CON CHIÊN LẠC VƯỚNG TRÊN CÀNH SUNG

Views: 51

(Chúa Nhật 31 TN C 2022)

            Người ta vẫn nói “mắt là cửa sổ tâm hồn”. Một tâm hồn đẹp sẽ cho ánh mắt thấy mọi sự chung quanh, vạn vật bên ngoài đều đẹp; một tâm hồn hiền lành bao dung sẽ có ánh mắt đầy nhân ái từ bi; một tâm hồn thiện lương hy vọng, sẽ nhìn con người trong trong kính trọng tin yêu… Vì thế, thật may mắn cho những ai, những con người, đặc biệt, những con người thấp cổ bé miệng, những con người bị xã hội dè bỉu loại trừ, bị những người chung quanh lên án, ghét bỏ… lại gặp được “ánh mắt của những tâm hồn nhân ái thiện lương” ! Vâng, nếu may mắn gặp được những “ánh mắt và tâm hồn” cao quý đó, chắc chắn những thân phận “lùn và thấp” đó sẽ có cơ hội để ngẩng cao đầu !

            Nếu trong cái xã hội đa đoan hổn tạp nầy con người khó tìm được những “ánh mắt” và “tâm hồn” cao quý có sức mạnh biến đổi cả một cuộc đời, thì Lời Chúa, đặc biệt, trong Chúa Nhật 31 TN C hôm nay, lại mách bảo cho chúng ta rằng: Thiên Chúa không ngừng đưa mắt nhìn chúng ta bằng cái nhìn từ bi nhân ái để khoan dung tha thứ, bằng sự trân trọng và tin tưởng đợi chờ để hoán cải trở nên thiện lương, bằng ánh mắt dịu hiền cảm thông để dễ dàng giao lưu gặp gỡ…

            Từ những ngàn năm trước của một thời Cựu ước xa xăm, các Tổ phụ, Tiên tri, các bậc hiền nhân đã hát lên: “Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa…” (Tv 144,2). Riêng những lời trong Sách Khôn ngoan của Bài đọc 1, một trong những đoạn hiếm hoi của mặc khải Cựu ước khi trình bày dung mạo yêu thương của Thiên Chúa: Chúa thương xót mọi loài, … và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.…”. Vâng, Thiên Chúa của chúng ta không bao giờ là một “Ông Trời già khắc nghiệt, ưa bắt nạt, khủng bố…”, mà là một “Thiên Chúa giàu lòng nhân ái”, một Thiên Chúa đã mạnh mẽ đoan quyết rằng: “Cho dù có người mẹ nào không thương con dạ nó mang, thì Ta, Ta vẫn không hề quên ngươi” (Is 49,15); một Thiên Chúa “từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa” (Kn 12,1).

            Thế nhưng, phải đợi cho đến khi thời gian viên mãn (Gl 4,4), khi Thiên Chúa phán dạy không phải qua môi miệng “các tiên tri, nhưng qua chính Người Con Một” (Dt 1,1-2), hay cụ thể hơn, khi “Người Con Một” đó đã đến và “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14), “đã đến nơi nhà chúng ta” (Ga 1, 11), thì con người mới thực sự đối diện, gặp gỡ, và bị thu hút trước “ánh mắt nhân từ”, trước “cái nhìn yêu thương”, trước tấm lòng “độ lượng bao dung” của Thiên Chúa.           

            Qua trích đoạn Tin Mừng được công bố hôm nay, gần như Thánh sử Luca đã cho chúng ta “cái nhìn toàn cảnh” về các nội dung ý nghĩa trên:

– Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành…: Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, Giêricô là biểu tượng của “thế giới loài người”, là cõi trần ai, là nơi thung lũng nước mắt, và cũng là nơi của kẻ ngoại đạo, của người tội lỗi. Phải chăng, chỉ bằng mấy từ mang tính dụ ngôn đó, thánh sử Luca muốn nói rằng: sáng kiến cứu độ, tình yêu tha thứ, luôn bắt nguồn từ Thiên Chúa, một Thiên Chúa đích thân và không bao giờ mệt mỏi dấn thân vào thế giới đa đoan để tìm kiếm những thân phận lạc loài tội lỗi. Chính Đức Kitô cũng đã minh họa rõ nét chân lý nầy trong dụ ngôn “Con chiên bị mất” (Lc 15, 4-7). Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác quyết chân lý nầy trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng): Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; … Đức Kitô đã làm gương: … Ngài không ngừng vác chúng ta lên vai trở lại. Không ai có thể lấy mất của chúng ta cái nhân phẩm Ngài đã ban cho chúng ta do lòng thương vô biên của Ngài.” (EG Số 3).

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”: Trong Tin Mừng, có biết bao nhiêu người đã gặp “cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Giêsu”: cái nhìn dành cho chàng Lêvi đang đếm tiền ở bàn thu thuế; cái nhìn dành cho anh chàng mù ở Giêricô; cái nhìn dành cho người phụ nữ tội lỗi sám hối; cái nhìn dành cho người thiếu phụ bị bắt phạm tội ngoại tình; cái nhìn dành cho Phêrô đang hổ thẹn tan nát sau những lời chối bỏ Thầy… Vâng, sau “cái nhìn” đó là một cuộc “hành trình hoán cải” của hy vọng và niềm vui, của con người “giã từ quá khứ” “Giakêu, xuống mau đi” và của Thiên Chúa đang “hiện diện đợi chờ gặp gỡ” “Ta phải lưu lại nhà ngươi”. Và điều quan trọng, “cái nhìn nầy”, cuộc hoán cải nầy, niềm vui gặp gỡ nầy… không là chuyện của quá khứ mà là của hôm nay, bây giờ, bởi vì Chúa Kitô đang sống: Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!” (ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit só 1).

          Nhưng cuộc hạnh ngộ của niềm tin không chỉ đọng lại nơi “bữa tiệc vui tại nhà Giakêu” mà phải đi tới, phải tiến về phía trước, phía của đổi đời, của cuộc cách mạng nội tâm, cuộc “thay da đổi thịt” đời sống… như Giakêu: “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người… Ông đứng lên thưa với Chúa rằng: “Tôi xin lấy phân nữa tài sản của tôi mà cho người ngèo ; và nếu đã hiệt hại ai, tôi xin đền gấp bốn”. Với hiện trạng nầy, từ một tên ty trưởng thuế vụ giàu có, giữ chặt hầu bao, kiên cố kho lẫm…, Giakêu đã trở nên gần như “trắng tay” khi sẻ chia bác ái và thực thi công bình. Vâng, ông đã chọn “con đường của Tám Mối phúc”!

            Và chính cuộc đổi đời đó đã đưa Giakêu vào một vị trí mới, một sự hàn gắn mối tương quan người với người, một cuộc hiệp thông huynh đệ, một đại gia đình không còn chỗ cho đố kỵ rẻ khinh, mà tất cả sẽ là “anh em trong Đức Kitô”, là con cái trong đại gia đình của Thiên Chúa như chính Đức Kitô hôm nay đã khẳng quyết: “bởi người nầy cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 19,10).

            Từ cuộc tìm kiếm, khám phá Đức Kitô khá ngộ nghĩnh và hồn nhiên đầy tính trẻ con của Giakêu (ngồi lắt lẻo trên cây), cho tới quyết tâm “sẻ chia cho người nghèo” và “đền bù thiệt hại” cho anh em…, quả thật con đường gặp gỡ Thiên Chúa và hoán cải của Giakêu luôn là mô hình mẫu cho muôn thế hệ Kitô hữu chúng ta ! Một niềm tin vững vàng như thế không cho phép chúng ta dao động, lo lắng trước bất cứ biến cố nào, tin đồn thất thiệt nào hay những thử thách gian truân nào như lời khuyến dụ trong Bài đọc 2, thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Thêxalônica: xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ…” (2 Tx 1,11-2,2). Bởi vì, cũng như Giakêu, cuộc sống mới, con đường mới, không còn lệ thuộc hay được bảo đảm do của cải vật chất, do quyền thế giàu sang, nhưng do ân sủng của Thiên Chúa: “Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.”.

            Và như thế, câu chuyện “con chiên lạc vướng trên cành sung” ngày nào vẫn luôn mang tính thời sự cho mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta hôm nay. Ước gì, tất cả chúng ta, mọi gia đình Kitô hữu chúng ta, hôm nay nhận được ánh nhìn của Đức Kitô và được nghe vọng về lời thân thương của chính Ngài: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy … Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Amen.

Trương Đình Hiền