Views: 20
(Chúa Nhật 3 TN C 2025 – Chúa Nhật Lời Chúa)
Qua cuộc chiến đang nỗ ra tại Trung Đông chưa đến hồi kết thúc, cho dù đang có cuộc ngừng bắn khá mỏng manh tại Gaza, thế giới lại một lần nữa tập chú vào con người và đất nước Israel, một dân tộc duy nhất dưới vòm trời này xác tín rằng họ chính “dân tộc của Thiên Chúa”; và bộ Thánh Kinh Cựu ước chính lịch sử về nguồn gốc, hình thành, phát triển và mọi bước thăng trầm của họ! Vì thế, Thánh Kinh hay “Sách Lời Chúa” đó chính là gia bảo tinh thần đã cố kết, rèn luyện và đồng hành với dân tộc Israel trong suốt chiều dài lịch sử của họ; và có thể nói được, chính Kinh Thánh đã giúp dân tộc nầy giữ gìn “căn tính Do Thái” và giúp họ vượt qua mọi thăng trầm (lưu đày, nô lệ, mất nước…) để tồn tại và ngày nay phát triển thành một cường quốc.
Vì thế, chẳng có gì lạ: mỗi ngày, trẻ em Do Thái đều được cha mẹ hướng dẫn chạm ngón tay vào Kinh Thánh, sau đó nhúng vào mật ong và nút lấy ngón tay với mật ong để ngụ ý rằng: Lời Chúa là mật ngọt, bồi bổ cho tâm hồn, là bài học vỡ lòng căn bản và quan trọng nhất! Không chỉ dừng lại ở đó, mọi người dân Israel còn phải long trọng cử hành, đọc, lắng nghe như chính Thiên Chúa đang đích thân hiện diện và phán dạy, như câu chuyện được sách Nơkhêmia tường thuật mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 1: “Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất”.
Đây là cuộc cử hành Lời Chúa đầu tiên, khoảng năm 445 (TCN) khi dân Israel hồi hương về xây lại “bức tường Đền thờ” sau bao nhiêu năm lưu đày, bon chen tất bật với cuộc sống đầy nhiểu nhương nơi đất khách quê người. Hôm ấy, trên mảnh đất của quê nhà, bên những bức tường thành Thánh Giêrusalem vừa được tái thiết, cộng đoàn hồi hương Do Thái được thầy tư tế Esdras công bố Lời Chúa. Họ hết sức cảm động đến bật khóc: lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật; họ trân trọng lắng nghe với thái độ cung kính thẳm sâu “Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất ”.
Sở dĩ họ có được tâm tình và thái độ cung kính đặc biệt khi cử hành Lời Chúa như thế vì đã lâu lắm họ mới tìm lại được cái cảm thức và khung cảnh đức tin này. Thật vậy, vào buổi lưu đày, với cuộc sống nộ lệ nơi dân ngoại đạo, với bao cấm cách bách hại buộc quay lưng lại với đức tin độc thần, với Lời Chúa, với Kinh Thánh; cùng với bao cám dỗ mê tín dị đoan của tôn giáo tín ngưỡng ngoại lai, cám dỗ đam mê hưởng thụ vật chất, “cơm áo gạo tiền” và tồn sinh… nên dân Israel đã dần quên lãng Thiên Chúa, xa rời Kinh Thánh.
Câu chuyện “cử hành Lời Chúa” của dân Israel trong sách Nơkhêmia đang nhắc nhở chúng ta. Vâng, rất nhiều người Kitô hữu hôm nay cũng đang rơi vào tình trạng “lưu đày đức tin” như thế; tính thế tục và não trạng ngoại đạo cũng đang chi phối nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn. Người ta chẳng còn tha thiết gì đến việc họp nhau cử hành và lắng nghe Lời Chúa; nếu có, đôi khi chỉ là một sự gượng ép, chịu đựng bất đắc dĩ hay “kéo gai qua trổ” cho xong một “ván lễ”, một “cử hành máy móc, hình thức”…! Phải chăng, cũng vì lý do nầy, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 30.9.2019 đã quyết định thiết lập Chúa Nhật III TN, chính là Chúa Nhật hôm nay, làm ngày “Chúa Nhật Lời Chúa” để toàn thể dân Công Giáo cùng nhau “cử hành, suy tư và để công bố Lời Chúa” (…) “để sống Chúa nhật này như một ngày trọng thể”.
Điểm quy chiếu trọn hảo cho hành vi đức tin đặc biệt nầy lại là chính Chúa Giêsu, như Tin Mừng Luca tường thuật: Chúa Giêsu cử hành Lời Chúa tại hội đường quê hương, một việc làm, một cử hành mà Ngài đã thực hiện xuyên suốt trong cuộc đời 30 năm ẩn dật: “Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách”.
Như vậy, quá rỗ ràng để nhận ra rằng: sứ điệp Lời Chúa hôm nay tập trung vào hai điểm nhấn: dân Israel trở về quê hương và cử hành Lời Chúa cách long trọng trên nền của Đền Thờ Giêrusalem và việc Chúa Giêsu trở về Nadarét và công bố Lời Chúa nơi hội đường quê hương và tuyên cáo Lời Chúa được ứng nghiệm trên chính cuộc đời Ngài. Mỗi người đều có một quê hương, một nơi chốn để trở về “hong lại niềm tin”, làm sống lại những “thói quen đạo đức”, những truyền thống thánh thiện mà đôi khi, vì cuộc sống xô bồ, bận bịu… chúng ta đã nhạt nhòa lãng quên hay đánh mất. Để Đức Kitô sống lại trong cuộc đời ta không gì khác hơn là đón nhận, là sống Lời Chúa, là học hỏi, cử hành và thực hành Kinh Thánh. Bởi vì như Thánh Giêrônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.
Đừng quên, Tin Mừng còn xác nhận điều quan trọng này: Lời Chúa không chỉ được Đức Kitô công bố suông mà Ngài còn làm cho Lời đó được ứng nghiệm trên cuộc đời của mình: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Sự “ứng nghiệm:” mà Đức Kitô nói đó chính là: Tin mừng được hiện thực, tin vui được lan tỏa và chứng nghiệm ngang qua nhịp sống đời thường, từ Cana tới Tibêriát, từ Magđala tới Giênêzarét, từ Capharnaum, tới Betsaiđa, xuyên qua Côrôzain đến tận phía bắc vùng Tyrô, Siđon, rồi lan tỏa tới tận miền nam Giuđêa, Thủ đô Giêrusalem…; đâu đâu người ta cũng nghe tin vui: mù thấy, điếc nghe, què nhảy nhót, câm ca hát…; cả phung cùi cũng bỏ hoang mạc kéo về trong hy vọng, gái điếm hoàn lương, dân chài, cả người thu thế cũng rủ nhau đi làm đồ đệ … và cả một đoàn lũ dân nghèo mở cờ trong bụng, hạnh phúc tuyệt vời, vì từ nay được tuyên phong “Nước Trời là của họ”!
Sau hai ngàn năm, sứ mệnh “ứng nghiệm Lời Chúa” vẫn phải được tiếp nối. Chúng ta phải làm cho Lời Chúa được ứng nghiệm trên chính cuộc sống của chúng ta, cộng đoàn chúng ta; “ứng nghiệm” bằng đời sống bác ái, huynh đệ, bằng sự cảm thông chia sẻ, bằng sự phục vụ quên mình, bằng sự khiêm hạ khó nghèo và hoán cải… Đứng trước một thế giới quá nghèo nàn về chân lý và những giá trị của Phúc Âm, nhưng lại quá tất bật và bon chen trước các nhu cầu vật chất và hưởng thụ; quá thiếu thốn về tình thương sẻ chia, yêu thương bác ái, hiệp nhất hòa bình… nhưng thừa mứa hận thù, ích kỷ, chiến tranh, bạo lực…, thì người Kitô hữu cần phải làm chứng Tin Mừng về “Bát phúc”, Tin Mừng về hiệp nhất yêu thương, Tin mừng về bác ái, hy sinh và giá trị đích thực của Lời Chúa: “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Nếu trong ngày cử hành Lời Chúa của dân Israel thời hậu lưu đày đã tỏa rạng niềm vui thánh thiện: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”… vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!”, thì Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật Lời Chúa, niềm vui cũng phải được lan tỏa, chi phối toàn thể cộng đoàn chúng ta. Từ Chúa Nhật hôm nay, hãy thêm lòng xác tín: Lời Chúa có sức mạnh nối kết và thánh hóa, là quyền năng tái tạo và hiệp nhất của chính Chúa Thánh Thần, như thánh Phaolô xác quyết trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do Thái hay Hy Lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần…”. Đây cũng chính là điều mà cả Hội Thánh nỗ lực cầu nguyện trong suốt một tuần lễ và hôm nay là ngày kết thúc: cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Ước gì Lời Chúa hiệp nhất cộng đoàn chúng ta, phá tan mọi rào cản của chia rẽ, bất đồng, rạn nứt… để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương…
Như thế, việc “cử hành” và “ứng nghiệm Lời Chúa” đâu phải là chuyện bâng quơ được chăng hay chớ, hay là chuyện cổ tích để nghe cho vui tai… mà là một trách nhiệm, bổn phận phải cán đáng hết mình, phải nghiêm chỉnh thực thi. Đặc biệt, Lời Chúa đang ứng nghiệm cách cụ thể, hiện thực ở đây, trên bàn thờ này, khi Tấm Bánh được bẻ ra và khi mỗi người chúng ta được nhận lãnh: “Hãy nhận lấy mà ăn… nầy là Mình Thầy…”. Một khi “Lời đã ứng nghiệm thành Máu Thịt” để nuôi sống chúng ta, chúng ta hãy để “Lời và Máu Thịt Chúa” ứng nghiệm trên chính cuộc đời mình và trên mọi nẻo đường cuộc sống!Trương Đình Hiền