Views: 78
(Chúa Nhật 1 MC A 2023)
Ngay từ Lời Nguyện Nhập lễ, Phụng vụ Chúa Nhật I Mùa Chay đã ghi nhận ba điều cốt yếu: Thứ nhất: xác định ý nghĩa và lý do: Đây là thời gian “40 ngày chay thánh” để “tôi luyện hồn xác”; thứ hai: nội dung và phương thế thực hiện: “Học biết Đức Kitô và dõi theo gương người”; thứ ba: cùng đích và hiệu quả: “hưởng ơn cứu độ”[1].
Thế nhưng, nếu con người, ai cũng giữ được cái “nhơn chi sơ tính bổn thiện” của mình, ai cũng là “thiện nhân”, tốt lành, thánh đức… thì “tôi luyện hồn xác” làm chi cho mệt ! Chẳng may, Lời Chúa đã chỉ cho hay rằng: “ngay từ thuở tạo thiên lập địa” đã có một “trục trặc” xảy ra mà kẻ “chủ mưu” lại là Satan, khiến cái thân phận vốn đẹp đẽ tinh khôi của con người phải rơi cảnh lầm than “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” mang tên gọi xấu hoắc đó chính là “tội”, hay ngôn ngữ ám dụ của sách Sáng thế gọi là “ăn trái cấm” như trình thuật của Bài đọc 1 hôm nay: Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng…
Câu chuyện “tội nguyên tổ” hay “Ađam-Eva ăn trái cấm” của trình thuật Sáng Thế hôm nào vẫn mãi còn lặp đi lặp lại trong lịch sử và xuyên qua thân phận của mỗi người chúng ta. Vâng con người muôn nơi muôn thuở vẫn “nhân danh tự do cá nhân” để thay vì đi theo ý định của Thiên Chúa, lề luật của Thiên Chúa, chương trình của Thiên Chúa… lại cắm đầu cắm cổ lựa chọn “những trái cấm tầm thường” của cái tôi, của tham dục, của kiêu căng, của những lời dụ khị đường mật của ma quỷ… Và hậu quả “tất yếu” của lựa chọn “nói không với Thiên Chúa” đó chí là sự “trần truồng” đầy xấu hổ của phận người đầy vết hằn tội nhơ: ghen ghét, hận thù, tham lam, dâm dục, ích kỷ, kiêu căng…; và cũng từ đó, như thánh Phaolô xác quyết qua Thư gởi giáo đoàn Rôma: “… do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội.…”.
Kể từ sau “sự cố ăn trái cấm”, tưởng đâu mọi sự “đã hết thuốc chữa”, tưởng đâu “kẻ chủ mưu cám dỗ loài người quay lưng lại với Thiên Chúa” là Satan chính là kẻ thắng cuộc… Nhưng không phải vậy ! Thiên Chúa đã “âm thầm chuẩn bị” cả một chương trình phục hồi sự thánh thiện, cứu độ tội nhân, “ban ân sủng xóa tội”, đánh bại ma quỷ… mà người cầm chịch và thực thi chính là Đức Giêsu Kitô, như lời tuyên tín chắc nịch của một “tội đồ trở lại” đó chính là Thánh Phaolô: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Thư Rôma trong bài đọc 2).
Vâng, Mùa Chay của người Kitô hữu chính là thời khắc để lên đường tìm lại “ân sủng bị đánh mất”, để “tôi luyện xác hồn” bằng cách “Học biết Đức Kitô và dõi theo gương người”; cụ thể, đó chính là học biết cách Chúa Giêsu chiến đấu và chiến thắng trước những cám dỗ của ma quỷ như Tin Mừng Matthêô đã trình thuật hôm nay: Đức Kitô đã không chọn một “chiến pháp” kinh tế, quân sự tối ưu, hay những loại “khí tài khoa học tiên tiến”…, mà giản đơn, chỉ một “vũ khí tinh thần” duy nhất: Lời Chúa, qua ba lần đối đáp với ma quỷ !
– “Đã có lời chép rằng”: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…
– “Đã có lời chép rằng”: Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa…
– “Đã có lời chép rằng”: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi…
Vâng, cuộc chiến sinh tử của Đức Kitô để giải thoát con người và Ngài cũng muốn con người cùng tham dự cuộc chiến của chính Ngài đó chính là tiếng “vâng” nói không với ma quỷ và nói có với Thiên Chúa”; tiếng “vâng đầu tiên” khi vừa chập chững vào đời: “nầy con xin đến để thực thi ý Chúa…” hay tiếng “vâng nhức nhối” với nước mắt và mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu: “xin vâng ý Cha đừng theo ý Con”, cho đến tiếng “vâng cuối cùng”: “con xin phó mọi sự trong tay Cha”. Và sau cuộc “vượt Qua” với những tiếng “Vâng” trọn hảo đó, Ngài đã đem về chiến thắng lẫy lừng cho Thiên Chúa và cho toàn thể nhân loại mà khúc dạo đầu của bài Thánh thi Phụng vụ giờ Kinh Sáng Mùa Chay phần nào đã nói lên:
Lạy Đức Kitô Mặt Trời công chính
Chúa thật là ngày mới đã lên ngôi !
Ngài phá tan đêm tối phủ lòng người
Cho đức hạnh lại chói ngời kiều diễm…
Quy chiếu vào ý nghĩa “tôi luyện xác hồn… học biết và dõi theo Đức Kitô” như vừa khai triển, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn “bối cảnh Biến Hình” để chuyển tải sứ điệp Mùa Chay năm nay (2023) như một cuộc “tĩnh tâm” hay “leo núi” mang chiều kích “hiệp hành”: “Thật vậy, trong mùa Phụng vụ này, Chúa đem chúng ta đi với Người và dẫn đến một nơi riêng biệt. Trong khi những bổn phận thường ngày đòi buộc chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc và những thói quen lặp đi lặp lại đến độ nhàm chán, thì trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt – sự khổ chế – như dân thánh của Thiên Chúa... Cũng giống như biến cố Chúa Giêsu và các môn đệ đi lên Núi Tabor, chúng ta có thể khẳng định rằng, hành trình Mùa Chay của chúng ta là “Hiệp Hành”, bởi vì chúng ta cùng nhau đi trên một con đường, với tư cách là những môn đệ của một vị Thầy duy nhất...”.
Nói tới “Hiệp hành” chợt nhớ tới dịp vừa tròn 1 năm quân Nga mở cuộc xâm lược đất nước Ukraina (2022 – “24/2” – 2023). Trong những ngày này, người ta bình luận nhiều về những chiến tích của người dân và quân đội Ukraina, vốn là một thực thể yếu kém mọi mặt so với một cường quốc to lớn đó là Liên bang Nga. Vâng, họ đấu chiến ngoan cường và trụ vững trước những đòn tấn công tàn khốc của đại cường Nga nhờ một sự “hiệp hành” rộng khắp và mạnh mẽ: hiệp hành trong và với hàng ngũ lãnh đạo; hiệp hành trong sự đùm bọc chia sẻ phục vụ lẫn nhau giữa mọi người dân; hiệp hành trong chính nghĩa ái quốc, tự do, độc lập; hiệp hành trong niềm hy vọng và ý chí chiến thắng hòa bình; hiệp hành trong sự liên đới và hỗ trợ hết mình của Mỹ và các nước phương tây…
Hơn lúc nào hết, khắp nơi mọi thời, người Kitô hữu đang cùng nhau chiến đấu với ba thù: thế gian, xác thịt, ma quỷ. Noi gương Đức Kitô “vào sa mạc ăn chay”, hay cùng “leo núi” với Ngài lên đỉnh Tabo để “biến hình”, chúng ta chỉ có một lựa chọn tối hảo để chiến đấu và chiến thắng: Hiệp hành sống Lời Chúa. Trong sứ điệp Mùa Chay 2023, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh chiều kích nầy mà ngài diễn tả bằng tên gọi “lộ trình thứ nhất”: “Lộ trình thứ nhất liên quan đến mệnh lệnh mà Chúa Cha ngỏ với các môn đệ trên núi Tabor, khi họ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Hiển dung. Tiếng từ đám mây phán ra: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Do đó, đề xuất đầu tiên rất rõ ràng: Chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Người ngỏ lời với chúng ta”.
Mặc cho thế giới đầy dẫy những thứ “bánh mì rẻ tiền”, hay những “cám dỗ hấp dẫn mang sắc màu loè loẹt của sự giàu có thế gian”, người Kitô hữu chúng ta lựa chọn con đường “hiệp hành” với một “Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), một Đức Kitô hạ mình tận cùng và thẳm sâu trong mầu nhiệm Thánh Thể để chúng ta tràn đầy “tin, cậy, mến” khi được “cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” chính Thân Mình Ngài và Lời Ngài… như Lời Nguyện Hiệp lễ hôm nay xác quyết: “Lạy Chúa, Chúa đã thương lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, làm cho đức tin thêm mạnh mẽ, đức cậy được vững vàng, đức mến hằng tha thiết. Xin dạy chúng con biết khao khát tìm kiếm Đức Kitô là bánh trường sinh đích thực, và biết lấy Lời Chúa làm lương thực hằng ngày”. Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
[1]Lời nguyện Nhập lễ: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, hàng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Kitô và dõi theo gương Người, hầu xứng đang hưởng ơn Người cứu độ. Người là Thiên Chúa…