HỘI THÁNH ĐANG CẦN NHỮNG CÀNH NHO NHƯ THẾ!

Views: 55

(Chúa Nhật 5 Phục Sinh, năm B, 2024)

            Do đặc tính thời tiết thay đổi của Miền Trung Việt Nam (nhất là vùng Ninh Thuận) nên việc cắt tỉa cành nho chia làm ba mùa: Mùa Đông – Xuân diễn ra vào khoảng từ tháng 11 – 1 Dương lịch. Mùa Xuân – Hè diễn ra khoảng tháng 4 – 5; và mùa Thu – Đông khoảng tháng 9 -10. Riêng vụ cắt tỉa mùa Xuân Hè thường rơi vào Mùa Phục Sinh trong Năm Phụng vụ Công Giáo.

            Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 5 Phục Sinh chu kỳ năm B hôm nay cũng muốn chuyển tải ý nghĩa về huyền nhiệm “Cây Nho thật” và “Sự cắt tỉa”, như được gói ghém nơi dụ ngôn “Cây Nho thật” trong Tin Mừng Gioan vừa được công bố: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn…”.

            Thật ra, ba Chúa Nhật liên tiếp sau Phục Sinh (2,3,4) Phụng vụ Lời Chúa gần như dành riêng để trình bày những điểm cốt yếu của “Sứ điệp Sơ truyền” (Kerygma) mà trọng tâm chính là Đức Kitô Phục Sinh, dung mạo của “Lòng thương xót” và “Mục tử tốt lành” của Thiên Chúa! Từ Chúa Nhật hôm nay, Phụng vụ muốn trình bày “dung mạo của Hội Thánh Chúa Kitô”, một Hội Thánh bắt đầu hình thành và quy tụ xung quanh các Tông đồ trong sự hiệp nhất, củng cố và được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, như cách mô tả của một trích đoạn ngắn của sách Công vụ Tông đồ: “Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào… Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.

            Quả thật, qua dụ ngôn “Cây nho thật”, Chúa Giêsu đã mạc khải về mầu nhiệm Hội Thánh của chính Ngài, một Hội Thánh được thiết lập trên nền tảng của cuộc tử nạn-phục sinh, của một “phiến đá bị dân Israel loại bỏ” (Tv 117,22), của một “Cây Nho thật”, thay thế cho “cây nho dại” là dân cũ Israel, như tiên tri Giêrêmia đã từng loan báo: “Ta trồng người như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao người lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2,21). Ngôn sứ Isaia cũng đã có cả một bài ca về vườn nho, vì dân Israel như nho quí, nhưng đã trở thành nho dại, khiến chủ vườn nho phải bỏ hoang phế:  (x. ls 5, 1-7).

            Vâng, Đức Kitô chính là “Cây Nho thật” mà Chúa Cha hoàn toàn ưng ý như chính Ngài đã xác nhận trong hai sự kiện “Chịu phép rửa” và “Biến Hình”: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17; 17,5). Và chắc chắn, lý do để Chúa Cha hài lòng về Người Con Một đó chính là vì Người Con đó, Cây Nho đó, đã “sinh nhiều hoa thơm quả ngọt” cho Chúa Cha, mà một trong những “quả ngọt” trân quý nhất đó chính là việc Người đã vâng phục trọng vẹn thánh ý: “Nầy con xin đến để thực thi ý Ngài”; “Xin đừng theo ý con một vâng theo ý Cha”; “Của ăn của Ta chính là làm theo ý của Cha Ta”… Từ chính “hoa thơm trái ngọt” đó, Đức Kitô đã mang về cho Chúa Cha bao nhiêu hoa trái khác là chính những con người, những cuộc đời được Đức Kitô chạm đến: những kẻ mù què điếc câm, những người thu thuế bị kết án khinh khi, những cô gái điếm sống vật vờ vất vưởng bên lề đời, những người phung cùi bất hạnh trong hoang mạc cách ly… tất cả đã được “Ngài kéo lên với Ngài” để mỉm cười sung sướng vì được chữa lành, vì được yêu thương, vì được hoán cải, đổi đời. Trong Cây nho Thật là Đức Kitô, mọi hành vi tưởng chừng vụn vặt, tầm thường như Giakê thập thò trèo lên cây sung đón đợi đã trở thành cơ duyên gặp gỡ, việc xức dầu của Maria ở Bêtania đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, những đồng xu bé nhỏ của một bà góa nghèo đã trở nên kho tàng vô giá, và những trẻ em bé bỏng dại khờ đã trở nên những”khách quí danh dự và xứng đáng đầu tiên trong bàn tiệc Nước trời”…

        Và “Cây Nho thật Kitô” lại được tiếp nối, nối dài bởi một “Cây Nho khác” đó chính là Hội Thánh. Suốt gần 2000 năm nay, “Cây nho Thật” mang tên “Hội Thánh Chúa Kitô”, cho dù phải đối diện với bao chối từ và phủ nhận, cấm cách và bách hại, loại trừ và lên án…, vẫn sum sê cành lá, vẫn tỏa bóng rợp trời. Những “cành nho của Cây Nho Thật” là những anh dân chài Galilê như Phêrô, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Anrê… bị đánh te tua, bị đe dọa ngăn cấm, bị tróc nả tội tù, bị đóng đinh trên thánh giá hay bị chém, bị đâm… cứ tưởng rồi cũng sẽ bị đẩy vào lãng quên như Thầy Chí Thánh. Nhưng, không phải chỉ “Một cộng đoàn đơn lẻ”, một nhóm nhỏ “Mười Hai”, mà cả một “Rừng Nho” lan tràn mặt đất, một “Đoàn Dân mới” hiện diện khắp muôn phương. Và Hội Thánh của Chúa Kitô đã lớn lên, đã phát triển, đã vươn dậy bề thế từ “Cây nho Thật” đã chết và đã phục sinh, đã lên trời và ban Thánh Thần xuống.

            Thế nhưng, Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt và bảo trợ “Cây Nho Hội Thánh”, đã không dung dưỡng, bao che khiếm khuyết, tội lỗi của một “Hội thánh lữ hành” giữa thế gian nhưng không ngừng canh tân, đổi mới; hay theo ngôn ngữ của chính Đức Kitô, không ngừng “cắt tỉa”: “nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn”. Việc “cắt tỉa” cành nho không chỉ dừng lại ở bình diện “Hội Thánh vĩ mô” mà hiện thực nơi từng “chi thể”; không chỉ hạn chế vào các “vụ mùa chính” (Mùa Vọng, mùa Chay, năm Toàn xá, dịp tĩnh tâm, linh thao…) mà phải được thực hành thường xuyên qua xưng tọi rước lễ, qua việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa (Lectio divina) hằng ngày, qua hành vi phục vụ bác ái yêu thương,hòa giải tha thứ…

            Vâng, để như cành nho hiệp nhất với thân nho, như chi thể trong một thân mình Giáo Hội, mỗi người Kitô hữu hôm nay chỉ có thể “sinh hoa thơm trái ngọt”, tức “hoa quả của Thánh Thần”, khi xác tín và thực thi mệnh lệnh “ở lại” của Thầy Chí Thánh: “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo…”. Đây không phải chỉ là “ở lại” bằng đầu môi chót lưỡi, như Thánh Gioan cảnh báo: “chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật”; mà là “ở lại” cụ thể bằng việc thực thi Lời: “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con”; bằng việc giữ giới răn yêu thương: “Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ”.

            Nhưng “ở lại trong thân nho” không bao giờ được hiểu và sống như một “tình trạng thụ động, ù lì, nô lệ…” mà luôn phải là một “đứng lên bắt tay hành động”, như mệnh lệnh ngày nào của “Ông chủ vườn nho”: “Cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi !” (Mt 20,6-7). Vâng, trong định hướng “hiệp hành” của Giáo Hội hôm nay, không cho phép “cành nho” nào “ăn không ngồi rồi” (Tông huấn Kitô hữu giáo dân) hay “gây xáo trộn… sa nẻo đường lầm… làm theo thiên kiến” (Kinh cầu THĐ XVI), nhưng cùng nhau “lên chiếc thuyền của Phêrô” (Ga 21,3), “chèo ra chỗ nước sâu mà buông lưới” (Lc 5,4). Dĩ nhiên, với sự hiện diện và can thiệp của Đấng Phục Sinh, của Cây Nho vĩ đại, cả Hội Thánh hay mỗi một kitô hữu vô danh đều “sinh nhiều hoa trái”. Một Hội Thánh cằn cỗi tê liệt, một kitô hữu già nua nghèo nàn… sẽ là dấu chỉ Thiên Chúa bị xúc phạm, bị thất bại! Cũng vậy, một Hội Thánh đầy “hoa thơm trái ngọt”, một kitô hữu năng động trẻ trung… sẽ là dấu chỉ “Thiên Chúa được tôn vinh”, như chính Đức Kitô đã khẳng quyết: “Điều làm Thiên Chúa được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8).

Truơng Đình Hiền