THẬP GIÁ: NGỌN CỜ CHIẾN THẮNG VÀ TÌNH YÊU DỊU HIỀN

Views: 50

(Chúa Nhật 23 TN C 2022)

            Thánh Giá của đạo Kitô có điều gì tích cực cho con người, cho các dân tộc, cho thế giới…?

Thưa có !

– Nhờ đón nhận “thánh giá đời nhau” trong nghi lễ Hôn Phối mà suốt mấy trăm năm qua, quê hương Siroki-Brijeg, một thị tứ ở Bosnia-Herzegovina, cho đến nay vẫn là nơi duy nhất trên thế giới có tỷ lệ ly dị là 0%.[1]

– Nhờ có “Đồi Thánh Giá”, một biểu tượng của niềm hy vọng, sức đỡ nâng và niềm an ủi tuyệt vời đã giúp dân tộc nhỏ bé Lithuania (Litva) vượt qua bao tháng năm dài của bách hại, đọa đầy và đau khổ, để giữ vững độc lập dân tộc và tự do dân chủ và niềm tin cho tới mãi hôm nay.

– Nhờ Thánh Giá treo Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu trên Đồi Sọ gần Giêrusalem của hai ngàn năm trước; rồi tiếp theo là những thánh giá tử đạo trên khắp năm châu, mà thế giới hôm nay có được một phần ba nhân loại nhận biết Tin Mừng, nhận biết giá trị của tình yêu xả thân và tự hiến.

– Nhờ Thánh Giá mà suốt hai ngàn năm lữ hành trên dương thế, đã có biết bao con người, từ những người rất trẻ, như cô thiếu nữ Goretti can đảm đón nhận 14 nhát dao để bảo vệ sự trinh khiết và tha thứ cho kẻ hại mình; như chàng thanh niên Anrê Phú Yên vui tươi đón nhận 3 nhát đâm và 2 lát chém để “lấy tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống”; như linh mục Maximilien Kolbe sẵn sàng bị bỏ đói và tiêm mũi thuốc độc để chết thay cho một bạn tù thời đệ nhị thế chiến…

            Trong một thế giới mà cái hào quang loè loẹt của quyền lực, sự giàu sang, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế… đang lên ngôi bá chủ và “phủ sóng” mọi ngỏ ngách cuộc sống, người ta bị đánh lừa rằng: thánh giá Chúa Kitô đã lỗi thời, con đường thập giá của Tin Mừng đã mất dấu, đã trở nên “cung đàn lạc điệu”.

Không, thập giá vẫn còn nguyên trong nỗi đau hy sinh thầm lặng của người vợ âm thầm tận tuỵ chăm sóc người chồng bị nhiễm HIV với tất cả tình yêu chung thuỷ; của người chồng sớm hôm trung thành yêu thương lo lắng săn sóc người vợ bại liệt mỗi phút mỗi giây mà không một lời than van nan trách; của biết bao người cha, người mẹ buôn gánh bán bưng, mưa nắng dãi dầu chịu thương chịu khó để nuôi con ăn học và dạy con nên người…

Trong những tháng năm thế giới bị đại dịch Covid tàn phá kinh hoàng, người ta lại thấy sáng lên ảnh hình thập giá nơi những con người vĩ đại như bác sĩ Lý Văn Lượng, như các y bác sĩ liều chết chấp nhận mọi thương đau khổ cực ở tuyến đầu vì sự sống cho anh chị em; như các linh mục, nữ tu và bao nhiêu thanh niên thiếu nữ thiện nguyện, dám đương đầu với cả tử thần và bao nhiêu “thập giá của thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu các điều kiện bảo vệ an toàn…” vì sự sống và hạnh phúc của tha nhân…

Và như thế, đề nghị xem ra “lạ thường” hay “lập dị” của Đức Kitô ngày nào mà Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc lại, luôn mang giá trị tích cực và cần thiết cho thế giới cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được… Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,27).

Như vậy, thật rõ ràng, trong nhãn quan Kitô giáo, hai động tác “từ bỏ”“vác thập giá” chính là hai điều kiện tiên quyết để “theo Đức Kitô” và trở nên “môn đệ của Người”; và còn hơn thế nữa, như xác quyết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thập giá đó lại là con đường giúp người Kitô hữu trở nên những người chiến thắng, nên hoàn thiện, nên thánh: “chiến thắng của Kitô giáo luôn là một thập giá, nhưng thập giá ấy đồng thời là ngọn cờ chiến thắng, được ta mang vác với một tình yêu dịu hiền, bất khuất chống lại những tấn công của ma quỷ” (Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ, số 162-163).

Trương Đình Hiền


[1] LM. JOS. TẠ DUY TUYỀN, Website: https://www.facebook.com/tuyen.ta.9279