Views: 45
(BG Thánh lễ Tạ ơn hồng ân Giám Mục Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ – 30.6.2023)
Cộng đoàn chúng ta chiều hôm nay, chiều thứ Sáu cuối tháng 6 – Tháng Thánh Tâm, đang hân hoan quay quần chung quanh Bàn Tiệc Thánh Thể để cùng với một người anh em của chúng ta, một người con giáo phận Qui Nhơn, vừa được cất nhắc lên hàng ngũ kế vị các Tông Đồ, với ân ban Thánh chức Giám Mục vừa được nhận lãnh cách đây 4 ngày.
Vâng, cùng với Đức Cha Giuse chủ tế, cũng là nhân vật chính trong ý nghĩa Tạ ơn hồng ân thánh chức Giám Mục vừa được nhận lãnh, tâm tình và thái độ chính đáng và phải đạo nhất của cộng đoàn chúng ta trong giây phút nầy không gì phù hợp cho bằng tâm tình và thái độ của Đức Trinh nữ Maria trong bài ca tạ ơn bất hủ Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều ca cả…”.
Chắc chắn, “điều cao cả” mà Đức Mẹ cảm nhận và xác tín đó chính là ân ban được làm “Mẹ Đấng Cứu Thế”, được liên kết mật thiết với Con Một Đức Chúa Trời để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Cũng vậy chức thánh Giám Mục mà Đức Cha Giuse vừa được nhận lãnh sáng ngày 27.6 vừa qua chính là một ân ban đến từ lòng yêu thương bao la của Thiên Chúa như Giáo Hội đã đọc lên trong Lời nguyện Nhập lễ của Thánh lễ truyền chức vừa rồi: “Lạy Chúa, chỉ vì lòng rộng rãi ban ân sủng khôn tả mà hôm nay Chúa đặt tôi tớ Chúa là linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ đây đứng đầu Giáo phận Nha Trang…”.
(Để chia sẻ niềm vui tạ ơn trước ân ban trọng đại nầy của Đức Cha Giuse, cộng đoàn chúng ta cùng kính dâng về ngài một tràng pháo tay đong đầy kính mến…).
Quả thật, theo chỉ dẫn của Lời Chúa trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, bất cứ ơn gọi nào, chức vụ nào trong Dân Chúa, dù Giám Mục hay linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chức việc hay giáo lý viên, người làm tông đồ kẻ nói tiên tri… tất cả tiên vàn đều đến từ sự chọn lựa và kêu gọi của chính Thiên Chúa sau đó mới là sự đáp trả của con người. Chính ngôn sứ Amos đã xác nhận ý nghĩa nầy cách cụ thể nơi sứ vụ tiên tri của mình: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri: nhưng tôi là một mục tử, chuyên trồng cây sung. Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo đoàn vật, và Chúa bảo tôi: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta” (Am 7,14-15). Vâng, cách đây 60 năm, khi em bé mà hôm nay là Giuse Huỳnh Văn Sỹ chào đời, hay vài chục năm trước, khi cậu thanh niên Sỹ là sinh viên, là giáo viên dạy học… thì ai dám nghĩ người nầy sẽ làm Giám Mục. Vâng, ơn gọi chính là ân ban của Chúa.
Và một khi Chúa đã chấm, đã nhìn thấy và chọn lựa một ai đó để dùng cho công việc của Ngài, chương trình của Ngài thì luôn cho thấy một bất ngờ, một lạ lẫm đôi khi trái khuấy mà đôi mắt “thịt” trần tục của chúng ta không thể nhận ra, như cách Ngài chọn Đavit để Samuel xức dầu tấn phong làm vua Israel mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: lần lượt 7 người anh cao ráo tốt mã đều bị Chúa loại: Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Nhưng đến đứa út chăn chiên… thì Chúa liền phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Tôi cam đoan với anh chị em, trong những ngày nầy, chắc chắn, hơn ai hết, chính Đức Cha Giuse là người cảm nhận rõ nét và sâu xa nhất về sự chọn gọi, về ân ban mà Ngài vừa lãnh nhận…
Và dĩ nhiên, đây không là chuyện sắc phong để người được thụ phong sở hữu những đặc quyền đặc lợi mang tính “ngoại thân”, vốn không thuộc về mình… mà chính là ân ban Thánh Thần để thánh hóa, đổi mới từ bên trong như việc xức dầu cho Đavit: Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần ngự trên Đavit từ ngày đó trở đi.
Chính vì thế những lời quan trọng nhất làm nên “Mô Thức” của bí tích Truyền chức Giám mục đó là những lời nguyện cầu xin ban ơn “Thần Khí Thủ lãnh” mà toàn thể các Giám Mục đồng tế đều hiệp thông chung lời với Giám Mục chủ phong: “Xin Cha tuôn đổ trên người được Cha tuyển chọn sức mạnh phát xuất từ nơi Cha, xin ban Thần Khí Thủ lãnh, mà Cha đã ban cho Con yêu dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô, chính Người lại ban cho các Thánh Tông đồ, và các Ngài đã thiết lập Hội Thánh tại mỗi nơi như ngôi thánh điện của Cha, để không ngừng tôn vinh và chúc tụng Danh Cha”…
Thế nhưng, kính thưa cộng đoàn, ân ban càng cao trọng thì trách nhiệm và sự đáp trả lại càng nhiều, hy sinh càng lớn, đôi khi thật nghiệt ngã; chúng ta cùng đồng cảm và cầu nguyên nhiều cho các Giám Mục, đặc biệt cho Đức Cha Giuse. Mặc dù chỉ có mới 4 ngày, nhưng chắc chắn ngài đã thấy, đã dự cảm: cuộc đời từ đây không phải để lên ngôi, ăn trên ngồi trước… mà sẽ bắt đầu bị thiêu, bị cháy đi như cây nến lụi tàn dần; hay như cách diễn tả của chính Chúa Giêsu: như “hạt lúa mì bị chôn vùi, mục nát”. Khi nhắc đến điều nầy, tôi chợt nhớ tới những lời cuối cùng của Đức Thánh Giám Mục Oscar Romero của nước El Salvador, trong Thánh lễ cuối cùng khi ngài ngã gục trên bàn thờ vì bị sát hại bởi loạt đạn của thế lực tài phiệt đen: “Bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, người ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì dù chết đi, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài”. Và đây, chính là điều mà Vị Giám Mục vĩ đại, nhà truyền giáo vĩ đại Phaolô đã sống, đã trải nghiệm, đã làm chứng cho muôn thế hệ, như chúng ta nghe ngài chia sẻ trong thư gởi giáo đoàn Côrintô nơi Bài đọc 2 vừa được công bố: “Chịu khổ cực tư bề…, bị đè bẹp…, long đong…, bắt bớ…, bị bỏ rơi…, bị quật ngã… Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng tôi luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ trong thân xác hay chết của chúng tôi.
Nhưng trong ngày vui tạ ơn hôm nay chúng ta không nên dừng lại ở chiều kích “hy sinh và khổ giá”, cho dù đó là con đường, là sự chọn lựa căn bản của những ai dấn thân phục vụ Đức Kitô và Hội Thánh; nhất là những kẻ kế vị các Tông Đồ, những người mà hầu hết, cái kết cục của một đời theo Chúa Kitô và đi hết con đường sứ vụ đó là tử đạo (như liên tiếp các lễ kính Thánh tử đạo mà Hội Thánh vừa kính nhớ: Giám Mục Tử đạo Irênê (28.6); hai Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô (29.6); và hôm nay (30.6), Các vị tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma).
Vâng, trong ngày vui tạ ơn hôm nay, chúng ta hãy cùng với Đức Cha mới Giuse đưa thuyền ra chỗ nước sâu để như câu châm ngôn Giám Mục của Ngài: “Vâng lời Thầy con thả lưới” (In Verbo Tui, Laxabo rete) (Lc 5,5). Câu châm ngôn lấy từ Tin Mừng Luca nầy, thực ra đã quá cũ, gần 2000 năm rồi còn gì; và cũng được nhiều Giám mục chọn lựa, như Đức cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, vị Giám mục Chính Tòa tiên khởi của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Tuy nhiên, trong viễn tượng và định hướng mục vụ của Hội Thánh đây lại là điều luôn mới mẻ và cần thiết, như xác nhận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tong huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.” (EG 27). Riêng trong Thánh lễ Tạ ơn nầy, tôi muốn đặt câu châm ngôn truyền giáo của Đức Cha Giuse trong bối cảnh buổi bình minh của một ngày nọ sau khi Chúa sống lại từ cõi chết. Vâng, đó là câu chuyện của một buổi sáng tinh mơ trên bờ hồ Tibêriat; một buổi sáng với 7 tay dân chài cùng “hiệp hành” đi đánh cá trên chiếc thuyền của Phêrô như Tin Mừng Gioan kể lại: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”…; và những gì xảy ra sau đó chúng ta đều đã biết: Đức Kitô phục sinh đứng trên bờ với bếp lửa hồng, mấy tấm bánh thơm và vài con cá nướng; một mẻ lưới đầy cá; và một bữa điểm tâm phục sinh chan chứa và ấm áp tình Thầy Trò…
Từ ý nghĩa nầy, hôm nay và cả những ngày về sau, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho chọn lựa và tâm nguyện truyền giáo của Đức Cha Giuse sẽ luôn trở thành hiện thực nơi công việc chăm sóc đoàn chiên Giáo phận Nha Trang; một giáo phận có nhiều tương quan mật thiết với giáo phận mẹ Qui Nhơn, bao gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa với dân số gần 2 triệu người, với 230.000 giáo dân của 10 giáo hạt, 117 giáo xứ, 26 Dòng tu, 1031 tu sĩ, 260 linh mục… Chắc chắn trước viễn tượng của một “vùng nước sâu Nha Trang đầy cá” nầy, tấm lưới của vị Tân Mục Tử Giuse sẽ có nhiều cơ hội cũng như phải đối diện với muôn vàn thách đố. Thế nhưng, xin Đức Cha yên tâm, cho dù có những “đêm không được con cá nào” thì trên bờ kia vẫn đứng đó một Đấng Phục Sinh uy quyền và đầy tế nhị với một “bữa điểm tâm nóng hổi đợi chờ”. Chỉ cần Đức Cha luôn ghi nhớ và liên kết hai lời của hai vị Thánh Tông Đồ: của Phêrô: “Vâng lời Thầy Con thả lưới”; và của Gioan: “Chính Chúa đó”, chắc chắn Đức Cha sẽ tìm được bình an và hạnh phúc trên mọi nẻo đường sứ vụ. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu thánh hóa và gìn giữ Đức Cha. Amen.
Giuse Trương Đình Hiền