ƯỚC GÌ MÁU CON HÒA LẪN VỚI MÁU CHÚA

Views: 65

(Thứ Sáu Tuần Thánh – Cuộc Thương khó Chúa – 2024)

          Thế giới có một loài chim hình hài bé bỏng những hót thật hay đó là chim chào mào hay còn gọi là “họa mi ức đỏ”; giản đơn, vì giữa chòm lông trắng dưới ức có một vết đỏ thắm nổi lên. Và đây là huyền thoại của “vết đỏ” trên ngực của loài chim này… (Bầy chim cảm thương Chúa bị đóng đinh vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ, đã cùng nhau bay đến nhổ những cây gai nhọn của mão gai đâm thâu đầu Chúa… Bầy chim bị gai đâm vào ngực, máu nhuộm cả thân mình, hầu hết chết gục dưới chân thập giá… Thiên Chúa trên cao cảm động và đã cho loài chim nầy một chòm lông đỏ trên ức, như lưu niệm muôn đời về tình yêu dành cho Con Chúa…).

          Chiều hôm nay, Dân Chúa Kitô giáo cũng đang cử hành tưởng niệm tái diễn “câu chuyện “Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đồi sọ, một câu chuyện của tình yêu và đã đi vào ký ức của Hội Thánh như một “vết máu đỏ thắm” ghi đậm trên Thân mình mà cát bụi thời gian và thăng trầm dâu bể không thể làm cho phai nhòa…

Vâng, hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Kỷ niệm cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, mà hình tượng Thánh Giá chính là một dấu chỉ biểu trưng đậm nét, dấu chỉ của khổ nạn, của máu đào hy sinh…

Trước hết, cuộc khổ nạn hay Thập giá Đức Kitô hôm nay được Hội Thánh tôn vinh như là dấu chỉ của vinh quang, chiến thắng. Vâng, Hội Thánh đã hát lên trong Ca nhập lễ của lễ Chiều Tiệc Ly: “Niềm vinh dư của Chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Hình tượng thánh giá còn được tô điểm và phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy, như lời trong kinh “A Rất Thánh Giá” mà chúng ta vẫn đọc mỗi ngày thứ sáu: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy… Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông hoa quả. Từ xưa nhẫn nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”…

Như thế, chúng ta có thể khẳng định như một lời tuyên xưng: Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô đã biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của thập giá; hay nói cách khác, chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, ý nghĩa và gương mặt đích thực của thập giá phản ảnh qua những thực tại nhân sinh như khổ đau, hoạn nạn, ưu sầu, bất hạnh… mới tìm được tiêu đích và điểm tựa cuối cùng, như cách diễn tả sống động của chị Chiara Lubich sau đây:

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149).

          Vâng, kể từ cây Thánh Giá của Chúa Giêsu được dựng lên trên đồi Canvê, thì khắp nơi, mọi thời, con người đã biết chọn lựa những thánh giá cho riêng cuộc đời mình, một sự chọn lựa đã trở nên con đường tối hảo để nên thánh, để được ơn cứu rỗi, như sự khẳng định của thánh nữ Rôsa Lima: “Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”, hay như qui tắc nền tảng trong linh đạo của ĐGM Lambert de la Motte khi sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam: “Chúa Giêsu-Kitô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”

   Riêng với chúng ta giờ nầy, hôm nay, khi cử hành cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, chúng ta một lần nữa tuyên xưng như lời chứng của Thánh Phaolô: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).

Vâng, đón nhận thập giá vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng cụ cứu độ, để nối dài “Hy tế của Đấng Cứu Độ”, để cùng với Đức Kitô “bị treo lên hầu kéo mọi người lên”… đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng nhất của mọi Kitô hữu đó sao?

Đặc biệt, đó lại là con đường, là tình yêu, là lý tưởng mà chị em nữ tu MTG chúng ta đang sẵn sàng dấn thân chọn lựa, như chọn một “viên ngọc quý”, như “một kho tàng” đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả, cả đến mạng sống mình, như chứng từ của những người chị em MTG tiền bối của chúng ta: chị Anê Soạn, chị Anna Trị, 270 chị tử đạo thời Văn Thân…

Nếu Đức cố ĐHY Roger Etchegaray đã cầu nguyện với Chúa rằng:

Ước gì máu con

hoà lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ

để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn

vì bất công và ích kỷ…

thì chiều hôm nay, chúng ta cũng hãy tâm nguyện với Chúa rằng: Ước gì những hy sinh nhỏ bé và thầm lặng mỗi ngày của chị em chúng con sẽ là những giọt máu hồng dâng tiến Chúa trong Hy tế Thánh lễ, để hồng ân cứu độ tuôn tràn trên chúng con và cho mọi người trên thế giới. Amen.

Trương Đình Hiền