TÌNH YÊU… HAY “KHÚC XƯƠNG ĐÙI BỊ GÃY”

Views: 65

(Chúa Nhật 6 PS B 2024)

            “Viết đời mình thành câu chuyện tình yêu” không chỉ là một gợi ý, một khuyến dụ để sống và ứng xử, mà theo Kitô giáo, đó chính là “mệnh lệnh” phát xuất từ Đấng Sáng lập – Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống, đã chết và sống lại vì tình yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

            Thế nhưng, mệnh lệnh, giới răn… là một chuyện, còn tự do và bản năng của con người lại là chuyện khác. Lịch sử của thế giới hay nhân loại nói chung, nếu được nhìn trong “nhân sinh quan Kinh Thánh”, sẽ cho thấy rằng: ngay từ thuở khai thiên lập địa, khi tổ tông con người mới được tạo thành, do ảnh hưởng của “thảm kịch sa ngã”, nên khuynh hướng chọn điều ngược lại tình yêu vẫn thường thắng thế. Vì vậy, không lạ gì, ngay từ thuở ban đầu nhân loại, Cain sẵn sàng giết em là Abel; rồi cuộc đối đầu liên miên giữa hậu duệ của Isaac và Ismael, giữa Giacóp và Êsau…; và cho đến hôm nay, trong những ngày này, ngọn lửa của chiến tranh, thù hận vẫn đang cháy rực giữa Israel và Hamas, giữa Nga và Ukraina…!

            Trên con đường dài của kiếp nhân sinh, lịch sử nhân loại cứ tưởng sẽ hoàn toàn bế tắt và đích điểm chỉ là bóng tối của ghét ghen hận thù. Không, cách đây gần hai ngàn năm, từ sau cái chết vì vâng phục thánh ý Chúa Cha và vì tình yêu nhân loại của một người, Giêsu Nadarét, nhất là sau cuộc phục sinh từ mồ trống của Ngài, nhân loại đã được gọi mời bước đi trên một lộ trình mới, lộ trình mang tên “tình yêu sẻ chia và vị tha” (Agape), một tình yêu dám liều hy sinh mạng sống vì người khác: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

            Thế nhưng, kể từ khi mệnh lệnh đó được Thầy Giêsu công bố vào Bữa Tiệc Ly trước khi giã từ các môn sinh bước vào cuộc khổ nạn, liệu những người mang danh Kitô hữu có thực hiện không hay đã thực hiện được làm sao? Để trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng những lời của Thánh Gioan vừa được công bố nơi Bài đọc 2, đã nói lên tất cả: “chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây là những lời Thánh Gioan giảng cho cộng đoàn tín hữu Kitô thuở ban đầu, những người được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy. Vâng, họ là những kẻ yêu thương và đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng quên, chính Tertullianô, nhà hộ giáo lừng danh của Kitô giáo, thuộc “hàng Giáo phụ La tinh”, đã ghi nhận về cộng đoàn các Kitô hữu thời sơ khai như sau: “Dân chúng nhìn họ, tức các Kitô hữu, và nói về họ rằng: Hãy xem họ yêu thương nhau biết bao và sẵn sàng hiến mạng cho nhau chừng nào. Những người ở ngoài gọi họ là Kitô hữu, nhưng họ vẫn gọi nhau là anh em”. Đó là cộng đoàn Kitô sơ khai ở Giêrusalem.

            Chắc chắn, để có được những cộng đoàn Kitô giáo “yêu thương nhau biết dường nào” như thế, không phải nhờ những phương thế hay công cụ của trần tục con người như kinh tế, kỹ thuật, tiền bạc… mà cốt yếu đó là sự can thiệp và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Vị Thiên Chúa Ngôi Ba mang danh “Thần Khí Tình Yêu”. Sách Công vụ Tông đồ, ngay từ những trang đầu tiên, đã cho thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần trên cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy thời các Tông đồ: “Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc…”.

            Quả thật, một khi trái tim con người đã được Thánh Thần chinh phục, uốn nắn và đốt nóng, thì một “Saolô cứng cỏi hẹp hòi” đã trở nên một “Phaolô được tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5,14); hay “đời thường” hơn, như Dolores Hart, một “ngôi sao điện ảnh” lừng danh của Hollywood và là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã trở thành một nữ tu, một Mẹ Bề Trên sống cuộc đời tình yêu dâng hiến; hay một cầu thủ bóng đá Ngoại Hạng Anh Philip Mulryne chỉ biết sống với tiền tài, hưởng thụ, Chúa Thánh Thần đã biến đổi để trở nên linh mục Dòng Đa Minh phục vụ cho công cuộc Nước Trời… Vâng, chỉ có tình yêu của Chúa Thánh Thần mới làm cho linh mục Maximilien Kolbe sẵn sàng chết thay cho một bạn tù; cũng chính nhờ tình yêu của Thánh Thần mới làm cho cậu thanh niên tân tòng Anrê Phú Yên sẵn sàng “lấy tình yêu đáp trả tình yêu” khi hân hoan bước ra pháp trường thành Chiêm…

            Người Âu Châu thường tự hào về “cội nguồn Kitô” hay nền “Văn minh Kitô giáo”. Thế nhưng, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngần ngại gọi đó là “Nền văn minh tình thương”. Vâng, Kitô giáo, nếu có đem lại giá trị nào trân quý nhất, cần thiết nhất cho nhân loại, thì đó là “Tình Yêu”; và cũng không có gì ngạc nhiên, khi “tình yêu”, sự “tương thân tương ái” chính là dấu chỉ “nền văn minh tồn tại lâu đời nhất của loài người”, như câu chuyện sau đây:

Nhiều năm trước, nhà nhân chủng học Margaret Mead được một sinh viên hỏi, “Đâu là dấu hiệu đầu tiên khẳng định những khởi đầu cho một nền văn minh thời cổ đại?”… Cô Mead nói dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh trong một nền văn hóa cổ đại là một khúc xương đùi đã bị gãy nhưng sau đó đã được chữa lành… Mead giải thích rằng… Xương đùi bị gãy đã lành” là bằng chứng cho thấy có một người nào đó đã dành thời gian ở bên cạnh người bị ngã, băng bó vết thương, đưa người đó đến nơi an toàn và chăm sóc người đó cho đến khi hồi phục. Nhà nhân chủng học Margaret Mead kết luận, “Giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn là dấu hiệu khởi đầu của một nền văn minh.”.

            Thì ra, Đức Kitô muốn Giáo Hội của Người, môn sinh của Người thuộc về “thế giới văn minh” và xây dựng nền “văn minh tình thương” nên Người đã phát lệnh: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Trương Đình Hiền