Views: 65
(Bài giảng lễ “Tạ ơn tân linh mục” chiều 12.4.2023 tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn)
Chiều hôm nay, Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh, trong ngôi Thánh đường mẹ của Giáo phận, 6 Tân Linh mục vừa nhận thánh chức sáng nay do sự đặt tay của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi họp nhau dâng Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện đặc biệt cho “Mẹ Giáo phận”. Đặc biệt, đây cũng là “Lễ mở tay tạ ơn” của cha mới Giuse Huỳnh Văn Huề, một người đã từng có thời gian đồng hành mục vụ cùng với cộng đoàn giáo xứ Chính Tòa trong thời gian thực tập mục vụ.
Dành tâm tình tạ ơn và lời cầu nguyện đầu đời linh mục cho “Mẹ Giáo phận”, người mẹ đã cưu mang mình trong thánh chức và cũng là môi trường, là địa chỉ để các linh mục được sai đi phục vụ thì “thật là phải đạo và chính đáng”. Riêng với cha mới Giuse Huỳnh Văn Huề, cùng với giáo xứ Chính Tòa và gia đình hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn chiều nay, phải chăng đây là một nghĩa cử đức tin mang chiều kích tri ân và đáp trả của một niềm tin yêu hiệp thông. Cộng đoàn giáo xứ Chính Tòa vui mừng tạ ơn Chúa vì đã góp một phần không nhỏ trên con đường tiến tới chức linh mục của chủng sinh và Thầy phó tế Giuse Huỳnh Văn Huề. Tạ ơn và chia vui với Tân linh mục đã có một thời phục vụ nơi giáo xứ nầy là điều quá hợp lý. Riêng, Thánh lễ đầu đời linh mục chiều nay, chắc cha mới Giuse Huề muốn nói lên một lời đáp trả của “món nợ ân tình”: nợ tình thương Thiên Chúa, nợ cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt dân Chúa giáo xứ chính tòa, nợ biết bao nhiêu con người (giáo dân, tu sĩ, linh mục…) những giúp đỡ, cầu nguyện và hy sinh vừa thầm lặng vừa cụ thể mà cha đã đón nhận trong suốt bao năm qua trên con đường chuẩn bị tiến chức.
Để diễn tả tâm tình tạ ơn thì miệng lưỡi con người biết nói bao nhiêu cho đủ cho vừa. Tuy nhiên, trong Thánh lễ Tạ ơn đặc biệt nầy, chắc chắn Lời Chúa có dư điều để chuyển tải đến chúng ta; nhất là để chúng ta và các tân chức xác tín sâu xa hơn và sống trọn vẹn hơn về hồng ân và sứ vụ của thiên chức linh mục. Và đây, lại là cách tri ân cảm tạ trọn vẹn và đúng nghĩa nhất.
Trước hết, khi nói đến hồng ân và sứ vụ linh mục, có lẽ trích đoạn của Bài đọc sách Công vụ Tông Đồ hôm nay mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1 đã mang đến một ý nghĩa thật đậm nét qua câu nói của Thánh Phêrô Tông Đồ dành cho người què ăn xin trên con đường lên đền thờ Giêrusalem trong những ngày Chúa vừa sống lại: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!”.
Vâng, linh mục Phêrô, linh mục Gioan của những ngày đầu Giáo Hội, hoàn toàn xác tín về hồng ân và sứ vụ của mình. Bản thân họ, cuộc đời họ chỉ mưu tìm một điều quan trọng nhất, quý giá nhất: “Đức Giêsu Kitô Nadarét”. Nếu người ăn xin khi xưa hay giáo dân chúng ta ngày hôm nay tìm kiếm hay đợi chờ nơi các linh mục tiền bạc, sự giàu sang, quyền thế… sẽ thất vọng. Bởi vì “tiền bạc thì tôi không có”. Thế nhưng, nếu ai đó muốn “đứng lên”, muốn “thoát khỏi thân phận của những kẻ què cụt đui điếc… về phần linh hồn, thì cứ mạnh dạn mà đến với các ngài: “có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!”. Sở dĩ trong Giáo Hội hôm qua cũng như hôm nay có biết bao nhiêu cuộc khủng hoảng về đời sống và sứ vụ linh mục, biết bao linh mục đã thất bại trong ơn gọi thánh chức của mình, vì đã xa lìa sự chọn lựa của Phêrô ngày xưa, không “mang Đức Kitô” mà sở hữu quá nhiều những hành trang lỉnh kỉnh trần tục !Chúng ta hay cầu nguyện cho các tân linh mục của chúng ta luôn mang lời của Thánh Phêrô hôm nay như câu tâm niệm mỗi ngày cho cuộc sống: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!”.
Thế nhưng, người ta vẫn thường nói: gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Một linh mục hay bất kỳ giáo dân nào càng gần Đức Kitô, nguồn sự sáng, sẽ nhận được sức sống, ánh sáng của Ngài. Và đây là điều mà trích đoạn Tin Mừng Luca về câu chuyện “trên đường Emmau” đã chứng thực. Thật vậy, hai chàng “linh mục tông đồ” ngày xưa trên đường Emmau nếu không mau mắn mở lòng đón nhận người khách lạ cùng đi chung đường, chắc chắn con đường về Emmau của các ông sẽ dẫn đến bóng tối và thất vọng; như cảm nhận của nhân vật Mary Alice Young trong bộ phim “Những bà nội trợ thất vọng” (Desperate housewives): cuộc sống là “một cuộc lữ hành”; và cuộc lữ hành đó sẽ tốt đẹp hơn bao lâu còn có một ai đó bước đi bên cạnh; khi mất bạn đồng hành, cuộc lữ hành trở nên bi đát. Nhờ được đồng hành cùng Đức Kitô mà các ông nhận được nhiều thứ, nhất là ba thứ quý giá sau đây:
– Một là: Lời Chúa khai mở: Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người…. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?”.
– Hai là: Thánh Thể trao ban: Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người.
– Ba là: nhiệt huyết tông đồ và hiệp thông Hội Thánh: Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp.
Quả thật, linh mục muôn nơi và muôn thuở, và mọi người chúng ta, nếu muốn sống trọn vẹn hồng ân và sứ vụ chắc chắn phải trở về với “kinh nghiệm trên đường Emmau”, kinh nghiệm đồng hành với Đức Kitô Phục sinh, kinh nghiệm đón nhận Lời Chúa, Thánh Thể và hiệp thông trong sứ vụ tông đồ. Vâng, đồng hành với Đức Kitô hay để Đức Kitô nhập cuộc vào cuộc sống của mình, bước đi của mình chính là chọn lựa ngàn đời của Hội Thánh; một chọn lựa mà Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đang tập chú triển khai cách triệt để trong thời điểm nầy với định hướng: một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia và Sứ vụ.
Sau hết, Lời Chúa hôm nay qua lời di huấn của Thánh Phaolô dành cho đồ đệ linh mục trẻ Timôthê lại là một sứ điệp cần thiết và thích hợp cho các tân linh mục hôm nay và cho cả các bạn trẻ Công Giáo chúng ta: “Đừng để ai khinh thường tuổi trẻ của anh. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch…”. Vâng, người trẻ phải sống anh hùng; và người linh mục trẻ càng phải là một “dũng sĩ” không để bị xem thường. Sứ điệp nầy làm tôi chợt nhớ tới “huyền thoại về hoa anh đào và thanh kiếm của chàng dũng sĩ Samurai Nhật Bản. Đại ý như sau: Có một chàng Samurai nay mắn nhận được 1 thanh bảo kiếm và đã tầm sư học võ đến độ xuất quỷ nhập thần. Tuy nhiên, để thanh kiếm phát tác uy lực và độc bá võ lâm, thanh kiếm đó phải uống máu người. Thế nhưng, một phần vì không gặp được đối thủ tranh tài, phần vì không ai thù oán, không chiến tranh loạn lạc… nên cây kiếm vẫn chưa thấm máu người nên vẫn là cây kiếm sắt tầm thường. Thế là chàng đâm ra buồn sầu thất vọng. Một ngày kia, cô thiếu nữ thầm yêu đọc được nỗi buồn trong ánh mắt và nhận ra lý do… Cô mượn kiếm xem và thình lình đâm kiếm xuyên thấu con tim… Quả nhiên, thanh kiêm phát tác uy lực, trở thành thanh kiếm báu vô địch kinh người. Thế nhưng, cũng từ ngày đó, mọi người và mọi Samurai khác đều khinh thường và ghẻ lạnh chàng Samurai có thanh kiếm báu thấm máu người nầy; bởi họ cho rằng, một dũng sĩ Samurai đúng nghĩa không bao giờ giết chết phụ nữ. Kể từ đó chàng đâm ra buồn bực, tủi hổ; và một ngày kia, chàng mang kiếm đến trước một người yêu tâm sự: bây giờ anh đã hiểu, một Samuarai đích thực không phải đi lên bằng sự hy sinh của người khác mà là biết hy sinh chính mình. Và chàng đã mổ bụng tự tử trước mộ người yêu. Và ngay từ trên ngôi mộ đó đã mọc lên một cây với những bông hoa trắng pha chút sắc hồng. Và người Nhật đặt tên là hoa Anh Đào…
Kính thưa cộng đoàn, đặc biệt, các cha mới. Các cha vừa lãnh nhận chức thánh linh mục sáng nay, trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, trong một mùa Phụng vụ đặc biệt mà cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là một dấu ấn sâu đậm và cốt thiết nhất của Kitô giáo, của đời sống đức tin, của ơn gọi và sứ vụ tông đồ. Chàng “dũng sĩ Giêsu” khi trút hết những giọt máu trong trái tim trên đồi Sọ vào chiều thứ Sáu không chỉ làm nẩy sinh một loài hoa anh đào mà là loài hoa mang cứu độ, một loài hoa của ân sủng tái tạo phục sinh.
Như vậy, qua sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải hôm nay, chúng ta có thể nói được rằng: chỉ có thể là một linh mục đích thực, một “linh mục samurai dũng sĩ” khi biết từ bỏ chính mình, biết mang lấy Chúa Giêsu như Phêrô “tôi chỉ có điều nầy… nhân danh Đức Giêsu”, biết để Đức Kitô cùng nhịp bước trong lắng nghe Lời và đón nhận Thánh Thể như hai môn đệ Emmau “chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ…”, biết can đảm lên đường và hiệp thông với anh em trong “căn nhà Hội Thánh” “Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp…”. Để được như thế, mỗi ngày chúng ta luôn phải ghi nhớ và thực hiện lời khuyên nhủ ngày nào của Thánh Tông đồ Phaolô cho đồ đệ linh mục trẻ Timôthê của mình: “Đừng để ai khinh thường tuổi trẻ của anh” ! Vâng, đừng để ai khinh thường chúng ta vì chúng ta là người Kitô hữu trẻ, tu sĩ trẻ hay linh mục trẻ. Amen.
Trương Đình Hiền