KHI LỀ LUẬT TRỞ THÀNH “ÁCH ÊM ÁI, GÁNH NHẸ NHÀNG”

Views: 128

(Chúa Nhật 6 TN A 2023)

            Vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, nếu nền văn hóa Trung Hoa đã xuất hiện bộ Ngũ Kinh của Khổng giáo như là những giềng mối cho thiết chế xã hội và nền đạo đức nhân bản, thì trước đó hơn 7 thế kỷ (1200 BC), tại vùng hoang mạc bán đảo Sinai (giữa Ai Cập và Israel ngày nay), đoàn dân Israel vừa thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ Ai Cập, đã được chính Thiên Chúa trao ban “Thập Điều”, như một “Bản Hiến Pháp của toàn nhân loại”, vừa rọi sáng và qui định tương quan “Nhân – Thần” (Con người với Thượng Đế) vừa định hướng và đắp xây các tương quan giữa con người với nhau.

            Đối với niềm tin của dân Israel và sau nầy của các Kitô hữu, Thập Điều chính là “Luật tối thượng” và hoàn hảo nhất, siêu vượt trên mọi thứ giới luật của loài người vì đây chính là Thánh Luật đến từ Thiên Chúa, một Thiên Chúa tốt lành và dạy những điều thiện hảo, như niềm xác tín được ghi lại trong sách Huấn Ca mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: “Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng, Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội.”

            Riêng dân tộc Do Thái (Israel), một phần nào, nhờ việc trung thành tuân giữ và nghiêm cẩn thực thi các điều răn trong bản “Thập Điều” nầy mà họ luôn xác tín và tự hào là một dân tộc hạnh phúc và khôn ngoan, như được lặp đi lặp lại nhiều lần trong sách Thánh Vịnh:

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,

biết noi theo luật pháp Chúa Trời

Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,

hết lòng hết dạ kiếm tìm Người… (Tv 118, 1-2)

Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.

Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.

Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời… (Tv 18, 8-9).

            Tuy nhiên, trong quá trình thể hiện niềm tin, không phải lúc nào dân Israel, một dân được mệnh danh là ưu tuyển của Thiên Chúa”, đều luôn trung thành và nghiêm cẩn đối với “Thập Điều” như cái “thuở ban đầu”. Thật vậy, khi ứng dụng các Điều Răn vào cuộc sống, nhất là khi xã hội Do Thái trải qua những cọ xát với các nền văn hóa khác, tôn giáo khác, cùng với những biến động và thăng trầm của lịch sử, rất nhiều lần trong lịch sử, Israel hoặc lãng bỏ, xem thường các Giới răn, hoặc bày đặt thêm thắt, đến độ làm cho ý nghĩa cốt lõi của Thập Điều biến chất, biến dạng. Và trong những giai đoạn như thế, các ngôn sứ đã xuất hiện kêu gọi sự canh tân lối sống đạo và thực hành giới luật, không phải lối sống đạo và giữ luật hình thức, giả hình ngoài môi mép, mà một thứ luật được viết tận cõi lòng, trong trái tim theo ý Chúa: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33).

Và tình trạng đó cứ lặp đi lặp lại. Đặc biệt, cho tới thời Chúa Giêsu cách đây 2000 năm, Bản Luật Mười Điều Răn đã được người Do Thái chú giải, bày đặt, thêm thắt thành hàng trăm khoản luật nhỏ (613 khoản với 365 điều cấm và 248 điều phải làm); đến độ “Lề Luật” biến thành một “mớ bòng bong trói buộc” rườm rà, gần như che khuất hết vẻ đẹp rạng ngời và trong sáng thánh thiện của Mười Điều Răn. Thay vì Giới Luật của Chúa nhằm để giải thoát và cho con người được tự do trong tình yêu, lề luật đã trở thành những thứ giây chằng chịt trói buộc, biến mối tương quan giữa người và Thiên Chúa trở nên xa cách và người với người trở nên lạnh lùng.

– Vì luật họ để mặc những anh chị em bị phung cùi chết dần chết mòn trong hoang mạc với cuộc sống hoàn toàn bị cách ly, gạt bỏ.

– Vì luật, họ chẳng thèm giao tiếp với những anh chị em thu thuế, những người Samari, những bà con lương dân thấp cổ bé miệng.

– Vì luật họ khinh thường, loại trừ và thẳng tay kết án những hạng người như người phụ nữ phạm tội ngoai tình, cô gái Maria tai tiếng trong thành, hoặc người mù từ lúc mới sinh lê lết bên bờ cuộc sống…

            Họ đã biến tôn giáo mặc khải trở thành tôn giáo của luật lệ, và biến lề luật trở thành những chữ viết vô hồn trong sách vở của họ hay trên những tua áo họ mang trên mình mà hoàn toàn không còn chút sức sống của tình yêu, của con tim để dành cho Thiên Chúa là Cha và cho mọi người là anh em. Chính Đức Ki-tô đã phê phán nặng nề thái độ nầy của đám biệt phái, luật sĩ đương thời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Mt 15,3.7-9)…

            Nối tiếp truyền thống canh tân đức tin của các ngôn sứ, và nhất là, đề nghị một con đường công chính mới cũng trên nền tảng Thập Điều, Đức Kitô đã đến để đem lại sức sống và vẽ đẹp tuyệt vời cho lề luật. Vì thế, không lạ gì, trong hành trình ba năm rao giảng, Ngài thường xuyên “đụng đầu” với những tay biệt phái bảo thủ, từng theo dõi mọi lời rao giảng và mọi hành vi của Ngài như: để các môn sinh bức lúa ăn trắc trong ngày Sabat; không rửa tay trước khi ăn; không ăn chay như luật định…; riêng Ngài, chữa bệnh ngày Sabat, giao tiếp với người thu thuế, gái điếm, đụng chạm đến những kẻ phung cùi, bệnh tật…, những điều mà họ hoàn toàn dị ứng và không chấp nhận được; họ cho Ngài là một kẻ “phá luật” !

            Tuy nhiên, Đức Kitô đã long trọng xác quyết như Tin Mừng Matthêô tường thuật hôm nay: Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.”.

            Và điều cốt yếu mà Đức Kitô muốn thiết lập để kiện toàn Lề Luật đó chính là Tình Yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tình Yêu đối với con người. Mọi luật lệ đều phải quy chiếu vào nội dung cơ bản nầy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt 22, 37-40).

            Vâng, chính tình yêu sẽ điều hướng con tim để biến việc giữ luật không dừng lại với những “vỏ bọc an toàn” và lấy làm đủ bởi một loạt những cái “không”: “Không giết người”, “Không trộm cắp, “không ngoại tình”… mà vươn tới một cách ứng xử mang hương vị tình yêu từ những việc nhỏ nhặt nhất và xuất phát từ tấm lòng sâu thẳm: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục… Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi…”.

            Từ niềm xác tín và góc nhìn về việc sống đạo, giữ luật mang chiều kích “tình yêu trong tự do và nội tâm hóa” đó, Đức Kitô đã bắt đầu hình thành một “Đạo Mới”, một tôn giáo mới – Kitô giáo, biến Thập Điều thành một cái “gánh nhẹ nhàng, ách êm ái” (Mt 11, 30) bởi vì tất cả đều được điều hướng, dẫn dắt bởi một động lực duy nhất: TÌNH YÊU, một chân lý nền tảng mà sau nầy, vị Tông đồ vĩ đại của Chúa Giêsu đã khẳng quyết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13, 8-10).

            Ngày nay, trong một thế giới đầy bất an, hận thù, chia rẽ…, khi người ta thường chọn thứ “luật rừng”, luật “mạnh được yếu thua may nhờ rủi chịu”, luật “của đô la và vũ khí tối tân”,… Lời Chúa hôm nay muốn nhắc bảo chúng ta, những người Kitô hữu, những xã hội mang văn hóa Kitô, căn cội Tin Mừng, hãy trở về với Thập Điều, với hai điều răn cơ bản: Mến Chúa, Yêu người.

            Dĩ nhiên, đây không là một hành vi nhân bản để dễ dàng thực hiện mà là một “phân định thường xuyên với ơn của Thánh Thần” để chọn lựa “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, sự khôn ngoan mà Thánh Phaolô đã “thậm xưng”: “Sự mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai yêu mến Người” (Bđ 2). Vâng, tình yêu chính là quy luật tối thượng để chi phối mọi hành động và ứng xử của ta với Thiên Chúa cũng như với anh em đồng loại, như cách diễn tả giản đơn nhưng đầy thâm thúy của thánh Giáo Phụ Augustino: “Ama et fac quod vis Cứ yêu đi rồi làm theo ý bạn muốn”. Vâng, tình yêu sẽ biến Lề Luật thành “ách êm ái, gánh nhẹ nhàng”. Amen.

Trương Đình Hiền