Views: 45
(Chúa Nhật 16 TN B 2024)
Nội dung sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay (16 TN B) hình như được cô đọng từ một lời kêu gọi trở về, tĩnh tâm của Chúa Giêsu dành cho các môn sinh được Tin mừng Máccô thuật lại: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.
Chắc chắn, khi ra chỉ thị nầy cho các môn sinh, Đức Kitô đã nhìn thấy bao nhiêu lo toan, mệt nhọc, bận bịu… của các bạn hữu của Ngài; một sự bận rộn có thể sẽ dẫn các ngài tới chỗ trơ lỳ, vô cảm, bị tục hóa; biến cuộc sống của người tông đồ trở thành một công nhân, một người thợ máy móc trước bao nhiêu nhu cầu của “đàn chiên không người chăn” mà chỉ có “trái tim chạnh thương của người mục tử” mới có khả năng đáp ứng.
Chỉ thị thiêng liêng trên của Đức Kitô vẫn còn nguyên giá trị, mà đúng hơn, càng cần thiết cho môi trường xã hội chúng ta hôm nay. Đơn giản, vì ngày nay, với nền văn minh kỹ thuật đầy tiện lợi, với tâm thức và thói quen hưởng dụng tiện nghi, cùng với bao áp lực mục vụ đòi hỏi đáp ứng theo kiểu con người…, nên nhiều người mục tử có nguy cơ trở thành vô cảm với đoàn chiên, hay phục vụ như “công chức”. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mô tả tình trạng này trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng.” (Số 54).
Đó cũng chính điều mà Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ Giêrêmia đã cảnh cáo các mục tử của Israel vào thời Cựu ước: Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta… Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi… Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.
Khi chỉ thị cho các môn sinh “tìm nơi vắng vẻ đển nghỉ ngơi đôi chút”, chắc chắn Ngài muốn cho các ông có được một không gian nội tâm thích hợp để “bắt đầu lại”, để “phục hồi năng lượng” mà chính Ngài sẽ là người hướng dẫn và trao ban. Các Tông đồ ngày xưa đã nhận ra chân lý nền tảng này khi họ “trở về xúm xít quanh Đức Kitô: “các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy…”
Vâng, Đức Kitô phải ở trung tâm của đời sống chúng ta. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta tìm lại được chính mình, thanh lọc cõi lòng mình, điều chỉnh con tim mình và định hướng cho hành trình tiếp theo của mình, như chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã xác nhận trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (Số 3)
Thật ra, không chỉ các tông đồ, các mục tử mới cần “xúm xít quanh Đức Kitô”, mà mọi người tín hữu chúng ta đều phải chạy đến, xúm xít quanh Đức Kitô” bằng nhiều cách:
– Quanh Đức Kitô nơi bàn Tiệc Thánh Thể, Nhà Tạm, các cử hành Phụng vụ Thánh…
– Quanh Đức Kitô nơi Tòa Giải Tội trong tâm tình sám hối.
– Quanh Đức Kitô nơi kinh nguyện cộng đoàn, gia đình.
– Quanh Đức Kitô với Lời Chúa, với Đức Mẹ, kinh Mân Côi…
– Quanh Đức Kitô trong cầu nguyện, đối thoại, thưa, xin, trình bày…
Một khi đã được “tái tạo thành một con người mới” sau cuộc tĩnh tâm với Chúa Giêsu, chắc chắn, các môn sinh của Ngài sẽ nhận ra một điều quan trọng nhất nơi dung mạo của Đức Kitô, nhân cách và chương trình hành động của Ngài mà Tin mừng hôm nay đã tóm gọn bằng một cụm từ chân xác: CHẠNH LÒNG THƯƠNG:“Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều”.
Ngày hôm nay, Đức Kitô đang mời gọi chúng ta tiếp tục lên đường, tiếp tục thể hiện thái độ “Chạnh lòng thương” đối với con người, với thế giới hôm nay, một thế giới, không chỉ có một đoàn chiên không người chăn mà có hàng tỷ thân phận con người bì vùi dập trong những nỗi bi đát, thương đau, khổ lụy, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nêu bật trong Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”[1]: “Chúa Kitô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài một lần nữa đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu” (Số 15).
Giữa một thế giới mà nhiều nơi đang ngập tràn trong ngọn lửa chiến tranh hận thù, chết chóc, đổ vỡ (Ukraina, Gaza, Israel…), sứ điệp lời Chúa hôm nay còn gọi mời các cộng đoàn Kitô hữu làm chứng về một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và một Đức Kitô, Mục tử nhân lành qua chính đời sống hiệp nhất yêu thương của cộng đoàn; một cộng đoàn Hội thánh hoàn toàn không có chỗ cho sự hận thù, chia rẽ như xác quyết của thánh Phaolô Tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô: “Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí”.
Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay vừa giới thiệu chân dung mục tử của Đức Kitô, Đấng đến cứu độ con người bằng trái tim “chạnh lòng thương”, vừa thúc bách chúng ta, đặc biệt, các mục tử trong Giáo hội, hãy yêu thương và chăm sóc đoàn chiên theo gương Đức Kitô, Mục tử nhân lành. Muốn được như thế, ngay từ giờ phút này, tất cả chúng ta, mục tử cũng như đoàn chiên, hãy cùng nhau “tĩnh tâm, cùng nhau “xúm xít quanh Đức Kitô” qua Bàn Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể này; để một lần nữa chúng ta được “nâng đỡ và bổ sức” như chính Đức Kitô đã gọi mời: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Trương Đình Hiền
[1] Tông sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố Năm thánh Lòng thương xót (8.12.2015-20.11.2016) ban hành ngày 11.4.2015 với tên gọi “Misericordiae Vultus” (Dung nhan lòng thương xót).