KHÓ LÀM SAO “GIỮ CHO ĐƯỢC CHIẾC ÁO BAN ĐẦU”

Views: 44

(Chúa Nhật I MC năm C 2022)

Trong Lời kinh Tổng Nguyện của Chúa Nhật đầu Mùa Chay, Hội Thánh đã thưa lên với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa Toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Kitô và dõi theo gương người…”. Qua những lời kinh đơn sơ và ngắn ngủi đó, Phụng vụ đã tóm tắt gần hết nội dung và chủ đích cốt yếu của Mùa Chay Thánh: mùa của “bốn mươi ngày chay thánh”, mùa để “tôi luyện hồn xác”, mùa để “sống những ngày khắc khổ”, mùa để “học biết và noi gương Đức Kitô” !

Và để khai triển cũng như soi sáng những nội dung ý nghĩa trên, Phụng Vụ Lời Chúa qua các trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, thư gởi giáo đoàn Rôma và nhất là Tin Mừng Luca về cuộc chiến thắng cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang mạc, cũng đã cung ứng cho chúng ta những chỉ dẫn cần thiết để sống và thực hành đức tin trong suốt Mùa Chay Thánh nầy.

Trước hết, sách Đệ Nhị Luật qua lời dặn bảo của Môsê dành cho Dân Chúa điều cần thiết phải thực hiện khi tiến vào Đất Hứa: Dâng của lễ đầu mùa để tạ ơn Chúa cùng với lời tuyên xưng đức tin về cuộc chọn gọi, yêu thương, giải thoát và ban đất hứa mà Chúa dành cho Dân.

Quả thật, đây là một lời tuyên xưng và cũng là một bản tóm cả một lịch sử diệu kỳ từ khi Chúa chọn gọi tổ phụ Abraham cho đến khi Chúa đưa dân được chọn vào Đất hứa. Thật ra, nếu không có “giai đoạn lịch sử đặc biệt có một không hai nầy”, lịch sử của dân tộc Israel cũng giống như bao dân tộc khác mà thôi; và đây cũng là giai đoạn cốt yếu trong “lịch sử cứu độ” liên hệ đến mỗi người chúng ta và vận mệnh của toàn thế nhân loại. Mỗi một Kitô hữu đều được chọn gọi để trở nên con cháu tổ phụ Abraham trong đức tin và đều được Thiên Chúa yêu thương giải thoát trong công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô để được tiến vào Đất Hứa là Vương quốc Nước Trời. Mùa Chay chính là thời điểm quan trọng để như lời căn dặn của Môsê dành cho dân Israel khi vào Đất hứa, mỗi người Kitô hữu, đặc biệt, các anh chị em Dự Tòng sắp lãnh nhận các bí tích Gia Nhập Kitô Giáo, dâng lời tạ ơn và tuyên xưng đức tin về hồng ân được trở nên con cái Thiên Chúa và được lãnh nhận ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô qua nhiệm tích Thánh Tẩy.

Sở dĩ Môsê căn dặn dân Israel phải thực hành nghiêm túc điều nầy khi vào Đất Hứa vì ngài sợ, với “vùng đất mới chảy sửa và mật ong”, với những quan hệ và nhu cầu mới, với những cơn cám dỗ của những niềm tin ngoại đạo của dân ngoại…, có thể dân Israel sẽ quên mất “cội nguồn lịch sử thánh”, quên mất “căn tính Dân ưu tuyển”, quên mất Thiên Chúa và công trình giải thoát cả Ngài, quên mất đức tin vào Lời Chúa và Thập Giới…; và như thế lời căn dặn nầy cũng hoàn toàn mang tính thời sự với tất cả “Dân Mới” hôm nay, với tất cả chúng ta. Bởi chưng, thế giới mà chúng ta đang sống cũng luôn là vùng “đất hứa chảy sửa và mật ong” với dư đầy những cám dỗ để quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng, của Điều Răn, của đức tin; những cám dỗ của tinh thần thế tục, của nhu cầu cơm áo gạo tiền, của những sự giàu có thế gian… mà đôi khi được tô vẽ, được che phủ bởi lớp áo của sự hợp lý, của sự thỏa hiệp chính đáng, của nhu cầu cần thiết…

Và Tin Mừng Luca đã chỉ ra cho chúng ta phương thế mà Đức Kitô đã chọn để chiến đấu và chiến thắng cơn cám dỗ của Satan trong bốn mươi ngày hoang mạc chay tịnh của Ngài trước khi xuất hành vào cuộc sống công khai rao giảng Tin Mừng. Vâng, thứ vũ khí mà Đức Kitô chọn lựa đã vang vọng qua những lời nầy:

– “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

– “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

– “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!”.

Chắc chắn, cũng giống như cách con rắn đã cám dỗ Eva và Ađam với chiêu trò “trái cấm”, ma quỷ cũng tái hiện phương cách đó nhưng tinh vi hơn khi bắt đầu từ một nhu cầu xem ra rất cần thiết “bánh mì”, đến sự sở hữu hợp lý “quyền lực giàu sang” và sau cùng đạt được “thành công hấp dẫn”; đây chẳng khác nào câu chuyện ngụ ngôn mang tên “Để giữ cho chiếc áo khỏi bị chuột cắn”: Có một tu sĩ theo thầy học đạo đã lâu năm. Thấy anh đã tiến bộ nhiều, Thầy cho anh sống tự lập. Anh dựng một túp lều đơn sơ giữa cánh đồng. Ngày ngày ngoài thời gian khất thực, anh chuyên tâm đọc kinh cầu nguyện. Anh chỉ có độc một manh áo. Cứ chiều tối, anh giặt áo, phơi khô, để sáng hôm sau có áo mặc. Cạnh lều anh ở, có con chuột đêm đêm bò ra cắn chiếc áo anh phơi. Buổi sáng, anh phải đi tìm kim chỉ vá áo. Buổi tối, chuột lại bò ra cắn. Sau nhiều lần vá, anh sợ manh áo sẽ nát, nên quyết định nuôi một con mèo. Con mèo ăn khoẻ nên thức ăn xin được không đủ. Anh phải cấy lúa để có thêm thức ăn nuôi mèo. Vì cấy lúa, anh phải nuôi bò để cày ruộng. Bận rộn với việc đồng áng, anh không còn giờ đọc kinh cầu nguyện. Một thiếu nữ trong làng tình nguyện giúp, anh vui vẻ nhận lời. Vì có thêm người, nên anh phải lo làm nhà cửa cho khang trang. Chẳng bao lâu anh trở thành chủ gia đình có vợ, có con, có nhà cao cửa rộng, có ruộng đất, có đàn bò. Ít lâu sau, Thầy anh trở lại, nhìn nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, Thầy ngạc nhiên hỏi anh: “Tất cả những thứ này, tại sao thế?” Anh trả lời: “Tất cả chỉ vì con muốn giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”.

Cuộc hành trình mùa Chay của người Kitô hữu đã bắt đầu. Chiến đấu để gữ cho được “chiếc áo rách ban đầu”, biểu tượng của sự liêm khiết, thanh thoát, khó nghèo… của Phúc Âm, chẳng phải dễ dàng.

Nếu người tu sĩ trong câu chuyện ngụ ngôn trên đã xa rời cái lý tưởng siêu thoát với lý do ban đầu rất giản đơn: “Giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”, thì cũng có bao nhiêu người Kitô hữu đã xa rời lý tưởng Phúc Âm, đánh mất “chiếc áo trắng của ngày thanh tẩy”, cũng bắt đầu từ những “lý do rất giản đơn, rất hợp lý, rất nhân bản…!”: “Chỉ một trái cấm thôi mà”, “chỉ một chiếc bánh đơn cho khỏi đói thôi mà”, “chỉ một công việc, một phương tiện để ổn định cuộc sống thôi mà”, “chỉ một bờ vai, một điểm tựa để cuộc đời đỡ cô đơn, tẻ nhạt thôi mà”… ! và trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ, nào chúng ta lại không phải đang đối diện với những cám dỗ cũng theo phương cách đó: linh mục có vợ cũng bình thường thôi mà; truyền chức cho phụ nữ cũng hợp lý mà; công nhận hôn nhân đồng tính thì có sao đâu… !

Vâng. Chắc chắn Đức Kitô đã trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ cũng với những chiêu trò “đơn giản…thôi mà” nhưng rất tinh vi và nguy hiểm chết người đó ! Và dĩ nhiên, Ngài đã chiến đấu kịch liệt với thứ vũ khí mang tên “Lời Chúa”: “Có lời chép rằng…!”; và đã chiến thắng cách khó khăn, sau khi đã phải trả giá cho sự toàn thắng cuối cùng bằng cái chết thập giá: “xin vâng ý Cha đừng theo ý Con”; “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30); “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Và Giáo Hội đã bắt đầu “bốn mươi ngày Chay Thánh” như thế, bắt đầu “mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng” như thế và “sống những ngày khắc khổ, để học biết Đức Kitô và dõi theo gương người” như thế. Dĩ nhiên, đây không là chuyện “khuyến thiện” mang tính nhân bản để chỉ dừng lại việc luyện tập nhân đức hầu trở nên một người lương thiện, tốt lành…; mà là sự biểu hiện, là cuộc sống đức tin, là sự thể hiện “Lời Chúa”, “Lời đức tin” quyết định cho cho chính phần rỗi đời đời, như thánh Phaolô xác quyết với cộng đoàn tín hữu Rôma: “Lời ở kề trong miệng và trong lòng người. Ðó là lời đức tin mà chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi”.

Cầu xin cho Giáo Hội, cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, cho các anh chị em Dự tòng sắp lãnh nhận các Bí tích Nhập đạo, cho những ai đang nguội lạnh và xa lìa đức tin…, trong Mùa Chay Thánh nầy, quyết tâm trở về để canh tân niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, để sống Lời Chúa và “tìm lại chiếc áo trắng tinh trong” của ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Amen.

Trương Đình Hiền