LỆNH LÊN ĐƯỜNG HÔM NAY: HÃY MANG THÁNH THỂ VÀ LỜI

Views: 38

(Chúa nhật 15 TN B 2024)

Đối với người Kitô hữu, “ơn gọi tông đồ”, “sứ mệnh ngôn sứ” chính là “căn tính” gắn liền với phẩm giá và đi theo suốt cả cuộc đời trần gian, một đời sống vốn thuộc về Chúa Kitô, Đấng chính là Vị Tông đồ, là Ngôn sứ của Chúa Cha như chính Ngài đã khẳng quyết: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Ơn gọi nầy, sứ vụ nầy, chẳng phải chỉ có vào thời Tân ước, vào lúc Chúa Giêsu chọn gọi và sai các môn sinh, mà ngay từ xa xôi trong lịch sử cựu ước, đã biết bao lần Thiên Chúa đích thân kêu gọi một số con người ra đi phục vụ chương trình của Ngài. Phụng vụ lời Chúa hôm nay (CN 15 TN B) vừa khắc họa chân dung và ơn gọi đích thực của người ngôn sứ vừa giới thiệu cách thế mà nhà ngôn sứ lên đường thực thi sứ vụ.

Trước hết, Bài đọc 1, trích đoạn sách tiên tri Amos đã giới thiệu về chính vị tiên tri mà cuốn sách mang tên: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

          Thì ra, không phải con người “tự mình đi làm ngôn sứ”, tự mình chọn lựa sứ mệnh tiên tri mà phải là “do Chúa kêu gọi, tuyển chọn”: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”. Trước tiếng gọi này, sứ vụ được ân trao này, con người chỉ còn có một chọn lựa “phải đạo”, một con đường “đúng đắn” đó là “cúi đầu vâng phục, như thái độ và chọn lựa của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).

          Dĩ nhiên, Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của con người; tuy nhiên, cũng có những lần, Thiên Chúa sẵn sàng “can thiệp mạnh tay” để “tự do của ta đi đúng hướng” và để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hiện thực. Chúng ta đừng quên “câu chuyện tiên tri Gio-na”: vì bất tuân lệnh Chúa đi nói tiên tri cho dân thành Ninive, nên cuối cùng Chúa cho cá mập đớp vào bụng rồi quăng đến nơi phải đến (Gn 2,1-11); hay như cái kiểu “coup de foudre” trên đường Damas dành cho Saolô, kẻ vốn ghét cay ghét đắng giáo lý mới của Chúa Giêsu Nadaré đã “quay hẳn 180 độ” để trở nên “Tông đồ thứ thiệt” của Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh! Phải chăng, cũng từ “tiếng gọi nhiệm mầu” này, mà chính Thánh Phaolô đã nhiều lần chia sẻ cảm nhận về “hồng ân được chọn”, về tình yêu được Chúa hoán cải gọi mời, như trích đoạn thư gởi giáo đoàn Êphêsô mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô…”.

          Từ ơn gọi “được sai đi làm tiên tri” thời Cựu ước, đến sứ mệnh “được sai đi rao giảng Tin mừng” của các Tông đồ: “Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế… Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.”, chúng ta cảm nhận và xác tín rằng: mỗi một Kitô hữu đều được gọi mời lên đường đi làm vườn nho cho Chúa: “Cả các anh nữa; hãy đi làm vườn nho cho ta” (Mt 20,7). Vì thế, sứ điệp lời Chúa hôm nay là một gợi ý để chúng ta cùng xét mình về sứ mệnh tiên tri của mình, như thánh Grêgôriô Cả diễn giải dụ ngôn thợ làm vườn nho trong một bài giảng cho dân chúng: “Anh em thân mến, hãy lưu ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải đã là thợ làm vườn của Chúa không. Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận định xem mình có làm việc trong vườn nho của Chúa hay không” (Tông huấn Kitô hữu giáo dân – Christifideles Laici).

          Thế nhưng có người lại thắc mắc: làm ngôn sứ là làm những gì? và đi làm Tông đồ là đi tới đâu, tới địa chỉ nào? Cách đây hơn 2000 năm, Ngôi Lời Thiên Chúa “đi làm ngôn sứ”, đi làm Tông đồ đó chính là nhập thể vào đời và đến với “địa chỉ” là trái đất này, hay như danh xưng của Thánh Gioan là “nhà mình”: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận…” (Ga 1,11). Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta hiểu được rằng: mọi nơi và mọi thời vẫn có và vẫn còn những địa chỉ mang tên “nhà mình” từ chối Đức Kitô, những “Nadarét” khép lòng trước sứ điệp Phúc âm, những “Bêlem” đóng chặt cánh cửa để khước từ Maria và Giuse đến từ Nadarét”, đôi vợ chồng trẻ đi tìm một chỗ dung thân để sinh con…

          Vâng, bao lâu còn thế giới nầy là bấy lâu còn lầm than và tội ác, còn quỷ ma và tật bệnh…, và vì thế vẫn còn cần biết bao những đôi chân của người ngôn sứ, những bàn tay của các Tông đồ để không chỉ “giảng rao sự sám hối”, thoa dịu ủi an… mà còn phải ra tay “khu trừ ma quỷ và xức dầu chữa lành các bệnh nhân”. Vì thế, điều quan trọng còn lại hôm nay chính là hãy kiểm tra xem chúng ta đang lên đường với thứ vũ khí nào trong tay, với hành trang nào đang có! Có phải là những chiếc “áo giáp và thanh gươm nặng nề của Goliát” tượng trưng cho sự cậy dựa vào thế lực trần gian (1 Sm 17,32-51), hay là “tấm áo da cừu, cây gậy với vài viên đá cuội và cái dây phóng đá của chàng thanh niên chăn chiên Đavít, tượng trưng cho niềm tin yêu phó thác nơi quyền năng Đấng Tối Cao?

Câu giải đáp chính là “mệnh lệnh” của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe Tin mừng Máccô công bố: “Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo.”.

          Thế đó! Hành trang tông đồ, vũ khí của người ngôn sứ dùng để lên đường dấn thân chiến đấu với quỷ ma và tật bệnh, với tội lỗi và bóng tối lại chỉ là “sự khó nghèo” trong tin yêu phó thác, là niềm trông cậy vào sức mạnh và sự trợ giúp của chính Thiên Chúa, là cung cách ứng xử mang dáng đứng khiêm hạ, yêu thương… Và lịch sử Dân Chúa thời Cựu ước đã minh chứng: với vũ khí và hành trang đơn sơ: “Ta đến với ngươi nhân danh Thiên Chúa các đạo binh”, Đavít đã “hạ knockout” Goliat; và chính “Hậu Duệ” của Ngài, Đức Giêsu-Kitô cũng đã “xuất chiêu” bằng con đường khó nghèo và tự hạ thẳm sâu của khổ nạn thập giá để chỗi dậy vinh quang chiến thắng tội lỗi và sự chết.

          “Tảng Đá Phêrô” đã tồn tại và phát triển vững vàng qua suốt 2000 năm lịch sử hoàn toàn không phải bởi “những sư đoàn thiện chiến”, bởi những kho tàng của vàng bạc hay vũ khí… mà cốt yếu đó là bởi những Phêrô, Phaolô, Stêphanô Thể, Gagelin Kính, Anrê Kim Thông, Anrê Phú Yên, các nữ tu Mến Thánh Giá như Anê Soạn, Anna Trị… Vâng, tất cả “những người nghèo còn sót lại của Thiên Chúa” đó đã “lên đường” trong tư thế “không mang gì”, ngoài tình yêu và thập giá Đức Kitô, như “hạt lúa chôn sâu mục nát giữa dòng đời”, nhưng đã mang về một “mùa lúa vàng đồng”, một “tấm lưới đầy cá”!

          Sống sứ mệnh ngôn sứ hôm nay đó chính là từng ngày sẵn sàng “đập bể bình dầu cam tùng quí giá” là chính cuộc đời mình, để làm rực lên mùi thơm cho mái nhà Giáo Hội (Tông huấn Đời sống thánh hiến), là biết cho đi “đồng xu teng của bà góa”, là đóng góp và nỗ lực hy sinh phục vụ cộng đoàn trong những công tác mục vụ nhỏ nhoi, âm thầm của người chức việc, của các giáo lý viên, của các ca viên ca đoàn, của hội viên Legio Mariae…

          Nếu lệnh lên đường của Đức Kitô ngày xưa là “Đừng mang gì” lànhững thứ hành trang của cái tôi trần tục, của phương tiện loài người… thì “lệnh lên đường” “Ite Missa est” của Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay phải là “hãy mang theo Thánh Thể và Lời”. Bởi vì, nhà “tiên tri hôm nay” mà thiếu hai bửu bối này thì chỉ có thất bại toàn tập!

Giuse Trương Đình Hiền