Views: 35
(Chúa Nhật 26 TN A 2023)
Chân lý thường chọn đứng ở vị trí sau cùng. Phải chăng vì thế mà dân Việt Nam có câu tục ngữ được lưu truyền: “Nước rặt mới biết cỏ thúi”. Nói cách khác, muốn kiểm nghiệm cái giá trị đích thực của con người hay bất cứ điều gì đòi hỏi phải kinh qua sự sàng lọc, thời gian chín mùi hay thái độ hoán cải, giác ngộ…
Trong lịch sử Giáo Hội Viêt Nam, đã từng có những Chứng nhân anh hùng, như các Thánh Phan Viết huy, Bùi Đức thể, Đinh Đạt, là những quân nhân, dù cho đã có lần yếu đuối chối đạo, nhưng sau đã trở lại cương quyết làm chứng đức tin và đã anh dũng lãnh nhận cành lá thiên tuế Tử đạo… Phải chăng, đó chính là những “Người công nhân giờ thứ 11” hay “người con thứ nhất” ban đầu khước từ nhưng sau hoán cải đi vào làm vườn nho cho cha mình !
Từ hình ảnh “Người công nhân giờ thứ 11” của “Dụ ngôn Vườn Nho” (Mt 20,1-16) nơi Chúa Nhật tuần trước – 25 TN A) đến chân dung “người con thứ nhất” trong “Dụ ngôn hai người con” (Mt 21,28-32) của Chúa Nhật tuần nầy (26 TN A), phải chăng, Thánh sử Matthêô muốn trình bày liền lạc một “điểm nhấn Tin Mừng”: khiêm hạ và hoán cải. Đây cũng là “sứ điệp” nhằm “lật tẩy” cái lối sống đạo giả hình và hành xử thiếu nhân bản đối với anh chị em mình, nhất là đối với những người yếu đuối, tội lỗi, khó nghèo… của nhóm mệnh danh là “tinh hoa Do Thái Giáo” lúc bấy giờ.
Trước hết, chúng ta thử dừng lại sứ điệp của dụ ngôn nơi chân dung của “Người con thứ nhất”: Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm… (Mt 21,28-29). Qua cách “dụ ngôn” trên, chắc chắn Chúa Giêsu muốn chúng ta chọn thái độ và tâm tình “hoán cải” của “người con thứ nhất”: kẻ ban đầu, do yếu đuối và nông nỗi, đã khước từ, nhưng sau đã hoán cải mà thi hành ý muốn của người cha.
Không khó để nhận ra khuôn mặt “người con thứ nhất” trong các trang Tin Mừng:
– “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một Lêvi thu thuế, tội lỗi, đã một thời chạy theo tiền bạc, vinh hoa trần tục, nhưng đã nghe tiếng gọi mà bỏ bàn thu thuế, đứng dậy theo Đức Kitô để trở thành Tông Đồ sao ?
– “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một “phụ nữ tội lỗi” quyết giã từ một quá khứ đen tối để với những giọt nước mắt sám hối chân thành nhỏ trên chân Chúa, đứng lên làm lại cuộc đời trong ánh sáng và tình yêu sao ?
– “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là một tay trọc phú thuế vụ GiaKê với thái độ tò mò đến ngây thơ trèo lên cây sung để nhìn cho được mặt Chúa, rồi sau đó tiếp rước Chúa vào nhà mà bắt đầu một cuộc sống mới sao ?
– Và “Người con thứ nhất” đó chẳng phải là tên tử tội bị đóng đinh bên tay phải Chúa sắp sửa lìa đời đã ngước nhìn về phía của Chúa Chịu đóng đinh với những lời thân thương và đầy lòng trông cậy: “Khi Thầy vào Nước của Thầy, xin nhớ đến tôi”…Và Chúa đã hứa chắc: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” ?
– Vâng, “Người con thứ nhất” đó cũng chính là những người mà trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã long trọng công bố đích danh trước mặt những ký lục và biệt phái: “Người thu thuế và hạng gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông”.
Phải chăng, đây cũng chính là sự cụ thể hóa sứ điệp khoan dung mà các sứ ngôn đã từng loan báo: Thiên Chúa luôn mời gợi và đợi chờ những kẻ tội lỗi, gian ác quay đầu ăn năn sám hối như lời của sứ ngôn Êdêkien trong Bài đọc 1 hôm nay: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.
Chúng ta đừng quên: Hội Thánh đã được hình thành, xây dựng trên nền tảng là chính “những người con thứ nhất” hoán cải, ăn năn, làm lại cuộc đời… như Phêrô chối Thầy, như Phaolô bách hại đạo ! Và trong “nhật ký đức tin” của Hội Thánh, chúng ta lại đọc thấy bao nhiêu bóng dáng những “người con thứ nhất” như:
– Augustinô đã có một thời thanh niên buông thả và lầm lạc, nhưng rồi, nhờ những giọt nước mắt nguyện cầu của người mẹ tuyệt vời Monica, sau đó đã trở thành Giám Mục và Giáo Phụ thời danh của Hội Thánh trong những thế kỷ đầu tiên.
– Phanxicô Assisi, chàng thanh niên giàu có lêu lổng, đã từng lựa chọn cuộc sống ngược lại Tin Mừng, nhưng rồi một lần nghe tiếng gọi của Lời Chúa và cương quyết dấn thân vào con đương hẹp của Tin Mừng. Cuộc đổi đời và sám hối đó đã thổi vào Giáo Hội lúc bấy giờ và mãi cho tới hôm nay một luồng gió canh tân trở về nguồn cội của Tin Mừng.
Nhưng trong dụ ngôn Chúa Giêsu còn giới thiệu đến chúng ta chân dung và thái độ của người con thứ hai như một hình tượng để xa lánh hoặc để thấy mình mà hoán cải, sửa sai: Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi.… “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.
Trong giáo Hội, giữa cộng đoàn muôn nơi muôn thuở, vẫn còn nhiều những “người con thứ hai” chỉ biết “nói mà không làm”, chỉ biết vỗ ngực tự xưng mình là đạo dòng, đạo gốc mà cuộc sống lại luôn nghịch lại với giáo huấn Phúc Âm; những người cứ mở miệng ra là “Chúa, Mẹ…”, nhưng con mắt thường ném về anh chị em mình những cái lườm nguýt đố kỵ, những tia nhìn hợm hĩnh bất khoan dung…
Trong một xã hội mà sự giả dối, giả hình đã trở thành một cơn bệnh trầm kha: người ta cố khoác lên mình những “bộ cánh” công chính, những “chiếc mặt nạ” thiện lương để mưu đồ danh lợi, chức quyền…, thì người Kitô hữu được Lời Chúa gọi mời “hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”, tức là “cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác…” (Bđ 2).
Lời Chúa hôm nay gọi mời chúng đứng lên đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa: “Con hãy đi làm vươn nho cho Cha nhé”…; nhưng không phải bằng một tiếng “vâng” của đãi bôi môi mép, cho qua chuyện, cho được lòng… mà phải là tiếng “xin vâng đầy lòng khiêm hạ khó nghèo và lòng ăn năn hối cải”; tiếng “xin vâng” thấm đẫm tâm tình và thái độ dứt khoát của “Người CON MỘT” khi cất bước vào đời: “Nầy con xin đến để thực thi Thánh ý Cha…”; hay tiếng “xin vâng” đầy vâng phục khiêm tốn của người Trinh Nữ Maria ở Nadarét: “Tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền cho tôi”.
Và rồi, trên muôn nẻo đường xuôi ngược phức tạp của cuộc sống cùng với bao yếu đuối giới hạn của thân phận người, nếu có lần nào “lỡ dại” quên mất tiếng “xin vâng”, để buông mình chạy theo những quyến rũ của thế gian, ma quỷ, xác thịt…, thì hãy nghĩ ngay đến chọn lựa cuối cùng của “người con thứ nhất”: “hối hận và đi làm”,hay hành vi dứt khoát của “người con hoang: “và nó quyết đứng lên đi về cùng Cha” (Lc 15,20). Bởi vì, Nước Thiên Chúa vẫn còn nhiều chỗ dành cho những người biết chọn lựa cuối cùng như thế !
Trương Đình Hiền.