thánh Thể…

2.2. Những điểm then chốt làm nên sức sống của “mô hình tiên khởi” nầy:

            Thử dừng lại nơi một số phân tích để xác định đâu là những điểm then chốt làm nên sức sống của Giáo Hội thuở ban đầu, cũng là những tiêu chí mang tính “linh đạo” cho các Kitô hữu và các cộng đoàn Giáo Hội ngày hôm nay.

            Chỉ trong một đoạn ngắn ngủi, sách Công Vụ đã tóm tắt một “nội hàm phong phú diễn tả mầu nhiệm Giáo Hội”; đây cũng có thể nói được là “mật khẩu” để hiểu căn tính của Giáo Hội:“Trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem, các tín hữu “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

            Khi chú giải đoạn văn trên của Luca, tác giả Servais TH. Pinckaers trong “Cầu nguyện Kitô giáo” đã nhận định như sau: “Ta hãy ghi nhận điều nầy: bốn yếu tố mà Thánh Luca trình bày thì không tách rời nhau, nhưng nối kết chặt chẽ với nhau.

– Cầu nguyện nhận được nội dung từ giáo huấn của các Tông Đồ, tập trung vào Đức Giêsu, Người trở thành nhân vật cầu nguyện chính bên Chúa Cha.

– Sự hiệp thông hình thành như một cộng đoàn cầu nguyện, ở tầm mức các tâm hồn, trước khi là một cộng đoàn chia sẻ trong lãnh vực của cải.

– Việc bẻ bánh là một cầu nguyện tạ ơn, một “tạ ơn” của Đức Kitô vốn trở nên trung tâm của việc cầu nguyện Kitô giáo.

– Như vậy Cộng đoàn tiên khởi là một cộng đoàn cầu nguyện, nhưng là cầu nguyện tích cực, suy phục hoạt động cứu độ của Đức Kitô và được định hình bởi hoạt động đó, hướng về các công trình của đời sống huynh đệ.”[44].

            Chúng ta có thể dừng lại để đào sâu thêm “4 yếu tố” quan trọng nầy trong đời sống cầu nguyện của thời Hội Thánh:

2.2.1. Yếu tố “Tông Đồ”: “Trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem, các tín hữu “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”: “Việc cầu nguyện được đặt trên nên tảng đức tin tông truyền”.

            Đời sống cầu nguyện của Hội Thánh và trong Hội Thánh được khởi sự từ cộng đoàn Tông Đồ và quy chiếu về đó; bởi vì, chỉ khi “ngang qua nền tảng Tông Đồ” Hội Thánh mới gặp được Đức Kitô, Đấng đã chọn các ngài như những hòn đá tảng để xây nên tòa nhà Giáo Hội. Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã trình bày nội dung nầy như sau: (Xin trích):

            “Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các tông đồ như là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. Qua các Tông Đồ, chúng ta đến được với chính Đức Giêsu. Giáo Hội bắt đầu được thiết lập khi một số ngư phủ miền Galilê gặp Đức Giêsu, bị khoé nhìn, giọng nói, và lời mời gọi thân tình của ngài chinh phục: “Hãy theo tôi, và tôi sẽ làm cho anh em thành kẻ đánh lưới người.” (Mk 1 :17 ; Mt 4 :19.)

            Sau Đức Maria là phản ánh tinh tuyền của ánh sáng Đức Kitô, thì chính từ các Tông đồ, qua lời dậy và chứng tá của các ngài mà chúng ta nhận được chân lý về Đức Kitô. Tuy nhiên, sứ mệnh của các ngài không tách rời mà là được đặt trong một mầu nhiệm hiệp thông bao gồm toàn bộ Dân Thiên Chúa và được thực hiện qua từng giai đoạn từ trong Giao Ước cũ sang Giao Ước mới….

            Khi tuyển chọn Nhóm Mười Hai, đưa họ vào thông hiệp với đời sống của chính ngài và cho họ tham dự vào sứ mệnh loan báo Vương Quốc qua lời và hành động, (x. Mc 6 :7-13 ; Mt 10 :5-8 ; Lc 9 :1-6 ; 6 :13.) Đức Giêsu muốn nói rằng thời đại chung cuộc đã tới, trong đó Dân mới của Thiên Chúa sẽ được thành lập, dân của mười hai chi tộc giờ đây trở thành dân phổ quát, tức Giáo Hội của ngài….

            Hành trình của các Tông Đồ đã được khởi sự như thế. Đó là một cuộc tiếp xúc giữa những con người mở lòng cho người khác. Đối với các môn đệ, đó là khởi đầu của một sự tiếp xúc trực tiếp với vị Tôn Sư, xem nơi ngài ở và bắt đầu học biết ngài. Quả vậy, họ sẽ không rao giảng một ý tưởng, nhưng là làm chứng cho một nhân vật.

Trước khi được sai đi rao giảng, họ phải “ở” với Đức Giêsu đã, (Mc 3 :14) bằng cách thiết lập một tương quan bản vị với ngài. Trên cơ sở này, việc rao giảng Tin mừng không gì khác hơn là việc công bố những gì họ cảm nhận và là một lời mời gọi đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Đức Kitô.” (x. 1 Ga 1 :1-3)[45].

2.2.2. Yếu tố “Hiệp thông”: “luôn luôn hiệp thông với nhau”: Việc cầu nguyện “được chứng thực bằng tình bác ái” :

            Từ “yếu tố  Tông Đồ” đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô lại dẫn chúng ta qua “yếu tố hiệp thông”, cũng là một nền tảng mà trên đó Hội Thánh thiết dựng đời sống cầu nguyện. Bởi chưng, cầu nguyện trong Kitô giáo luôn mang chiều kích cứu độ, mà Thiên Chúa lại không muốn cứu độ con người từng người riêng rẻ, nhưng là một đoàn dân hiệp nhất.[46]: “Qua sứ vụ tông đồ, Giáo Hội, một cộng đoàn được Con Thiên Chúa làm người quy tụ lại, sẽ tiếp diễn qua dòng thời gian, xây dựng và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Đức Kitô và trong Thánh Thần mà mọi người được kêu gọi vào, và trong đó họ có thể nghiệm thấy ơn cứu độ được Chúa Cha ban cho…

Được tổ chức chặt chẽ dưới sự hướng dẫn của các vị Mục Tử hợp pháp, Giáo Hội như thế tiếp tục qua các thời đại, sống trong thế giới như là một mầu nhiệm hiệp thông, trong đó, Sự Hiệp Thông của Ba Ngôi Thiên Chúa được phản ánh theo một mức độ nào đó…

Thánh Tông Đồ Phaolô đã quy chiếu đến cội nguồn Ba Ngôi tối thượng này khi ngài chúc cho các Kitô hữu của ngài: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em.” (2 Cr 13 :14)…

Có lẽ vọng lại lời nguyện thờ phượng của Giáo Hội mới được khai sinh, những lời này nhấn mạnh rằng hồng ân nhưng không của Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô đã được thực hiện và được diễn tả thành sự thông hiệp Chúa Thánh Thần đem đến….

Ta có thể nói được rằng ân sủng, tình yêu và sự thông hiệp lần lượt quy chiếu về Đức Kitô, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, là những khía cạnh khác biệt trong cùng một hành động Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Hành động này tạo nên Giáo Hội và làm nên Giáo Hội -như thánh Cypiranô thế kỷ thứ ba quả quyết – “một dân tộc được làm cho hiệp nhất từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”…

Sự sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau là mục tiêu đích thực của việc loan báo Tin mừng, là mục tiêu của việc hoán cải trở thành Kitô hữu : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho anh em, ngõ hầu anh em được hiệp thông với chúng tôi.” (1 Ga 1 :3)…

Như thế, sự hiệp thông kép với Thiên Chúa và với nhau không thể tách rời nhau. Ở đâu mà sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bị phá huỷ, thì cội rễ và nguồn mạch sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau cũng bị phá huỷ. Và ở đâu chúng ta không sống hiệp thông giữa chúng ta với nhau, sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ không phải là sống thực, như chúng ta đã nghe dạy.”[47].

2.2.3. Yếu tố “Thánh Thể”: “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh”: Việc cầu nguyện “được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể”:

Yếu tố “Hiệp Thông” không thể tách lìa khỏi “Thánh Thể”; bởi vì “Thánh Thể”, việc “họp nhau bẻ bánh” chính là nhịp sống cầu nguyện cơ bản, cụ thể và sống động nhất của cộng đoàn Giáo Hội sơ khai và cũng là “lời cầu nguyện quan trọng nhất, cao cả nhất’ của Hội Thánh muôn nơi muôn thuở[48]. Đức Thánh Cha Bênêđictô tiếp tục trình bày cho chúng ta nội dung nầy: “Chúng ta hãy đi thêm một bước nữa. Là hoa trái của Chúa Thánh Thần, sự Hiệp Thông được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh Thể (x. 1 Cr 1,16-17) và được diễn tả thành mối tương giao huynh đệ như là một sự thông dự trước vào thế giới tương lai. Trong Thánh Thể, Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta; ngài hiệp nhất chúng ta với ngài, với Cha ngài, với Chúa Thánh Thần và chúng ta với nhau. Mạng lưới hiệp nhất bao trùm thế giới đây là sự thông dự trước thế giới tương lai trong thời gian của chúng ta.”[49].

2.2.4. Yếu tố “Trung Thành”:cầu nguyện không ngừng” (Xem thêm: Sách GLHTCG số 2625):

– Hội Thánh thực thi mệnh lệnh của chính Chúa Giêsu: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” ( Lc 18,1 ). (Xem thêm bài viết của tác giả Huệ Minh: Tích chuyện ông Mô-sê cầu nguyện trong cuộc chiến với dân A-ma-lếch Xh 17,8-12; dụ ngôn “quan tòa và bà góa: Lc 18,1-8)[50].

– Hội Thánh cầu nguyện “không ngừng” qua Lời Chúa được nghe, được đọc thường xuyên với “Kinh Nhật Tụng”: “Những lời cầu nguyện này trước hết là những lời các tín hữu nghe và đọc trong Sách Thánh, nhưng họ làm cho những lời ấy trở thành hiện tại, đặc biệt là những lời Thánh Vịnh, do chúng được nên trọn trong Đức Kitô” (Lc 24,27.44). (Xem thêm Hiến Chế Phụng vụ)[51].

3. Mấy con số 3 dễ nhớ trong sách Công Vụ:[52].

3.1. Ba điều Đức Giêsu căn dặn các Tông Đồ: Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới (…), nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,4.8).

3.2. Ba đợt làm chứng cho Đức Kitô phục sinh: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tạiGiê-ru-sa-lem (1), trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri (2) và cho đến tận cùng trái đất (3).” (1,8)

3.3. Ba nét sơ lược về cộng đoàn Kitô hữu sơ thuở đầu:

– Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,42-47).

– Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu. Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. (Cv 4,32-37).

– Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông. Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành. (Cv 5,12-16).

3.4. Ba lần tường thuật về ơn gọi của Thánh Phaolô:

– Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai? “. Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.”. Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống… (Cv 9,1-8…).

– “như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị. Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: “Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: “Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: “Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm. Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát… (Cv 22,5-11…).

– “Thế là sau khi được các thượng tế trao quyền và uỷ nhiệm, tôi lên đường đi Đa-mát. Kính thưa đức vua, đang khi đi đường, vào lúc trưa, tôi đã thấy một luồng ánh sáng chói lọi hơn mặt trời, từ trời chiếu toả xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành. Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi! Tôi hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Chúa đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Do-thái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, khiến chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xa-tan mà trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, nhờ tin vào Ta, chúng sẽ được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến….” (Cv 26,12-18….)

3.5. Ba chuyến truyền giáo của thánh Phaolô: (x. Cv 13-14; Cv 15-18; Cv 18-21).

KẾT

            Đã có không ít những lập luận (thường là các nhà cải cách Tin Lành) cho rằng sách Công Vụ là “chủ thuyết bị biến chất nền Công giáo xưa”, trong đó ông Phaolô nguyên tuyền đã “bị làm cho trở nên loãng đi” hầu có thể được trở thành dễ chấp nhận hơn cho một Hội Thánh Công Giáo thời xa xưa[53]. Tuy nhiên, đối với chúng ta, những người Kitô hữu kế thừa chính cộng đoàn Kitô hữu ban đầu được sách Công Vụ trình bày, vẫn xác tín rằng: nhờ có sách Công Vụ Tông Đồ mà chúng ta hiểu biết nhiều hơn, rõ hơn về “câu chuyện Giêsu” của các Tin Mừng và những bài giáo lý của các thư mục Tân ước khác[54]. Nhưng trên hết, sách Công Vụ cho chúng ta cảm nhận được chương trình của Thiên Chúa đang được thể hiện trên chính cuộc đời mình, thời đại mình, Giáo Hội mình qua những gì Ngài đã thể hiện với Giáo Hội thuở ban đầu.

            Nếu Kitô giáo phát sinh từ biến cố Đức Kitô Phục Sinh và Tin Mừng Phục Sinh bắt đầu được loan truyền từ ngày lễ Ngũ Tuần như sách Công Vụ tường thuật, thì quả thật, cho đến mãi ngàn sau, khi nào Hội Thánh Chúa Kitô còn trên mặt đất, thì sách Công Vụ Tông Đồ vẫn còn được đọc, được công bố, nhất là được công bố trong những ngày sau Đại lễ Phục Sinh.

            Bởi vì, nhờ sách Công Vụ Tông Đồ mà chúng ta mới cảm nhận được rằng “Hội Thánh Ban đầu là thế đó”. Vâng, “đẹp thay cái thuở ban đầu” !

Trương Đình Hiền (Mùa Phục Sinh 2021)


[1] LM. GIUSE NGUYỄN HỮU AN. Bài viết “Dưới tác động của Chúa Thánh Thần”. Nguồn:

[2] ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM. Bài: Sách Công vụ Tông đồ. Nguồn: trang mạng Giáo phận Bà Rịa:

https://www.giaophanbaria.org/thanh-kinh-giao-ly/hoc-hoi-thanh-kinh/2016/02/22/tuan-101-sach-cong-vu-tong-do-chuong-1-8.html

[3] MARK LINK S.J. TÌM HIỂU ĐỨC TIN CÔNG GIÁO. Chương XVIII, Bài 16: Công vụ Tông Đồ. Nguồn:

http://dev.kilopad.com/Ton-giao-Tu-tuong-c40/doc-sach-truc-tuyen-tim-hieu-duc-tin-cong-giao-b3164/chuong-18-bai-16-cong-vu-tong-do-ti18

[4] Tư liệu nguồn đã dẫn (vietcatholicperth.org):

– Các Phúc âm trình bày Con Người đến để chết cho tội lỗi chúng ta. Công Vụ trình bày sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần.

– Các Phúc âm trình bày những gì Đức Kitô bắt đầu thực hiện. Công Vụ trình bày những gì Ngài tiếp tục thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, qua các môn đệ của Ngài.

– Các Phúc âm kể về Đấng Cứu Thế bị đóng đinh và sống lại. Công Vụ miêu tả Ngài như là Chúa và Lãnh tụ được nâng lên và tôn vinh.

– Trong các Phúc âm chúng ta nghe lời giảng dạy của Đức Kitô. Trong Công Vụ chúng ta nhìn thấy hiệu qủa của những lời giảng dạy của Ngài trên công vụ của các tông đồ.

[5] ĐGM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM. Bài: Sách Công vụ Tông đồ. Nguồn: trang mạng Giáo phận Bà Rịa:

https://www.giaophanbaria.org/thanh-kinh-giao-ly/hoc-hoi-thanh-kinh/2016/02/22/tuan-101-sach-cong-vu-tong-do-chuong-1-8.html

[6] TOÀ TỔNG GIÁM MỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, BẢN DỊCH: NHÓM GKPV. KINH THÁNH TÂN ƯỚC. nxb. Tp. HCM 1993. Sách Công vụ Tông đồ. Phần Dẫn Nhập. Tr. 487.

[7] Ibid.

[8] Ibid.

[9] Ibid.

[10] SĐD: “Căn cước duy nhất của tác giả cuốn sách này là Luca và nó được xác nhận bởi các cây viết về Giáo hội, vì không một nhà bình luận thời xưa hay ngày nay nêu tên một tác giả nào khác. Căn cước này đã được biết đến ở các Giáo hội khoảng năm 175 sau C.N, qua các Giáo phụ thời Giáo hội sơ khai. Đặc biệt cách dùng nhân xưng đại danh từ chúng tôi ở phần sau cuốn sách chứng minh rằng tác giả là bạn đồng hành của thánh Phaolô. Giữa các bạn đồng hành của Phaolô truyền thống luôn xác định là Luca, người Syria miền Antioch và là một y sĩ có nguồn gốc ngoài Dothái (Col 4,10-14); Phaolô diễn tả ông như là một người bạn thân gắn bó với mình trong thời gian ông bị giam giữ ở Roma.”

[11] Ibid.

[12] Lc 24,47: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.”

[13] TOÀ TỔNG GIÁM MỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, BẢN DỊCH: NHÓM GKPV. KINH THÁNH TÂN ƯỚC. nxb. Tp. HCM 1993. Sách Công vụ Tông đồ. Phần Dẫn Nhập. Tr. 488.

[14] Ibid. Tr. 488.

[15] SĐD (GS. ĐAMINH PHẠM XUÂN UYỂN, SDB. Công Vụ, Các Thứ Do Thái & Công Giáo, Khải Huyền. NXB. Đồng Nai 2015. DẪN NHẬP SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ. Tr. 18-20.

[16] Ibid. Tr. 489.

[17] Ibid. Tr. 490.

[18] Ibid. Tr. 490.

[19] Ibid. Tr. 489-490: Sách Công Vụ Tông Ðồ gồm 28 chương, được chia như sau:

Nhập đề (Chương 1,1-11)

I. Hội Thánh tại Giêrusalem (Chương 1,12-5,42)

1. Hoạt động của các Tông Ðồ (Chương 1,12-2,42)

2. Sinh hoạt của Hội Thánh sơ khai (Chương 2,42-5,42)

II. Những bước đầu của công cuộc truyền giáo (Chương 06-12)

1. Hội Thánh lớn mạnh; các phó tế; ông Têphanô tử đạo tiên khởi (Chương 6,1-8,3)

2. Ông Philipphê ở Samari; viên thái giám xứ Êthiốp (Chương 8,4-40)

3. Ông Saolô trở lại (Chương 9,1-30)

4. Hoạt động mục vụ của ông Phêrô (Chương 9,31-11,18)

5. Hội Thánh tại Antiôkhia (Chương 11, 19-30)

6. Hội Thánh Giêrusalem bị bách hại; thánh Giacôbê tông đồ tử đạo (Chương 12)

III. Hành trình truyền giáo của ông Banaba và ông Saolô. Công đồng Giêrusalem (Chương 13,1-15,35)

1. Hành trình truyền giáo lần thứ nhất của ông Banaba và ông Saolô (Chương 13-14)

2. Công đồng Giêrusalem (Chương 15,1-35)

IV. Những cuộc hành trình truyên giáo của ông Phaolô (Chương 15,36-19,20)

1. Ông Phaolô cùng với ông Xila, ông Timôthê hoạt động truyền giáo ở Tiểu Á, Hy Lạp (Chương 15,36-18,22)
2. Ông Phaolô ở Êphêxô: (Chương 18,23-19,20)

V. Kết thúc những cuộc hành trình truyền giáo. Ông Phaolô, người tù của Ðức Kitô (Chương 19,21-28,31)

1. Ông Phaolô thăm viếng các Hội Thánh ở Hy lạp; về Giêrusalem mang theo tiền lạc quyên (Chương 19,21-21,26)

2. Ông Phaolô bị bắt ở Giêrusalem, bị cầm tù 2 năm ở Xadarê, giải đi Rôma (Chương 21,27-28,29)
3. Kết: Ông Phaolô bị tù ở Rôma, nhưng vẫn làm chứng cho Ðức Kitô (Chương 28,30-31)

[20] LM. THÊÔPHILÔ NGÔ HOÀN CẦU, SVD. Tìm hiểu các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ, nxb. Đồng Nai 2019, tr. 102-114.

[21] LM. THÊÔPHILÔ NGÔ HOÀN CẦU, SVD. Tìm hiểu các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ, nxb. Đồng Nai 2019, tr. 102-114.

[22] TOÀ TỔNG GIÁM MỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, BẢN DỊCH: NHÓM GKPV. KINH THÁNH TÂN ƯỚC. nxb. Tp. HCM 1993. Sách Công vụ Tông đồ. Phần Dẫn Nhập. Tr. 491: “Người ta nói sách Công vụ Tông Ðồ là Tin Mừng của Chúa Thánh Thần. Trước khi lên trời, Ðức Kitô đã bảo đảm với các môn đệ là Người sẽ tuôn đổ trên các ông đặc sủng thời thiên sai, đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mặc cho các ông sức mạnh từ trời và dẫn đưa các ông hoàn thành nhiệm vụ làm chứng nhân Lc 24,47-49; Cv 1,5.8. Chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đã được rửa bằng Thánh Thần (1,5). Chúa Thánh Thần đánh dấu khởi đầu thời đại của Hội Thánh như phép rửa ở sông Giođan khai mạc sứ vụ công khai của Ðức Giêsu.”

[23] Ibid.: “Hoạt động của Chúa Thánh Thần thể hiện qua sức mạnh phi thường của việc loan báo Tin Mừng của các Tông Ðồ (2,5-6; 5,32; 6,10), qua nếp sống bác ái huynh đệ của anh em tín hữu thời Hội Thánh sơ khai (2,44-45; 4,32-36); qua việc truyền giáo. Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy các Tông Ðồ phải rời bỏ lãnh địa Do thái giáo để đến với các anh em dân ngoại, đòi hỏi họ tin vào Ðức Giêsu là Ðấng Kitô và là Ðức Chúa. Các chương 10-11 là trọng tâm của sách Công Vụ Tông Ðồ. Trong mọi trường hợp, giây phút quyết định là Chúa Thánh Thần thúc bách các Tông Ðồ đi truyền giáo (13,2-4; 16,6-7). Chúa Thánh Thần hoạt động mỗi ngày một nhiều hơn, như ơn nói tiếng lạ (10,46); ơn làm ngôn sứ (11,8; 21,11-12; 13,1; 15,32; 21,9)”.

[24] Ibid.: “Nhờ những hoạt động của Chúa Thánh Thần, ta có thể nói về ngôi vị của Người, vì Người luôn tỏ ra là quyền năng của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Khí của Chúa (5,9), vì chính Ðức Giêsu đã cử Người đến, khi nhận từ nơi Thiên Chúa Cha (2,33). Thực ra, chính Thiên Chúa Cha đã hứa ban Thánh Thần (1,4; 2,33). Do đó, Thánh Thần của Chúa Cha, như Ðức Giêsu đã giới thiệu (Mc 13,2; Lc 21,15; Ga 14,15-17; 15,26-27; 16,7.11). Thánh Phêrô đồng hóa Thánh Thần với Thiên Chúa (5,3). Những hoạt động của Thánh Thần chứng tỏ Người là một ngôi vị biệt lập (8,26.29; 10,3.19; 19,21)”.

[25] Ibid. Tr. 491-492: “Sách Công Vụ Tông Ðồ không nói nhiều về đời sống trần gian của Ðức Giêsu. Qua các bài giảng của các Tông Ðồ, người ta biết được đôi nét căn bản quan trọng cuộc đời của Ðức Giêsu. Người là con cháu vua Ðavít (2,30; 13,23); sinh sống ở Nadarét (2,22; 3,6; 4,10; 6,14; 10,37; 22,8; 26,9). Mẹ Người là bà Maria và anh em Người ai cũng biết (1,14). Những việc Người làm, những lời Người dạy (1,22; 10,37-38; 13,34). Cuộc Thương Khó, chết và sống lại của Người chiếm một chỗ quan trọng trong các bài giảng (2,23; 3,15; 4,28; 5,30; 7,52; 13,27.29). Các Tông Ðồ là những chứng nhân đặc biệt của Người, vì các Tông Ðồ chia sẻ cuộc đời trần thế của Người, đã đi theo Người từ Galilê đến Giêrusalem (13,31), đã thấy Người sau khi Người Phục Sinh”.

[26] Ibid. Tr. 492: “Các Tông Ðồ xác tín rằng Ðức Giêsu phục sinh ngự bên hữu Chúa Cha. Người có mọi quyền năng như Chúa Cha và cử Thánh Thần ngự xuống trên nhân loại, như thánh Phêrô đã khẳng định trong ngày lễ Ngũ Tuần (2,33). Ông Têphanô chiêm ngắm Người đang ngự bên hữu Chúa Cha (7,55-56). Hội Thánh sơ khai đồng tâm nhất trí tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã phục sinh Con của Người (2,24.32; 3,26; 13,34; 17,31; 3,15; 4,10; 5,30; 10,40) và đã siêu tôn Người (2,33-34; 3,13; 5,31). Chính Kinh Thánh đã minh chứng điều ấy (Tv 19,6; 116,3). Vua Ðavít đã tuyên sấm về Ðấng Kitô (Tv 132,11; 89,4-5)”.

[27] Ibid: “Ðức Giêsu thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đúng như lời các ngôn sứ đã loan báo (3,18.24; 10,43; 13,27)…  Trách nhiệm của người Do thái trong vụ án Ðức Giêsu không thể nào bỏ qua, vì họ đã không nghe tổng trấn Philatô (3,13-15). Họ đã buộc Người phải chết và đóng đinh Người (2,23; 3,13-15; 4,10; 10,40). Thực ra, họ hành động mù quáng và thực hiện các sấm ngôn (3,17-18; 13,27-29)… Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô” 2,36. Danh xưng này hàm chứa đức tin sâu xa của anh em tín hữu thời sơ khai, đồng thời diễn tả niềm tin của người tín hữu: xưa kia dân Dothái tôn thờ Thiên Chúa là Ðức Chúa, nay người tín hữu cũng tôn thờ Ðức Giêsu là Ðức Chúa. Người tín hữu kêu cầu danh Ðức Giêsu (2,21; 9,14.21; 22,16). Như vậy, Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Tin vào Danh Ðức Giêsu, sẽ được cứu độ (4,12). Các Tông Ðồ rao giảng, hoạt động hay chịu đau khổ đều vì Thánh Danh (3,6.16; 4,10.17-18; 5,28.40-41; 8,12.16; 9,15-16; 27,28)”.

[28] Ibid. Tr. 492-493: “Chúng tôi theo Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời… chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Người” (1,21-22)… Sau lễ Ngũ Tuần, các ông theo lệnh truyền của Ðức Giêsu (1,8) đã khởi sự làm chứng cho Người từ Giêrusalem (2,14-36), cho đến tận cùng trái đất (28,31…”.

[29] Ibid. Tr. 493: “Qua những bài giảng của thánh Phêrô (2,14-36.38-39; 3,12-26; 4,8-12; 5,17-40); hay của thánh Phaolô (13,16-41; 26,22-23); chúng ta có thể rút được một ít điểm giáo lý các Tông Ðồ:

– Thời kỳ hoàn thành đã đến. “Ngày của Ðức Giêsu” bắt đầu từ Ðức Giêsu (2,16; 3,18.24).

– Các sấm ngôn được thực hiện, đúng theo kế hoạch Thiên Chúa, xuyên qua sứ vụ, cái chết và sống lại của Ðức Giêsu (2,30-31; 3,22; 4,10).

– Sau khi sống lại, Ðức Giêsu được tôn vinh ngự bên hữu Chúa Cha, trở thành thủ lãnh của dân Ítraen mới (2,23-36; 3,13; 5,31).

– Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh là dấu chỉ về quyền năng và vinh quang của Ðức Kitô 2,33; 5,32.

– Thời cứu độ sẽ hoàn tất khi Ðức Kitô giáng lâm (3,20.21; 10,42).

            Còn khi rao giảng cho người ngoài Do thái giáo, các Tông Ðồ nhấn mạnh đến con người lịch sử của Ðức Giêsu (10,34-43), hoặc trình bày Thiên Chúa là Ðấng sáng tạo và làm chủ lịch sử như bài giảng của thánh Phaolô tại Lýtra (14,15-17) hay ở Athen (17,22-31)”.

[30] Ibid: “Trong khi giảng dạy, các Tông Ðồ được các đặc sủng, như đặc sủng “ngôn ngữ”: trường hợp của thánh Phêrô ở Giêrusalem (2,4-13); đặc sủng “làm phép lạ”: thánh Phêrô chữa một người què (3,1-10); chuyện Khanania và Xaphira chết (5,1-12); người tê bại ở Lốt (9,32-35); bà Tabitha được sống lại (9,36-43); người bại chân ở Lýtra (14,8-18); người chết sống lại ở Tơroa (20,7-12). Các Tông Ðồ làm nhiều dấu lạ điềm thiêng (5,12; 19,11), đến nỗi bóng của thánh Phêrô che phủ (5,15-16), hay áo của người ta chạm đến da thánh Phaolô cũng đủ sức mạnh chữa lành nhiều người bệnh (19,12). Các Tông Ðồ làm chứng đến mức độ hy sinh mạng sống; trường hợp của phó tế Têphanô (7,59-60); tông đồ Giacôbê (12,2)”.

[31] Ibid. Tr. 493-494: “Hội Thánh không phải là một đám đông ô hợp, nhưng là một cộng đoàn. Do đó cần phải có tổ chức để việc phục vụ anh em tín hữu đạt hiệu quả hơn. Các Tông Ðồ chuyên lo giảng dạy Lời Thiên Chúa (6,14), rao giảng Ðức Giêsu (2,22), nên không thể nào quan tâm đúng mức đến những anh em nghèo, các bà góa… vì vậy các Tông Ðồ đặt các phó tế 6,1 trông coi việc ăn uống của cộng đoàn cũng như tài sản chung.

            Ngoài ra, sách Công Vụ còn nói đến các kỳ mục (11,30). Hai thánh Phaolô và Banaba “chỉ định cho mỗi Hội Thánh những kỳ mục” (14,23). Hẳn nhiên, các kỳ mục này rất khác với các kỳ mục Do thái giáo. Ðọc ch.15 và 16, ta thấy các kỳ được nói ngay sau các Tông Ðồ: 15,2.4.6.22.23; 16,4. Như vậy các kỳ mục là cộng sự viên quan trọng bên cạnh các Tông Ðồ và sẽ thay thế các Tông Ðồ, khi các ông vắng mặt (20,17) hoặc chết…”.

[32] Cv 5,11: Toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe kể chuyện này đều rất sợ hãi.

[33] TOÀ TỔNG GIÁM MỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, BẢN DỊCH: NHÓM GKPV. KINH THÁNH TÂN ƯỚC. nxb. Tp. HCM 1993. Sách Công vụ Tông đồ. Phần Dẫn Nhập.. Tr. 494: Sách Công Vụ gọi đoàn thể những người đi theo Ðức Kitô là Hội Thánh, vì các tín hữu đã nhận “phép rửa bằng Thánh Thần” (1,5) “nhân danh Ðức Giêsu Kitô” (2,38). Họ được Thiên Chúa kêu gọi (2,39). Ðoàn thể ấy trước ngày lễ Ngũ Tuần chỉ có một trăm hai mươi (1,15), sau lễ Ngũ Tuần số tín hữu càng ngày càng gia tăng (2,41.47; 4,4; 5,14; 6,17; 9,31; 11,24; 14,1; 16,5)”.

[34] Ibid: “Hội Thánh khai sinh từ môi trường Dothái giáo với những truyền thống nghi thức khắt khe. Nhưng dần dần Hội Thánh được Chúa Thánh Thần tác động, hướng dẫn đi tới dân ngoại. Hội Thánh quy tụ các dân tộc thuộc mọi nền văn hóa khác nhau, như người Samari (8,4-25); quan thái giám người Êthiốp (8,26-40); ông Conêliô đại đội trưởng Rôma (10,1-48); những người gốc Sýp, Kyrênê, Antiôkhia (11,20). Những chuyến truyền giáo của thánh Phaolô cho dân ngoại miền Tiểu Á và Hylạp (13,2 – 21,30) ở Rôma (28,17-31)” .

[35] Ibid. Tr. 494-495: “Trong chính môi trường ngoại giáo, những người tin theo Ðức Kitô được gọi là Kitô hữu (11,26). Gọi thế để phân biệt người không theo Ðức Kitô với môn đệ Ðức Kitô, hoặc phân biệt nhóm người theo tôn giáo mới với Do thái giáo. Các Kitô hữu xưng tụng Ðức Giêsu là Chúa và kêu cầu danh Người. Về danh xưng các tín hữu, cũng có nhiều tên gọi. Các tín hữu ở Giêrusalem gọi là “anh em” (1,15; 11,1; 12,17; 14,2; 21,17-18), “tín hữu” vì tin vào Ðức Giêsu (2,44; 4,32; 18,27; 19,18; 21,20). Nếu tín hữu ở ngoài Paléttin, thì họ được gọi là “môn đệ” (9,1-26; 16,1; 18,23); hoặc theo “đạo” (9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22) hoặc “theo đường của Chúa, của Thiên Chúa” (18,25-26), “con đường cứu độ” (16,17). Còn những người tố cáo các Tông Ðồ và tín hữu, thì gọi các ngài là “phái Nadarét” (24,5)”.

[36] Ibid. Tr. 495: “Hội Thánh là cộng đoàn các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy (2,42). Ðức tin có là nhờ người giảng dạy. Thật vậy, các Tông Ðồ là những chứng nhân của Ðức Kitô, nên các ông loan báo các việc Người làm, các điều Người dạy (x. 1,1), đồng thời cũng chứng minh Người hoàn tất lịch sử cứu độ, khi Người chấp nhận chết trên thập giá và Thiên Chúa cho Người chỗi dậy từ cõi chết (3,15) và đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô (2,36). Ai tin vào danh Người, thì được ơn tha thứ tội lỗi (10,43). Không phải chỉ có Nhóm Mười Hai, mà còn có nhóm bảy phó tế, thánh Phaolô và các bạn đồng hành giảng dạy cho tín hữu. Trung thành với giáo huấn các Tông Ðồ, anh em tín hữu tránh được những dèm pha, đe dọa từ phía anh em Do thái giáo, giữ vững đức tin, đi theo đúng đường của Ðức Kitô.”

[37] Ibid: “Hội Thánh là một cộng đoàn hiệp thông (2,42); bác ái huynh đệ (20,35). Anh em tín hữu sống một lòng một ý với nhau (4,32; 2,44; 6,1; 2,46; 5,12; 15,25). Hơn nữa họ còn để chung của cải (2,44; 4,32), chia sẻ giữa anh em với nhau (9,36; 20,34), trợ giúp giữa các cộng đoàn (11,29), thông cảm giữa tín hữu cắt bì và không cắt bì (15,1-25)” .

[38] Ibid: “Hội Thánh là một cộng đoàn phụng vụ. các tín hữu “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (2,42). “Bẻ bánh” là một cử chỉ thân quen của Ðức Giêsu. Trong bữa Tiệc Ly, Người đã làm như thế khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể. Các tín hữu tham dự lễ bẻ bánh là dự buổi tạ ơn, cử hành bí tích Thánh thể. Cv 20,7-12 tường thuật “ngày thứ nhất” trở nên quan trọng, vì là ngày kỷ niệm Chúa Kitô phục sinh. Hội Thánh dành ngày thứ nhất trong tuần để cử hành nghi thức phụng vụ”.

[39] Ibid: “Hội Thánh là một cộng đoàn cầu nguyện. Các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh (1,14): sau khi Chúa lên trời; (1,24): chọn ông Mátthia; (4,24-30): cầu cho các Tông Ðồ phải ra trước Thượng Hội Ðồng; (6,6): đặt tay chọn bảy phó tế; (7,59): ông Têphanô cầu nguyện trước khi bị ném đá; (9,40): trước khi các Tông Ðồ đi truyền giáo; (8,15.17): khi đặt tay trên các Tông Ðồ đi truyền giáo; (12,12): cầu cho các Tông Ðồ. ta có thể kể thêm trong (13,3; 14,23; 16,25; 22,17; 28,1). Các tín hữu vừa kêu cầu Thiên Chúa, vừa kêu cầu danh Ðức Giêsu (4,12); cầu nguyện mang tính cộng đoàn (4,42). Các tín hữu chuyên cần cầu nguyện để tạ ơn Chúa vì đã được ơn cứu độ và để tuân phục kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa”.

[40] SĐD (GS. ĐAMINH PHẠM XUÂN UYỂN, SDB. Công Vụ, Các Thứ Do Thái & Công Giáo, Khải Huyền.NXB. Đồng Nai 2015. DẪN NHẬP SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ. Tr. 25-28.

[41] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.

[42] Theo ý Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Thần.

[43] LM. THÊÔPHILÔ NGÔ HOÀN CẦU, SVD. Tìm hiểu các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ, nxb. Đồng Nai 2019, Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh,tr. 116.

[44] SERVAIS TH. PINCKAERS, La prière Chrétienne (Cầu nguyện Kitô giáo), Chuyển ngữ: Giuse Đỗ Ngọc Bảo O.P. Tr. 61-62

[45] ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, (POPE BENEDICT XVI), The Origins of the Church, (Our Sunday Visitor, Inc, USA, 2007). Sách gồm hai phần: Phần I nói tổng quát về Giáo Hội của các Tông Đồ. Phần II nói về từng vị Tông Đồ. Bài sau đây dịch từ phần I. Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB chuyển dịch. Nguồn:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/08GiaoHoiCuaCacTongDo.htm

[46] CĐ Vatican II, HĐGMVN, Ủy Ban Giáo lý đức tin, nxb Tôn Giáo 2012, Hiến Chế Giáo Hội: “Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”. Số 9.

[47] ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, (POPE BENEDICT XVI), The Origins of the Church, (Our Sunday Visitor, Inc, USA, 2007). Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB chuyển dịch. Nguồn:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/08GiaoHoiCuaCacTongDo.htm

[48] GLHTCG, số 1325: “Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa, nhờ hai điều đó mà Hội Thánh tồn tại, được diễn tả cách xác đáng và thực hiện cách kỳ diệu nhờ bí tích Thánh Thể. Trong bí tích nầy, hành động Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Đức Kitô và việc phụng tự mà con người dâng lên Đức Kitô và nhờ Người mà dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, cả hai đều đạt tới tột đỉnh”. (Xem thêm: CĐ Vatican II, HĐGMVN, Ủy Ban Giáo lý đức tin, nxb Tôn Giáo 2012, Hiến Chế Phụng vụ số 47.

[49] ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI, (POPE BENEDICT XVI), The Origins of the Church, (Our Sunday Visitor, Inc, USA, 2007). Lm. Giuse Nguyễn Thịnh Phước SDB chuyển dịch. Nguồn:

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/08GiaoHoiCuaCacTongDo.htm

[50] Huệ Minh: Bài viết “Kiên trì cầu nguyện”: Ta phấn khởi và nhận ra giá trị của lời cầu nguyện. Và thường khi nhớ đến câu chuyện Môsê cầu nguyện trên núi trong khi Giôsua đánh giặc, người ta vẫn để ý khía cạnh hiệu năng lạ lùng của việc cầu nguyện. Không có Môsê cầu nguyện, con cái Israel đã không chiến thắng…. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội. Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Nguồn: http://conggiao.info/hay-kien-tri-cau-nguyen-d-38315

[51] CĐ Vatican II, HĐGMVN, Ủy Ban Giáo lý đức tin, nxb Tôn Giáo 2012, Hiến Chế Phụng vụ, số 83: “Thật vậy, Chúa Kitô tiếp tục thực thi phận vụ tư tế qua chính Giáo Hội của Người, một cộng đoàn không ngừng ca tụng Thiên Chúa và chuyển cầu cho phần rỗi của cả thế giới, không chỉ bằng việc của hành Lễ Tạ Ơn,mà còn bằng nhiều cách khác, nhất là việc chu toàn Kinh Nhật Tụng”.

[52] LM. THÊÔPHILÔ NGÔ HOÀN CẦU, SVD. Tìm hiểu các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ, nxb. Đồng Nai 2019, Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh,tr. 116.

[53] SĐD (GS. ĐAMINH PHẠM XUÂN UYỂN, SDB. Công Vụ, Các Thứ Do Thái & Công Giáo, Khải Huyền. NXB. Đồng Nai 2015. DẪN NHẬP SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ. Tr. 16.

[54] Ibid. Tr. 13.