THẾ GIỚI ĐANG CẦN NHỮNG CHỨNG NHÂN NHƯ THẾ

(CHÚA NHẬT 26 TN B 2024)

          Trong cuộc gặp gỡ Chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Singapore ngày 12.9.2024 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có những lời phát biểu sau:“Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục làm việc vì sự liên đới và tình huynh đệ của nhân loại, vì lợi ích chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia, với sự hiểu biết không loại trừ hoặc hạn hẹp về lợi ích quốc gia.”

Nhận xét đầy tính nhân văn nầy của ĐTC, chắc chắn đã phát xuất từ những giáo huấn Phúc Âm cùng những cảm nghiệm trong chặng đường lịch sử thăng trầm của Giáo hội.

          Thật vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rằng: Ngay từ thời Cựu ước, Dân Chúa đã bị cám dỗ hình thành một cộng đoàn khép kín, cục bộ; não trạng trần tục nầy đã lưu lại dấu vết ngay từ thời Môsê như chúng ta vừa được nghe công bố trong sách Dân số: Giosuê muốn bịt miệng hai ông Enđát và Mêđát, chỉ vì hai ông nầy nói tiên tri mà không chính thức có mặt trong hàng 70 kỳ mục: Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: “Elđad và Mêđad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”

          Rồi sang giai đoạn Tân ước, các “cột trụ” của cộng đoàn Hội thánh cũng suýt đi vào vết xe cũ cực đoan và bất khoan dung nầy: Gioan Tông Đồ đã cố ngăn cản những người không thuộc “Nhóm Mười Hai” nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

          Thế nhưng, Chúa Giêsu không thiết lập một Giáo hội “pháo đài”, khép kín; mà là một Hội thánh Công giáo, một “cộng đoàn mở” đón nhận tất cả những ai được Thánh Linh tràn ngập và được Tin mừng hướng dẫn. Thái độ của Môsê vào thời Xuất hành đã dự báo tính Công giáo của đoàn Dân Mới: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (BĐ 1) mà Công Đồng Vatican II đã hiện thực bằng những xác quyết như một lời tuyên tín: “Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người (x. 1 Cr 11,25), Người kêu gọi đoàn người gồm cả Do thái và dân ngoại để họ nên một, không phải theo huyết nhục nhưng là trong Thần Khí, và đây chính là Dân mới của Thiên Chúa” (GS số 9). Trong khi đó, thái độ của Chúa Giêsu vào thời Tân Ước “Đừng ngăn cản người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (TM) lại mở ra chân trời đức tin đầy hy vọng cho toàn thể loài người: Ơn cứu độ dành cho hết mọi người đi trên nẻo đường công chính, như sách Công vụ Tông đồ xác nhận và Công đồng Vaticanô II tái xác quyết: Vào mọi thời và trong mọi dân tộc, bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi đức chính trực đều được Người tiếp nhận (x. Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện.” (GS số 9).

          Tất cả những gợi ý của Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh đó vẫn là một sứ điệp mang tính thời sự cho tất cả chúng ta. Vì ngay ở đây và bây giờ, trong đất nước tôi, trong cộng đoàn của tôi, trong gia đình của tôi, trong nhóm sinh hoạt của tôi… có thể đang tồn tại một thái độ bất khoan dung, khép kín của Giosuê, hay một tinh thần phe nhóm, loại trừ của tông đồ Gioan…

          Có một điều không thể hoài nghi đó là: sự khoan dung, đón nhận, liên đới… bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp. Người ta khẳng định rằng, sở dĩ đất nước Mỹ hùng cường, thịnh vượng, phát triển là do yếu tố quan trọng bậc nhất nầy: đất nước sẵn sàng đón nhận mọi dân tộc (Hợp chúng quốc); và có một bằng chứng lịch sử đầy thuyết phục về sự bao dung đó là: vẻ đẹp của ngày kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc: Toàn thể phe thắng trận Miền Bắc, từ Tổng thống Abraham Lincoln tới tướng U. Grant cùng toàn thể quân đội đều tỏ thái độ kính trọng, bao dung đối với phe bại trận Miền Nam: “Tất cả hàng ngũ quân miền Bắc khi đón tiếp quân bại trận miền Nam thì thay vì khinh bỉ hay kiêu ngạo, lại đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh, dùng nghi lễ quân sự trang nghiêm để bày tỏ sự kính trọng. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm…”[1].

          Từ thái độ khoan dung, đón nhận nhau trong đức ái, Lời Chúa hôm nay còn gọi mời chúng ta mang một nhãn quan mới, một tinh thần mới để vừa khám phá những điều kỳ diệu trong những nhỏ nhặt đời thường, cái nhỏ nhặt như “một ly nước lã”, mà tri ân cảm tạ; cùng tránh mọi gương mù cho những kẻ yếu đuối, hay can đảm nói không trước mọi lôi kéo của dục vọng làm mất phúc thiên đàng; sự can đảm chỉ có được khi biết đặt mình trong khiêm hạ phó thác: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn… Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục…”

          Khi dùng hình ảnh biểu thị những hành động quyết liệt để chiến thắng cám dỗ, chắc chắn Chúa Giêsu muốn giáo huấn của Tin mừng phải được thể hiện bằng hành động cụ thể và mạnh mẽ, dứt khoát, chứ không phải chỉ là một ý tưởng suông mang tính mị dân hay giả hình, lý thuyết. Chuyện “hy sinh nhục thân” để chiến thắng cám dỗ hay để đạt được mục tiêu tối thượng, giá trị cao cả… vẫn thường xảy ra giữa cuộc sống đời thường:

– O’Reil, một trong những nhà lập quốc Ái Nhĩ Lan, đã chặt cánh tay ném lên hòn đảo để trở thành chủ nhân của đảo quốc này.

– Đại tá La Văn Cầu, hy sinh cánh tay phải bị thương để dễ dàng ôm bộc phá công đồn…

– Nhà sư Kiệm hay (Thích Thiên Tuệ) hy sinh cánh tay trái để cúng dường Tam bảo…

          So với sự hy sinh của O’Reil để có được một mảnh đất hoang nhỏ bé trên bản đồ thế giới, hay Đại tá Cầu để chiến thắng một trận đánh và nhà sư Kiệm để cúng dường Tam Bảo, với đòi hỏi của Chúa Giêsu để có thể chiếm hữu được Vương quốc Nước Trời, thì đâu có gì quá đáng. Thế nhưng để làm được chuyện nầy thật không phải là chuyện giản đơn. Tuy nhiên, nếu một ai đó biết nhìn thấy Thiên Chúa và tình yêu hiến tặng trong một ly nước lã, cũng như biết trân trọng và chỉn chu thực thi những hành vi nhỏ nhặt đời thường hay hoán cải trở nên những con người bé nhỏ đơn sơ… thì điều đó lại trở nên hiện thực và khả thi.

          Trong một thế giới mà sự hận thù, bất bao dung đang như ngọn lửa bùng lên khắp nơi, một thế giới mà giới quyền lực, giàu sang tha hồ tác oai, tác quái trên những thân phận bé nhỏ nghèo hèn, như lời cảnh báo từ hai ngàn năm trước của thánh Giacôbê Tông đồ: “Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”, thì quả thật, sứ điệp Lời Chúa hôm nay cần thiết biết bao. Vâng, thế giới đang cần những “chứng nhân Tin mừng”, chứng nhân của tình bác ái bao dung, chứng nhân của công chính và khiêm hạ. Vâng, đó chính là những con người làm nên những điều vĩ đại cho thế giới, cho nhân loại, như lời kết luận Đức Phanxicô trong bài diễn văn tại Singapore: “với những người luôn khiêm tốn và biết ơn, Thiên Chúa có thể hoàn thành những điều vĩ đại vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Trương Đình Hiền


[1] AN HOÀ, Nội chiến và sự bao dung của người Mỹ, website https://trithucvn.org/van-hoa/tong-thong-abraham-lincoln-noi-chien-khong-co-nguoi-thang.html, đăng ngày 25.2.2021.