Views: 88
LỄ THÁNH MÁCCÔ – TẠ ƠN HAI MƯƠI NĂM LINH MỤC: 25.04.2002 – 25.04.2022
(Của các linh mục: Anrê Điểm, Tôma Binh, Augustinô Phú, Phêrô Hoà, Phanxicô AssisiTriều)
Chúng ta đang ở giữa Mùa Phụng Vụ Phục Sinh, khi tiếng hát vui mừng Alleluia còn vang vọng trong muôn vạn cõi lòng Kitô hữu, khi Bàn Tiệc Lời Chúa trong những ngày nầy qua sách Tông Đồ Công Vụ liên tục đưa chúng ta trở về sống lại cái thuở “Ban đầu tuyệt vời của Kitô giáo”, cái thuở mà ở đó, các Tông Đồ và môn đệ Chúa Kitô hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng để thực thi chính mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh như Tin Mừng Máccô hôm nay ghi rõ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật…”; và các ngài đã thực thi mệnh lệnh tối thượng đó cho dù phải đối diện với bao gian nan thử thách.
Đặc biệt, hôm nay chúng ta cùng với Dân Chúa mừng lễ Thánh Tông Đồ Máccô, tác giả của cuốn Tin Mừng ngắn nhất trong 4 cuốn Tin Mừng về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu; và trong khung cảnh Phụng Vụ đặc biệt nầy, chúng ta lại được dịp cùng với Năm Anh em Linh mục (Anrê Điểm, Tôma Binh, Augustinô Phú, Phêrô Hoà, Phanxicô AssisiTriều) chào mừng kỷ niệm “Nhị Thập niên cuộc đời linh mục”; tạ ơn hai mươi năm bước lên bàn thánh: 25.04.2002 – 25.04.2022.
Cách đây 20 năm, khi chọn thời điểm Phụng Vụ lễ thánh Máccô nầy để phong chức cho 5 linh mục, chắc chắn Đức Cha Phêrô đã có một dụng ý: ngài muốn nối kết cuộc đời linh mục, Bí tích truyền chức thánh với sứ vụ Tông Đồ, rao giảng Tin Mừng mà Thánh Máccô như một biểu tượng, một dấu ấn sinh động để không ngừng nhắc nhớ, khơi gợi.
Thật vậy, vừa là đồ đệ và là “đứa con tinh thần” của vị đại Tông Đồ Phêrô (1 Pr 5,13), vừa là cọng tác viên và bạn đồng hành của Tông Đồ dân ngoại Phaolô cũng là cháu của thánh Barnaba (Cl 4,10; 2 Tm 4,11), chắc chắn thánh sử Máccô đã có được cơ may để tiếp cận sâu xa với Chúa Giêsu; hay chí ít, cũng là người thường xuyên lắng nghe và suy tư nhuần nhuyễn những lời giảng dạy về Chúa Giêsu của các vị Đại Tông Đồ. Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ, tác giả Tin Mừng thứ hai đã chuyển tải cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu cách trung thực, xác tín và súc tích.
Không chỉ là một người viết Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, Máccô còn là một chứng Nhân trọn hảo cho Tin Mừng đó bằng cuộc tử đạo anh hùng của mình. Theo truyền thuyết, thánh Maccô được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa. Nhưng những kẻ thù nghịch với Tin Mừng đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/4/67.
Trong ngày kỷ niệm “Sinh Nhật trên trời” của Thánh Máccô hôm nay, cũng là ngày mừng “Sinh Nhật 20 năm trong chức linh mục” của quý cha đang ở trên bàn thờ và ở giữa cộng đoàn chúng ta, thật là ý nghĩa, để chúng ta, qua hình tượng của Maccô, vẽ lại chân dung của người linh mục hôm nay bằng một đôi nét mà Lời Chúa vừa được công bố hôm nay gợi ý cho chúng ta:
Trước hết, nơi Bài đọc một, mở đầu trích đoạn Thư của Thánh Phêrô, chúng ta gặp được những lời nầy: “Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường…”. Vâng, đây phải chăng là “bài học vỡ lòng”, bài học đầu tiên và xuyên suốt của tất cả chúng ta, đặc biệt, của các anh em linh mục. Bởi vì, nếu linh mục là một “Alter Christus” – Chúa Kitô khác, thì việc mô phỏng, bắt chước đầu tiên để nên giống Chúa Kitô phải chăng đó chính là “một Đức Kitô đã quỳ xuống rửa chân cho các đồ đệ”, một hành vi mà các linh mục mới vừa tái diễn trong phụng vụ Lễ Tiệc Ly Chiều thứ Năm Tuần Thánh. Nói tới nhân đức “khiêm nhượng” nầy, tôi chợt nhớ lời khuyên “hãy ngồi vào chiếc ghế cuối ở nhà thờ” của một cha linh hướng dành cho một linh mục trẻ qua lời kể của tác giả J Toai Mi: “Sau khi con chịu chức, con đừng quên chiếc ghế phía cuối nhà thờ mà thỉnh thoảng con vẫn ngồi…hãy quay lại ngồi vào chiếc ghế đó một vài lần trong tháng trước giờ lễ”. Khi chúng ta tập ngồi ở những chiếc ghế đó, chúng ta tập đi vào cuộc đời của tất cả những anh chị em trên, chúng ta tập đặt câu hỏi tìm hiểu xem, họ đang cần gì nhất nơi Chúa…và mong đợi gì nhất từ người linh mục của Ngài. Nhưng hơn bao giờ hết, biết đâu nơi chiếc ghế cuối nhà thờ, chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa đang ẩn mình trong những tâm hồn đau khổ chờ đợi ta. Một trong những nguyên tắc phải có của người đi chữa lành tâm hồn, là người phải biết thấu cảm, và biết ngồi ở hai chiếc ghế khác nhau, chiếc ghế của mình, và chiếc ghế của bệnh nhân mình. Chỉ khi nào mình hiểu được nỗi lo âu, sự đau khổ của người bệnh, của người giáo dân nơi chiếc ghế họ đang ngồi thì mình mới có khả năng chữa lành cho họ một cách hiệu quả. Và một trong những nguy cơ lớn của người linh mục là vì họ được nâng lên trên cao, trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, họ không còn hiểu được vị trí thấp bé ngày nào họ đã từng ngồi nữa, trái tim của họ dần dần xa cách những tâm hồn bé nhỏ mọn hèn, họ lo sợ cho chiếc ghế của mình vì thế không còn khả năng để hiểu được tâm hồn của anh chị em giáo dân mình, thay vào đó là sự nóng nảy, cứng nhắc và kiêu ngạo…”[1].
Và trong Bài đọc 1, Thư Thánh Phêrô đã viết tiếp những lời nầy: “Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm một ai để nuốt. …”. Hơn lúc nào hết, chính thời đại hôm nay, Giáo Hội, những người của Giáo Hội, chúng ta, đặc biệt các Giám Mục, linh mục, là những đối tượng được ba kẻ thù “thế gian, ma quỷ và xác thịt” tấn công tới tấp; và một trong những cám dỗ rất tinh vi và cũng dễ dàng khiến chúng ta, đặc biệt các linh mục, mất cảnh giác để, như kinh nghiệm của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận, thay vì chọn Chúa, tôi chỉ chọn “công việc của Chúa mà thực chất chỉ là công việc của tôi”: “Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: “Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì ngươi đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo… đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!”. Và vì “tôi chọn tôi, kế hoạch của tôi, ý muốn của tôi…” nên tới một lúc nào đó tôi “sẽ đánh mất tình yêu thuở ban đầu” như sách Khải Huyền lưu ý cho giáo đoàn Êphêsô: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi;… Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,2.4).
Vâng, 20 năm, 50 năm linh mục, hay đời sống hôn nhân gia đình, hay người Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy…, phải chăng là những cột mốc, những điểm dừng chân để chúng ta một lần nhìn lại, một lần “nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải…” (Kh 2,5).
Đó là hai gợi ý của Bài đọc 1 với thư của Thánh Phêrô. Trong khi đó, Thánh Máccô đã kết thúc Tin Mừng bằng chỉ một câu đơn giản: Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Vâng, sứ mệnh của Giáo Hội muôn nơi muôn thuở và của mỗi thành viên của Giáo Hội, trong đó có chúng ta đây, các linh mục… đó chính là rao giảng Tin Mừng, là để Chúa cùng hoạt động, là để lời được củng cố bằng phép lạ của Chúa… Chính sứ mạng truyền giáo, ra đi đã làm cho Giáo Hội và con cái Giáo Hội luôn trẻ trung, tươi mới. Một linh mục, hay một tín hữu không còn quan tâm tới sứ mạng truyền giáo, không chịu “ra đi”, sẽ biến cuộc đời thành “ẩm mốc”, như cách ví von của ĐGH Phanxicô trong tong huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Hãy nhớ rằng những gì bị đóng kín thì sẽ ẩm mốc và sẽ khiến ta bị bệnh. (…). Thiên Chúa luôn luôn là sự mới lạ. Ngài không ngừng thúc đẩy ta lại ra đi và đổi chỗ để thoát khỏi những gì là quen thuộc, đến những vùng ngoại vi và những biên giới…”[2].
Các cha mừng kỷ niệm 20 năm linh mục thân mến,
Chắc chắn với tuổi đời linh mục “20 năm” cùng với tuổi đời của kiếp nhân sinh, các cha không còn trong độ tuổi thanh xuân nữa. Tuy nhiên, trong ơn gọi và sứ mạng làm con Thiên Chúa, đặc biệt, trong thánh chức linh mục, điều Chúa muốn, Giáo Hội cần, đó là chúng giữ được trẻ trung, hồn nhiên của Tin Mừng, của ân sủng. Và vì thế, xin mượn tạm lời hiệu triệu sau đây của ĐGH Phanxicô trong tông huấn Christus Vivit như một nhắn gởi đến quý cha trong dịp kỷ niệm đặc biệt nầy: “Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé.”[3].
Vâng, xin chúc các cha và toàn thể cộng đoàn luôn giữ mãi sự tươi trẻ của niềm vui Phục Sinh và nét đẹp của “tình yêu thuở ban đầu”.
Trương Đình Hiền
[1] J TOAI MI, Chiếc ghế cuối nhà thờ, website
[2] ĐGH PHANXICO, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 133,135.
[3] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Đức Kitô đang sống (Christus Vivit), số 143, tr. 89-90.