Views: 84
(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2021)
Nếu dựa vào khúc “Thi Kinh” Ca Tiếp Liên trong Phụng vụ chính ngày Lễ Hiện Xuống để tìm một “định nghĩa” về Chúa Thánh Thần, thì tôi thích định nghĩa nầy: Chúa Thánh Thần “là khách trọ hiền lương của tâm hồn” (dulcis hospes animae – the soul’s delightful guest )[1].
Lý do cũng đơn giản thôi: Hình ảnh “Khách trọ hiền lương” cho tôi cái cảm giác gần gũi, thân thương; cái cảm giác của sự hội ngộ, gặp gỡ luôn mới mẻ, tình cờ…
Riêng Thánh Giáo phụ Augustino, như trưng dẫn của sách Giáo lý Youcat, thì cho rằng: “Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của tâm hồn. Muốn cảm nghiệm được sự hiện diện của Người cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài” (Youcat, số 120).
“Hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” phải chăng, đó chính là những phẩm chất, hoạt động, là đường đi nước bước… của Vị Thiên Chúa Ngôi Ba !
– Ngài “hiền lương thầm lặng, êm đềm…” khi “rợp bóng trên người thôn nữ Maria” nơi thôn nghèo Nadarét; và một tiếng “xin vâng” lặng lẽ, êm đềm đã cất lên để Ngôi Hai Thiên Chúa chính thức bước vào trần gian, mặc lấy xác thịt con người. (Lc 1,35-38).
– Ngài “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” khi lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên chàng thợ mộc Giêsu đến từ Nadarét; một cuộc “xức dầu tấn phong” âm thầm lặng lẽ để Con Người vừa lội xuống dòng sông Giođanô để ông Gioan làm phép rửa (Mc 1,9-11) sẽ bước lên đĩnh đạc dấn thân xuôi ngược rao giảng Tin Mừng cho tới những ngày khổ nạn, phục sinh, lên trời…
– Ngài “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” khi “gõ cửa tâm hồn” của những người như: người phụ nữ Samari “lộn chồng” bên thành giếng Giacop”, nhà trí thức biệt phái Nicôđêmô giữa đêm thâu, tay ty trưởng thuế vụ Giakê trên cành cây sung, cô Maria tai tiếng khắp thành, tên trộm bị đóng đinh bên hữu…; và sau những cuộc gặp gỡ “thầm lặng, êm đềm trong tâm hồn đó”, một “dòng nước hằng sống tuôn chảy dạt dào trong tâm hồn họ”, dòng nước Thánh Thần (Ga 7,38-39) đã biến đổi hoàn toàn để tất cả nên những con người mới, những “điện thờ của Thánh Linh” (1 Cr 6,19).
– Ngài “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” khi Đấng Phục Sinh hiện đến nơi Nhà Tiệc Ly vào “Ngày Thứ Nhất trong tuần” và “thổi hơi trên các môn sinh”, để những kẻ đang co ro sợ hãi, đóng cửa cài then… tìm lại sức trẻ lên đường, “chèo ra chỗ nước sâu mà buông câu thả lưới…”.
– Và hôm nay, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, lễ kỷ niệm Giao Ước Sinai và Tạ ơn Mùa gặt mới của Do Thái giáo, Ngài lại đến trong “hiền lương, thầm lặng, êm đềm” nơi “Nhà Tiệc Ly”, nơi mà suốt “10 ngày” sau khi Chúa Lên Trời, các môn đệ Chúa Kitô cùng với Mẹ Maria đã sốt sắng, tĩnh tâm, cầu nguyện và đợi chờ. Vâng, một cuộc “Hiện xuống” sâu thẳm và huyền diệu, một cuộc biến đổi nhiệm mầu và dứt khoát được biểu hiện qua sức mạnh của “gió” và “lửa” để khai sinh một Giao Ước mới, để tạ ơn một Mùa Gặt Mới: Giao ước mới để chính thức khai trương Hội Thánh trên trần gian và mùa gặt mới để Hội Thánh ra đi loan báo Tin Mừng, quy tụ muôn dân thành một Dân Mới hiệp nhất, như Kinh Tiền Tụng đã hát lên:“Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin” [2].
Và suốt con đường dài thăm thẳm 2000 năm qua, Chúa Thánh Linh vẫn “hiền lương, thầm lặng, êm đềm…” như thế để “canh tân bộ mặt thế giới” qua những con người như “Phaolô ngã ngựa”, như Anê, Agata, Goretti, liễu yếu đào tơ; như Maximilien Kolbe, Oscar Romero, Anrê Phú Yên… sẵn sàng “chết vì một tình yêu lớn”; như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, như Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như chàng thiếu niên Acutis… sẵn sàng đập bể bình dầu thơm cuộc đời để ngôi nhà Hội Thánh được ướp hương thơm của Tin Mừng; hay như theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, được trỗ sinh những hoa quả của Thánh Thần: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. (Gl 5,22-23).
Như thế, chúng ta có thể nói được rằng: đường đi nước bước của Thần Khí thật quá khác xa với những chọn lựa của trần gian: trần gian chọn sức mạnh ồn ào kinh thiên động địa của “hoả tiển Hamas”, của “Vòm sắt Israel”; của “chiến tranh đối đầu”, của “hận thù bạo lực…”. Đó là cái cách “gieo” nghịch với Chúa Thánh Thần”, mà Thánh Phaolô gọi là gieo xuống trong xác thịt: “ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát.” (Gl 6,8).
Vì thế, hơn lúc nào hết, lời cầu xin của Giáo Hội với Chúa Thánh Linh hôm nay (nơi Ca Tiếp Liên), với Vị Khách Trọ Hiền Lương cần phải được vang lên nhiều hơn nữa, khẩn thiết hơn nữa: “Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,/ và chữa cho lành nơi thương tích./ Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,/ chỉnh đốn lại chỗ trật đường….”; và nối tiếp dòng tâm tư cầu nguyện đó, mỗi người chúng ta cũng có thể thưa riêng với Ngài:
Hồn đã mở, Khách Hiền Lương ngự trị,
Kẻ lầm than, đem vào nghỉ an vui;
Lệ tràn mi, xin yên ủi lau khô,
Chỗ lạnh lùng, mang lửa hồng sưởi ấm…
Mẹ trái đất muôn ân hồng thấm đẫm,
Gương mặt địa cầu tươi thắm canh tân;
Hoan hỉ dường bao “Bảy nguồn phúc Linh Ân”,
Một lần nữa, “xin Thánh Thần lại đến” !
Hỡi “Ngọn Gió dịu êm”, mùa đã đến,
Hỡi “Ngọn lửa linh thiêng” hẹn lên rồi !
Hỡi “Ngọn nước tinh trong” mau về thôi,
Bởi thế giới đang đợi chờ khao khát ![3]
Trương Đình Hiền (Hiện Xuống 2021)
[1] Trong Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Hiện Xuống có nhiều danh xưng về Chúa Thánh Thần: “Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!/ Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,/ là khách trọ hiền lương của tâm hồn,/ là Đấng uỷ lạo dịu dàng./ Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,/ là niềm an ủi trong lúc lệ rơi./ Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc…”
[2] Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.
[3] SƠN CA LINH; bài thơ “Ngọn gió dịu êm, mùa đã đến”.