CHÀO MỪNG ĐẤNG ĐANG ĐẾN VÀ ĐANG SỐNG

Views: 99

(CN I MV A 2022)

            Trong “lịch sử chiến tranh thời Đông Hán” của Trung Hoa có ghi lại điển cố Vọng mai chỉ khát” (Trông mơ đỡ khát) với nội dung như sau: Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo chỉ huy quân đội tiến đánh Trương Tú. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, binh sĩ hành quân trên sa mạc mênh mông, ai cũng khát đến không chịu nổi nữa, đều muốn được uống nước, nhưng xung quanh bốn bề đều là cát, làm sao tìm ra được nguồn nước đây? Tào Tháo nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng cũng nghĩ ra được một cách hay. Ông nói với các binh sĩ: “Đừng sốt ruột, nói cho các người nghe, nơi này ta đã từng đi qua, đi thêm một đoạn đường nữa là có thể nhìn thấy một rừng mơ rất lớn. Mơ ở đó rất nhiều, lại vừa ngọt, vừa chua, giải khát rất tốt…”. Binh sĩ nghe Tào Tháo nói rồi, không nhịn được tưởng tượng ra vị chua của mơ. Ai cũng đều ứa nước miếng, thế là tự nhiên không còn cảm thấy khát nữa.[1].

            Hôm nay, đoàn dân Công Giáo lại bắt đầu một Chu Kỳ Năm Phụng vụ mới (2022-2023) mà ngày “Tân Niên Phụng vụ” chính là Chúa Nhật I Mùa Vọng.

            Chắc chắn, từ “Vọng” của mùa phụng vụ trước Giáng Sinh của người Công Giáo chúng ta không mang ý nghĩa “Vọng mai chỉ khát”; tức vọng tưởng, mơ tưởng một điều hảo huyền không thật để “tự sướng”, để “tự huyễn hoặc” mình hầu trốn chạy cái thực tại khắc nghiệt đang đối diện; mà là “vọng” để xác tín, để thực sự gặp gỡ một Đấng đang đến, đang trở về, như ý nghĩa “Mùa Vọng” trong ngôn ngữ La Tinh: ADVENTUS.

            Nói cách khác, trọng tâm ý nghĩa cũng như tiêu đích thiêng liêng của mùa Vọng, trước hết, đó chính là đổi mới và củng cố niềm xác tín vào cuộc “viếng thăm của Thiên Chúa” qua việc “đến lần thứ nhất” của Ngôi Hai Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô, tại Bêlem; và sự kiện “lịch sử cứu độ” đặc biệt nầy được Phụng vụ long trọng tưởng- niệm- tái- diễn (Anamnèse – Anamnêsis) với đại lễ Giáng Sinh, mà kinh Tiền Tụng Mùa Vọng I đã xác quyết: “Khi ngự đến lần thứ nhất, mặc lấy thân xác yếu hèn, Người đã thực hiện hồng ân mà Chúa dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời cho chúng con”.

            Thế nhưng, để củng cố cho niềm xác tín nầy, không gì hơn là chúng ta trở về với “phương pháp sư phạm” của Thiên Chúa, khi Ngài giáo dục và hướng dẫn dân Israel xác tín về niềm hy vọng Thiên Sai trong giai đoạn lịch sử cứu độ trước thời Đấng Cứu Thế. Thật vậy, Thiên Chúa đã dùng “Lời quyền năng” của Ngài mà “phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1, 1). Chính nhờ lời các ngôn sứ mà trải qua cả ngàn năm “đợi chờ”, niềm “hy vọng Thiên Sai” vẫn cháy bỏng trong cõi lòng của những người Israel tín trung công chính. Và trong số các ngôn sứ Cựu ước loan báo về Đấng Thiên Sai, Isaia là gương mặt được Phụng vụ Mùa Vọng thường xuyên nhắc đến.

            Chẳng hạn, với Chúa Nhật I Mùa Vọng năm A hôm nay, ngôn sứ Isaia đã cho chúng ta thấy: giữa một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, mất nước, lưu đày, một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử của dân tộc Israel đã khai mở: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi… Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái…”.

            Tin Vui đó, viễn tượng một “núi Nhà Đức Chúa”, hay một thế giới hòa bình an lạc đó chắc chắn không phải là một thứ “rừng mơ của Tào Tháo” để “vọng mai chỉ khát”, một “chiến thuật đánh lừa” để làm giản khát tức thời cho một đoàn quân lạc lối…, mà là “Giao ước ngàn đời của chính Thiên Chúa”, và là “kế hoạch yêu thương” mà Ngài đã chuẩn bị từ bao đời và sẽ hiện thực trong ngày “adventus” của Con Một dấu yêu, như lời tuyên tín của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được lưu lại nơi đầu bức thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Êphêsô: “thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” (Ep 1, 9-10)
.

Và quả thật, hơn 600 năm sau lời tiên tri đó, Đấng là Emmanuel, là Hoàng tử Bình An, là  Con Vua Đavít, là Đấng Cứu thế, là Ngôi Lời toàn năng… đã “mặc lấy xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14); Ngài đến để giải phóng toàn diện lịch sử con người, “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52), là qui tụ toàn nhân loại trong một Vương Quốc bao la vĩnh cửu: “vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” (Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ).

            Với ý nghĩa đầu tiên qua sứ điệp của Isaia là “niềm xác tín vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa”, chúng ta được gọi mời đi vào ý nghĩa thứ hai của Mùa Vọng đó là sống Mùa Vọng cuộc đời hôm nay và chuẩn bị hành trang đi về vĩnh cửu. Thật vậy, cho dù “chủ tế có mang sắc phục tím”, và cộng đoàn có hát những khúc vọng ca “tình tự lưu đày”, hay “trời cao xin đổ sương mai…”, thì Mùa Vọng Kitô giáo không giới thiệu một sứ điệp mang tính “phủ dụ” hay “trấn an” tinh thần cách lý thuyết suông mà nhất thiết đó là canh tân cuộc sống, biến đổi tâm hồn, sửa sai các mối tương quan… để hướng tới một tương lai đầy hy vọng, tươi sáng. Cuộc canh tân nầy đòi hỏi phải vứt bỏ đi một lối sống mang dấu vết của nô lệ, lưu đầy, của buông trôi, lờ lững, không biết tới ngày mai, không dám đối diện với tương lai; cuộc sống chỉ biết “cắm đầu cắm cổ” “ăn uống, dựng vợ gả chồng…” như Đức Kitô cảnh báo trong Tin Mừng Matthêô vừa được công bố: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả…”.

            Đừng quên, những lời trên được rút ra từ một bài giảng của Chúa Giêsu sau khi Chúa tiến vào Giêrusalem để cử hành những biến cố sau cùng của cuộc đời dương thế, bài giảng về tỉnh thức, sắp sẵn để đón chào ngày “tái lâm của Con Người”: “sắp sẳn, tỉnh táo như người đang đón đợi khách quí, như kẻ đang nai nịt hành trang lên đường hay như ngôi nhà đang thắp sáng với đầy đủ những con người đang tỉnh thức canh phòng đến độ không còn chỗ hở nào để kẻ trộm thâm nhập”. Đây không phải là chuyện dễ ợt, mà là một cuộc phấn đấu nhọc mệt, là cả một cuộc hành trình cam go và mạo hiểm, một cuộc sống khôn ngoan biết tiên liệu và tỉnh táo đối diện với những “bất trắc đột xuất”, như hình tượng Noe trong biến cố “Nạn Đại Hồng Thủy”, hay hình ảnh canh chừng kẻ trộm trong đêm khuya mà Đức Kitô đã diễn tả: “Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Nhưng cụ thể nhất, cũng là ý nghĩa thứ ba của Mùa Vọng, phải chăng đó là dọn mừng đại lễ Giáng Sinh bằng những hành động canh tân cuộc sống từ bên trong, như huấn dụ mang màu sắc “chiến binh” của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Rôma, cộng đoàn tín hữu tại thủ đô của một đế quốc, vừa có đội quân hùng mạnh nhất thế giới, cũng vừa là trung tâm của ăn chơi truỵ lạc nhất hành tinh lúc bấy giờ: “Vậy chúng ta hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương.….”.

Và như thế, người Kitô hữu dọn mừng đại lễ Giáng Sinh cũng chính là sự chuẩn bị để gặp gỡ Đức Kitô đang đến và đang sống mỗi phút giây trong đời, như ĐGH Phanxicô xác quyết trong tông huấn Christus Vivit: Đức Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và bằng một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến cho thế giới của chúng ta, và mọi sự Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống. Vậy, những lời đầu tiên mà Cha muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con được sống!”.

Vâng, Chúa Nhật hôm nay, chúng ta cùng “chào mừng Tân Niên Phụng vụ”, chào mừng Đức Kitô đang đến (Adventus) và đang sống.  Amen.

Trương Đình Hiền


[1] Nguồn: website (20+) Chiết tự chữ Hán – Bài viết | Facebook