CHÚNG TA KHÔNG HẠ VŨ KHÍ

Views: 134

(Chúa Nhật 33 TN C 2022)

            Với Chúa Nhật 33 TN, có thể nói được: cuộc hành trình của “Năm Phụng Vụ 2022” đã chạm đến chặng áp chót, trước khi “vào bến cuối cùng” với Chúa Nhật tuần tới mừng kính Chúa Kitô Vua. Và theo một truyền thống đã gần như cố định, Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay luôn gióng lên sứ điệp gọi mời cộng đoàn Dân Chúa sống tâm tình tỉnh thức và hy vọng, trông cậy và bình tâm trước mọi biến động của thế cuộc, ngay cả trước những kinh hoàng của “ngày tận thế”.

            Thật ra, “ngày tận thế” chẳng phải là chuyện xa xôi gì. Riêng đối với dân tộc và đất nước Ukraina bên Đông Âu, thì kể từ ngày 24.2.2022, khi Tổng thống Putin của Liên bang Nga xua quân mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” xâm lăng đất nước nầy, thì gần như cảnh “tận thế” xảy ra hằng ngày. Thật vậy, mỗi ngày có hàng trăm người chết, hàng trăm thành phố bị tàn phá, hàng vạn công trình và cơ sở vật chất bị phá hủy tan tành… Nào chẳng phải là “tận thế” đang xảy ra mỗi ngày đó sao ?

            Thế nhưng, “sứ điệp tận thế” mà Lời Chúa muốn nhấn mạnh đầu tiên đó chính là cái kết quả chung cuộc hay “cán cân công lý” dành cho mỗi người khi thời gian kết thúc, khi mọi sự bước vào thời điểm “cánh chung”. Nói cách khác, đức tin vào một Thượng Đế toàn năng không dẫn con người tới một chân trời hư vô, trống rỗng, nhưng là tới một đích điểm mà ở đó sự công bằng và lòng thương xót của Đấng Tối Cao sẽ chứng thực. Đây chính là điều đã được tiên báo từ thuở xa xưa trong Cựu ước mà Lời Chúa qua sách ngôn sứ Malakhi trích đọc hôm nay là một trong những chứng từ cụ thể: “Đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.

            Đối với những kẻ “coi trời bằng vung”, “coi cái bụng là chúa tể”… thì những lời cảnh báo trên chỉ là chuyện hoang đường mê tín; nhưng với chúng ta, những kẻ xác tín về cùng đích cuộc đời đó là “xác loài người ngày sau sống lại, hằng sống…” thì Lời Chúa phán dạy trên lại là một “kim chỉ nam” để điều chỉnh cuộc sống và một niềm hy vọng để bước đi và bình tâm trước mọi thách đố và biến động của cuộc đời. Và đó cũng chính là lời dạy của Chúa Giêsu, như một tiếp nối liền lạc và cắt nghĩa rõ ràng hơn về sứ điệp cánh chung mà các ngôn sứ đã từng tiên báo.

            Thật vậy, với trình thuật Tin Mừng Luca vừa được công bố, Chúa Giêsu vừa diễn tả thực tại cánh chung bằng ngôn ngữ “khải huyền” vừa đề nghị một chọn lựa sống niềm tin, một thái độ tỉnh thức và can đảm để bình tâm đối diện với những kẻ bách hại: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng…”.

            Những lời Phúc Âm trên được viết từ kinh nghiệm “bị bách hại” của các Tông Đồ vào thuở khai sinh Giáo Hội; khi mà các cộng đoàn Kitô hữu bị vùi dập te tua trước quyền lực của Đế quốc La Mã cùng với những bạo chúa hung tàn, quyết dẹp tan cái Tin Mừng mang tên Đức Kitô phục sinh và ném vào sọt rác của lịch sử.

            Phần các Kitô hữu, đứng trước những đau thương bách hại đó, cùng những biến động và bấp bênh của xã hội con người, họ biết lấy gì để bám víu, để đặt niềm tin và trông cậy, ngoài điều mà Chúa Thánh Thần đã khơi gợi: Chúa đến. Vâng, Đấng Phục Sinh sẽ đến, sẽ đồng hành, sẽ dạy họ mọi điều…; và thái độ duy nhất họ cần phải có: kiên vững: “Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.

            Để minh họa phần nào cho bối cảnh Tin Mừng trên, đặc biệt, cho thời bách hại Kitô hữu dưới thời bạo chúa Nêrô, văn hào người Ba Lan Henryk Sienkiewicz đã viết cuốn tiểu thuyết “Quo Vadis” mà trong đó có một chi tiết đáng nhớ: cuộc “đọ nhãn” giữa Hoàng đế Nêrô bạo chúa và Phêrô Tông Đồ trên con đường Rôma đi Anxium: “Trong chớp mắt hai con người ấy nhìn nhau, song không một ai – cả kẻ đang ở trong đám rước tuyệt vời kia lẫn người đang ở trong đám đông đảo nọ – lại nghĩ rằng đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia – chính cụ già mặc chiếc áo thô kệch nọ – sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn cái thành đô nầy”[1].

            Vâng, người Kitô hữu chúng ta không ảo tưởng hay mê tín về một ngày “Chúa Đến”, “ngày tận thế” vu vơ, huyễn hoặc… mà là một niềm tin, một xác tín mãnh liệt Chúa đang đến từng phút giây và “ngày tận thế” đang diễn ra từng ngày, với mọi biến cố. Và thái độ đúng đắn để sống niềm tin đó, chân lý đó lại chính là thanh thản và bình tâm thực hành công chính, thiện lương; là nỗ lực xây dựng trái đất nầy, cuộc đời nầy bằng tất cả mồ hôi và nước mắt, tình yêu và và lòng quảng đại. Đó là tư thế của người “đầy tớ tín trung đang đợi chủ về” (Lc 12, 35-40), là sự sắp sẵn chỉn chu của “năm cô trinh nữ khôn ngoan” (Mt 25, 1-13); hay, như lời của Thánh Phaolô nhắn gởi cộng đoàn Thêxalônica trong Bài đọc 2 hôm nay: chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”.

            Trong những ngày nầy, người dân Ukraina đang vui mừng vì quân đội của họ vừa chiếm lại được thành phố chiến lược Kherson, sau hơn 8 tháng bị quân Nga chiếm giữ. Sở dĩ có được thành quả nầy vì dân Ukraina, quân đội Ukraina đã quyết tuân theo lời thề mà vị Tổng Thống của họ, Volodymyr Zelenski đã tuyên bố, không chỉ cho riêng họ mà cho toàn thế giới: “Chúng tôi không hạ vũ khí”.

            Vâng, sứ điệp phụng vụ của những ngày cuối năm nầy cũng muốn nói với những người Kitô hữu chúng ta: Chúng ta không hạ vũ khí; và dĩ nhiên, vũ khí của chúng ta đó chính là niềm tin, tình yêu và hy vọng. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] HENRYK SIENKIEWICZ, Quo Vadis, tiểu thuyết, Nguyễn hữu Dũng dịch, nxb Văn Học 2011, tr. 348.