Views: 131
(Cung Hiến nhà thờ Sông Hinh – 15.6.2022)
Trên con đường dẫn tới nhà thờ mới Sông Hinh được cung hiến hôm nay, tôi bỗng nhớ tới một lời của một bà cụ trong cuốn phim “Sám Hối” của nhà đạo diễn Tengiz Abuladze; bộ phim được phát hành từ thời Liên-xô cũ năm 1984 và bị cấm chiếu. Mãi cho đến năm 1987, thời Liên –Xô mở cửa với Mikhail Gorbachev, bộ phim mới được trình chiếu rộng rãi ở Liên-xô và lan ra khắp thế giới; trong đó có Việt Nam. Đoạn cuối phim quay cảnh có một bà cụ già đi đường hỏi một cô bé bên cửa sổ một tiệm bánh:
– Đây có phải là con đường dẫn đến nhà thờ không?
Người phụ nữ trong tiệm bánh trả lời:
– Đây là đường Varlam và sẽ không dẫn đến ngôi nhà thờ !
Và bà cụ đã càm ràm:
– Đường mà không dẫn đến nhà thờ thì đường để làm cái quái gì?
Vâng, theo quan niệm hay tâm thức chung của những người Kitô hữu đạo hạnh, truyền thống, thì mọi con đường đều dẫn tới nhà thờ; cũng như người Tây phương có câu ngạn ngữ: tất cả mọi con đường đều dẫn tới Rôma.
Mà xét cho cùng, lời phát biểu hay quan niệm “đường phải dẫn đến nhà thờ” của bà cụ Chính Thống giáo thời Liên-Xô trên lại diễn tả hay ẩn chứa cả một niềm tin sâu sắc: nhà thờ chính là dấu chỉ của Hội Thánh; mà Hội Thánh chính là “Thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô”, nên mọi nhà thờ, đều là “Thân thể Đức Kitô”, như Thánh Tông Đồ Gioan cắt nghĩa trong sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem: Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá hủy đền thờ nầy đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do Thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ nầy, mà ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư ?”. Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người…
Thế nhưng, không phải chỉ có người Kitô hữu quý trọng nhà thờ, vì nhà thờ biểu hiện Chúa Kitô, mà ngay trong thời Cựu ước, giáo lý của các Tiên tri cũng đặc biệt trân trọng vai trò thánh thiêng, tôn quý của nhà thờ; bởi chưng đây chính là “Núi thánh”, là “nhà cầu nguyện” mà Dân Chúa được Thiên Chúa quy tụ, dẫn về, như lời của ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1: Tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện; Ta sẽ nhận những lễ vật toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Chắc chắn, vì được Lời Chúa dạy bảo và Thánh Thần Chúa tác động và hướng dẫn, mà Hội Thánh, sau gần 300 bị bách hại, phải chui rúc ẩn mình dưới các hang toại đạo, ngôi Thánh đường đầu tiên, Thánh đường Laterano trên đồi Coelius gần giáo đô Rôma, được ĐGH Sylvester đã khánh thành và cung hiến trọng thể vào ngày 9.11.324, với tước hiệu Chúa Cứu Thế.
Tiếp nối dòng chảy “Truyền Thống” của đức tin Công Giáo, hàng ngàn, hàng vạn các thánh đường khác, nhà thờ khác trên khắp thế giới, lần lượt được “Cung Hiến” để trở thành điểm quy chiếu, thành trung tâm của nhịp sống đức tin của người Kitô hữu, như được biểu thị ngay trong những dòng đầu của “Lời nguyện Cung Hiến” hôm nay: “hôm nay dân tín hữu muốn cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện nầy cho Chúa một cách vĩnh viễn, để nơi đây họ thờ phượng Chúa cách sốt sắng, lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các bí tích”.
Nhà thờ Sông Hinh chút nữa đây cũng sẽ được long trọng cung hiến để được như thế; và để có được “vóc dáng” như một “Tân Nương được trang điểm để đón Tân Lang” như hôm nay, ngôi nhà thờ Sông Hinh nầy đã trải qua những tháng năm dài của thăng trầm vất vả, của lặn lội đắng cay, của dãi dầu mưa nắng qua bao thế hệ mục tử và giáo dân; kể từ cha cố Phêrô Nguyễn Cao Hiên, cha Phêrô Nguyễn Cấp, cha Giuse Lê Thu Thâu, và bây giờ là cha chánh xứ đương nhiệm, Gioakim Bùi Văn Ninh, cùng với bao nhiêu anh chị em giáo dân còn sống hay đã qua đời. Riêng cha sở Gioakim Ninh và anh chị em tín hữu Sông Hinh, kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên từ 9 năm trước (7.01.2013), đã trải qua “thời 9 năm trong nhọc nhằn, gian khổ”, như dân Israel qua một thuở lưu đày, để hôm nay vui hát bài “tôi vui mừng sung sướng hân hoan bước vào nhà Chúa” !
Vâng, cái giá trị cao quý cốt yếu của mỗi một ngôi thánh đường chắc chắn không phải được định giá trên các tiêu chí mang tính vật chất hay phàm tục như sự đồ sộ, to lớn, vật tư trang trí đắt tiền… mà phải là những yếu tố tinh thần hay đức tin: đó là sự nỗ lực và đóng góp của mồ hôi nước mắt, của biết bao thao thức chung tay góp sức, của hy sinh và lời cầu nguyện…; và trên hết, cái thánh thiêng, cái tôn quý của nhà thờ chính vì “nhà thờ một biểu hiện rõ nét của mầu nhiệm Hội Thánh như được khắc ghi trong Lời nguyện Cung Hiến: “Ngôi nhà nầy biểu hiện mầu nhiệm Hội Thánh, mà Đức Kitô đã thánh hóa bằng Máu Người, để phô bày trước mặt mình một Hội Thánh là Hiền Thê vinh hiển, là trinh nữ trỗi trang về đức tin nguyên tuyền, là hiền mẫu phong phú nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần…”.
Quả thật hôm nay, không chỉ cộng đoàn giáo xứ Sông Hinh mà toàn Giáo phận, Giáo Hội dâng lời tạ ơn Chúa. Vâng, Chúa đã làm những việc lạ lùng; khi, hơn 40 năm trước, chính xác là trước năm 1985, vùng đất nầy, con đường nầy chỉ là rừng thiêng nước độc; và sau đó là nơi tụ tập của dân đào vàng, dân kinh tế mới tứ chiếng tha phương cầu thực về đây tìm kế sinh nhai. Có ai dám nghĩ rằng, trên tuyến đường Quốc lộ 29 nầy lại có một một nhà thờ, lại có một dấu chỉ rõ nét, đường hoàng của Giáo Hội Công Giáo như hôm nay.
Vâng, phải chăng đây là kết quả của những người như ngôn sứ Isaia nói “giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Thiên Chúa”, những gia đình chắt chiu từng Thánh lễ Chúa Nhật dẫu phải lặn lội đường xa, đò giang cách trở; những mái ấm luôn vang vọng giờ kinh tối mỗi ngày; những em thiếu nhi trung thành với các giờ học giáo lý; những đôi thanh niên thiếu nữ quyết tâm tiến tới hôn nhân trong lối đi thánh thiện của bí tích Hôn Phối…. Vâng, đó chính là, như Thánh Phêrô xác nhận, “những tảng đá sống động, xây dựng tòa nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Đức Giêsu Kitô…”; và hôm nay, trong ngôi thánh đường mới tinh được cung hiến nầy, anh chị em giáo dân Sông Hinh hoàn toàn có thể ngẫng cao đầu để xác tín về ơn gọi và căn tính Kitô hữu của mình như Thánh Phêrô tuyên bố: “anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người”.
Không chỉ cộng đoàn giáo dân Sông Hinh mà tất cả mọi người Công Giáo chúng ta, khi được tham dự Thánh lễ Cung hiến này; nhất là được lắng nghe Lời Chúa và chút nữa đây, được rước Mình và Máu Chúa, tất cả đều được thuộc về Chúa Kitô cách trọn hảo, được trở nên một đền thờ đặc biệt, như giáo huấn của Thánh Phaolô: “anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em… Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”. Tuy nhiên, cũng như dân Do Thái khi xưa, một số người đã “đi vào đền thờ Giêrusalem” nhưng, như Chúa Giêsu quở trách đã “biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán”, thì chúng ta cũng luôn cảnh giác: đừng biến đền thờ linh hồn mình, đừng biến gia đình mình, đừng biến cộng đoàn giáo họ, giáo xứ mình… thành một nơi uế tạp làm mất lòng Chúa, làm Chúa nổi giận.
Ước gì kể từ hôm nay, ngôi nhà thờ Sông Hinh được cung hiến nầysẽ là điểm đến thường xuyên, sẽ là nơi quy tụ đông đảo, sẽ là mái ấm thu hút mọi gia đình, sẽ là tiêu đích của mọi nẻo đường cuộc sống, như cách cảm nhận của một bà già Chính Thống Giáo bên Nga: Đường mà không dẫn đến nhà thờ thì đường để làm cái quái gì?.
Vâng, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường cuộc sống. Amen.
Trương Đình Hiền