Views: 49
(Phụng vụ – Bí tích Thánh Thể và đời sống Thánh hiến)
“Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc nầy đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 23).
“Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”….”Tất cả anh em hãy uống chén nầy, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội …” (Mt 26,26-29)
“Để thực sự hiệp thông với Chúa, Phụng vụ thánh hẳn là một phương tiện chính yếu, đặc biệt là việc cử hành Thánh lễ và Các giờ kinh phụng vụ … Bí tích Thánh Thể, cũng liên hệ chặt chẽ với quyết tâm hoán cải liên lỉ và nhu cầu được thanh luyện: đó là điều mà những người tận hiến thi hành trong bí tích Hoà giải”. (ĐSTH số 95).
Như chúng ta biết, để có được những cộng đoàn Hội Thánh sơ khai sinh động, mạnh mẽ, xác tín vào Đức Kitô Tử nạn-Phục sinh, …, không chỉ nhờ những “sứ điệp sơ truyền” (Kerygma) của các Thánh Tông Đồ mà còn nhờ những cuộc họp nhau “cử hành Bẻ Bánh”, cầu nguyện (Cv 4,32). Nói cách khác, Đức Kitô không chỉ được nghe, được cảm nhận qua những lời rao giảng; mà còn phải được sống, gặp gỡ qua môi trường phụng vụ của cộng đoàn.
Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Ki-tô, trong chiều kích Phụng Vụ, đặc biệt, Phụng Vụ Thánh Thể.
Thật vậy, Chúa Kitô chính là Đấng đang qui tụ chúng ta thành một cộng đoàn, Đấng đang hướng dẫn, tác động và biến cộng đoàn chúng ta thành một “cộng đoàn thờ phượng đích thực”, một cộng đoàn có khả năng “giúp mỗi thành viên trưởng thành và thăng tiến” để sống và cử hành chính cái “Giờ” của Đức Kitô, “Giờ của Hy tế Thập Giá”, một cộng đoàn sinh động cùng gặp gỡ và lên đường với Đấng Phục Sinh như “những cuộc hẹn hò luôn mới mẻ”…một cộng đoàn biết từng ngày mô phỏng “cộng đoàn mẫu đầu tiên” với những nét đẹp tuyệt vời mà sách Công Vụ Tông Đồ thuật bằng những lời đơn sơ: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 46-47); “Các tín hữu bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý… Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự là của chung” (Cv 4, 32).
I. ĐỨC KITÔ THỜ PHƯỢNG VÀ TÔN VINH CHA
Trước hết, chúng ta biết rằng: sứ mệnh căn bản của Đức Ki-tô khi đến trần gian đó chính là thờ phượng và tôn vinh Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con” (Ga 17, 4). Đồng thời, Ngài thiết lập một “trật tự thờ phượng mới” trên căn bản “trong Thần Khí và sự thật”: “Nầy Chị hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi nầy hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi, thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc nầy đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 21-23).
– Đức Ki-tô thờ phượng Chúa cha trong “thần khí và sự thật” có nghĩa là Ngài thờ phượng Chúa Cha qua chính bản thân Ngài, bằng “đền thờ thân xác Ngài”, với của lễ là chính “cuộc đời Ngài”: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, , nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con.” (Dt 10, 5-7).
– Và trong tư cách là một “Tư tế của Giao ước mới”, Đức Ki-tô đã đem toàn nhân loại vào trong hiến tế của Ngài để dâng lên Thiên chúa sự “phượng thờ đích thực”: “Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo nầy. Người đã vào cung thánh không phải với máu con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần mà thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9, 11-14).
Hiến chế Phụng vụ thánh đã chú giải và tóm tắt mầu nhiệm nầy như sau: “Cho nên, nhờ Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hoà với Ngài và cho chúng ta được phụng thờ Ngài cách hoàn bị” (Hiến chế PV số 5).
– Mọi nẻo đường trần thế mà Đức Ki-tô đã đi qua trong thân phận con người, từ khi sinh ra cho đến khi “hoàn tất mọi sự” trên thánh giá, là một “cử hành phụng vụ” duy nhất để thờ phượng và tôn vinh Cha. Vì thế Chúa Cha đã chấpnhận và vui lòng vì việc tôn vinh nầy: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1, 11).
Chiêm ngưỡng một Đức Ki-tô thờ phượng Cha như thế chắc chắn sẽ là một động lực, một gọi mời để chúng ta lên đường biến cuộc sống mình thành một “cử hành phụng vụ” liên tục, biến cuộc đời mình thành “Ngôi Thánh Đường” mà chất liệu xây lên là tất cả những chắt chiu, những hy sinh, những lao nhọc, những lời kinh, những tiếng hát và cả những khổ đau, yếu đuối, bệnh hoạn…
Để minh hoạ cho ý tưởng nầy, có lẽ chúng ta cùng đọc với nhau vài đoạn trong bài thơ cầu nguyện của Charles Singer. Bài thơ có tên: “Ngôi thánh đường đời con” (La Cathédrale de ma vie):
Lạy Chúa, Cuộc đời con là một ngôi Thánh Đường,
Từ tro bụi, bao năm trường xây đắp,
Con tự hào với tất cả niềm tin,
Bằng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,
Để vươn lên thật cao quí tôn nghiêm.
Con cố gắng, con miệt mài tìm kiếm,
Từ khắp nơi, tận góc biển chân trời,
Trên quê hương những loại đá tuyệt vời,
Con làm việc không một lời than vãn :
Xẻ, đục, cưa và chạm trỗ say mê,
Tay xây xát, con không hề bỏ cuộc,
Búa đẽo hư, con một mực kiên trì.
Con mải mê làm cho đến khi ẩn hiện,
Những phù điêu cảnh thánh điện, thiên thần,
đang tấu nhạc thật hoà vang tôn kính,
Nét vui tươi và thanh tĩnh nụ cuời
Lạy Chúa,
Ngôi Thánh Đường của đời con,
Không thể xong trong một sớm một chiều,
Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng,
Cùng với nhiều biến dạng của thời gian….
Thế nhưng, con mãi mãi vững tin vào sức mạnh,
Chẳng phải từ nơi con để vượt thắng giòng đời,
Mà tâm nguyện: chỉ nơi Ngài, lạy Chúa,
Ngôi Thánh Đường con sẽ tựa trung kiên,
Để trụ vững giữa đảo điên nhân thế,
Để hiên ngang đứng giữa bể dâu đời.
Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,
Chính Ngài, con không quá lời đâu:
Là Thiên Chúa, là Khởi Đầu, Chung Cuộc,
Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con[1].
Cũng trong tư tưởng đó, Giáo Phụ Origène đã để lại cho chúng ta những lời khuyên đầy xác tín như sau: “Cần tìm đền thánh không phải tại một nơi, nhưng trong các cử chỉ, trong cuộc sống và trong các thói quen. Nếu những cử chỉ nầy đẹp ý Thiên Chúa, nếu chúng phù hợp với các giới răn Thiên Chúa, thì cho dù bạn ở nhà hay ở ngoài quảng trường cũng không quan trọng: tôi nói gì, “ở ngoài quảng trường” hả ? Cả khi bạn đang ở trong rạp hát đi nữa cũng không quan trọng: nếu bạn đang phục vụ Lời của Thiên Chúa, là bạn đang ở trong đền thờ rồi, đừng nghi ngờ gì cả” (Bài giảng về sách Levi 12, 4; Nguồn gốc Kitô 187, tr. 182. Chứng nhân hy vọng tr. 96).
Sống theo Đức Ki-tô để “Thờ Cha trong thần khí và sự thật” cũng có nghĩa là sống trọn vẹn “Giây phút hiện tại” trong tình yêu, là tìm thấy và thực hiện thánh ý Chúa mọi giây phút…
Chúng ta hãy nghe Đức Hồng Y F.X Nguyễn văn Thuận cầu nguyện với Chúa trong thời gian ngồi tù:
Lạy Chúa Giê-su, con sẽ không chờ đợi nữa.
Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.
Chấm nầy nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia,
muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng (ĐHV số 977).
Và Thánh Phaolô Thánh Giá lại xác quyết: “May nắn thay linh hồn nào an nghỉ trong lòng Thiên Chúa mà không nghĩ tới tương lai, nhưng chỉ sống từng phút hiện tại trong Thiên Chúa, không lo lắng gì khác ngoài việc thực hiện tốt ý muốn của Người trong mọi biến cố”. (Chứng nhân hy vọng tr. 94).
II. ĐỨC KITÔ THỜ PHƯỢNG CHA QUA PHỤNG VỤ
Tiếp bước theo Đức Ki-tô trong chiều kích “thờ phượng” còn có nghĩa là qui hướng cuộc sống, đặt cuộc sống mỗi ngày trên nền tảng Phụng Vụ. Bởi vì, Đức Ki-tô không mất hút trong quá khứ, nhưng đang “thực diện” một cách đặc biệt trong các hoạt động Phụng Vụ của Hội Thánh:“Để chu toàn việc lớn lao ấy, Chúa Ki-tô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các cử hành Phụng Vụ” (PV số 7).
Cũng cần lưu ý rằng: đã có một thời người ta không quan tâm tới đời sống Phụng vụ cho đủ, trong khi lại quá chú trọng tớiviệc thực hành các việc đạo đức cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta có thể tuyên bố mà không sợ sai điều nầy là: Nếu không đặt trọng tâm trên Phụng Vụ, thì việc thể hiện niềm tin của người Ki-tô hữu cũng chẳng khác bao nhiêu với các thực hành tín ngưỡng của các tôn giáo khác; mà nói đến việc đạo đức cá nhân, e rằng người Ki-tô hữu chúng ta không sánh được với tín hữu Đạo Hồi, Đạo Phật.
Như vậy, để thực sự sống trong thái độ “thờ Cha trong thần khí và sự thật”, điều trước tiên cần phải ghi nhận: Dành “ưu tiên một” cho việc cử hành Phụng Vụ. Chúng ta hãy nghe Giáo Hội dạy: “Do đó, vì là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (PV số 7); “Phụng vụ là tột đỉnh mà mọi hoạt động khác của Giáo Hội qui hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (PV số 10).
Trong khi đó, tông huấn Đời Thánh Hiến lại nhắc nhở cách cụ thể hơn khi tập chú cách đặc biệt vào ba cử hành phụng vụ chính yếu nầy: “Để thực sự hiệp thông với Chúa, Phụng vụ thánh hẳn là một phương tiện chính yếu, đặc biệt là việc cử hành Thánh lễ và Các giờ kinh phụng vụ … Bí tích Thánh Thể, cũng liên hệ chặt chẽ với quyết tâm hoán cải liên lỉ và nhu cầu được thanh luyện: đó là điều mà những người tận hiến thi hành trong bí tích Hoà giải”. (ĐSTH số 95).
Và như thế, chúng ta có thể rút ra nhứng kết luận thiêng liêng để áp dụng vào đời sống mỗi ngày:
– Biến cuộc sống thành một “cử hành sống động” hy lễ tình yêu, cử hành thờ phượng và tôn vinh Cha.
– Tập chú và dành ưu tiên một cho việc cử hành Phụng Vụ bằng ý thức, tâm tình, thái độ, sự chuẩn bị, tính cộng đoàn…
(Chúng ta đừng quên điều nầy: một cộng đoàn có cử hành Phụng Vụ tốt, sinh động, là một cộng đoàn mạnh và trưởng thành về mặt thiêng liêng và các sinh hoạt mục vụ khác).
– Biến tâm tình yêu mến và trân trọng Phụng Vụ thành một hướng đi mục vụ: quan tâm, lo lắng, giúp đỡ việc cử hành Phụng Vụ nơi các cộng đoàn giáo dân nghèo, xa xôi hẻo lánh, thiếu phương tiện…
Sau hết, chúng ta hãy nhớ lời của Đức Ki-tô mà chúng ta nghe vọng lại mỗi lần cử hành Thánh Lễ: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Quả thật, có nhiều việc để nhớ Chúa Ki-tô. Nhưng việc chính yếu vẫn là Lễ Tạ ơn, là những cử hành Phụng Vụ. Và có lẽ lý tưởng nhất đó là: cuộc đời là một Thánh Lễ nối dài. Sống được như thế có nghĩa là đã thuộc về những người được Thiên Chúa muốn “Cha chỉ muốn có những người thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4, 23).
III. THÁNH THỂ VÀ “CHIẾC LỌ MỎNG DÒN”
Chúng ta vừa chiêm ngưỡng Đức Kitô trong chiều kích Ngài “thờ phượng và tôn vinh Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật”, mà xét cho cùng, đó chính là Đức Kitô cử hành Phụng vụ. Thế mà, bí tích Thánh Thể lại chính là tâm điểm của Phụng vụ, như giáo lý truyền thống của Giáo Hội đã minh định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. Những bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh, và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về bí tích đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta”. … Trong Bữa Tiệc sau hết, đêm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thách cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái Chết và sự Sống Lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc ly phục sinh, “trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai”[2].
Và đây chính là “trung tâm” quy chiếu và ban phát sức sống mỗi ngày để được thuộc về Chúa Kitô và với anh chị em trọn vẹn hơn: “và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.”[3].
Trong khi đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã ân cần nói với các người được thánh hiến rằng: “Do tự bản chất, bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người và mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho những cá nhân và các tu hội. Trong bí tích Thánh Thể, mỗi người tận hiến được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Chuyên cần chiêm ngắm lâu dài Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể cho chúng ta được sống phần nào kinh nghiệm của Thánh Phêrô trong cuộc Biến hình…” (ĐSTH 95).
1. Thánh Thể, quà tặng tình yêu bằng giá máu:
Trong tuyển tập thơ “Có ai về Cát minh” của thi sĩ linh mục Trăng Thập Tự, có một bài thơ mà tôi rất thích, bài thơ mang tựa đề “ĐÁP LỄ”. Nội dung của bài thơ tác giả ngụ ý rằng: trong chính bữa tiệc tại nhà của chị em cô Mác-ta ở Bê-ta-ni-a, trong một giây phút xuất thần khi đang cầm chén rượu, Chúa Kitô đã chợt liên tưởng tới “Tấm Bánh-Ly rượu Thánh Thể” Ngài sẽ ban tặng như một “đáp lễ” cho nghĩa cử thân tình của chị em nhà Mác-ta. Đây là bài thơ đó:
Cầm trên tay lưng chén rượu nồng,
Ngài như chợt quên đời đi một lúc.
Sóng sánh khổ đau hòa hạnh phúc,
Giữa cao lương mỹ vị với tình người.
Có hương trầm, nến sáng, hoa tươi,
những hơi ấm, những mắt nhìn trìu mến.
Chỉ phút chốc, Ngài chìm trong hiện diện,
Lời ca ngừng, nhạc cũng lặng im theo.
Ta đã dặn con khoản đãi người nghèo,
Lời ta dạy, hôm nay con khéo nhớ:
Mời đúng kẻ trôi sông lạc chợ,
Kẻ sinh ra cuối phố đầu đường,
Ngày không nhà, đêm ngủ dưới sương,
Suốt đời chẳng một đồng xu dính túi,
Đến trần gian và ra đi trần trụi.
Thì ra con khéo nhớ lời Ta !
Con làm ta lúng túng Mác-ta !
Đúng là ta không có gì để trả lại.
Ôi, thì ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !
Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?
Ta sẽ trao chén máu tươi hồng
Và sự sống run trong từng thớ thịt.
Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,
Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời.
Và ơ kìa, Maria nữa con ơi !
Con đập vỡ cả bình dầu thơm phức
Từng ngón chân ta, từng ngón chân, con xức.
Dầu con thơm hay tóc con thơm ?
Giữa khi cuộc đời thiếu áo thèm cơm,
Con trút cả gia tài lên chân Ta mà thách thức.
Và gục xuống, con hôn không dứt,
Con yêu thật à ? Lẽ nào ta thua con !
Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.
Lạy Cha, lòng con rất hân hoan,
Xin hãy thực hiện đúng như Cha hằng muốn.
Và có tiếng đáp:
Thật đẹp lòng Ta, vì đúng như ta muốn.
Quả thật, đúng như ngụ ý của bài thơ, Thánh Thể chính là một “Đáp Lễ” trọn vẹn cao vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại; hay đúng hơn, Thánh Thể chính là một Quà Tặng tuyệt vời theo như định nghĩa của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ…”[4].
Tuy nhiên, đó lại là “một quà tặng tình yêu đòi giá máu”, là “Bánh Hằng Sống từ trời xuống” mà ngay từ đầu đã làm dị ứng nhiều người.
Thì ra, “Quà tặng tình yêu” đó, “Bánh Hằng sống” đó, “lương thực trường sinh đó”, lại chính là con người Đức Kitô, là Giêsu người Na-da-rét; là Con ông Giuse thợ mộc và bà Maria; là Đấng đã hiên ngang xưng rằng: “Ta là mục tử tốt lành…sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên” (Ga 10,11); là Đấng sẵn sàng đón nhận chén đắng cho dù phải trải qua con đường khổ nạn; là Đấng chấp nhận “bị treo lên để kéo mọi người lên với mình” (Ga 12,32); là Đấng yêu thương đến đổi hiến ban mạng sống, là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa gởi tặng con người, quà tặng tình yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một…” (Ga 3,16); và là Đấng mà ngay trên bàn thờ mỗi ngày, “phép lạ cả thể” đã xảy ra giữa chúng ta qua lời hiến thánh của linh mục chủ tế: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì nầy là Chén Máu Thầy…”
Mầu nhiệm Thánh Thể cũng chỉ có thể được định nghĩa trong chiều kích sâu thẳm nhất đó chính là “Quà Tặng tình Yêu”, đó chính là nghĩa cử của lòng thương xót vô bờ bến. Đức G.P. II đã xác quyết trong thông điệp về Thánh Thể: “Tôi muốn nhắc lại chân lý nầy một lần nữa và cùng với anh chị em yêu dấu, tôn thờ mầu nhiệm nầy: mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của lòng thương xót. Đức Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa chăng ? Thật thế, trong Thánh Thể, Người tỏ bày cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), một tình yêu không thể đo lường được.”[5].
Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra Thứ quà tặng độc đáo nầy, một thứ quà tặng gắn liền với hy sinh, với máu đào hy tế để làm cho chúng ta được “thần hóa” thực sự, được thanh tẩy để “xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa” và “lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu”… như đã từng được tiên báo khi “Mô-sê rảy máu trên dân để cử hành Giao ước Sinai” (Xh 24,3-8) và như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư thứ gởi tín hữu Do Thái: “Bởi vậy, Người là trung gian của Giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu của Thiên Chúa” (Dt 9,11-15).
2. Sống mầu nhiệm Thánh thể hôm nay:
Trong một thế giới mà nhu cầu vật chất được đề cao quá mức, sự hưởng thụ lạc thú trần gian luôn là một cám dỗ mạnh mẽ, Bí Tích Thánh thể, “Manna trường sinh” của người Kitô hữu quả là một thách đố lớn lao cho nhiều người. Ngày xưa, cách đây 2000 năm, sau bài giảng “Bánh Hằng Sống” của Đức Kitô, đã có không ít người càm ràm: “Lời gì nghe chói tai quá” và một số môn đệ đã bỏ thầy ra đi (x. Ga 6,60-66).
Ngày hôm nay, sau 2000 năm, chắc cũng có rất nhiều người có thái độ “bỏ đi” như thế, khi không cảm nhận được Thánh Thể có một sức thu hút nào, một ích lợi nào, một lợi nhuận nào cho cuộc sống…
Thiết tưởng, khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể mỗi ngày, là dịp để mỗi người chúng ta xác định lại không chỉ bằng một lời tuyên xưng suông về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể; nhưng là bằng một cam kết dấn thân sống cho và sống với sự hiện diện của “Bánh Hằng Sống” được trao ban trong mỗi bước đi của cuộc đời.
Nói cách khác, chỉ thực sự có niềm tin và sống niềm tin Thánh Thể:
– Khi cuộc sống cá nhân tôi, cộng đoàn tôi sẽ phong phú hơn, vui tươi hơn, hạnh phúc hơn nhờ Thánh Thể. Bời vì: Bánh Hằng Sống là chính Đức Kitô sẽ cho tôi được sống và được sống dồi dào.
– Khi tôi biết yêu thương, tha thứ, phục vụ nhờ Thánh Thể. Bởi vì Bánh hằng Sống là chính Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và yêu thương đến cùng khi hiến thân trên thánh giá.
– Khi Thánh Thể đem tôi lại gần anh chị em xung quanh, qui tụ bạn bè, hiệp nhất các mối tương quan gia đình, và liên kết với mọi người chung quanh để xây dựng cuộc sống huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn. Bởi vì nhờ Bánh hằng Sống là chính Đức Kitô, chúng ta “được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”, “khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô”…[6]
Nếu hai đệ trên đường Emmau ngày xưa, khi tham dự “lễ bẻ bánh” trong quán trọ với người “khách lạ” đã chợt nhận ra gương mặt của Thầy Chí Thánh, thì hôm nay, trong Thánh lễ hằng ngày, với đức tin bé bỏng yếu mềm, tôi cũng xin được nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu đang hiện diện trong tôi và cùng tôi đồng hành trên mọi nẻo đường cuộc sống.
Sau hết, chúng ta cũng có thể ước mơ như vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đó là: Tất cả chúng ta “như một tấm bánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo Hội như một nhà Tiệc Ly rộng lớn, cùng với Đức Ma-r-a, Mẹ của Thân Mình Chúa Ki-tô, và cùng với Phê-rô người thi hành sứ vụ hiệp nhất phục vụ tất cả. Và tất cả chúng ta cùng với họ, như những hạt lúa, chấp nhận chịu nghiền nát bởi những đòi hỏi của tình hiệp thông, để họp thành một thân mình duy nhất, hoàn toàn liên đới và hoàn toàn trao tặng, như bánh sự sống cho thế giới, như dấu chỉ hy vọng cho nhân loại.” (Chứng nhân hy vọng. tr. 211).
Ước mong sao, Thánh Thể mỗi ngày sẽ đọng lại trong trái tim ta, trong linh hồn ta, trong cộng đoàn ta “Mùi của bánh tình yêu” mà chúng ta lãnh nhận từ Thánh Thể, như cảm nhận qua bài thơ sau:
Mỗi khi con đói,
Con nghe mùi thơm của bánh,
Bánh đượm mùi nước mắt của mẹ,
Bánh thơm mùi mồ hôi của cha.
Mùi của tình yêu đã nặn đúc con ra,
Mùi khổ cực, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn.
Và ở giữa biển đời bao la vô tận,
Ai mang phận người,
Mà không một lần thèm một tấm bánh thơm ?
Nếu có chăng,
Vì họ chỉ thấy những chiếc bánh không vị không hồn,
Chỉ gặp những chiếc bánh lòe loặt sắc màu,
mà không mang một chút mùi của tình yêu dịu vợi !
Và cũng vậy,
Nếu ai đó chỉ cần một thứ Manna cho qua cầu khát đói,
Bất cần tin bánh ấy đến từ đâu,
Đến vì tình yêu hay đến tận trời cao,
Nên tấm bánh, chẳng qua,
Chỉ là vật thế chỗ cho nồi thịt của một thời nô lệ !
Và đã hai ngàn năm như thế,
Có một Tấm Bánh Thơm vẫn hiện hữu giữa đời.
Bánh chia đều cho nhân thế muôn nơi,
Bánh Thần Linh, Bánh tự trời, Bánh ban Sự Sống.
Mùi của tấm bánh nầy,
Là mùi của Tình Cha đong đầy chất ngất,
Vì yêu thương mà ban tặng cả chính con yêu.
Mùi của tình Con sâu thẳm trăm chiều,
Hy sinh máu thịt bằng lễ dâng Thánh Giá…
Nên chỉ có những ai,
Đã một lần cảm nhận được mùi tình yêu cao cả,
Mùi thơm nồng của dịu ngọt tình Cha,
Mùi yêu thương của máu thịt ngọc ngà,
Của Đấng đã cho ta,
và vì ta mà sẵn sàng hy sinh mạng sống !
Vâng, chỉ có những ai
cảm nhận được mùi tình yêu của tấm bánh,
Mới đi tìm, mong mỏi, khát khao.
Giữa chốn trần gian,
Có biết bao nhiêu tấm bánh, đủ loại, mời chào.
Nhưng duy nhất,
Chỉ một tấm bánh mang mùi tình yêu đích thực.
Tấm bánh Ki-tô,
Kết tinh của vũ trụ bao la trời đất,
Của tình Cha trọn vẹn với Thánh Linh,
Của tình yêu cứu độ, của thập giá hy sinh,
Của anh, của chị, của em,
Của con đường dẫn đi lên vĩnh hằng ![7].
Ước gì “Mùi Bánh Thánh Thể” luôn lan toả và ướp hương cho cuộc sống cộng đoàn. Bởi vì, “Thánh Thể là trung tâm của đời sống thánh hiến” (ĐSTH 95).
Trương Đình Hiền
[1] SÁCH LƯU HÀNH NỘI BỘ; Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ, trg 11-12.
[2] PV 47,48
[3] Ibid.
[4] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II; Thông điệp Ecclesia De Eucharistia; bản dịch của Nguyễn Phước, Nguyễn Ngọc Kính và Đặng Minh An; số 11.
[5] Ibid. (Thông điệp Ecclesia…; số 11)
[6] SÁCH LỄ RÔMA; Kinh nguyện Thánh Thể II.
[7] SƠN CA LINH; “Mùi của bánh tình yêu”, trong tuyển tập thơ đạo cùng tên.