Views: 16
(Chúa chịu phép rửa năm C 2025)
Phụng vụ Công Giáo hôm nay mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa; hay nói cách khác, mừng mầu nhiệm Chúa hiển linh, Chúa tỏ mình cho dân, một đoàn dân tội lỗi hỗn tạp đang tập trung nơi dòng sông Giođanô giữa hoang mạc Giuđêa để ông Gioan làm “phép rửa sám hối”. Đây là cuộc “hiển linh” hi hữu của một Đấng cao cả mà ông Gioan đã từng tuyên cáo cho những người Israel đang quy tụ chung quanh ông khi cho rằng ông chính là Đấng Mêsia: “Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”. Và “Đấng cao trọng” mà Gioan giới thiệu đó lại đang đến, đang có mặt ở đây, giữa một đám dân ô hợp mà theo mô tả của thánh sử Luca qua miệng của ông Gioan là “nòi rắn độc” (Lc 3,7); trong đó có “những người thu thuế” (3,12), binh lính (3,14)…
Thế nhưng, trong chương trình vĩ đại của Thiên Chúa, thì cuộc “hiển linh” với hình thức ô hợp, giản đơn và dân dã này lại là một cuộc “đăng quang” của Đấng Emmanuel, Đấng Cứu Độ, Đấng là “Con Một của Thiên Chúa được tặng ban cho thế gian”!
Thật vậy, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mà Hội Thánh cử hành hôm nay, có thể nói được, chính là lễ “Đăng Quang của Đấng Mêsia”, lễ “Nhậm chức Cứu Thế” của chính Đức Kitô, mà Tin Mừng Luca đã tường thuật cách giản đơn đến lạ lùng: Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Để hiểu được biến cố “Chúa Giêsu chịu phép rửa” mang ý nghĩa một “lễ đăng quang của Đấng Cứu Thế”, chúng ta phải tìm về những “nẻo đường mạc khải” mà Thiên Chúa đã “âm thầm” chuẩn bị cho sự kiện có một không hai này!
Đúng vậy, Kinh Thánh đã tường thuật rằng: để chuẩn bị cho ngày “Đấng Cứu Thế” xuất hiện, đăng quang “ngai tòa Cứu Thế”, Thiên Chúa đã từng gửi đến nhiều nhân vật như một “dáng đứng tiên trưng”: Đó là Môsê vị đại thủ lãnh giải thoát dân khỏi nô lệ Ai cập. Nhưng ông đã chết trước khi được vào hứa địa! Tiếp đến, những kẻ kế vị ông cũng lặng lẽ qua đi. Sau đó, Chúa lại gởi đến nhiều nhân vật khác cũng mang vóc dáng “tiên trưng”, như Thủ lãnh Samson có sức mạnh vô địch, như Đavít vị anh quân bách chiến bách thắng, như ngôn sứ Êlia uy phong lẫm liệt tiêu diệt “bè lũ dỡm thần Baal”, như mãnh tướng Giuđa Macabêô gây kinh hoàng táng đởm cho quân ngoại đao… Tuy nhiên, tất cả những “nhân vật tiên trưng” về một Đấng Mêsia phải đến đều đã mất hút trong đêm dài của lịch sử; có còn chăng chỉ là những lời vang vọng của ngôn sứ Isaia về một Đấng Emmanuel được sinh ra bởi một trinh nữ!
Thế rồi, đã có một thời cả Giêrusalem náo động xôn xao, khi Ba Nhà Đạo Sĩ Phương Đông tìm đến đây và kháo láo rằng: Đấng Cứu Thế đã xuất hiện; Ngôi Sao của Ngài đã hiển hiện bên trời đông; và khắp miền Giuđêa rạo rực tò mò với Tin Vui “Đấng Cứu Thế Giáng sinh nơi hang lừa máng cỏ Be lem” do các mục đồng ở đó loan ra (Lc 2,8-14)… Thế nhưng, các bản “tin vui về một Vì Vua Cứu Thế” đó cứ phai nhạt dần nếu không nói là “mịt mù bóng chim tăm cá”; nhất là sau biến cố Hêrôđê tắm máu các ấu nhi từ hai tuổi trở xuống cũng tại đây, nơi xuất hiện “vì sao lạ”, nơi có “hoàng tử bình an” sinh ra giữa hang súc vật!
Câu chuyện “Đấng Cứu Thế, Đấng Mêsia giáng sinh” đó đã lặng im suốt 30 năm bỗng bừng dậy không phải ở thủ đô Gieerrusalem mà là bên dòng sông Giođan vốn âm thầm lặng lẽ! Vâng, hôm nay, vị ngôn sứ cô độc đến từ hoang mạc Giuđê, Gioan Tẩy Giả, lại mạnh mẽ rêu rao: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”. Và lời tiên tri của Gioan đã chẳng phải đợi chờ lâu bởi vì chính hôm nay, trong sự kiện chàng thanh niên đến từ Nadaret đến để ông Gioan làm phép rửa, Thiên Chúa đã quyết định chính thức giới thiệu Người Con Một cho nhân thế: chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Thì ra, những lời tiên tri của ngôn sứ Isaia cứ tưởng chỉ là chuyện ươm mơ nay đã trở thành hiện thực (BĐ 1): “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. (…). Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm…”.
Cứ tưởng rằng câu chuyện hi hữu này chẳng ai để ý, không mấy kẻ quan tâm, ghi nhớ! Ai dè đâu, hơn ba năm sau đó, khi Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ vụ trên trần gia và “thăng thiên” đi về bên Thiên Chúa, thì người đồ đệ thân tín của Ngài, Tông đồ Phêrô, trong ký ức không phai nhòa của mình về Thầy Chí Thánh, đã đã tóm kết mầu nhiệm nầy bằng những lời đơn gọn được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại: “Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người…” (BĐ 2).
Như vậy, khi cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa Hội Thánh muốn chuyển tải sứ điệp gì cho cộng đoàn chúng ta hôm nay?
– Sứ điệp đầu tiên đó là: Chúa đã xuống thật thấp để đồng hành với con người nên ta cũng đừng e ngại mà hãy đến gần Thiên Chúa. Thật vậy, nếu 30 năm trước, hang lừa máng cỏ là nơi thấp hèn được Đấng Emmanuel là Lời quyền năng chọn để “nhập thể và ở cùng chúng ta”, chọn làm cung điện để Vua Trời giáng sinh làm người…, thì hôm nay, giữa đoàn người ô hợp, tội lỗi, cùng đinh mạt hạng…, Đấng Mêsia đó, Đức Giêsu Cứu độ đó, Đấng Thánh của Thiên Chúa đó… không nệ chen vai sát cánh để trở thành “Người Anh Cả của muôn vạn đứa em” (Rm 8,29). Chúa chịu phép rửa cũng có nghĩa là Thiên Chúa đã bước xuống cuộc đời tôi để đồng hành sẻ chia, để yêu thương tha thứ… Vậy có lẽ nào ta lại ngoảnh mặt làm ngơ!
– Sứ điệp thứ hai đó la: Chúa đã thật sự “mở lòng” hết cở để sẻ chia và trao ban quà tặng quý giá nhất: là “Con yêu dấu của Cha”. Và người Con Một đó ngay từ hôm nay, khi được Thần Khí tràn ngập, bắt đầu dấn thân vào sứ mệnh cứu thế mà điểm đến chính là trở nên lễ tế hy sinh vì tình yêu cứu độ. Chúa đã quảng đại, rộng rãi như thế có lẽ nào ta lại khư khư giữ chặt cái tôi ích kỷ, hẹp hòi! Một thái độ tạ ơn đúng nghĩa, một đáp trả của tình yêu đó chính là “Hãy vâng nghe Lời Người”!
– Sứ điệp cuối cùng đó là: Hãy sống trọn hảo hồng ân Nhiệm tích Thanh Tẩy. Bởi vì, chính hôm nay, Chúa Kitô cùng với “Thánh Thần”, đã biến dòng nước bình thường của dòng sông Giođanô và muôn dòng nước khác trên địa cầu thành dòng nước có sức thánh hóa, tẩy sạch tội lỗi và dìm con người trong chính cuộc Khổ nạn-Phục sinh của Ngài… Vâng, bí tích Rửa tội đã biến đổi tận căn con người trần tục của chúng ta, những Kitô hữu, như xác quyết của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Kitô hữu giáo dân: “Bí tích Thánh Tẩy tác sinh chúng ta vào cuộc sống con cái Thiên Chúa; kết hiệp chúng ta với Đức Kitô và với Thân Thể của Ngài là Giáo Hội; xức dầu cho chúng ta trong Thánh Thần qua việc biến chúng ta thành những đền thờ thiêng liêng.” (Số 10). Phẩm giá của chúng ta, những người Kitô hữu, quá cao cả như thế lẽ nào chúng ta lại để “đền thờ thiêng liêng” bị “nhúng chàm” khi để tội lỗi thống trị; hay khi hạ mình chọn lựa những giá trị chỉ dành cho “con cái ma quỷ”…
Như vậy, khi đứng trước mầu nhiệm trọng đại nầy đang tái diễn, nhất là, trước Lời Chúa Cha đang thúc dục “Hãy vâng nghe Lời Người” và trước lời Chúa Kitô “Hãy cầm lấy mà ăn”, hà cớ gì tôi lại không vui mừng cảm tạ để “bước đến bên Ngài”, mở lòng đón nhận và tháp tùng theo Ngài mà tiến bước trên nẻo đường hy vọng, con đường sẽ dẫn tới Nước Trời, bến bờ hạnh phúc đích thực.
Giuse Trương Đình Hiền