Views: 89
(Chúa nhật 26 thường niên C 2022)
Vào ngày 3.10.2020, áp lễ Thánh Phanxicô Assisi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một thông điệp về “Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội” mà “tựa đề” (Fratelli Tutti) cũng như “điểm nhấn của cả nội dung” được chọn chính là lời hiệu triệu hay “Huấn ngôn” (Admonitiones) của Thánh Phanxicô Assisi dành cho anh em tu sĩ Phan Sinh đương thời, như Đức Thánh Cha cắt nghĩa ngay từ những dòng đầu tiên của Thông điệp: “Fratelli tutti” (Hỡi tất cả anh em): Thánh Phanxicô Assisi đã viết như thế khi ngỏ lời với các anh chị em của mình nhằm đề nghị một lối sống mang hương vị Tin Mừng. Tôi muốn nhấn mạnh đến một trong những lời khuyên của ngài, qua đó ngài kêu gọi phải có một tình yêu vượt khỏi các rào cản địa lý và không gian. Ngài bảo: hạnh phúc cho ai biết yêu người “dù người ở xa cách hay gần bên.” (FT số 1).
Trong những dòng tiếp sau đó, Đức Thánh Cha cũng cho biết rằng sứ điệp “yêu thương huynh đệ và nối kết bằng hữu của Thánh Phanxicô khó khăn đã xuất hiện trong một bối cảnh xã hội mà ở đó “với những tháp canh và thành lũy thời bấy giờ, các đô thị bị chia năm xẻ bảy bởi các cuộc chiến đẫm máu giữa các dòng tộc quyền thế, và cảnh nghèo đói lan tràn khắp các vùng nông thôn…” (FT số 4).
Từ những gợi ý trên, chúng ta có thể đọc thấy phần nào nội dung ý nghĩa của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 26 Thường Niên (C) được gởi đến cho tất cả chúng ta hôm nay, qua các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố.
Trước hết, chúng ta có thể đọc ra sứ điệp nầy nơiTrích sách ngôn sứ Amos (Am 6,1a.4-7) trong Bđ 1:
Vào khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên, vương quốc Israel phía Bắc đang bị ảnh hưởng ngoại giáo chi phối nặng nề, cuộc sống Dân Chúa bị cuốn hút bởi trào lưu vật chất, hưởng thụ, giàu nghèo phân rẽ…. Trước tệ trạng xã hội nầy, ngôn sứ Amos mạnh miệng cảnh cáo: “Khốn cho các ngươi là những kẻ phú quý ở Sion, và tự kiêu trên núi Samaria. Các ngươi đã nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn; và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ; … dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình, và chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse; vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày…”.
Lời cảnh báo nầy vẫn còn nguyên tính thời sự cho cho mỗi người chúng ta, cho thế giới hôm nay, một thế giới đầy “Nỗi thống khổ, tình trạng bấp bênh, sự sợ hãi và việc nhận ra các giới hạn của bản thân, do cơn đại dịch gợi lên” (FT số 33); nhưng đó cũng là thế giới đang chìm ngập trong cái não trạng “làm giàu bất kể”, “hưởng thụ thả giàn” và bị cám dỗ chạy theo một lối sống, ích kỷ, dửng dưng, vô cảm đối với tha nhân…, chia rẽ, hận thù, đố kỵ… trong tương quan xã hội.
Thế nhưng, nếu lời ngôn sứ Amos vạch ra bức tranh khá đen tối về sự ích kỷ, vô cảm của con người như một lời cảnh báo, thì Thánh Vịnh (đáp ca) 145 lại vẽ lên chân dung của một Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc những kẻ nghèo hèn phận bạc, Đấng cầm cân nẩy mực” cho công lý đời nầy và đời sau, như một sứ điệp mang niềm hy vọng: “Chúa là Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội… Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục;… Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân….”.
Và không chỉ là một ước mơ, một niềm hy vọng; Vị Thiên Chúa mà Thánh vịnh 145 ca ngợi đó lại không là Đấng vô hình, huyển tưởng, hiện hữu trên “chín tầng mây”, mà là một Thiên Chúa, “khi Giờ đã đến”, đã cắm lều ở giữa nhân loại (Ga 1,14), đã đồng hành với con người, những con người khố rách áo ôm, trôi sông lạc chợ, bị xã hội loại trừ, kết án…
Vâng, đó là Vị Thiên Chúa làm người (Emmanuel), Đấng đã đến loan Tin Mừng cứu độ, đã giáo huấn về tình thương chia sẻ, về giá trị đích thực của cuộc sống; hay theo ngôn ngữ của thông điệp Fratelli Tutti, Đấng đã đề nghị một giải pháp, một con đường đích thực, “một lối sống mang hương vị Tin Mừng” (FT số 1), mà dụ ngôn “Người nghèo Lazarô và ông phú hộ”, là một minh họa rõ nét.
Vâng, bằng dụ ngôn nầy, Chúa Giê-su đã khắc hoạ hai hình tượng người trong xã hội loài người muôn nơi, muôn thuở: người giàu và kẻ nghèo, để từ đó hướng tới sứ điệp: nếu chỉ biết cậy dựa vào sự giàu sang để hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết xót thương, liên đới với anh em đồng loại, nhất là với những người nghèo nàn, cơ cực, bất hạnh, thì cánh cửa thiên đàng mai hậu sẽ khép lại, mọi quan hệ với Thiên Chúa sẽ bị cắt đứt. Chính vì thế, Thiên đàng, quê hương vĩnh cửu, hạnh phúc đời đời không phải là một thực tại ảo tưởng, xa vời, nhưng đang bén rễ, hình thành, triển nở ngay từ cuộc sống hôm nay.
Nói cách khác, sứ điệp của Chúa Giêsu muốn chúng ta nói “Không” với loại “văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa…” (FT số 27) và nói “Có” với “văn hóa dựng cầu”, những chiếc cầu nối kết với tha nhân hôm nay và sẽ là chiếc cầu dẫn ta về quê hương thiên đàng vĩnh cửu.
Mà đâu chỉ với “dụ ngôn” thôi đâu, chính cuộc đời của Chúa Giêsu là một thuyết minh sống động cho ý nghĩa “yêu thương, chia sẻ”, nhất là con tim “chạnh lòng thương” đối với những kẻ lầm than bất hạnh, nghèo nàn tội lỗi. Ngài đã sống trọn vẹn vì tình yêu và đã chết cho tình yêu giữa những tội nhân. Và từ đó, một Vương quốc Nước Trời đã mở ra để dành cho tất cả những ai dấn bước theo Ngài, trung tín thực thi Lời Ngài, như xác quyết của Thánh Phaolô trong thư gởi cho môn sinh Timôthê mà chúng ta vừa nghe nơi Bđ 2: “con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được, cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến…”.
Và suốt 2000 năm nay, không chỉ Timôthê mà đã có hàng hàng lớp Kitô hữu đã đứng lên, giữ huấn lệnh yêu thương của Chúa Giêsu, đã lựa chọn một “lối sống mang hương vị Tin Mừng”, như cách lựa chọn của Charles de Foucauld, vị thánh mới được tuyên phong hôm 15.5.2022, mà Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến nơi số cuối cùng của Thông điệp Fratelli Tutti: Chân phước Charles quy hướng lý tưởng dâng hiến trót cả bản thân cho Thiên Chúa vào việc tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi giữa sa mạc Châu Phi. Trong bối cảnh này, ngài đã diễn tả niềm khao khát được cảm nghiệm mọi người, bất kỳ ai, cũng đều là anh em của ngài, và ngài yêu cầu một người bạn: “Hãy xin Chúa cho tôi thực sự được làm người anh em của tất cả mọi người trong xứ sở này” (FT số 287).
Vâng, chọn lựa một “lối sống mang hương vị Tin Mừng” đó chính là chọn sống “được làm người anh em của tất cả mọi người”. Amen.
Giuse Trương Đình Hiền