NGHỈ NGƠI ĐỂ “ĐI RA” VỚI TRÁI TIM YÊU THƯƠNG

Views: 92

(Cn 16 TN B 2021)

            Trong những ngày này, rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, đang vật vã chống chọi với Đại dịch Covid-19, mà những “chiến sĩ ở tuyến đầu” là các nhân viên y tế, đang lâm vào tình trạng mỏi mệt, kiệt sức. Hai tin nhắn của nhân viên y tế Thừa Thiên Huế sau đây là một thí dụ điển hình:

– “Bác ơi, cứ cường độ làm PCR như thế này, em sợ mấy em không chịu nỗi bác à. Mỗi ngày làm việc 12 giờ, nghỉ được 6 tiếng, liên tục mấy ngày nay rồi bác à”.

– “Hà ơi, bác biết hết. Anh em CDC gần như kiệt sức cả rồi. Bác cầu mong mọi người không ai gục ngã hết. Cố gắng vượt qua giai đoạn này, tất cả vì cộng đồng”[1].

            Vâng, trong những hoàn cảnh và tình trạng như thế, nếu có được một chút không gian và thời gian để “nghỉ ngơi đôi chút” thì quả là tuyệt diệu !

            Sứ điệp Lời Chúa hôm nay, có thể nói được, đã bắt đầu từ một lời kêu gọi trở về nghỉ ngơi: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.

            Chắc chắn, khi ra chỉ thị nầy cho các môn sinh, Đức Kitô đã nhìn thấy bao nhiêu lo toan, mệt nhọc, bận bịu…của các bạn hữu của Ngài như Tin Mừng kể lại: Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống; một sự bận rộn, tất bật có nguy cơ sẽ dẫn các ngài tới chỗ chán nản, buông xuôi hoặc tình trạng bị tục hóa, biến chất…!

            Người tông đồ hôm nay nào có khác gì ! Trước bao nhiêu nhu cầu của “đàn chiên không người chăn”, chỉ có “trái tim chạnh thương của người mục tử” mới có khả năng đáp ứng, chứ không thể là một mục tử biến chất, một tông đồ mà cuộc sống chẳng khác nào một công nhân, một người thợ máy móc vô cảm, chai lỳ…!

            Cũng trong ý nghĩa này, theo như trực cảm của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, nếu không có cuộc “dừng chân nội tâm cần thiết”, một cuộc “ngơi nghỉ tâm hồn”, tất cả chúng ta, các đồ đệ của Chúa Giêsu, có nguy cơ “không còn nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, đánh mất niềm vui và bình an, phai nhạt ước muốn làm điều thiện”, hoàn toàn bị tục hóa: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (EG 2).

            Điều đó lại càng bi đát hơn đối với Dân Chúa, nếu tình trạng đó thuộc về các mục tử, những người có trách nhiệm với đàn chiên, như lời cảnh báo của ngôn sứ Giêrêmia từ thời Cựu ước xa xăm, trước Chúa Kitô hàng mấy trăm năm: “Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta” (BĐ 1).

            Nhưng, theo ngữ cảnh Tin Mừng, việc “nghỉ ngơi” mà Chúa Giêsu mời gọi đó có gì đặc biệt ?

            Phải chăng đó là: “xúm xít quanh Đức Kitô, kể lại mọi điều đã làm và đã dạy”.

            Vâng, Đức Kitô phải ở trung tâm của đời sống chúng ta. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta tìm lại được chính mình, thanh lọc cõi lòng mình, điều chỉnh con tim mình và định hướng cho hành trình tiếp theo của mình, như chính ĐTC Phanxicô đã xác nhận trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (EG 3).

            Có thể, thời Đại Dịch nầy, là một “cơ hội thuận lợi” để chúng ta có dịp “xúm xít quanh Đức Kitô” cách ý thức và trân trọng hơn:

– Quanh Đức Kitô nơi một Thánh lễ online với gia đình, một “bàn Tiệc Thánh Thể cao quý”, mà trong thuở bình thường trước đây, tại nhà thờ, tôi chỉ là một kẻ bàng quang lo ra chia trí !

– Quanh Đức Kitô nơi giờ kinh gia đình với chuỗi Mân Côi, với Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse…

– Quanh Đức Kitô với một đoạn Lời Chúa cùng đọc, cùng suy với con cái, cháu chắt…

– Quanh Đức Kitô trong những bữa cơm chiều thân mật với vợ con…

            Vâng, “nghỉ ngơi” theo Chúa Kitô đích thị là một cuộc “tĩnh tâm”, một cuộc “gặp gỡ”, một cuộc “canh tân mối tương quan với Ngài”, một cuộc “hoán cải nội tâm”…

            Một khi đã được “tái tạo thành một con người mới” sau cuộc tĩnh tâm với Chúa Giêsu, chắc chắn, các môn sinh của Ngài sẽ nhận ra một điều quan trọng nhất nơi dung mạo của Đức Kitô, nhân cách của Đức Kitô và chương trình hành động của Ngài mà Tin Mừng hôm nay đã tóm gọn bằng một cụm từ chân xác: ĐỘNG LÒNG THƯƠNG: Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

            Quả thật, không ai đã từng gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô mà lại không khám phá được một Thiên Chúa Tình Yêu, một tình yêu có khả năng phá đổ mọi bức tường rẻ chia ngăn cách, như thư Êphêsô xác nhận: “xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người…”.

            Và Đức Kitô mời gọi chúng ta lên đường, tiếp tục thể hiện thái độ “Chạnh lòng thương” đó đối với con người, với thế giới hôm nay, một thế giới, không chỉ có một đoàn chiên không người chăn mà có hàng tỷ thân phận con người bì vùi dập trong những nỗi bi đát, thương đau, khổ lụy, như ĐTC Phanxicô đã liệt kê trong cả số 15 của Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, để rồi ngài kết luận: “Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án theo Đức Ái.” (Số 15).

            Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay, khi mang chúng ta trở về gặp gỡ Đức Kitô, Vị Mục tử chạnh lòng thương, lại đưa chúng ta lên đường để yêu thương phục vụ mọi người, nhất là những người đang mang những vết “trầy xướt”[2] bi ai đang bị lãng quên trên những “vùng rìa”[3] của thế giới. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] HOÀ KHÁNH; bài viết: Hình ảnh nữ nhân viên xét nghiệm kiệt sức, ngồi bệt trong phòng gây xúc động; website https://congan.com.vn/doi-song/kiet-suc-ngoi-bet-trong-phong-trong-tuyen-dau-chong-dich-covid-19_112169.html; đăng ngày 17.7.2021.

[2] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15: “Có biết bao nhiêu là những vết thương đang bị làm trầy xước.”

[3] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15: “tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau…”