Views: 31
(Chúa Nhật 8 TN C 2022)
Thế giới nói chung và đất nước Ukraina nói riêng đang có một “Chúa Nhật buồn”. Thật vậy, hôm nay, Chúa Nhật 27.2.2022, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Liên bang Nga được kích hoạt để xâm lăng đất nước Ukraina đã bước qua ngày thứ tư; và dĩ nhiên, cuộc chiến tranh với vũ khí hiện đại của một đại cường chắc chắn đã mang đến đau thương đổ vỡ không hề nhỏ cho những người dân vô tội. Và qua sự kiện “chiến tranh mang tính thảm họa” nầy, thế giới lại được “nghe những lời phát biểu” và được chứng kiến “những hành động” để biện minh !
Vâng, “lời nói’ và “hành động” cũng là chủ đề được Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay (8 TN C) lưu ý chúng ta.
Trước hết, trích đoạn Lời Chúa của Sách Huấn Ca mà tác giả chính là Ben Sira, một học giả Do Thái sống vào thế kỷ II trước Công Nguyên, đã lưu ý về “giá trị đích thực” của lời nói: “Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy.… Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy….”.
Khi chính thức kích hoạt chiến dịch quân sự đặc biệt để xâm lăng Ukraina, tống thống Putin đã có những lời hoa mỹ: “để phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa Ukraina”, tuy nhiên, đằng sau những lời tuyên bố đó là hiện cảnh đây bi đát, như cách mô tả của giáo sư Chu Mộng Long trong bài thơ “Nói với Putin”:
Putin mày thấy chưa?
bom của mày đè nát lưng người già đang ôm trẻ
đạn của mày xuyên qua tim những đôi trai gái đang hôn nhau
xe tăng của mày uống máu tươi những đứa trẻ đang nô đùa
mày yêu hoà bình bằng cái lưỡi đầy máu tươi
mày tự vệ bằng cái răng nanh ngập thịt sống…
Dĩ nhiên, khi dạy những lời khôn ngoan trên, Ben Sira đã cảnh báo dân Israel đang bị văn hóa và não trạng Hy Lạp cám dỗ để chạy theo trào lưu thế tục, xa lìa thứ ngôn ngữ của Lời mạc khải, của sứ điệp khôn ngoan là giáo huấn Ngôn sứ… để bơi lội trong thứ ngôn ngữ chợ trời, ngoại giao môi mép và thương trường vụ lợi của thế tục. Cái thứ ngôn ngữ thế tục đi ngoài đường lối của Thiên Chúa chỉ dẫn đến những “quả độc”, những thứ “rác rến” làm ô nhiễm Dân Chúa.
Xem ra lời cảnh báo của sách Huấn Ca vẫn “rất thời sự” trong bối cảnh nền “văn minh kỹ thuật số”, “văn hóa internet, điện thoại di động…” của thế giới chúng ta hôm nay, một thế giới đang ngập tràn thứ “ngôn ngữ rác rến”, đãi bôi, tục tĩu, dối trá, phĩnh gạt, chửi bới… Những người Kitô hữu hôm nay phải là chứng nhân của “tiếng nói chân thật, công chính”, phải là những “phát ngôn nhân” của những điều tốt lành, bình an, hy vọng.
Và còn hơn thế nữa ! Đằng sau những lời nói tốt lành phải là những hành động thiện lương, đạo đức, thánh thiện; và đó chính là giáo huấn của Đức Kitô nơi Tin Mừng Luca được trích đọc hôm nay: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.
Đằng sau những lời “Ta đến để chiên được sống và sống phong phú”, lập tức có bao nhiêu người mù được thấy, kẻ què được đi, người câm nói được, người điếc nghe được, những người phung cùi lành bệnh để lại hội nhập vào cuộc sống bình thường, những người tội lỗi như Maria Mađalêna, Giakê, người phụ nữ ngoại tình… bắt đầu cuộc đời mới, Lêvi bỏ bàn thu thuế đếm tiền để thanh thản ra đi làm tông đồ… ; và sau hai ngàn năm, biết bao nhiêu thế hệ Kitô hữu, những thánh nhân… đã “sinh hoa quả phúc đức” và mang lại bao nhiêu phước hạnh cho con người muôn nơi muôn thuở !
Và để luôn giữ được sự “đoan chính” của lời nói cũng như hành động, Đức Kitô còn lưu ý chúng ta luôn “kiểm soát” chính lời nói và hành động của mình theo nguyên tắc mà các hiền nhân phương đông gọi là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”; một cách ứng xử khiêm hạ được Đức Kitô minh họa như một dụ ngôn: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi…”.
Sở dĩ thế giới hôm nay còn có quá nhiều “người mù lại dắt người mù” phải chăng vì con người luôn “lấy mình là thước đo cho chân lý”, lấy tư tưởng, ý thức hệ của chính mình làm chân lý vẹn toàn để bắt mọi người phải khuất phục. Và hệ quả của những “tên mù thế kỷ” như Nietzsche, như Max-Engels, như Lênin, như Stalin, như Mao Trạch Đông, như Polpốt…; và hôm nay, như Putin, cả thế giới đã đã sa xuống những “hố mù tăm tối” của chiến tranh, bạo lực, đau thương, đổ vỡ…
Thế nhưng, chỉ “lời nói” và “hành động” thôi chưa đủ ! Lời Chúa hôm nay còn đề nghị và cung ứng một giải pháp tối ưu, một con đường đích thực đó là “ân sủng”, là “ơn Chúa” mà thánh Phaolô qua thư gởi giáo đoàn Côrintô đã gọi là “cuộc chiến thắng của Đức Kitô” hay là “công trình của Thiên Chúa”: “Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa”.
Cùng với việc đón nhận và thực thi sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho cuộc chiến vô nghĩa đang diễn ra trên đất nước Ukraina mau chấm dứt, cho những tiếng nói công lý và sự thật được lắng nghe và cho hoa quả của hòa bình yêu thương hiệp nhất sớm được trổ hoa và hiện thực… Amen.
Trương Đình Hiền