NHỮNG CHIẾC BÌNH BẠCH NGỌC VỠ VỤN DƯỚI CHÂN CHÚA

Views: 51

(Bg Lễ Khấn Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình thương – 18.7.2024)

          Dịp Lễ Khấn Dòng hôm nay của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương có 9 chị Khấn trọn đời và 4 chi khấn lần đầu. Trong số 13 nữ tu này, chỉ có hai chị thuộc giáo phận Qui Nhơn: chị Thư ở Nghĩa Điền cách nhà mẹ Làng Sông này ngót 100 cây số; trong khi chị Ngọc ở Ba Tơ thì khoảng 200 cây… Trong khi đó 11 chị còn lại đều ở xa: kẻ Thanh Hóa, người Nghệ An, kẻ Đồng Nai, người Đaknông, Kon tum, Khánh Hòa… Sở dĩ nhắc đến “quê hương địa lý” của các chị vì nếu đặt con đường tìm đến ơn gọi của các chị nơi Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương trong khung cảnh Lời Chúa vừa được công bố, đặc biệt, với trích đoạn sách Sáng thế về cuộc ra đi theo tiếng gọi của Chúa của cụ tổ Abram, thì 13 chị khấn dòng hôm nay đều là những kẻ “bỏ quê hương để lên đường theo Chúa”.

          Thật vậy, để chọn gọi Abraham vào kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa đã bảo ông: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho…”; và Lời Chúa xác nhận: Abram ra đi như Chúa truyền dạy.

          Dĩ nhiên, câu chuyện về tiếng gọi và sự đáp trả của cụ tổ Abraham không chỉ dừng lại ở việc giã từ những “giá trị vật chất” hay “tương quan nhân loại” (quê hương, họ hàng, nhà cửa, cha mẹ…) mà muốn nhắm đến một sự “dứt bỏ tinh thần”, một “lựa chọn sống khác”; khước từ một “cuộc đời thông thường, tự nhiên”, bỏ lại một ‘tín ngưỡng hay niềm tin cố cựu”… để chọn lựa một định mệnh mới, một cuộc đời mới; để dấn thân cho một lý tưởng mới mẻ mà cốt yếu đó chính là “Giao ước với Thiên Chúa”.

          Phải chăng, đó cũng chính là sự chọn lựa, sự dứt áo ra đi của 13 cô thiếu nữ hôm nay đang quỳ trước mặt cộng đoàn chúng ta. Quả thật, hôm nay họ đi lại con đường của cụ tổ Abraham,con đường của lịch sử cứu độ: ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa vì một điều cốt yếu: ký giao ước với Ngài, hay cam kết “ra đi như Chúa truyền dạy”.

          Thế nhưng, như câu ngạn ngữ Pháp: “Partir c’est mourir un peu” (Ra đi đó là chết đi một ít), cuộc ra đi nào, sự từ bỏ, hay giã từ nào cũng mang theo day dứt, xót xa, nếu không nói là “rướm máu”. Cụ tổ Abraham đâu dễ dàng cúi đầu đi theo Chúa, nhất là ngay trên cuộc hành trình theo Chúa, Chúa bảo ông phải đem đứa con một yêu dấu là Isaac lên núi sát tế! Vâng, lời khấn của các chị hôm nay, dù là khấn trọn hay lần đầu, đều đong đầy ý nghĩa “sát tế Isaac” của cụ Abraham, ý nghĩa “lưỡi gươm đâm thâu của Mẹ Maria” hay ý nghĩa “chén đắng” của Đức Kitô trong vườn cây dầu…; hay cụ thể và đầy hình tượng nhất, đó là “ý nghĩa “cô Maria ở Bêtania hy sinh cân dầu cam tùng để xức chân Chúa Giêsu”, như Tin mừng Gioan vừa công bố: Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà…

          Trong ngôn ngữ thần học của Thánh Gioan, dầu quý cam tùng mà cô Maria sẵn sàng đổ ra để xức chân Chúa và làm cho cả nhà ngát tỏa hương thơm có thể dẫn chúng ta đến những chất dầu quý giá khác mà biết bao chàng trai, cô gái đã sẵn sàng hy sinh cho Chúa Giêsu và Giáo Hội: đó là dầu của tuổi xuân ắp đầy hoa mộng, dầu của sắc đẹp thể xác cũng như tâm hồn, dầu của trí tuệ và phẩm cách, dầu của tình yêu đôi lứa hay hạnh phúc gia đình… Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô hai, trong tông huấn Đời sống thánh hiến đã chú giải “việc xức dầu này” như sau: “Xức dầu thơm quý giá là một hành động yêu thương nguyên tuyền, hoàn toàn ngoài mục đích cầu lợi, là dấu chỉ của sự quảng đại cho đi không tính toán; điều này được diễn tả qua một cuộc sống dành riêng để yêu mến và phụng sự Chúa, dâng hiến cho chính Chúa và cho Nhiệm Thể của Người. Một cuộc sống “được cho đi” mà không tính toán khiến cho cả nhà sực mùi thơm. Ngày hôm nay, không thua kém gì ngày hôm qua, nhà Thiên Chúa là Giáo Hội vẫn được trang điểm và thêm phong phú nhờ sự hiện diện của đời thánh hiến.” (ĐSTH 104).

          Không kể biết bao vị thánh nhân đã “đập bể bình dầu cam tùng” cuộc đời mình để “yêu mến và phụng sự Chúa, dâng hiến cho Chúa và cho Nhiệm Thể” trên suốt chặng đường 2000 năm của Hội thánh, chúng ta có thể tính vào những “những cuộc xức dầu” đó như tài tử điện ảnh lừng danh của Hollywood – Dolores Hart, từ bỏ tất cả để trở thành nữ tu Dòng Kín, như Olalla Oliveros là một siêu mẫu nổi tiếng người Tây Ban Nha, cũng quyết dấn thân trong ơn gọi tu trì; hay như thầy Théophile Dương Nguyên Khang, khi đang có một cuộc đời mà bao nhiêu bạn trẻ chỉ dám ước mơ: Tốt nghiệp tối ưu thạc sĩ tại đại học Mỹ ngành trí tuệ nhân tạo, có công ty sẵn sàng trả mức lương 300.000 đô la một năm, con đường dọn tiến sĩ tại đại học Hoa Kỳ thênh thang mở rộng…, nhưng như thầy quyết chọn hướng đi: “đập vỡ vụn cái bình bạch ngọc dưới chân Chúa”, bỏ lại tất cả để dấn thân trở thành một tu sĩ khổ hạnh trong Dòng Chartreux, một dòng tu khắc khổ nhất của Giáo Hội Công giáo, ngày đêm âm thầm trong hy sinh cầu nguyện…

          Nếu Giuđa Iscariot cho việc “xức dầu thơm của cô Maria Bêtania là lãng phí, thì chắc chắn cũng không ít người, cho thầy Khang hay những ai có sự chọn lựa cuộc sống như thầy, trong đó có 13 cô thiếu nữ khấn dòng hôm nay, là một chọn lựa lãng phí, điên dại, một sự “điên dại mang phong cách Giêsu” mà ngay từ buổi đầu Giáo Hội, Thánh Phaolô đã từng nhắc đến qua trích đoạn thư Côrintô (Bđ 2): “các người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo…”.

          Chắc chắn đó không phải là những lời mang tính “phủ dụ” để lấp liếm cho qua chuyện, hay an ủi mang tính bù trừ, mà là một chân lý chắc nịch được Thánh Phaolô tiếp tục khẳng định: “Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không tưởng, để phá hủy những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh danh trước mặt Người.”. Phải chăng, chính vì cảm nhận sâu sắc chân lý nền tảng đó, nhất là khi chiêm niệm mầu nhiệm Nhập Thể và Khổ nạn của Đức Kitô, mà vị sáng lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương đã muốn con cái mình, các nữ tu của mình sống theo sát câu Tin mừng “Chọn ngồi vào chỗ cuối” như một châm ngôn, một khẩu hiệu!

          Nhưng đừng ai ngộ nhận rằng: việc “đập bể bình bạch ngọc vỡ vụn dưới chân Chúa” của thầy Théopile Dương Nguyên Khang hay “chọn ngồi chỗ cuối” của các chị Nữ Tỳ như thế… là tiêu cực, bất lực, yếu hèn; nếu có ảnh hưởng hay tác dụng gì thì chỉ nơi bình diện thiêng liêng mà không ăn nhập gì với nhân quần xã hội! Không đâu, một câu chuyện quá đời thường vừa diễn ra mà chắc ai cũng biết: chỉ với đôi chân trần, một nồi cơm điện và tấm áo “y phấn tảo” đơn giản khó nghèo, một nhà sư khất thực đã quật ngã không thương tiếc những tượng đài “sư thầy” tiếng tăm ngất trời, uy quyền giàu có thuộc hạng khủng… Đúng như lời kinh Magnificat của người Trinh nữ khó nghèo khiêm hạ Maria: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”…

          Như vậy, câu chuyện của 13 chị em Nữ tỳ khấn trọn và khấn tạm hôm nay, rốt cuộc, là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Vâng, mỗi người chúng ta, Giám mục, linh mục, tu sĩ hay những người cha người mẹ, anh chị em giáo dân của các gia đình Công giáo…, chúng ta đều có một “quê hương nào đó” để bỏ lại mà lên đường theo Chúa; đều có một “bình dầu cam tùng” cần được đổ ra cho vơi đi để xức chân Chúa là anh chị em chung quanh, là những người nghèo túng yếu đau bệnh tật… Riêng với 13 chị khấn dòng hôm nay, những lời cam kết thánh thiêng trước Chúa và Hội thánh, một cách nào đó, sẽ như câu trả lời của thầy Dương Nguyên Khang dành cho ba má và cũng là chọn lựa cơ bản của cuộc đời thầy: “Con như bình bạch ngọc đập vỡ vụn dưới chân Chúa”. Thế nhưng các chị đừng quên, Thiên Chúa đầy lòng xót thương và quyền năng, sẽ sẵn sàng nhặt những mãnh vỡ lên, gắn lại và nung thành những chiếc bình còn tuyệt hảo hơn nữa. Chúc các chị luôn mang tâm tình Magnificat của Đức Trinh nữ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Chúa đã làm cho con những việc lạ lùng”. Amen.

Trương Đình Hiền