YÊN TÂM! THẦY ĐÃ THẮNG!

Views: 40

(Chúa Nhật 10 TN B 2024)

          Sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật 10 TN B hôm nay, qua bàn tiệc Lời Chúa, có thể nói được, chuyển tải cho chúng ta về sự tỉnh thức trước “hoạt động của thần dữ” hay “Satan” trong thế giới này, đối với loài người cũng như đối với công trình của Thiên Chúa.

          Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, với trích đoạn sách Sáng Thế ký, đoạn Thánh Kinh Cựu ước gần như thuộc nằm lòng đối với những người Do thái giáo cũng như Kitô giáo, chúng ta có cảm tưởng, đây là một bảng “enquête”, một “kết luận điều tra” về “thảm trạng của tổ tông loài người”: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Và thủ phạm cuối cùng đã lộ diện: Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”; cho dù Ađam trước đó có “đỗ thừa” cho chính người bạn đời của mình: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”.

          Vâng, “Con rắn” tức thần dữ hay Satan, chính là thủ phạm, là “đầu tiêu” đã cám dỗ và dẫn dắt con người đi xa đường lối của Thiên Chúa, phá đổ công trình của Ngài, khi gieo rắc sự lầm lạc, ganh ghét, hận thù, kiêu căng, cố chấp…

          Thế nhưng, con người lại thường hay chủ quan, không ý thức đủ về “hiểm họa ma quỉ” hay những “chiếc bẫy tinh vi” mà Satan dàn dựng khắp nơi mọi thời trong thế giới này. Đặc biệt, con người ngày hôm nay, với những tiến bộ ngợp trời của khoa học, kỹ thuật, có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, giới giàu, giới chính trị và giới trí thức, lại coi “ma quỉ chỉ là chuyện mê tín dị đoan của một bộ phận người nghèo khổ dốt nát…”; hay ma quỉ chỉ là “kais niệm huyển tưởng”…

Thật vậy, Cách đây vài năm, trên đài truyền hình Pháp, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám Mục Paris, đã được một ký giả phỏng vấn. Ký giả này hỏi:

– Kính thưa Đức Hồng Y, ngài có tin nơi sự hiện hữu của ma quỉ không?

– Có, tôi tin chứ!

– Nhưng mà trong thời đại này với bao nhiêu tiến bộ khoa học và kỹ thuật, làm sao Đức Hồng Y lại vẫn tin là có ma quỉ?

– Phải, tôi vẫn luôn luôn tin có ma quỉ.

– Thế ĐHY có bao giờ thấy ma quỉ không?

– Có chứ.

– Đức Hồng Y thấy ở đâu !

– Tôi thấy ở Dachau, ở Auschwitz, ở Birkenau!

          Những nơi mà Đức Hồng y Lustiger viện dẫn thấy ma quỉ đó chính là các trại tù tàn khốc và chết chóc của Quốc xã Đức trong hồi Đệ nhị thế chiến. Vâng, những nơi đó chính là hiện thân của Thần dữ, của tội ác, của những điều ghê tởm và kinh hoàng xảy ra trên thế giới này. Và bây giờ, nếu được phỏng vấn lần nữa, tôi tin rằng, Đức Hồng y Lustiger sẽ nói thêm: “Tôi còn thấy ma quỉ ngay trên mặt các tờ báo lớn tại Mỹ, ngay trên các kênh truyền hình của Trung Quốc và ngay trên các màn hình điện thoại thông minh đang nằm trên tay của hàng tỷ con người”…

          Chính vì thế, theo dòng chảy của truyền thống tâm linh trong Hội Thánh, việc nhận diện, cảnh giác trước sự hiện hữu và hoạt động của ma quỉ luôn cần thiết, như giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate: “Do đó, chúng ta không nên nghĩ về ma quỉ như một thứ huyền thoại, một hình tượng, một biểu trưng, một hình ảnh hoặc một ý tưởng. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ mất cảnh giác, bất cẩn và rốt cuộc càng dễ bị thương tổn hơn. Ma quỉ không cần ám chúng ta. Nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc thù hận, u sầu, ghen tị và đồi bại. Khi chúng ta xem thường mất cảnh giác, ma quỉ chụp thời cơ để hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chúng “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8) (GE, 161).

          Cách riêng, qua trích đoạn Tin mừng Máccô vừa được công bố, chúng ta nhận ra cả một “chiến lược thâm độc của ma quỉ” nhằm chống lại Đức Kitô:

– Ma quỉ xúi dại những người thân để họ tin rằng “Ngài mất trí”: Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

– Ma quỉ gieo sự ganh ghét và lầm lạc trên nhóm kinh sư Do thái để họ đầu độc dân chúng chống lại và loại trừ Đức Kitô với sự “mê tín” Ngài là tướng quỉ Bê-en-dê-bun: Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỉ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ.

– Nhất là ma quỉ phong tỏa tâm hồn nhiều con người để dẫn họ xúc phạm tới Chúa Thánh Thần trong sự cứng lòng, chống lại thánh ý Thiên Chúa, xúc phạm tới Chúa Kitô và khước từ mọi con đường sám hối ăn năn: “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Trước một thế giới đang bị ma quỉ ra tay phá hoại bằng những nọc độc chết người, như ĐGH Phanxicô tuyên bố trong Gaudete et Exsultate, đó là thù hận, u sầu, ghen tị và đồi bại, rất nhiều người, trong số đó không thiếu các bạn trẻ Công giáo, dễ dàng bị nhiễm một thứ nọc độc “không vị không mùi…” đó là nọc độc “lầm lạc”. Ma quỉ biết tỏng nơi sâu thẳm của mỗi con người đều có “đức tin”, đều được gọi mời hướng về cõi linh thiêng, hướng về Đấng Vô Hình cao cả, hướng về những thần lực siêu nhiên… Chính vì thế, ma quỉ đã bày ra đủ trò, đủ cách để quyến rũ, để phĩnh gạt con người; nhất là những con người không có một niềm tin đúng đắn, vững vàng, chính chuyên. Nếu lấy “bối cảnh Việt Nam” làm thí dụ điển hình, thì cứ nhìn hàng hàng lớp lớp đua nhau cướp “Ấn đền Trần”, đua nhau xùm xụp khấn vái “thỉnh vong giải oan” ở chùa Ba Vàng trong những dịp Tết đến, Xuân về, cúi đầu tin răm rắp về những cái “nghiệp quả bá láp” của mấy “kinh sư ba xàm”… Và rồi, bao nhiêu trò mang hơi hướng tâm linh như bói toán, đoán mệnh, xem ngày, thần tài, ông địa, phong thủy… đã trở thành “dịch vụ” đến độ có một số không nhỏ những Kitô hữu cũng buông mình thực hiện theo “đám đông” như một quán tính, với cùng một lý luận: “Có gì đâu! khoa học tâm linh đó mà! Khoa phong thủy đó mà!”. Riêng trong đạo Công Giáo, suốt mấy năm qua, chúng ta nào lạ gì các phong trào như “Sứ điệp từ trời”, “Trừ quỷ Bảo Lộc”…, tất cả đều oang oang ca tụng Chúa, tôn sùng Đức Mẹ, lần hạt Mân Côi… nhưng “điểm nhấn” cuối cùng sẽ dẫn tới là một “Thiên Chúa không Đức Kitô”, một “Đức Kitô ở ngoài Giáo Hội”, một “Giáo Hội không có Đức Giáo Hoàng và hàng Giám Mục”, và một “Kitô hữu không cần phải hiệp nhất, hiệp thông” với mọi thành phần Dân Chúa !”…

Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được Lời Chúa nhắn nhủ luôn biết phân định và cảnh giác trước mọi âm mưu và cám dỗ của ác thần. Cách riêng, trong cuối đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Kitô đã ân cần nói với chúng ta: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Vâng, chúng ta đang mang một danh xưng và phẩm giá tuyệt vời là Kitô hữu, chúng ta đừng bao giờ trở thành “người xa lạ với Đức Kitô” nhưng luôn là những “anh chị em ruột thịt với Đức Kitô” khi luôn trung thành thực thi thánh ý Chúa (Lời Chúa, Giới răn…). Đặc biệt, khi gặp những thử thách gian nan, những bế tắc và khổ đau, những tai ương hay hoạn nạn…, chúng ta hãy cầu nguyện với Kinh Lạy Cha cho “khỏi sa chước cám dỗ” và “khỏi mọi sự dữ” để luôn xác tín rằng: chúng ta là “con cái sự sáng”, là “dân tộc được phục sinh” như Thánh Phaolô xác tín trong trích đoạn thư Côrintô trong bài đọc 2 hôm nay: “Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu… Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới”.

Và nếu phải nhớ lại câu từ nào đẹp nhất của Tin mừng để mọi người mang theo lên đường sau khi kết thúc Thánh lễ, xin hãy nhớ lại Lời của chính Đức Kitô nói với các Tông Đồ, trước khi Ngài từ giã các ông để dấn thân vào cuộc khổ nạn: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” Ga 16,33).

Trương Đình Hiền