Views: 97
(Lễ Truyền Tin – Acies 2023)
Cách đây 1 năm, Ngày lễ “Truyền Tin” – 25.3.2022, khi cuộc chiến Nga- Ukraina đang hồi đỉnh điểm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gọi mời toàn thế Giáo Hội, đặc biệt, các Giám mục, hiệp thông với ngài hiến dâng toàn nhân loại, nhất là nước Nga và Ukraina, cho Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ. Năm nay, trong cuộc tiếp kiến ngày 22.3.2023 vừa qua, ngài lại tiếp tục gọi mời Giáo Hội “tận hiến cho Đức Mẹ” và ngài muốn đây phải là việc làm thường xuyên mỗi năm: “Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi phó thác chính nghĩa hòa bình cho Nữ Vương Hòa Bình. Vì thế, tôi muốn mời gọi mỗi tín hữu và cộng đoàn, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện, canh tân việc tận hiến cho Đức Mẹ vào ngày 25 tháng 3 hàng năm, để Mẹ là Mẹ gìn giữ tất cả chúng ta trong sự hiệp nhất và bình an.”.
Tại sao Đức Thánh Cha lại chọn thời điểm “Lễ Truyền Tin” để cử hành cuộc “tận hiến” hai quốc gia đang chiến tranh đổ máu mà không là một thời điểm nào khác? Phải chăng, việc “tận hiến” nầy có liên quan đến cuộc “tận hiến” trong tiếng “Fiat” của Ngôi Hai khi nhập thể vào đời và của Đức Maria khi đón nhận sứ điệp truyền tin của thần sứ Gabrien?
Thật đúng như vậy ! Một cách nào đó, chúng ta đều cảm nhận được rằng: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô luôn bao gồm hai chiều kích: “Emmanuel” (Nhập Thể) và “Ecce Homo” (Tử nạn-Phục sinh); giây phút khởi đầu của việc Nhập Thể đã thấp thoáng bóng dáng của Tử nạn-Phục sinh. Nói cách khác, Thiên Chúa dấn thân vào một thế giới đang ngập tràn kiếp nạn thương đau, máu và nước mắt… để chữa lành và giải thoát, để phục sinh và mang lại hòa bình ! Và Đức Mẹ cũng thế, khi chấp nhận “để ý Chúa được nên trọn trên cuộc đời mình” bằng hai tiếng “xin vâng” của giây phút “truyền tin” là sẵn sàng chấp nhận “một lưỡi gươm đâm thấu cõi lòng” khi đứng bên thập giá vào chiều thứ Sáu !
Chân lý nầy càng thích hợp hơn cho cuộc chiến đấu khắc khổ của Mùa Chay đang diễn ra trong Phụng vụ để chuẩn bị cõi lòng Dân Chúa, nhất là các anh chị em Dự tòng, cho cuộc đại tưởng-niệm-tái-diễn mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, một “Đức Kitô tàn tạ rách nát trước tòa Philatô” được giới thiệu như một “Ecce Homo”, là tâm điểm của mầu nhiệm Vượt Qua; nhưng đồng thời cũng một Đấng “Emmanuel”, trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Và giây phút nhiệm mầu, huyền diệu nầy được thực hiện tức khắc sau tiếng thưa chỉ với mấy lời đáp trả giản đơn của một người thôn nữ vô danh tiểu tốt ở làng Nadarét: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1,38); một biến cố đã được ngôn sứ Isaia loan báo như một “Tin vui” từ bao năm xa trước, khi dân Israel còn đắm chìm trong tối tăm mịt mù: “Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Quả thật, sứ điệp Truyền Tin đã mang đến cho chúng ta ý nghĩa của cuộc tự hạ thẳm sâu của Thiên Chúa; sự hạ mình của một Đấng Toàn Năng để trở nên “Đấng Cực thấp”, “tối thấp”, Đấng “Emmanuel” khi: “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7); của một Đấng là “Ngôi Lời Thiên Chúa” (Ga 1,1) để trở nên “Lời đã làm người” (Ga 1,14); và còn hơn thế nữa, một “Ecce Homo”: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2,8). Đó chẳng phải là một gọi mời khiêm hạ hoán cải cốt lõi của Mùa Chay Thánh đó sao !
Cách riêng đối với các hội viên phong trào Legio Mariae, cho dù hoạt động hay tán trợ, cho dù Junior hay Senior, lễ Truyền Tin lại là dịp để nói lên “Lời Cam Kết” đặc biệt, lời cam kết của những người chiến sĩ đức tin, chiến sĩ tông đồ cùng “dàn trận” (Acies) để “một mất một còn” với thế gian, ma quỷ và xác thịt cùng với sự trợ giúp đặc biệt của Đức Maria; một sự cam kết được biểu lộ cách giản đơn nhưng quyết liệt qua lời tận hiến dâng mình: “LẠY NỮ VƯƠNG LÀ MẸ CON, TOÀN THÂN CON THUỘC VỀ MẸ VÀ MỌI SỰ CỦA CON LÀ CỦA MẸ”.
Thế nhưng, chúng ta đừng quên: động lực cốt yếu cho hành vi “tự hạ thẳm sâu” của Chúa Con không bao giờ là một “mưu đồ chính trị” kiểu “Việt Câu Tiển cam tâm nếm phân cho Ngô Phù Sai”; hay một kiểu giả ngu giả dại bất đắc dĩ kiểu “lòn trôn của Hàn Tín” mà chính là thái độ “vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha”, một sự vâng phục của tình yêu trọn hảo. Điều nầy đã được minh thị trong Thánh vịnh 39 và được thư Do Thái đặt lên môi miệng Đức Kitô khi Ngài cất bước vào đời (Bđ 2): “khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10, 5-7). Đây lại là điều cốt thiết của việc chay tịnh Kitô giáo mà chúng ta nghe vang vọng suốt chặng đường Mùa Chay: phải “lên cao”, phải “đi xa”, phải từ bỏ ý riêng, dục vọng cá nhân, để uốn mình theo tiếng gọi của Lời Chúa, của luật Chúa; và đây là một hành trình vượt qua dài hơi, miên viễn… trong cuộc hành trình theo Đức Kitô, cuộc hành trình Tông Đồ; cuộc hành trình chỉ trọn vẹn, hoàn tất, khi cùng với Đức Kitô thân thưa lời cuối: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,44) !
Cũng hoàn toàn như thế với Đức Trinh Nữ Maria: tiếng “fiat” của “buổi đầu Truyền Tin” chỉ được hoàn tất khi Đức Mẹ hoàn tất cuộc đời trần thế để được Thiên Chúa đón vào quê trời vinh quang; hay như chính Lời Đức Mẹ trả lời cho thiên sứ Gabriel: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Quả thật, như Tin Mừng đã ghi lại, Đức Mẹ đã chấp nhận “để Thiên Chúa thực hiện” công cuộc cứu độ của Ngài trên chính cuộc đời mình trong suốt những năm dài thơ ấu của Chúa Con, trong ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng; và sau cùng, chính Đức Mẹ đã tiến lên Đồi Sọ để cùng Con hiến dâng Hy lễ cuối cùng trên thập giá: Virgo Offerans (Trinh Nữ dâng hiến). Mùa Chay đang thôi thúc chúng ta theo chân Đức Mẹ tiến về đồi Canvê để sống trọn hảo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong tâm tình và thái độ hy sinh, dâng hiến nầy !
Thế nhưng, để có được một thái độ, một cuộc đời “xin vâng trọn hảo” như thế, Đức Mẹ đã âm thầm lặng lẽ chuẩn bị một “mảnh đất tâm hồn” tỉnh thức, lắng nghe trong suy niệm nguyện cầu. Mẹ đã cầu nguyện: không chỉ khi còn “tí tuổi đầu” đã chìm sâu nơi đền thánh, đã cầu nguyện khi nhận lãnh sứ điệp truyền tin, khi đi thăm bà chị họ Isave, khi lặng thầm bên máng cỏ Bê lem, khi lê những bước chân mệt nhọc trên đường trốn sang Ai Cập, khi thất thểu ba ngày tìm con lạc mất, và suốt ba mươi năm lặng thầm tần tảo bên con nơi mái nhà Nadarét; Mẹ đã cầu nguyện khi đón gặp con khi Ngài rao giảng Lời, đã cầu nguyện trong nỗi đau ngút ngàn khi đứng dưới chân Thập giá hay trong nỗi hân hoan ngập tràn bên các Tông Đồ của Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống… Vâng, mẫu gương “Người Trinh nữ cầu nguyện” (Virgo Orans) nào chẳng phải là dấu chỉ và lời gọi mời tha thiết của Mùa Chay đó sao !
Lễ Truyền Tin hay cuộc cử hành Acies diễn ra trong khung cảnh Mùa Chay Thánh; đây chính là cơ hội thuận tiện để anh chị em hội viên Legio Mariae hoạt động cũng như tán trợ, senior cũng như junior dấn thân cách cụ thể và thâm sâu cuộc tập luyện chiến đấu tiêng liêng nhằm trang bị cho mình những hành trang cần thiết và nhiệt khí tông đồ vững mạnh để cùng với Mẹ thực hiện tiếng “Xin Vâng” trọn hảo; như lời kinh Bế mạc mà chúng ta đọc mỗi ngày: “… để chúng con an tâm vững chí giữa những cơn đau khổ, những nỗi vất vả, những sự thất vọng ở đời, đức tin dũng cảm, khiến chúng con đảm đương và tiến hành không nghi ngại, những công cuộc lớn lao cho sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn…”. Vâng, ngày lễ “thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ”, hay lễ “Acies” của Legio, cũng chính là ngày mà mỗi người Kitô hữu chúng ta đều nhận được một tiếng gọi mời, một mệnh lệnh: hãy theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền. Amen.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền