Views: 15
(Thứ Năm Tuần Thánh)
Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa …
Chiều hôm nay, Thứ năm Tuần Thánh, Khai mạc Tam Nhật Vượt Qua, một thời gian đặc biệt và cao cả nhất trong Nam Phụng vụ, cộng đoàn chúng ta họp cử hành “Tưởng niệm tái diễn” Bữa Tiệc Ly, tức Mầu Nhiệm Thánh Thể ở ngày thời điểm được Đức Kitô thiết lập. Chính từ Bữa Tiệc Ly đầu tiên này, Đức Kitô luôn hiện diện qua Hình Bánh-Rượu khi trở nên Máu Thịt nuôi dưỡng chúng ta và liên kết chúng ta nên một thân thể với Ngài qua Thánh lễ mỗi ngày.
Giờ đây, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh hay thực hiện lời trăn trối ngày nào của Đức Kitô: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.
Giảng Lời Chúa
Buổi chiều hôm nay chúng ta hội họp nhau đây để cử hành một cái “Giờ” đặc biệt của Đức Giêsu Kitô, một “Giờ cao điểm diễn ra một hành vi có một không hai của Đức Kitô” liên quan đến trọng tâm đức tin của Kitô giáo, đến Phụng vụ của Giáo Hội và đến số phận đời đời của mỗi người mà Hiến chế Phụng vụ đã trân trọng định nghĩa: “đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, “trong đó, khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau” (PV số 47).
Vâng, chúng ta đang cử hành một “Bí tích tình yêu”; vì tất cả những gì diễn ra trong phụng vụ hôm nay như đóng ấn “yêu thương” trên toàn bộ “33 năm nhập thể làm người” trên trần gian của Đức Kitô, một tình yêu tột đỉnh, như cách diễn đạt của thánh sử Gioan:“Đức Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở trần gian nầy, Người đã yêu thương họ cho đến cùng.”
Qua những chỉ dẫn của Phụng vụ, nhất là các Bài đọc Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra “hành vi yêu thương cho đến cùng” của Đức Kitô qua các dấu chỉ: Máu và tình yêu Thánh Thể – Rửa chân và tình yêu phục vụ – tác vụ Linh mục và tình yêu mục tử.
– Máu và tình yêu Thánh Thể:
Mở đầu phần Phụng vụ lời Chúa, sách Xuất hành đã mô tả nghi lễ Vượt Qua đầu tiên trong Lịch sử dân Israel và cũng là Lịch sử cứu độ bằng hình ảnh “máu con chiên bị sát tế”: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con (…) để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên (…). Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập”.
Con chiên bị sát tế và máu đổ ra đã trở thành một Giao ước tình yêu và cứu độ giữa Thiên Chúa và dân Israel: “Đây là máu giao ước mà Giavê đã ký kết với các ngươi” (Xh 24,3-8). Thánh Gioan đã trực nhận: Đức Kitô chính “Chiên Con bị sát tế” (Kh 5,11) và chính “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1,5). Các Tin mừng Nhất lãm và cả thánh Phaolô đều đồng thanh ghi nhận “máu Giao ước mới” chính là “máu Đức Kitô đổ ra” qua bí tích Thánh Thể được Ngài thiết lập trong bữa Tiệc Vượt Qua cuối cùng: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27). Thư Do Thái nhiều lần nhiều nơi đã xác nhận chân lý nền tảng này: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình … Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết” … (Dt 9,12.14). Và nếu trái tim là biểu hiện của tình yêu, thì quả thật, những giọt máu được vắt cạn từ Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là biểu hiện của một “tình yêu đến cùng” trong ngôn ngữ của Thánh Gioan: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).
Là những người được diễm phúc “dự phần Máu Thịt của Đức Kitô”: Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? (1 Cr 10,16), lẽ nào không cảm được chút gì tình yêu để rồi “đáp trả tình yêu”! Nếu không hết mình, trọn hảo như Anrê Phú Yên, như Maximilien Kolbe… thì ít ra cũng sẵn sàng đón nhận mọi thương đau nhức nhối của bệnh hoạn trong những giờ hấp hối như các chị em của chúng ta: chị Mácta Kiều Nhi, chị Anna Lai…
– Rửa chân và tình yêu phục vụ:
Chúng ta vẫn biết, các tác giả Tin mừng Nhất Lãm, khi trình bày việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, đã nhấn mạnh đến “yếu tố Truyền Phép”. Thánh Gioan lại dẫn chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Thánh Thể bằng một lối đi riêng: việc rửa chân và ban điều luật yêu thương: Vâng, theo ngài, “Rửa chân” và “Luật yêu thương” trong bối cảnh của Bửa Tiệc Ly lại là một “dấu chỉ” tuyệt vời về Thánh Thể, và là chìa khoá không thể thiếu để hiểu về Thánh Thể lẫn thiên chức linh mục.
Thật vậy, việc hạ mình để trở thành “Tấm bánh được bẻ ra” hay để trở thành “Máu Thịt để nuôi con người được” đã được Thánh Gioan diễn tả cách cụ thể rất đời thường qua hành vi phục vụ của một người tôi tớ, một kẻ nô lệ đó là “Chỗi dậy, cởi áo ra… quỳ xuống rửa chân…”. Chỉ khi chúng ta chấp nhận sự “từ bỏ đích thực”, từ bỏ cái tôi, từ bỏ sĩ diện, từ bỏ đặc quyền đặc lợi, từ bỏ ý riêng và định kiến… để sẵn sàng “quỳ xuống” trước chị em mình, sẵn sàng “để cái tôi nhỏ xuống và để Chúa trong chị em mình lớn lên” thì hãy “nói chuyện yêu thương”. Phêrô phải khó khăn biết bao để chấp nhận hành vi rửa chân nầy của Thầy mình: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Không chỉ Phêrô mà gần như bất cứ ai, nếu không nhận nghĩa cử này như luật nền tảng của đời sống Kitô hữu và nhất là của sứ vụ tông đồ (người linh mục, tu sĩ…) thì chắc chắn cũng không chấp nhận được: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được đồng bàn với Thầy” (Ga 13,7-8). Phêrô chỉ đầu hàng khi nhận được “tối hậu thư” đó, “tối hậu thư” mang tên tình yêu hạ mình phục vụ.
Sau cùng, có một nghĩa cử yêu thương thâm thúy khác trong “dấu chỉ Rửa Chân” mà chúng ta không thể bỏ qua: Đức Giêsu đã không khai trừ Giuđa khỏi hồng ân của tình yêu phục vụ. Đành rằng Giuđa là một người dơ bẩn: “Không phải tất cả các con đều sạch cả đâu”. Có thể việc rửa chân không mang lại lợi ích nào cho cá nhân Giuđa. Nhưng dù vậy, việc nhắc đến Giuđa trong việc rửa chân của Chúa Giêsu, làm nổi bậc lên một ý nghĩa sâu xa, đó là Đức Chúa Giêsu hạ mình ngay cả trước kẻ phản bội Ngài. Cử chỉ đó cho thấy Đức Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng. Ngài yêu cả kẻ phản bội Ngài, kẻ đã chà đạp trên tình yêu… Ngài không xua đuổi, Ngài không loại trừ… Ai dám chắc, trong các cộng đoàn nhà tu chúng ta không bao giờ có những ánh mắt đố kỵ, những phán đoán hẹp hòi, những kết án tùy tiện, thiên kiến đang thấp thoáng đâu đó từ nhà nguyện tới nhà cơm, từ nhà khách tới toilette…
Bài học “rửa chân” của Bữa Tiệc Ly xem ra cần thiết biết bao trong cuộc sống cộng đoàn đời tu của chúng ta hôm nay.
– Tác vụ Linh mục và tình yêu mục tử:
Phụng vụ Lễ Tiệc ly chiều nay còn nhắc nhở chúng ta đến một chiều kích hay mầu nhiệm quan trọng trong nhịp sống đức tin: tác vụ linh mục và tình yêu mục tử. Vâng, trong truyền thống lâu đời của Giáo Hội, bữa Tiệc Ly chiều Thứ Năm trước lễ Vượt Qua của Đức Kitô với các môn sinh vẫn được cho là thời điểm Ngài chính thức thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh khi long trọng tuyên bố: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đếnThầy”. Cho dù những lời trên quy chiếu trực tiếp đến việc “cử hành Thánh Thể” nhưng cũng gián tiếp nhắc đến tác vụ Phụng vụ-Bí tích của thừa tác vụ linh mục. Vâng, mỗi lần các ngài tập họp Dân Chúa và cử hành Phụng vụ, các Bí tích, chăm sóc bác ái đoàn chiên… chính là hành vi “Nhớ Đến Thầy” cách trọn hảo nhất. Chiều hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục trong Hội Thánh, cho ĐTC, cho các GM, trở thành những mục tử theo như lòng Chúa mong muốn, những “tấm bánh sẵn sàng được bẻ ra”, những tông đồ “sẵn sàng cởi áo và quỳ xuống rửa chân’ cho anh chị em mình.
Khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể chiều nay, chắc không gợi ý nào đẹp hơn hình ảnh của một cô bé Trung Quốc, theo chứng từ của Đức cố Giám mục Fulton J. Sheen: sẵn sàng chịu tử đạo vì tình yêu Thánh Thể với tấm bánh cuối cùng… Thế nhưng, để có được một tình yêu sâu thẳm dành cho Chúa Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể thì chúng ta luôn chọn Ngài như “đối tượng duy nhất” và sẵn sàng gạt sang một bên mọi chi tiết phụ tùy… như câu chuyện ngụ ngôn “chén thánh và gương mặt Đức Kitô” trong bức danh họa Bữa Tiệc Ly của danh họa Leonardo De Vinci…
Trương Đình Hiền