VÌ SAO NÀO TA SẼ CHỌN?

Views: 18

(Lễ Hiển Linh 2025)

          Đã từ rất lâu, khi những người Kitô hữu mừng lễ Chúa Giáng Sinh, thì biểu tượng “Ngôi Sao Bê Lem” cũng đã xuất hiện, hoặc trong ngôn ngữ, thi ca, âm nhạc; hoặc trong những hình ảnh rạng ngời để trang trí… Đặc biệt, trong thế giới hôm nay, khi mà kỹ thuật về điện, ánh sáng tiến bộ vượt bực, thì mỗi mùa Giáng Sinh, khắp nơi trên toàn thể địa cầu, đâu đâu cũng rực lên những “vì sao Bê Lem” rạng rỡ sắc màu. Phải chăng đã tới lúc câu Kinh Thánh tự ngàn xưa đã ứng nghiệm: “Muôn dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 97).

          Thật ra, biểu tượng “Ngôi Sao Bê Lem” sở dĩ gắn liền với đại lễ Giáng Sinh vì theo trình thuật của Tin Mừng Matthêô, ngày Chúa Giáng Sinh, đã xuất hiện “một vì sao lạ bên phương Đông”; và chính ngôi sao này đã dẫn lối đưa đường cho các đạo sĩ phương Đông xa xôi tiến về Bê Lem gặp gỡ và tôn thờ “Ấu Chúa” (Mt 2,1-12). Ý nghĩa sâu xa của sứ điệp “ánh sao lạ” này trong giáo lý và thần học Kitô giáo chính là sự “Hiển linh” (Hy Lạp: Epyphaneia) hay sự “Tỏ mình” của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Riêng Phụng vụ Công Giáo, đã dành riêng một ngày lễ trọng sau tuần Bát Nhật Giáng Sinh để mừng đặc biệt mầu nhiệm “Hiển Linh” này; nhưng không chỉ “Hiển Linh” với biểu tượng Ba Vua và Sao Lạ mà còn “Hiển Linh” qua biến cố Chúa chịu phép rửa bên dòng sông Gio-đan và Hiển linh qua phép lạ Chúa hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.

          Qua những “dấu chỉ đầy ấn tượng” của Lời Chúa đó, ý nghĩa đầu tiên của sứ điệp Hiển Linh chính là “ảnh hưởng bao trùm của công cuộc cứu độ”; hay nói cách khác, việc Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa đi vào trần gian, Thiên Chúa “đến cắm lều ở giữa nhân loại” không phải là chuyên riêng tư của một gia đình bé nhỏ: Giuse, Maria và Hài Nhi Giêsu; nhưng là công cuộc cứu độ có liên quan đến toàn thể nhân loại, ảnh hưởng trên toàn bộ lịch sử loài người và cả vũ trụ, trải dài trên mọi chiều kích không gian và thời gian.

          Viễn tượng nầy, thật ra, từ xa xưa trong Cựu ước, Thiên Chúa đã mặc khải qua cái nhìn và cảm nhận của sứ ngôn Isaia (Bđ 1): “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân; nhưng trên mình ngươi, Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi …”.

          Đó phải chăng là một “Tin Mừng vĩ đại cho toàn dân” (Lc 2,10) mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thành Bê lem trong đêm Ngôi Hai giáng thế; cũng là Tin Mừng được Đức Kitô ra lệnh cho cho các môn sinh “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…” (Mc 16,15); và cũng là tin vui quan trọng nhất mà theo nhận định của Thánh Phaolô trong thư Êphêsô (Bđ 2) nhờ đó “các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần với lới hứa của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (Ep 3,6), một “dân ngoại” được minh họa đầy ấn tượng qua ba nhà đạo sĩ phương đông với những lễ vật cũng mang đầy nội dung Cứu độ: vàng (vương đế), nhũ hương (tư tế), mộc dược (khổ nạn hay mầu nhiệm Vượt Qua).

          Nếu đem sứ điệp đầy hy vọng của mầu nhiệm Hiển Linh nầy soi chiếu vào thế giới hôm nay chúng ta sẽ thấy gì? Thấy còn hơn hai phần ba nhân loại chưa nhận biết Chúa Kitô; thấy thế giới còn phủ đầy bóng tối của chiến tranh chết chóc hận thù; thấy còn biết bao dân tộc, con người, gia đình đắm chìm trong mê tín dị đoan, lầm đường lạc lối trong đam mê dục vọng, trong tội lỗi thất vọng…

          Như vậy, có thể nói được, “cuộc Hiển Linh” cách đây 2024 năm của Đấng Emmanuel vẫn còn đang ở phía trước, vẫn là niềm hy vọng, là một “gọi mời” để nhân loại cất bước lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Đức Kitô như ba nhà đạo sĩ thuở nào. Cách riêng, đối với dân Công Giáo, “ánh sao Bê Lem” năm nay, Năm Thánh lệ thường 2025, phải là dấu chỉ để dẫn lối cho cuộc “hành hương trong hy vọng”  (Peregrinantes in Spem) tiến bước về phía của ánh sáng Tin Mừng, về phía của Đấng là “đường, sự thật, sự sống”, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ trong Sắc chỉ “Spes non confundit”: “Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người”. Như thế, sứ điệp Lễ Hiển Linh không là câu chuyện cổ tích để mỗi năm chúng ta đọc lại một lần, diễn lại như một vở kịch, một “đoạn phim của quá khứ”, mà là một khởi đầu mới, như cách cảm nhận của một bài thơ:

Khi ngôi sao trên bầu trời biến mất

Khi các vua chúa và hoàng tử đã ở nhà

Khi các mục đồng và đoàn súc vật đã trở về

Thì công việc Giáng Sinh mới bắt đầu:

Để tìm lại những gì đã mất

Để hàn gắn những gì đã gãy đổ

Để người đói được ăn no

Để tù nhân được giải phóng

Để các nước xây dựng lại

Để đem an bình cho  mọi người

Và để hòa nhạc bằng trái tim.

          Chút nữa đây thôi, Chúa Giêsu sẽ “hiển linh” cho mỗi người chúng ta cách trầm lắng, khiêm lạ, giản đơn qua “Tấm Bánh, Ly Rượu” là chính Máu Thịt của Ngài được trao ban qua bàn Tiệc Thánh Thể. Mầu Nhiệm Vĩ đại nầy được “hiển linh” cách âm thầm, khiêm tốn quá thể, mà chắc chắn, những con người đang mang trong cõi lòng những tham vọng hận thù trần tục như bạo vương Hêrôđê, mang não trạng trần tục, kiêu căng và giả hình như các nhà luật sĩ và biệt phái ở Giêrusalem 2000 năm trước… sẽ không bao giờ nhận ra, hiểu thấu và gặp gỡ!

          Vâng, chỉ có những ai “khao khát mới được toại lòng” và chỉ những ai “trong sạch trong lòng mới được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,6.8), chẳng khác nào, như ba nhà đạo sĩ khi xưa, chỉ khi ra khỏi cái “đô thành Giêrusalem trần tục của Hêrôđê”, mới tìm lại được “ngôi sao ở phương Đông, để rồi, đi trước họ dẫn tới chỗ Hài Nhi”!

          Ước gì trong Năm Thánh hy vọng này, mỗi người sẽ tìm thấy một “vì sao rực sáng”, “vì sao hy vọng”… cho đời mình chứ không phải “một vì sao vụt tắt” hay “Một tinh cầu giá lạnh… một vì sao trơ trọi” (Bài thơ “Những sợi tơ lòng của Chế Lan Viên). Bởi vì, nếu như thế đời sẽ buồn lắm và chẳng đem lại giá trị gì cho mình và cho nhân thế!

Trương Đình Hiền