CÓ MỘT TẤM BÁNH ĐANG CẦN CHO THẾ GIỚI

(Chúa nhật 18 thường niên Năm B 2024)

          Theo “thống kê ước tính” mới nhất của Liên Hiệp Quốc thì sau đại dịch Covid, trên toàn thế giới, nhất là các nước nghèo thuộc Á châu, số người thiếu ăn, suy dinh dưỡng đã tăng lên gần 700 triệu người, trong số đó có khoảng 250 triệu người có nguy cơ chết đói cần được viện trợ lương thực khẩn cấp! Điều đó cho thấy rằng, nhu cầu “đói ăn khát uống”, nhu cầu “tìm kiếm bánh mì”, nhu cầu “để được ăn no”… chưa bao giờ ngừng tắt trong dòng chảy nhân sinh, và cũng chưa bao giờ được giải quyết dứt dạc trong lịch sử con người!

          Chính vì thế, con người muôn nơi muôn thuở đua nhau tìm kiếm mọi phương thế để đáp ứng nhu cầu khát đói, để lấp đầy cái bụng. Ngoài những phương thế tự nhiên (kinh tế, chính trị, thương mại…), cũng không ít người chạy đến với con đường tâm linh: cầu Trời khẩn Phật để no cơm ấm áo. Riêng Đức Kitô, Đấng mà mọi kitô hữu thành tín tuyên xưng rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng đã từng trải qua “cơn đói trong hoang mạc” như Tin mừng tường thuật: Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói (Mt 4,2). Trong khi đó, các môn đệ tháp tùng theo Ngài đi rao giảng cũng đã “bứt lúa ngoài đồng” giải quyết cơn đói ngay trong ngày Sabat: Hôm ấy, vào ngày Sabat, Đức Giêsu đi bang qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. (Mt 12,1). Phải chăng vì cảm nhận cái nhu cầu phần xác cần thiết cho sự sống nên chính Ngài đã dạy cầu nguyện với Kinh Lạy Cha mà mở đầu cho phần hai của Kinh nguyện cao cả và đặc biệt này lại là “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

          Và không chỉ dừng lại ở “lời cầu xin Chúa Cha ban cho “lương thực hằng ngày dùng đủ” mà Ngài còn thi thố những dấu lạ cả thể “Hóa bánh ra nhiều” để giải quyết cơn đói của đám đông theo Ngài nghe giảng mà các Tin mừng đều đồng thanh tường thuật: Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14. Riêng thánh sử Matthêô và Máccô thì tường thuật không chỉ một lần mà hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều vì “chạnh lòng thương đám dân đang đói”: Mt 15,32-39; Mc 8,1-10.

          Thế nhưng, khi đọc kỷ Tin mừng và nhất là khi theo sát cuộc đời và giáo huấn nền tảng của Đức Kitô thì chúng ta lại thấy rằng: Đức Kitô không đến trần gian để giải quyết vấn đề đói khát vật chất và dẫn loài người tới con đường no cơm ấm áo và tận hưởng hạnh phúc thế trần. Ngài không là một “nhà chính trị mị dân”, một “lý thuyết gia huyển tưởng” cùng với một “ý thức hệ lộng giả thành chân”… mà đơn giản, chỉ là một “Mục tử chạnh lòng thương đám dân nghèo không người chăm sóc”. Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 18 thường niên chu kỳ Năm B đã chuyển tải cho chúng ta nội dung ý nghĩa đó.

          Trước hết, trình thuật sách Xuất hành đã nhắc lại một dấu lạ liên quan đến “cơn đói” của dân Israel trong thời lang thang giữa hoang mạc trên đường về Đất hứa: Đó là dấu lạ Thiên Chúa cho Manna từ trời rơi xuống để nuôi dân đang đói: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không.” (…). Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

          Cách đây gần hai ngàn năm, thời Chúa Giêsu đi rao giảng, một số rất đông người Do thái cũng hồ hỡi chạy đến với Chúa Giêsu để hy vọng rằng, Ngài sẽ thể hiện quyền năng của một Đấng Mêsia trong “dáng đứng Môsê”, mang lại uy quyền rợp trời để đánh bại đế quốc và mang lại no cơm ấm áo cho toàn dân; nhất là sau phép lại “Ngài hóa bánh ra nhiều” để nuôi đám đông nghèo đói tới mấy ngàn người trong hoang mạc.

          Tuy nhiên, như Tin mừng hôm nay vừa kể: Chúa Giêsu đã phản ứng và truyền dạy: Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Nhất là qua sự kiện liên quan đến “bánh hóa nhiều” này, Ngài truyền tải một đề tài giáo lý đặc biệt: BÁNH HẰNG SỐNG: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian” (…). “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

          Thật ra, câu chuyện của Tin mừng về “Bánh”, “Manna” và “Bánh ban sự sống” trên đây không chỉ liên quan đến đám đông người Do Thái và Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm mà chính là “cơ hội” để nhờ đó “thanh lọc đức tin”, không chỉ cho tín đồ Do Thái khi xưa mà cho những người Kitô hữu hôm nay; một cuộc “thanh lọc dứt khoát” mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, Thư gởi giáo đoàn Êphêsô, đó là “hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật”.

          Vâng, “lối sống xưa”, “con người cũ” của mỗi người chúng ta phải chăng đó chính là lối sống đạo “vụ hình thức”, theo Chúa cách “vụ lợi”, thực hành đức tin cách hời hợt, giả hình, ấu trỉ, mà nếu dùng ngôn ngữ của chính Giêsu trong sứ điệp Tin mừng hôm nay, thì đó là: “các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Đó cũng là thái độ muốn quay về đời sống nô lệ, là sự biến chất niềm tin, mất lòng trông cậy, mà những người Do Thái đã trải qua trong thời “Xuất Ai Cập”: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?” (Bđ 1).

          Thế giới ngày hôm nay hình như cũng đang muốn quay về cuộc sống “nô lệ bên nồi thịt ê hề” đó, quay về một “bữa tiệc ngoại giáo tự do buông thả theo xác thịt” như một cảnh diễn bầy hầy nhố nhăng trong đêm khai mạc Olympic Paris vừa qua”! Với sứ điệp Lời Chúa hôm nay, một lần nữa, Đức Kitô muốn Dân Chúa làm một cuộc đại thanh tẩy, một cuộc “hoán cải và tin vào Tin mừng”, mà điều cốt thiết tiên khởi là mở lòng tin nhận Ngài: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

          Quả thật, Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta một lần nữa tuyên xưng và xác tín: “Đức Kitô chính là Bánh Hằng Sống” từ trời; là “Tấm Bánh Tình Yêu trọn hảo nhất” Thiên Chúa Cha ban tặng cho thế gian; là Tấm bánh mang lại niềm hy vọng và sức sống cho thế giới điêu linh hôm nay! Hãy đón nhận “Tấm bánh tình yêu” này để được sống, như câu chuyện kể rằng: có người thương binh Tây Ban Nha thất vọng, nhịn ăn để chết… cho tới khi nhận được “tấm bánh do chính tay của người mẹ làm gởi đến”, anh mới chịu ăn. Nhờ đó mà anh được cứu sống. Đơn giản, tấm bánh của người mẹ là kết tinh của một tình yêu, tình mẫu tử; một “tấm bánh mang hương vị tình yêu”! Vâng, thế giới hôm nay cũng là một thế giới đang bệnh hoạn, hấp hối bởi vì đang “thiếu tình yêu”, nên chỉ có một con đường đem lại sự hồi sinh chính là thế giới hãy mở lòng ra đón nhận “Tấm Bánh Giêsu”, tấm bánh mang hương vị tình yêu cứu độ, tình yêu giải thoát và tình yêu dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng!  

Trương Đình Hiền